(vhds.baothanhhoa.vn) - Cũng giống như đồng bào các dân tộc khác, người Dao ở Thanh Hóa đón tết cổ truyền theo lịch âm. Đó là khoảng thời gian cả nhà nghỉ ngơi, sum họp sau một năm lao động sản xuất và báo cáo tổ tiên mọi thành quả, chuyện vui, chuyện buồn trong năm.

Tết của người Dao

Cũng giống như đồng bào các dân tộc khác, người Dao ở Thanh Hóa đón tết cổ truyền theo lịch âm. Đó là khoảng thời gian cả nhà nghỉ ngơi, sum họp sau một năm lao động sản xuất và báo cáo tổ tiên mọi thành quả, chuyện vui, chuyện buồn trong năm.

Tết của người DaoÔng Triệu Hùng Cường ở thôn Thạch An, xã Cẩm Liên (Cẩm Thủy), “nghệ nhân” duy nhất ở xứ Thanh lưu giữ “tâm hồn” người Dao bằng nét vẽ.

Tết với người Dao vui nhất là mổ lợn, làm bánh dày nhân hạt bí, hoặc nhân hạt kê để cúng tết năm cùng, ông Triệu Hùng Cường, ở thôn Thạch An, xã Cẩm Liên (Cẩm Thủy) nói với chúng tôi. Tết năm cùng của người Dao gần đây bắt đầu sớm, từ tháng 11 âm lịch, bởi hầu hết mọi người đã đi làm ăn xa, hoặc làm cho các công ty trong tỉnh, nên bố mẹ thường tập trung làm tết vào các ngày thứ 7, chủ nhật để con cái về tụ họp. Cũng bởi một lẽ lễ cúng tết phải là thầy cúng hay người lớn tuổi có uy tín trong cộng đồng, nên không thể cúng tết cùng thời điểm. Vui nhất với mọi người là tục mổ lợn. Gia đình nào có điều kiện thì mổ từ 2 đến 3 con lợn, hoặc ít nhất cũng phải một con lợn để làm 2 đến 3 mâm cơm cúng tết. Lợn sau khi mổ làm sạch sẽ được cắt làm 3 phần: đầu, 2 đùi trước và 2 đùi sau, cùng 6 chiếc bánh dày, 3 chén nước, 1 chén rượu và 1 bát hương, tiền giấy (giấy bản) được đặt lên bàn cúng.

Trước sự có mặt đông đủ của mọi thành viên trong gia đình, thầy cúng Bàn Văn Phòng ở xã Cẩm Liên trong trang phục chỉnh tề, đứng trước mâm cỗ tết thịnh soạn, gồm lợn, bánh trái, rượu, tiền vàng… thay mặt gia chủ làm lễ giải hạn để xua đi tất cả những điều rủi ro, không may mắn trong năm cũ, đồng thời mời ông bà, tổ tiên và những người đã khuất về ăn tết, cầu xin sức khỏe, may mắn và sự bình an cho tất cả mọi người, xin cho mưa thuận gió hòa, mùa màng tươi tốt, trâu bò, lợn gà khỏe mạnh.

Trong lễ cúng của người Dao ở tết năm cùng, hay lễ cấp sắc, lễ hoàn nguyện, tết nhảy, lễ tạ mả (lễ tang)... không thể thiếu tranh thờ. Tranh không phải để treo trang trí trong nhà, chỉ khi tiến hành nghi lễ, họ mới treo tranh thờ lên, thực hiện lễ xong lại cuộn tranh cất đi. Chỉ vào bên mép bộ tranh đang vẽ, ông Triệu Hùng Cường (thôn Thạch An, xã Cẩm Liên) giới thiệu: 15 năm, đây là bộ tranh thứ 97 tôi đã vẽ. Trung bình khoảng gần 2 tháng tôi làm được một bộ. Riêng bộ Tam Thanh đại đường gồm 12 bức tranh to vẽ đủ 120 binh lính và 4 bức tranh nhỏ vẽ Tứ phủ công tào phải mất 4 tháng mới xong. Tranh thờ của người Dao được lưu giữ qua nhiều đời, nên phải tỉ mỉ chi tiết từ việc chọn loại giấy, đến màu nước, từng nét vẽ… Tranh thờ cũng là một mỹ tục để nhắc nhở con người lịch sử của người Dao từ thuở sơ khai hình thành vũ trụ, mối quan hệ giữa vạn vật, trong đó có con người phải sống đoàn kết, thương yêu, giúp đỡ và luôn có ý thức vươn lên, khắc phục khó khăn để làm chủ cuộc sống.

Sau khi kết thúc lễ cúng tết, đồ lễ được gia chủ dọn xuống, đem chế biến lại mời anh em họ hàng, người thân đến ăn tết cùng gia đình. Cứ thế, cả bản đón tết năm cùng theo từng nhà và quay vòng cho bằng hết các hộ gia đình trong bản.

Ngày 30 tết, các thành viên trong gia đình quây quần bên nhau, chuẩn bị cho đêm giao thừa thật ấm cúng. Từ người lớn đến trẻ nhỏ tự chọn cho mình những bộ trang phục Dao đẹp nhất để đón giao thừa.

Gắp vài viên than còn đỏ hồng, ngắt thêm một miếng lá thơm để lên bát hương thờ tổ tiên, căn nhà của anh Triệu Văn Pú ở bản Hạ Sơn, xã Pù Nhi (Mường Lát) tràn ngập không khí tết. Bên ngoài rộn ràng tiếng cười nói làm bánh của cô con gái, còn chị Triệu Thị Lĩu, vợ anh thì lúi húi nhen lửa để chuẩn bị nồi nước tắm cho cả gia đình. Những ngày cuối năm nhà chị từ người lớn tới trẻ con cắt tóc gọn gàng, tắm lá thơm mong cái ốm, cái vất vả, cái đen đủi năm cũ trôi theo nồi nước mà xuống suối, xuống khe.

Đồng bào Dao ở Thanh Hóa có hai nhóm chính là Dao quần chẹt và Dao tiền (Dao đỏ) với dân số trên 7.000 người, sống ở các huyện Cẩm Thủy, Ngọc Lặc và Mường Lát. Người Dao Thanh Hóa rất tự hào vì ông bà tổ tiên để lại tiếng nói, chữ viết riêng, có trang phục và tập quán, tín ngưỡng.

So với người Dao quần chẹt ở Cẩm Thủy, Ngọc Lặc, người Dao đỏ ở Quang Chiểu, Pù Nhi (Mường Lát) đời sống khó khăn hơn, nên cái tết cũng được giản tiện đi nhiều. Họ quan trọng nhất là sự thành tâm. Từ cả tháng trước, gia đình ông Triệu Văn Lĩu, trưởng bản Hạ Sơn, xã Pù Nhi đã lên rừng lấy củi. Ông chuẩn bị 3 đoạn củi rắn chắc để đun trong 3 ngày tết, để lửa cứ âm ỉ cháy sưởi ấm cả nhà. “Bếp lửa vừa để giữ ấm trong những ngày giá rét, vừa mang ý nghĩa tượng trưng cho một gia đình hạnh phúc, hòa thuận êm ấm, cuộc sống no đủ, sung túc trong cả năm”, ông cho biết.

Sáng ngày mồng một tết là một ngày đặc biệt nhất trong năm. Người Dao ở Pù Nhi quan niệm: một năm mới được khởi đầu từ ngày mới, vì vậy họ gọi con cháu dậy từ rất sớm để đi hái lộc đầu xuân. Ngày đầu tiên của một năm mà làm từ tờ mờ sáng có nghĩa là một năm siêng năng chăm chỉ với người đó. “Sáng sớm mồng một tết tất cả các thành viên trong gia đình đi ra cửa chính, về hướng Đông đến một gốc cây để hái lộc đầu xuân, cầu mong một năm mới vạn sự như ý, mọi thành viên được bình an” - anh Phan Văn San, bí thư kiêm trưởng bản Pù Quăn (Pù Nhi) nói với chúng tôi. Xông nhà đầu năm cũng là nét văn hóa có từ bao đời nay, vẫn được người Dao duy trì. Vì vậy, người được gia đình mời đến xông nhà cũng phải là người được chọn lựa kỹ như: tuổi tác, lối sống… phải phù hợp với gia đình, gia đình nào chưa có người đến xông nhà thì tuyệt đối không ai được tự tiện đến chơi.

Trong những ngày tết, sau khi đi chúc năm mới những người trong họ hàng, già trẻ, trai gái lại nô nức kéo nhau về nơi sinh hoạt cộng đồng, thường là bãi đất rộng hoặc cũng có thể là nhà văn hóa thôn bản. Tại đây, người lớn tuổi cùng nhau ôn lại truyền thống và những phong tục, bản sắc văn hóa của dân tộc mình, lớp thanh niên thì chia thành tốp ca hát, nhảy múa, chơi các trò chơi dân gian. Cũng từ chính những cuộc vui này mà các chàng trai, cô gái Dao gặp gỡ, tìm hiểu rồi ướm lời nhau qua những lời hát tỏ tình, giao duyên. Nhiều đôi đã nên nghĩa vợ chồng cũng từ những buổi đi chơi xuân như thế.

Ông Phùng Quang Du ở bản người Dao Hạ Sơn (nay là khu phố Hạ Sơn, thị trấn Ngọc Lặc) luôn trăn trở đến việc truyền dạy lại chữ Nôm Dao cho lớp trẻ. Những ngày tết này, bọn nhỏ không phải học thì cũng là khoảng thời gian ông có thể trò chuyện với mấy đứa cháu trong nhà thêm về cái hay, cái đẹp của văn hóa, tập quán và đặc biệt là sự quý giá của ngôn ngữ dân tộc mình. Ông Du nói rằng, kho tàng thơ ca, truyện cổ, văn học, nét đẹp tín ngưỡng... của người Dao là những “báu vật” và nhiệm vụ của ông là truyền dạy để con cháu không quên tiếng và chữ dân tộc mình. “Giáo án” của ông ngoài bộ sách chữ Nôm Dao gồm 9 quyển với khoảng 1.400 chữ thì sự nhiệt huyết say mê mà ông trao truyền còn giá trị hơn gấp nhiều lần.

Tết sum họp. Tết là chuyến du hành để cả gia đình bên nhau, nhắc lại truyền thống, nhìn nhau trong sắc đỏ của lửa, dành cho nhau những lời khen, ngồi kề bên ngắm nghía bộ trang phục nhuộm chàm. Ở ngoài kia, những bản làng người Dao rộn rã tiếng cười, tiếng gọi bạn đi chơi tết của các chàng trai, cô gái; các bà, các mẹ liêng biêng với làn điệu páo dung say đắm lòng người.

Bài và ảnh: BẢO ANH



 {name} - {time}

 Trả lời

{body}
 {name} - {time}
{body}

0 bình luận

Ý kiến của bạn sẽ được biên tập trước khi đăng. Vui lòng gõ tiếng Việt có dấu
Chia sẻ thông tin với bạn bè!
Tắt [X]