(vhds.baothanhhoa.vn) - Khi loại hình nghệ thuật sân khấu truyền thống đang chịu tác động rất lớn của cơ chế thị trường cùng với sự xâm nhập của các luồng văn hóa ngoại lai, dẫn đến giới trẻ không mặn mà với sân khấu truyền thống, thì tại các kỳ liên hoan, cuộc thi tài năng sân khấu chuyên nghiệp toàn quốc gần đây vẫn thu hút nhiều nghệ sĩ, diễn viên trẻ của Thanh Hóa tham dự và giành giải cao, tạo được dấu ấn đậm trong lòng khán giả. Đây là động lực to lớn, cổ vũ các loại hình nghệ thuật truyền thống ở xứ Thanh tiếp tục thăng hoa.

Tin liên quan

Đọc nhiều

“Thắp lửa” cho nghệ thuật sân khấu truyền thống

Khi loại hình nghệ thuật sân khấu truyền thống đang chịu tác động rất lớn của cơ chế thị trường cùng với sự xâm nhập của các luồng văn hóa ngoại lai, dẫn đến giới trẻ không mặn mà với sân khấu truyền thống, thì tại các kỳ liên hoan, cuộc thi tài năng sân khấu chuyên nghiệp toàn quốc gần đây vẫn thu hút nhiều nghệ sĩ, diễn viên trẻ của Thanh Hóa tham dự và giành giải cao, tạo được dấu ấn đậm trong lòng khán giả. Đây là động lực to lớn, cổ vũ các loại hình nghệ thuật truyền thống ở xứ Thanh tiếp tục thăng hoa.

Cuộc thi Tài năng trẻ diễn viên Tuồng và Dân ca kịch toàn quốc năm 2020 vừa diễn ra tại Bình Định, Nhà hát Nghệ thuật Truyền thống tỉnh Thanh Hóa có 3 diễn viên tham dự gồm: Nguyễn Cộng Hòa - vai diễn Kim Hùng, trích đoạn: Cơ và Hùng (Ngọn lửa Hồng Sơn) xuất sắc giành Huy chương Bạc; Trịnh Thị Hằng - vai diễn Cơ, trích đoạn: Phương Cơ qua ải giành giải Diễn vai đào điên xuất sắc của cuộc thi; Nguyễn Minh Đức - vai diễn Lão Tạ, trích đoạn: Lão Tạ sai cơ giành giải Diễn viên triển vọng.

Trở về từ cuộc thi, diễn viên Nguyễn Cộng Hòa chia sẻ: "Đây là niềm vinh dự, tự hào của bản thân em, cũng là động lực tinh thần to lớn để em tiếp tục gắn bó với nghề, yêu nghề và “cháy” hết mình trên con đường mình đã chọn".

Hòa sinh ra và lớn lên tại xã Hà Tiến, huyện Hà Trung, trong gia đình không có ai theo con đường nghệ thuật. Khi mới bắt đầu học tại Trường Cao đẳng Văn hóa nghệ thuật Thanh Hóa (nay là Trường Đại học VH,TT&DL Thanh Hóa), em cũng chưa hiểu Tuồng là gì. Nhưng khi đã học và tham gia biểu diễn rồi về làm việc tại Đoàn Tuồng Thanh Hóa (nay là Nhà hát Nghệ thuật Truyền thống Thanh Hóa) dần dần em mới ngấm được. Từ đó, em có thêm đam mê và dành nhiều tình yêu cho bộ môn nghệ thuật truyền thống này và đã đạt được một số thành tích.

Trước đó, năm 2019 tại Liên hoan Tuồng và Dân ca kịch chuyên nghiệp toàn quốc diễn ra tại Thanh Hóa, Nhà hát Nghệ thuật Truyền thống Thanh Hóa tham dự vở diễn “Triết vương Trịnh Tùng”, Nguyễn Cộng Hòa đảm nhận vai Vua Mạc Mậu Hợp và xuất sắc giành Huy chương Bạc.

Diễn viên Nguyễn Cộng Hòa - Nhà hát Nghệ thuật Truyền thống Thanh Hóa xuất sắc giành Huy chương Bạc tại Cuộc thi Tài năng diễn viên Tuồng và Dân ca kịch toàn quốc năm 2020.

Tại Cuộc thi Tài năng trẻ diễn viên Chèo toàn quốc năm 2020 vừa diễn ra tại Hà Nam, các diễn viên chèo của Nhà hát Nghệ thuật Truyền thống Thanh Hóa cũng đã đạt thành tích cao. Tiêu biểu như Phạm Văn Hóa (Nhật Hóa) với trích đoạn Lưu Bình (vở chèo cổ Lưu Bình Dương Lễ) xuất sắc giành Huy chương Vàng; Lê Văn Cường với trích đoạn Trần Phương vào chùa, giành Huy chương Bạc; thí sinh Trịnh Tuyết Anh với trích đoạn: Thị Mầu lên chùa (vở chèo Quan Âm Thị Kính) đạt giải thí sinh trẻ tuổi nhất (19 tuổi).

Diễn viên Lê Văn Cường chia sẻ: Từ nhỏ em đã yêu các làn điệu dân ca, điệu chèo do bố hát hay các chương trình dân ca của Đài Tiếng nói Việt Nam. Khi thi vào Trường Cao đẳng Văn hóa Nghệ thuật Thanh Hóa, em là thủ khoa sân khấu - diễn viên chèo năm 2011. Học xong, về Đoàn Chèo Thanh Hóa (nay là Nhà hát Nghệ thuật Truyền thống Thanh Hóa) được những người thầy truyền dạy và qua các cuộc thi đã giúp em trưởng thành hơn. Năm 2020, Nhà hát Nghệ thuật Truyền thống Thanh Hóa tham dự Cuộc thi Hình tượng người chiến sĩ CAND với vở diễn “Vụ án am bụt mọc”, diễn viên Lê Văn Cường đảm nhận vai Tưởng và giành Huy chương Vàng.

Thực tế đã khẳng định, phần nhiều nghệ sĩ, diễn viên trẻ loại hình nghệ thuật truyền thống của Thanh Hóa luôn có niềm đam mê, nhiệt huyết và khẳng định được tài năng ở những “sân chơi lớn”. Nghệ sĩ Ưu tú Nguyễn Hữu Chính - Phó Giám đốc phụ trách Nhà hát Nghệ thuật Truyền thống Thanh Hóa, chia sẻ: "Những năm qua, Nhà hát Nghệ thuật Truyền thống Thanh Hóa đã đạt được nhiều thành tích đáng nể tại các kỳ liên hoan, cuộc thi, phần lớn các nghệ sĩ, diễn viên tham dự đều trong độ tuổi “vàng”, bộc lộ rõ khả năng "Thanh, sắc, thục, tinh, khí, thần" của diễn viên của bộ môn nghệ thuật truyền thống. Thông qua các cuộc thi để các em có thể nhìn lại mình đã đạt và chưa đạt được gì để tiếp tục nỗ lực phấn đấu".

Con đường nghệ thuật, nhất là nghệ thuật sân khấu truyền thống như tuồng, chèo, cải lương…vừa khó về mặt chuyên lẫn mặt cảm thụ, đòi hỏi sự kết hợp nhuần nhuyễn giữa hát, diễn xuất, hình thể, vũ đạo. Đây là những bộ môn đòi hỏi người học phải am hiểu về văn hóa, lịch sử, xã hội và hơn hết là tình yêu với nghề. Trong khi tuyển đầu vào đòi hỏi khắt khe, ngoài tài năng thiên bẩm, phải có dung nhan, diện mạo đẹp, hát hay, múa giỏi, nhưng đầu ra thì chế độ đãi ngộ không tương xứng, nhiều nghệ sĩ, diễn viên dù yêu nghề vẫn phải ngậm ngùi dứt nghiệp để lo cuộc sống mưu sinh. Nhiều giá trị văn hóa nghệ thuật truyền thống mà các thế hệ đi trước đã dày công vun đắp qua chiều dài lịch sử đang có nguy cơ mai một, thất truyền. Cùng với đó, quá trình hội nhập quốc tế sâu rộng và sự bùng nổ các loại hình nghệ thuật giải trí cũng gây áp lực không nhỏ cho nghệ thuật sân khấu truyền thống. Làm sao đó, để có được lực lượng nghệ sĩ biểu diễn kế cận thay thế lớp nghệ sĩ đã lớn tuổi và làm sao để thu hút khán giả đến với sân khấu truyền thống đang là thách thức đặt ra đối với các đơn vị nghệ thuật.

Nghệ sĩ Ưu tú Nguyễn Hữu Chính chia sẻ thêm, nhằm nâng cao chất lượng của sân khấu nghệ thuật truyền thống, đầu tiên phải nhắc đến thực tế nhiều năm nay sân khấu truyền thống đang thừa kịch bản yếu, thiếu kịch bản hay. Yêu cầu đặt ra chính là nhà nước cần có thêm cơ chế chính sách đào tạo thu hút, kích thích các tài năng và bản thân các tác giả sân khấu phải thay đổi thủ pháp sáng tạo để phù hợp với quy luật phát triển của thời đại nhằm nâng cao chất lượng các vở diễn. Đây là yếu tố quan trọng, nhằm thu hút khán giả đến với nghệ thuật truyền thống. Cùng với đó, để giữ chân những diễn viên trẻ, phát huy tài năng thì nên chăng cần chế độ đãi ngộ đối với nghệ sĩ, diễn viên, nhạc công để họ yên tâm làm việc, cống hiến hết mình cho nghệ thuật sân khấu.

Cũng theo Nghệ sĩ Ưu tú Nguyễn Hữu Chính, để nghệ thuật sâu khấu truyền thống đến gần hơn với khán giả thì ngoài việc nâng cao chất lượng vở diễn, tạo điều kiện cho nghệ sĩ, diễn viên cống hiến thì cần phải cải tiến trang thiết bị kỹ thuật, ứng dụng công nghệ kỹ thuật siêu thông minh của cuộc cách mạng 4.0 cho các tác phẩm sân khấu. Đồng thời, cần tiếp tục đưa nghệ thuật sân khấu truyền thống gần hơn và hấp dẫn hơn với giới trẻ. Thực tế hiện nay, Nhà hát Nghệ thuật Truyền thống Thanh Hóa cũng đã đưa chương trình nghệ thuật vào các trường học nhằm giao lưu, giới thiệu với học sinh, sinh viên tìm hiểu những câu chuyện lịch sử hào hùng của dân tộc và các trích đoạn hài dân gian giúp cho các bạn học sinh có thêm trải nghiệm mới về loại hình nghệ thuật truyền thống của dân tộc. Nên chăng, các cơ quan quản lý nhà nước, đặc biệt lĩnh vực văn hóa, du lịch cần xây dựng, đưa nghệ thuật sân khấu tuồng, chèo, cải lương, dân ca - dân vũ thành sản phẩm du lịch. Thông qua đó, vừa quảng bá được văn hóa truyền thống, vừa có nguồn thu để duy trì, bảo tồn và phát huy vốn quý của cha ông.

Thảo Nguyên


Thảo Nguyên

 {name} - {time}

 Trả lời

{body}
 {name}- {time}
{body}

0 bình luận

Ý kiến của bạn sẽ được biên tập trước khi đăng. Vui lòng gõ tiếng Việt có dấu
Chia sẻ thông tin với bạn bè!
Tắt [X]