(vhds.baothanhhoa.vn) - Di sản văn hóa phi vật thể là tài sản vô giá do Nhân dân sáng tạo ra, được trao truyền và vun đắp qua nhiều thế hệ. Do đó, để những giá trị văn hóa ấy trở thành tài sản, thực sự “ăn sâu, bám rễ” và có sức lan tỏa mạnh mẽ tới đông đảo bạn bè, du khách, huyện Thọ Xuân luôn xác định phải dựa vào cộng đồng.

Thọ Xuân giữ gìn, phát huy các giá trị văn hóa phi vật thể

Di sản văn hóa phi vật thể là tài sản vô giá do Nhân dân sáng tạo ra, được trao truyền và vun đắp qua nhiều thế hệ. Do đó, để những giá trị văn hóa ấy trở thành tài sản, thực sự “ăn sâu, bám rễ” và có sức lan tỏa mạnh mẽ tới đông đảo bạn bè, du khách, huyện Thọ Xuân luôn xác định phải dựa vào cộng đồng.

Thọ Xuân giữ gìn, phát huy các giá trị văn hóa phi vật thểĐiệu múa sạp của các nghệ nhân đến từ thị trấn Sao Vàng, tại lễ hội đền thờ Lê Hoàn năm 2023.

Chúng tôi có dịp về huyện Thọ Xuân tham dự Lễ hội đền thờ Lê Hoàn năm 2023. Trong không khí tràn đầy niềm vui, sự háo hức của Nhân dân và du khách, khi tiếng trống, tiếng cồng chiêng nổi lên cũng là lúc những chàng trai, cô gái trong trang phục truyền thống cất tiếng ca hòa cùng điệu nhảy sạp uyển chuyển; điệu múa pồn pôông quanh cây bông đủ màu sắc với các chùm hoa gỗ, nông cụ sản xuất, bầy muông thú,...

Đắm chìm trong tiếng trống, tiếng cồng chiêng trầm bổng, sâu lắng, lúc hào hùng, quyến rũ, khi mặn mà, đằm thắm ấy, chúng tôi được nghe về “sự tích” của tiếng cồng chiêng và điệu múa pồn pôông qua lời kể của chị Phạm Thị Hà, công chức văn hóa xã Xuân Phú, thành viên câu lạc bộ múa pồn pôông - cồng chiêng thôn Ba Ngọc, được biết xã Xuân Phú có 70% dân số là đồng bào dân tộc Mường. “Với người Mường chúng tôi, cồng chiêng không đơn thuần là nhạc khí dân tộc mà còn mang hồn linh thiêng của rừng núi, là âm thanh nối kết con người với con người và với thế giới siêu nhiên, được truyền thụ qua nhiều thế hệ, trở thành nét văn hóa đặc trưng không thể thiếu trong đời sống văn hóa tinh thần”, chị Hà chia sẻ. Theo quan niệm của người Mường “pồn” có nghĩa là múa, hát, “pôông” có nghĩa là bông hoa. Hai chữ ấy ghép lại thành tên của một loại hình vừa hát, vừa múa bên cây bông để cầu cho cuộc sống no ấm, ngô lúa đầy bồ, con người hạnh phúc. Thông thường, một bộ cồng, chiêng đầy đủ thường có 8 chiếc, có núm kích cỡ to nhỏ và thanh âm khác nhau. Dụng cụ để đánh cồng chiêng là dùi được làm bằng gỗ cứng, tùy theo từng chiếc chiêng to, nhỏ mà làm dùi dài, ngắn. Người ta thường treo các dàn cồng, chiêng trong nhà, ngoài sân hoặc ngoài các bãi rộng để đánh, hay xách một cái rồi cùng nhau đánh, tạo nên những thanh âm hùng tráng. Trải qua biết bao thế hệ người Mường tiếp nối nhau trên địa bàn xã, đến nay âm vang của tiếng cồng chiêng và điệu múa pồn pôông vẫn luôn ngân vang. Hiện tại, xã cũng đã thành lập câu lạc bộ múa pồn pôông - cồng chiêng thôn Ba Ngọc thu hút được 32 thành viên tham gia. Từ khi thành lập, ngoài việc biểu diễn các tiết mục văn nghệ phục vụ cho thôn, xã, huyện nhân dịp lễ, tết, ngày kỷ niệm, các thành viên trong câu lạc bộ còn rất tích cực truyền dạy đánh cồng chiêng và trò diễn pồn pôông cho lớp trẻ trên địa bàn. Đồng thời, tích cực đi biểu diễn ở các sự kiện trong và ngoài tỉnh với mong muốn quảng bá và giới thiệu nét văn hóa đặc sắc của dân tộc mình đến đông đảo bạn bè, khán giả.

Cùng với âm hưởng của tiếng cồng chiêng thì điệu múa sạp với những động tác nhẹ nhàng, uyển chuyển, lúc dồn dập biến đổi ngang, dọc, chéo, tròn thông qua sự biểu diễn điêu luyện của các nghệ nhân đến từ thị trấn Sao Vàng cũng thu hút đông người dân và du khách đến xem. Bà Hoàng Thị An, thành viên đội nhảy sạp chia sẻ: Từ xa xưa trong sinh hoạt của người dân tộc Mường đã xuất hiện điệu múa sạp. Trải qua thời gian, múa sạp dần ăn sâu vào tiềm thức và trở thành món ăn tinh thần không thể thiếu của người dân nơi đây.

Với mục tiêu trong quá trình tiếp thu có chọn lọc tinh hoa văn hóa các dân tộc khác, nhưng cần bảo tồn và phát huy các giá trị văn hóa truyền thống tốt đẹp của địa phương. Những năm qua, huyện Thọ Xuân đã thường xuyên tổ chức hoạt động giao lưu văn hóa - văn nghệ quần chúng; lồng ghép với việc triển khai các cuộc vận động, phong trào thi đua. Đồng thời, quan tâm đến xây dựng thiết chế văn hóa, thể thao, mua sắm trang thiết bị như tăng âm, loa đài, xây dựng thêm sân khấu biểu diễn. Để tạo điều kiện cho lớp nghệ nhân tham gia trao truyền lại giá trị văn hóa truyền thống cho thế hệ sau, huyện đặc biệt quan tâm đến việc lập hồ sơ đề nghị công nhận nghệ nhân ưu tú, nghệ nhân Nhân dân cho những người am hiểu và có đóng góp tích cực trong việc bảo tồn các di sản văn hóa của địa phương. Cùng với đó, quan tâm đến chế độ, chính sách đãi ngộ các nghệ nhân. Trong giai đoạn 2017-2022, huyện đã phân bổ kinh phí cho công tác bảo tồn các giá trị văn hóa phi vật thể là 1 tỷ 320 triệu đồng. Hàng năm, huyện cũng tích cực tổ chức các trò chơi, trò diễn dân gian tại các lễ hội truyền thống như: lễ hội đền thờ Lê Hoàn, lễ hội Lam Kinh...; đồng thời chỉ đạo UBND các xã Xuân Trường, Xuân Phú, thị trấn Sao Vàng phối hợp với Phòng Giáo dục - Đào tạo huyện mở các lớp truyền dạy cho học sinh các trường, cấp học trên địa bàn...

Tin rằng, với những cách làm bài bản, linh hoạt, những giá trị văn hóa truyền thống của đồng bào các dân tộc trên địa bàn huyện sẽ ngày càng thấm sâu vào đời sống, được người dân giữ gìn và phát huy, từ đó đóng góp tích cực cho sự phát triển kinh tế - xã hội của địa phương.

Bài và ảnh: Quỳnh Phương



 {name} - {time}

 Trả lời

{body}
 {name}- {time}
{body}

0 bình luận

Ý kiến của bạn sẽ được biên tập trước khi đăng. Vui lòng gõ tiếng Việt có dấu
Chia sẻ thông tin với bạn bè!
Tắt [X]