(vhds.baothanhhoa.vn) - Tết Giáp Thìn 2024 năm nay, phường Hàm Rồng (TP Thanh Hóa) tiếp tục tổ chức chương trình “Tết xưa làng cổ” với nhiều hoạt động độc đáo, thú vị. Chương trình không những mang lại ấn tượng cho du khách mà còn quảng bá hình ảnh và thu hút đông đảo khách du lịch đến với TP Thanh Hóa.

Tết xưa làng cổ

Tết Giáp Thìn 2024 năm nay, phường Hàm Rồng (TP Thanh Hóa) tiếp tục tổ chức chương trình “Tết xưa làng cổ” với nhiều hoạt động độc đáo, thú vị. Chương trình không những mang lại ấn tượng cho du khách mà còn quảng bá hình ảnh và thu hút đông đảo khách du lịch đến với TP Thanh Hóa.

Tết xưa làng cổ“Tết xưa làng cổ” năm Quý Mão thu hút đông đảo du khách đến tham quan, trải nghiệm.

Theo đó, “Tết xưa làng cổ” sẽ được tổ chức từ ngày 4/2 - 15/2 (tức từ ngày 25 tháng Chạp năm Quý Mão đến ngày 6 tháng Giêng năm Giáp Thìn), tại làng cổ Đông Sơn, phường Hàm Rồng. Chương trình được tổ chức với nhiều hoạt động đặc sắc, hấp dẫn như: tổ chức ẩm thực; trưng bày, giới thiệu, bán sản phẩm đặc sản, nông sản và các sản phẩm OCOP TP Thanh Hóa tại khu vực “Chợ quê” (bên cạnh chùa Phạm Thông). Xây dựng tiểu cảnh, hình thành các điểm chụp ảnh mang đậm hương vị tết xưa tại làng cổ. Tổ chức trò chơi, trò diễn dân gian như cà kheo, chọi gà, bịt mắt đập nồi, bịt mắt bắt dê, kéo co, chơi cờ tướng, cờ người, đá cầu... Đặc biệt, năm nay, sẽ tổ chức trải nghiệm văn hóa tết cổ truyền tại khuôn viên ngôi nhà cổ hơn 200 tuổi của gia đình ông Lương Trọng Duệ (cho chữ, viết thư pháp...), dự kiến diễn ra từ ngày 11/2 - 15/2/2024 (tức ngày mùng 2 đến 6 tháng Giêng năm Giáp Thìn).

Theo các du khách đã từng trải nghiệm “Tết xưa làng cổ” thì điều để lại ấn tượng sâu sắc chính là cảm giác độc đáo, thú vị khi được đi chợ ở một trong những ngôi làng cổ đẹp nhất Việt Nam. Đúng như tên gọi chương trình, các hoạt động đều mang đậm phong vị tết xưa, các gian hàng được bày bán và trang trí theo hình thức dân gian, trong đó ưu tiên các sản phẩm tết, sản phẩm do chính người dân Đông Sơn làm ra. Nói về cảm giác đi chợ tết làng cổ, chị Nguyễn Thị Yến cho biết: “Đến đây, tôi được bước chân trên những con đường gạch chỉ đỏ, vừa nhỏ lại quanh co, những bức tường rêu phong thời gian. Hoạt động mua bán tuy có sôi nổi nhưng không xô bồ, khiến chúng tôi cảm nhận rõ sự yên bình dưới cây đa, giếng nước, mái đình”. Chính trải nghiệm thú vị đó khiến chị Yến sẽ quay trở lại “Tết xưa làng cổ” lần này và rủ thêm nhiều bạn bè cùng tham gia.

Tết xưa làng cổCon đường dẫn vào làng cổ Đông Sơn.

Tham gia chương trình, du khách được tìm hiểu về các phong tục truyền thống trong dịp tết cổ truyền như lễ đón giao thừa, mừng tuổi, thả cá chép. Giới thiệu về ẩm thực tết, trưng bày mâm cỗ ngày tết của người dân làng cổ Đông Sơn, trải nghiệm các hoạt động vui chơi, giải trí. Ngoài các hoạt động trên, du khách còn có dịp tham quan, tìm hiểu về lịch sử làng cổ Đông Sơn, những kiến trúc độc đáo tại các căn nhà cổ còn tồn tại tại làng, thăm các di tích văn hóa lịch sử như: đền Đức Thánh Cả, chùa Phạm Thông, miếu Nhị, núi Rồng - động Tiên, di chỉ khảo cổ học Đông Sơn... Ngoài những trải nghiệm, du khách sẽ có nhiều bức hình đẹp bên những điểm check-in được ban tổ chức chuẩn bị chu đáo, mang đậm phong vị tết Việt và của làng cổ Đông Sơn.

Không những du khách mà người dân làng cổ cũng rất chào đón chương trình, bác Nguyễn Đình Nam, người dân làng cổ vui vẻ nói: “Chào đón chương trình, người dân trong làng thực hiện dọn dẹp vệ sinh trong và ngoài nhà, luôn giữ gìn đường làng, ngõ xóm sạch đẹp. Trang trí không gian tết bằng những chậu hoa, cành đào, câu đối... Bà con trong làng và du khách diện những bộ áo dài xưa đi mua sắm, chụp ảnh ngày tết... Mang lại cho làng một không khí tết xưa thật vui, ấm áp nhưng luôn bình yên”.

Tết xưa làng cổTất cả các khâu chuẩn bị đã sẵn sàng cho chương trình “Tết xưa, làng cổ” năm 2024.

Bà Lê Thị Thanh, Chủ tịch UBND phường Hàm Rồng (TP Thanh Hóa), cho biết: “Với ý nghĩa hướng về các giá trị văn hóa truyền thống, chương trình tạo sức hấp dẫn lớn đối với du khách tham dự. Đặc biệt, khách du lịch tham gia trải nghiệm các phong tục tết tỏ ra hứng khởi, thích thú bởi họ được hiểu hơn về phong tục, tập quán, bản sắc của vùng quê Bắc bộ xưa vẫn còn được lưu giữ tại làng cổ Đông Sơn. Theo đó, các hoạt động trong chương trình được xây dựng chi tiết, cẩn thận, đảm bảo tính thẩm mỹ, có điểm nhấn. Các gian hàng được bày bán tại chương trình đã được kiểm duyệt cẩn thận, đảm bảo các yêu cầu do ban tổ chức đặt ra về vấn đề an toàn vệ sinh thực phẩm, mỹ thuật... Trong đó, ban tổ chức khuyến khích các sản phẩm thủ công mỹ nghệ của người dân tự làm, ưu tiên các sản phẩm phục vụ Tết Nguyên đán. Công tác trang trí cổng làng, tổ chức các không gian, điểm check-in, phường Hàm Rồng sẽ cố gắng xong trước ngày khai hội làng”.

Với những hoạt động thú vị, “Tết xưa làng cổ” đã và đang trở thành một sản phẩm du lịch đặc sắc, tạo sức hút với du khách. Hoạt động này cùng với chương trình “Điểm hẹn cuối tuần”, phiên chợ “Điểm hẹn mùa xuân”... sẽ góp phần đa dạng hóa sản phẩm du lịch, tăng trải nghiệm và tạo sức hút để du khách đến với TP Thanh Hóa.

Bài và ảnh: Phan Vân



 {name} - {time}

 Trả lời

{body}
 {name} - {time}
{body}

0 bình luận

Ý kiến của bạn sẽ được biên tập trước khi đăng. Vui lòng gõ tiếng Việt có dấu
Chia sẻ thông tin với bạn bè!
Tắt [X]