(vhds.baothanhhoa.vn) - Sử gia Ngô Sĩ Liên trong “Đại Việt sử ký toàn thư” từng bàn rằng: Tô Hiến Thành (...) hết sức trung thành, khéo xử trí khi biến cố, như cột đá giữa dòng, tuy bị sóng gió lay động mà vẫn đứng vững không chuyển, khiến trên dưới thuận, không thẹn với phong độ của đại thần đời xưa”. Sau này, “Lịch triều hiến chương loại chí” sử gia Phan Huy Chú liệt ông vào “bậc phò tá hiền tài có công lao lớn”... Tất cả những lời ngợi ca ấy để khẳng định Tô Hiến Thành, người có công rất lớn trong việc xây dựng và phát triển vương triều Lý.

Thái úy Tô Hiến Thành: Một đời hiếu trung

Sử gia Ngô Sĩ Liên trong “Đại Việt sử ký toàn thư” từng bàn rằng: Tô Hiến Thành (...) hết sức trung thành, khéo xử trí khi biến cố, như cột đá giữa dòng, tuy bị sóng gió lay động mà vẫn đứng vững không chuyển, khiến trên dưới thuận, không thẹn với phong độ của đại thần đời xưa”. Sau này, “Lịch triều hiến chương loại chí” sử gia Phan Huy Chú liệt ông vào “bậc phò tá hiền tài có công lao lớn”... Tất cả những lời ngợi ca ấy để khẳng định Tô Hiến Thành, người có công rất lớn trong việc xây dựng và phát triển vương triều Lý.

Thái úy Tô Hiến Thành: Một đời hiếu trungNăm 2021, sau khi được trùng tu, đền thờ Tô Hiến Thành ở xã Hà Giang (Hà Trung) khang trang hơn, đáp ứng nhu cầu tín ngưỡng của Nhân dân.

Từ vị tướng tài

Tô Hiến Thành (1102-1179) sinh ra ở làng Cẩm Đới (nay là làng Chánh Lộc), xã Hà Giang, huyện Hà Trung. Năm 18 tuổi ông đỗ đầu bảng khoa trạng nguyên thời Vua Lý Nhân tông. Và làm quan đến chức tham tri chính sự thời Lý Thần tông. Năm 1140, khi kẻ loạn nghịch Thân Lợi, nguyên là một thầy bói, tự nhận là con trai của Vua Lý Nhân tông “tụ tập những kẻ vong mạng, chiêu mộ thổ binh”, khiến “người các khe động dọc biên giới khiếp sợ, không dám chống lại” (Đại Việt sử ký toàn thư). Lúc đó, Vua Lý Anh tông (1136-1175), vị vua thứ sáu của nhà Lý, lên ngôi khi vừa được 3 tuổi (năm 1138), mọi việc triều chính đều dựa vào Cung điện lệnh chi nội ngoại sư Đỗ Anh Vũ. Và ông chính là người đã đánh tan quân Thân Lợi, buộc y phải bỏ lính chạy lấy thân. Lúc này, Tô Hiến Thành mới là Thái phó đã phụng mệnh vua đi bắt Thân Lợi rồi cho đóng cũi chở về kinh thành Thăng Long. Sách “Khâm Định Việt sử Thông giám cương mục” có ghi: “Nhà vua ngự điện Kim Khánh, tra hỏi, đã đem chém 20 kẻ đồng mưu và tha cho những người bị ức hiếp mà phải theo. Đến đây, Tô Hiến Thành nói với nhà vua rằng: “Đảng Thân Lợi nổi loạn, giết nhiều quan quân, bệ hạ chỉ hành hình có 20 người, thực có lòng nhân đức. Nhưng, xưa kia, vua Nghiêu, vua Thuấn truyền nối trong vòng hơn trăm năm, thế mà số người bị tội chết và tội lưu chỉ có 4 tên đầu sỏ gian ác; ngày nay phát lưu đến hàng hơn trăm người, có phải là bản tâm bệ hạ đâu? Thần xin tha tội cho chúng, để mọi người được thấm nhuần ơn vua, thì lòng nhân đức của bệ hạ không khác gì Nghiêu Thuấn”… Nhà vua y theo lời, xuống chiếu…”.

Cũng có thể vì cách hành xử ấy mà Tô Hiến Thành luôn được vua tin tưởng và cho đi phò tá trong các chiến dịch dẹp loạn, mở mang bờ cõi và được phong làm Thái úy.

Ngoài ra, công lao của ông còn thể hiện tinh thần dân tộc rất lớn. “Việt sử thông giám cương mục” còn ghi: Hồi đầu đời Lý, Văn miếu thờ chung cả Chu Công và Khổng Tử. Đến năm 1156, Tô Hiến Thành xin lập miếu riêng để thờ Khổng Tử. Nhà vua y theo lời: lập miếu Khổng Tử ở phía Nam thành Thăng Long. Việc lập riêng Văn Miếu thờ riêng Khổng Tử, không thờ chung với Chu Công Đán - công thần phò tá Vũ Vương nhà Chu đã thể hiện được tinh thần tự cường của dân tộc. Từ đây Nho học dần được mở mang, nhân tài có nơi thể hiện, nền văn hiến Đại Việt được xây dựng và phát triển.

Những đóng góp của Tô Hiến Thành dưới thời Vua Lý Anh tông là không nhỏ, đến mức triều Tống năm 1164 cũng buộc phải công nhận Đại Việt ta là một quốc gia…

Đến một bậc trung thần nghĩa sĩ

Sự trung quân là lý do để Vua Lý Anh tông gia phong tước vương cho Tô Hiến Thành và đưa vào chức Nhập nội kiểm hiệu Thái phó Bình chương quân quốc trọng sự, tức là chức Tể tướng, quan đứng đầu triều. Ở trên cương vị này, tài năng và đức độ của Tô Hiến Thành lại càng tỏa sáng.

Tháng 4-1175, Vua Lý Anh tông trở bệnh. Tô Hiến Thành được tin cậy giao giúp Thái tử Long Cán (lúc này mới ba tuổi) tạm quyền coi giữ chính sự. Tháng 7-1175, nhà vua qua đời, để lại di chiếu cho Tô Hiến Thành làm Phụ chính. Chiêu Linh Thái hậu, chính thất của Vua Lý Anh tông, tìm đủ mọi cách để con trai là Lý Long Sưởng được lên ngôi, kể cả việc đem một mâm vàng tới đưa cho vợ Tô Hiến Thành là Lữ thị để thuyết phục ông không theo di chiếu. Ông khảng khái nói: “Làm điều bất nghĩa mà được giàu sang, có lẽ nào hạng trung thần nghĩa sĩ lại vui lòng mà làm được, huống chi lời tiên đế hãy còn văng vẳng bên tai!”… Chính nhờ thái độ nhất quán và trung nghĩa của Tể tướng Tô Hiến Thành mà Thái tử Long Cán mới lên ngôi lấy hiệu là Lý Cao tông…

Tấm lòng trung hiếu của Tô Hiến Thành tới phút lâm chung vẫn không thay đổi. “Đại Việt sử ký toàn thư” có chép chuyện: “Khi Tô Hiến Thành nằm bệnh, Tham tri chính sự Vũ Tán Đường ngày đêm hầu bên cạnh. Gián nghị Đại phu Trần Trung Tá vì bận việc không lúc nào rỗi để tới thăm hỏi. Đến khi ông bệnh nặng, Thái hậu đến thăm, hỏi rằng, nếu có mệnh hệ nào thì ai là người có thể thay ông?”. Hiến Thành trả lời: “Trung Tá có thể thay được”. Thái hậu nói: “Tán Đường hàng ngày hầu thuốc thang, sao không thấy ông nhắc đến?”. Hiến Thành trả lời: “Vì Thái hậu hỏi người nào có thể thay thần nên thần nói đến Trung Tá, còn như hỏi người hầu dưỡng thì phi Tán Đường còn ai nữa?”.

Hậu thế ngày nay khi tìm hiểu cuộc đời và tấm lòng Thái úy Tô Hiến Thành đã có thể lý giải tại sao ông lại được các nhà sử học từ Ngô Sĩ Liên, Phan Huy Chú, Ngô Thì Sĩ... đánh giá rất cao trong sử sách. Thậm chí, khi Tô Hiến Thành mất, Vua Lý Cao tông đã giảm ăn 3 ngày, nghỉ thiết triều 6 ngày để tỏ lòng thương tiếc.

Sau khi mất, Tô Hiến Thành được thờ ở rất nhiều nơi tại miền Bắc, đặc biệt các tỉnh duyên hải ven biển, vì ông không chỉ giỏi cầm quân dẹp giặc, mà còn giỏi quản lý, thống lĩnh quân sĩ, giúp dân khẩn hoang. Riêng ở Thanh Hóa, có rất nhiều đền thờ Thái úy Tô Hiến Thành.

Thần tích đền thờ Tô Hiến Thành hay còn gọi là “Đệ nhất chính Cẩm Đới” ở Cẩm Đới, xã Hà Giang (Hà Trung) chép cha Tô Hiến Thành là Tô Hiến Tín thi đỗ khoa Hiền lương, được bổ làm quan ở huyện Tống Sơn, phủ Hà Trung, Ái Châu (tức Thanh Hóa ngày nay), vợ là Lê Thị Vi Tố. Tại đây bà đã sinh ra Tô Hiến Thành - một cậu bé có diện mạo khôi ngô, dáng điệu phong nhã, thân hình chắc khỏe giống như tiên đồng trong mộng.

Khi còn làm quan, nhiều năm liền 2 huyện Tống Sơn và Nga Sơn mất mùa, ông tâu lên vua xin cho 4 tổng thuộc huyện Tống Sơn và 50 làng thuộc huyện Nga Sơn được miễn thuế, khỏi phiêu tán. Cảm công đức ấy nên khắp nơi tự lập đền, thờ sống ông và cũng là đền thờ sau khi ông hóa thần. Và chính Tô Hiến Thành đã lấy làng Cẩm Đới (xã Hà Giang) là nơi ở của thân phụ trước đây làm Đệ nhất chính từ, lấy làng Bồ Hòn (xã Hà Long) làm đệ nhị, lấy Thanh Đớn (xã Hà Thanh, nay là xã Hoạt Giang) làm đệ tam chính từ. Ông Mai Sỹ Đại, công chức văn hóa xã Hà Giang cho biết: Đền thờ Tô Hiến Thành xã Hà Giang được công nhận di tích lịch sử văn hóa cấp tỉnh năm 2011. Sau khi được trùng tu khôi phục lại vào năm 2021, đến nay di tích khang trang hơn rất nhiều với nhà tiền đường bằng gỗ, lợp ngói mũi hài, cột nanh, cột tứ trụ và sân lát sạch đẹp... đáp ứng nhu cầu tín ngưỡng của Nhân dân trong làng, trong xã...

Ngoài ra, ở các địa phương khác trên địa bàn tỉnh Thanh Hóa như ở xã Hoằng Tiến (Hoằng Hóa), Nhân dân đã tôn ông làm Thành hoàng của làng và gọi ông là Đức Thánh Cả hay là Sát Hải Đại Vương; ở TP Sầm Sơn, nằm trong Khu di tích lịch sử và danh lam thắng cảnh núi Trường Lệ đã được xếp hạng cấp quốc gia đặc biệt, đền thờ Tô Hiến Thành là nơi linh thiêng để mọi người đến cầu tài cầu lộc, cầu bình yên.

Dù chưa có tài liệu nào thống kê chính xác về số lượng đền thờ ông ở xứ Thanh, tuy nhiên, sinh ra và lớn lên ở Thanh Hóa, Thái úy Tô Hiến Thành là niềm tự hào, là sự ngưỡng vọng để Nhân dân khắp nơi lập đền thờ.

Bài và ảnh: CHI ANH



 {name} - {time}

 Trả lời

{body}
 {name}- {time}
{body}

0 bình luận

Ý kiến của bạn sẽ được biên tập trước khi đăng. Vui lòng gõ tiếng Việt có dấu
Chia sẻ thông tin với bạn bè!
Tắt [X]