(vhds.baothanhhoa.vn) - Các nền văn minh đều bắt nguồn từ những dòng sông lớn. Ở nước ta, trong suốt tiến trình dựng nước và giữ nước của dân tộc, các con sông lớn trên đất Việt thường gắn với một nền văn hóa, đó là: Văn minh sông Hồng, văn minh sông Mã, văn minh sông Cả, văn minh tiền sử lưu vực sông Đồng Nai...

Sông Mã - dòng sông văn hóa

Các nền văn minh đều bắt nguồn từ những dòng sông lớn. Ở nước ta, trong suốt tiến trình dựng nước và giữ nước của dân tộc, các con sông lớn trên đất Việt thường gắn với một nền văn hóa, đó là: Văn minh sông Hồng, văn minh sông Mã, văn minh sông Cả, văn minh tiền sử lưu vực sông Đồng Nai...

Sông Mã - dòng sông văn hóaDòng Mã giang soi bóng núi Cửa Hà.

Sông Mã xứ Thanh từ ngàn đời nay mang lại cho con người nguồn phù sa, mở ra những bãi bồi bát ngát ruộng lúa, nương dâu tươi tốt và là nguồn nước ngọt quý giá cung cấp cho đời sống của con người. Còn biết bao nhiêu nguồn lợi khác như thủy sản, giao thông, nguồn cát xây dựng, sức nước làm ra ánh sáng điện, theo vòng quay cần mẫn của những con cọn, xe hàn... dọc theo sông suối đưa nước lên những nương cao, ruộng thấp cho mùa vàng no ấm hiện ra.

Sông Mã bắt nguồn từ dãy núi Bon Kho thuộc huyện Tuần Giáo (tỉnh Điện Biên), chảy theo hướng Tây Bắc - Đông Nam qua huyện Sông Mã (tỉnh Sơn La), các huyện Mường Ết, Xiềng Khọ, Sốp Bau (tỉnh Hủa Phăn - Lào), rồi đổ vào Thanh Hóa. Sông Mã xưa gọi là sông Lỗi Giang và còn có nhiều tên gọi khác như sông Tất Mã, Lễ, Định Minh, Nguyệt Thường, Hội Thường. Có nhiều cách giải thích khác nhau về tên gọi của sông Mã. Cách giải thích thứ nhất: Người Kinh ở vùng đồng bằng Thanh Hóa cho rằng “Mã” là một từ Hán - Việt có nghĩa là “Ngựa”. Sông có tên gọi “Mã” vì dòng nước chảy xiết, nhanh và mạnh như ngựa phi và “sông Mã” có nghĩa là “sông Ngựa”. Cách giải thích thứ hai: Sông Mã có nghĩa là “sông Mẹ”. Mạ trong tiếng Việt xưa vốn có nghĩa là “Mẹ”. Những con sông lớn ở vùng Đông Nam Á thường được gọi cái tên có nghĩa “Mẹ”. Ví dụ: tiếng Việt có sông Cái = sông Mẹ; tiếng Thái Lan có Menam = sông Mẹ; tiếng Mông Cổ có Meklong = sông Mẹ. Tên gọi sông Mã không ngoài quy luật đặt địa danh nêu trên, có nghĩa sông Mã = sông Mạ = sông Cái (nghĩa là “sông Mẹ”). Cách giải thích thứ ba: Các tộc người Lào và Phu Thay ở các huyện Mường Ết, Xiềng Khọ, Sốp Bau tỉnh Hủa Phăn (Lào) gọi tên của sông là “Nậm Má”. Trong ngôn ngữ của cư dân vùng này thì “Nậm” là “nước”, “Má” là “dâng cao”. “Nậm Má” có nghĩa là nước của dòng sông thường dâng cao.

Sông Mã là sông mẹ, lúc sinh thời nhà thơ, nhà nghiên cứu văn hóa Minh Hiệu đã nhận xét: Sông Mã có nguồn gốc và có âm là “mạ”. Mạ có âm và nghĩa là mẹ. Sông Mã - sông Mẹ. Nhà nghiên cứu văn hóa đã nói lên điều ấy với niềm cảm khái, xúc động, tự hào!

Từ nơi con sông chảy vào đất Việt - quê Thanh, sông Mã sản sinh và kết tụ nhiều trầm tích, trước hết phải kể đến văn hóa vật thể từng in dấu. Dòng Mã giang từ non cao về gặp bể soi bóng núi Đọ sừng sững uy nghi. Nơi đây từng xuất hiện những con người tối cổ sinh sống. Những hiện vật đồ đá cũ được tìm thấy và trưng bày tại Bảo tàng quốc gia và ở địa phương đã nói lên điều đó. Ngược nguồn sông Mã, đến với hang Con Moong (Thạch Thành), mái đá Điều (Bá Thước) và di tích Đa Bút (Vĩnh Lộc) nằm ở ven sông, bắt gặp các tầng văn hóa từ thời đại đồ đá cũ tới thời đại đồ đá là những minh chứng thuyết phục về những bước tiến hóa của con người tối cổ có mặt trên đất xứ Thanh. Xuôi dòng sông Mã, nơi một nhánh của dòng sông Mã đổ ra cửa biển Lạch Trường, bắt gặp văn hóa Hoa Lộc, dải đồng bằng ven biển ẩn chứa các hiện vật bằng đá, nông cụ sản xuất như cuốc đá, lưỡi cày, chì lưới... Đặc biệt, trong tầng đất cổ tìm được nhiều vỏ trấu lẫn trong đồ gốm, các nhà nông học xác định đó là giống lúa nước được trồng ở đây, cư dân Hoa Lộc thời bấy giờ vừa canh tác nông nghiệp, vừa đánh cá bằng bè mảng và vươn tới các hải đảo xa.

Trong những mái tranh có hình thuyền của cư dân Việt cổ trên đôi bờ Mã giang còn lưu lại trong lòng đất rất nhiều đồ gốm, chứng tỏ nghề làm đất nung, làm gốm cổ có từ rất sớm. Bát, đĩa, bình, vò... đã đạt đến độ tinh xảo mà những phát hiện khảo cổ ở cồn Chân Tiên phía Đông Nam núi Đọ, văn hóa Hoa Lộc, hang động Thẩm Hai, Thẩm Tiên huyện Thường Xuân... đã nói lên sự tài hoa và bàn tay khéo léo, khiếu thẩm mỹ của cư dân xứ Thanh thời cổ. Cho tới những năm đầu thế kỷ XX, sản phẩm sành, sứ, chum vại ở Lò Chum, Đông Hương, Đình Hương, gốm Giàng... ngược xuôi dòng Mã giang tỏa đi muôn nơi phục vụ sản xuất và đời sống.

Thời đại kim khí, xứ Thanh lại là một trong những trung tâm có nền văn minh phát triển rực rỡ. Tại làng cổ Đông Sơn (phường Hàm Rồng) ngay bên thềm sông Mã đã khai quật và tìm thấy nhiều hiện vật đồ đồng quý hiếm. Tại làng Giàng, giáp với làng Đông Sơn cũng phát hiện được 13 lưỡi cày bằng đồng có hình cánh bướm. Đặc biệt là việc phát hiện ra trống đồng gắn với tên làng cổ Đông Sơn, dư âm của trống đồng lan tỏa vượt khỏi biên giới quốc gia, âm hưởng của nó còn rung động và đánh thức nhân loại trên thế giới chú ý, hướng về và thừa nhận có một nền văn hóa Đông Sơn từ bên dòng sông Mã tỏa sáng.

Từ thượng nguồn non cao, rừng cây soi bóng, về đền trung du đồng bằng, sông Mã chảy giữa đôi bờ núi non trùng điệp. Những núi Rồng, núi Ngọc, núi Yên Ngựa, núi Voi, núi Cá... có từ thuở hồng hoang nằm nghe dòng sông thì thầm kể chuyện. Những núi đồi tượng hình những con vật linh thiêng với nhiều kỳ tích in bóng trên sông, khiến cho con sông càng đượm sắc màu lung linh huyền thoại. Nếu đi thuyền hoặc xuôi bè về với biển, dễ nhận ra đôi bờ sông Mã sừng sững con đê như những con rồng đất hiền lành phủ phục, che chở cho cuộc sống của dân làng.

Mã giang - dòng sông là chứng nhân lịch sử, trên đôi bờ sông ấy là những xóm thôn trù phú, đất quý hương của các vương triều phong kiến Việt Nam phát triển rực rỡ. Làng Giàng - thành xưa, trấn cũ của Dương Đình Nghệ; Kẻ Sập - quê hương Lê Hoàn, làng Cham quê Lê Lợi, Sóc Sơn quê chúa Trịnh, Gia Miêu ngoại trang sinh ra chúa Nguyễn... Dòng sông ăm ắp phù sa làm nên đồng bằng Sông Mã phì nhiêu, rộng lớn thứ ba đất nước, là hậu phương cung cấp sức người, sức của cho quốc gia Đại Việt đánh thắng quân thù, hậu phương vững chắc cho cả hôm qua và mai sau. Trên đôi bờ Mã giang in bóng bao đền đài, thành quách, lăng tẩm, miếu mạo, đình chùa, bia, tượng... tiêu biểu như Thành Nhà Hồ, điện miếu Lam Kinh, kinh đô Vạn Lại - Yên Trường... đó là những thành quả lao động và sức sáng tạo phi thường của những người dân chân lấm, tay bùn tạc dựng nên.

Sông Mã xứ Thanh chảy xuyên suốt ngàn năm, ôm ấp những bản làng của cộng đồng người Việt, Mường, Thái, Thổ, Dao, Mông, Khơ Mú cùng sinh sống, dòng sông ấy chở nặng phù sa di sản văn hóa phi vật thể của đồng bào các dân tộc anh em cư trú trên đôi bờ sông xanh ấy.

Đồi Lai Ly, Lai Láng soi hình xuống dòng sông Mã, nơi có cây Chu Đá, lá Chu Đồng nở ra bông Thau, quả Thiếc... ngân lên lời mo “Đẻ đất, đẻ nước” với hơn hai mươi nghìn câu thơ, phản ánh tư duy và nhận thức của người Việt - Mường cổ về vũ trụ, về đời người mà sự đồ sộ của nó không kém gì những trường ca nổi tiếng của thế giới như I-li-át và Ô-đi-xê.

Từ mạch nguồn dòng sông tràn đầy sức sống đã tuôn chảy các truyền thuyết, truyện thơ như: Khăm Panh (Thái), Nàng Nga - Hai Mối (Mường), sự tích con Rùa (Dao), những truyện cổ tích, thần thoại của người Kinh như núi Quảy sông Cày, sự tích núi Rồng, núi Ngọc, Hàm Rồng... đều gắn với dòng sông huyền thoại và cổ tích này. Cùng với truyền thuyết, truyện cổ tích, xứ Thanh còn có vốn tục ngữ, ca dao, dân ca phong phú luôn ăm ắp dâng đầy như nước Mã giang. Đến làng quê nào ở đôi bờ dòng sông yêu dấu ấy cũng đều bắt gặp những câu phương ngôn, tục ngữ, ca dao đúc rút từ cuộc sống mang đầy tính triết lý sâu sắc mà đậm sắc thái sông Mã - xứ Thanh: “Mường Ca Da ăn cá ba sông/ Đi ra cỡi thuyền bè thay ngựa/ Hái củi chẳng cần dao/ Từ non cao củi theo sông mang tới”...

Sông Mã không chỉ chảy qua riêng địa phận Thanh Hóa, nhưng chỉ có ở miền quê này mới sản sinh ra điệu hò sông Mã với “Câu hò ướt đẫm mồ hôi/ Bao đời vẫn đẩy trăng trôi với thuyền”. Hò gắn liền với dân ca sông Mã. Các khúc thức hò: rời bến, hò xuôi, hò ngược, hò mắc cạn, hò đường trường, hò cập bến... Hò và dân ca sông Mã là nét đặc thù của vùng sông nước mà từ lời ca đến điệu nhạc đều thể hiện những nét đặc trưng nhất trong tính cách của người xứ Thanh như sách “Lịch triều hiến chương loại chí” đã nhận xét: Con người thì "phóng khoáng và cương nghị”, “chuộng điều nghĩa”. Trên dòng sông yêu dấu của quê Thanh, ở đâu có làng xóm, đồng bãi thì ở đó có tiếng hát, tiếng xường, lời khặp hồn nhiên và giản dị, dòng Mã giang chở cả đôi bờ hò hát tâm tình.

Sông Mã lung linh soi bóng những lễ hội, những trò diễn với nhịp trống rung và rực rỡ sắc màu của trò Xuân Phả, trò Viên Khê, chèo thờ, múa quạt, múa đèn... tưng bừng lễ hội đền Đồng Cổ, Trò Chiềng, Chợ Chuộng, đền Sòng, Cô Bơ, đền Độc Cước... Nơi ngọn nguồn của dòng Mã Giang, đồng bào Thái, đồng bào Mường với những trò diễn múa Cá Sa, Sằng Khàn, Kin chiêng boóc mạy, múa Pồn Pôông chung quanh cây hoa tượng trưng cho trời và đất.

Trên dòng sông vẫn còn vang vọng mãi những dư âm của các loại nhạc cụ như: cồng, chiêng, khua luống, khèn bè, sáo ôi, kèn lá... Những âm thanh náo nức hòa với dòng sông chảy xiết, lắm thác nhiều ghềnh đá cheo leo rồi nhẹ nhàng đổ ra biển cả hòa âm với tiếng sáo diều, tiếng đàn bầu tha thiết, ân tình.

Sông Mã chảy qua những lớp trầm tích của văn hóa xứ Thanh, chảy qua làng quê văn hiến có tự bao đời, đến đâu cũng thấy: “Trai mĩ miều bút nghiên, đèn sách/ Gái thanh tân chăm mạch cửi canh/ Trai thời chiếm bảng đề danh/ Gái thời dệt vải vừa lanh vừa tài”...

Sông Mã - dòng sông văn hóa chảy tự ngàn đời nay không khi nào vơi nghỉ, chính Mã giang “... sông lớn lượn quanh... núi non rất đẹp... vẻ non sông tươi tốt chung đúc nên sinh ra nhiều bậc vương tướng, khí tinh hoa tụ họp lại, nảy ra nhiều văn nho”. Núi sông thiêng “thì người tài giỏi, nên nảy ra những bậc phi thường. Vượng khí chung đúc nên đứng đầu cả nước” như nhà sử học Phan Huy Chú đã từng nhận xét. Dòng sông ấy đã hun đúc nên những người con xuất chúng như Bà Triệu, Lê Hoàn, Lê Lợi, Lê Phụng Hiểu, Lê Văn Hưu, Đào Duy Từ... làm rạng danh cho xứ Thanh yêu dấu.

Trong những năm chiến tranh chống thực dân Pháp và đế quốc Mỹ, dòng sông lịch sử ấy lại ghi thêm những nét son chói lọi về tinh thần quật cường, anh dũng. Ngược dòng Mã giang, quân lương, đạn dược đã ngược non cao phục vụ cho chiến dịch Thượng Lào và chiến trường Điện Biên toàn thắng. Sông Mã và cây cầu thép Hàm Rồng đã vùi thây quân cướp nước. Những tia sáng trống đồng từ làng cổ Đông Sơn của tên lửa, pháo cao xạ đồi C4, súng trường của nữ dân quân làng Nam Ngạn, các tay súng lão dân quân Hoằng Trường... đã khiến giặc lái Mỹ rụng rời, để mai sau còn vang mãi khúc ca “đây Thanh Hóa anh hùng và dòng sông Mã mến yêu”.

Chiến tranh đi qua, xây dựng đất nước, quê hương ngày càng “đàng hoàng hơn, to đẹp hơn”, dưới sự lãnh đạo của Đảng, sự đồng thuận của Nhân dân, người quê Thanh lại làm nên những kỳ tích mới, từng ngày, từng giờ đem lại sức sống mới, diện mạo lớn trên dòng sông Mẹ. Những khu công nghiệp, khu đô thị hiện đại được mọc lên, hệ thống đường cao tốc và mạng lới giao thông đồng bộ mở ra vận hội mới để phát triển kinh tế - xã hội. Cầu Hoàng Long, cầu Nguyệt Viên soi bóng cùng cầu Hàm Rồng chiến thắng và núi Ngọc, núi Rồng đang cất cánh bay vào thời kỳ CNH, HĐH đất nước, quê hương.

Tự hào sông Mã xứ Thanh, dòng sông văn hóa, hòa với trăm sông trên đất Việt, góp phần làm nên biển lớn văn hóa dân tộc Việt Nam.

Bài và ảnh: Hoàng Minh Tường (CTV)



 {name} - {time}

 Trả lời

{body}
 {name} - {time}
{body}

0 bình luận

Ý kiến của bạn sẽ được biên tập trước khi đăng. Vui lòng gõ tiếng Việt có dấu
Chia sẻ thông tin với bạn bè!
Tắt [X]