(vhds.baothanhhoa.vn) - Dân gian cho rằng, Thiên Lôi là vị thần nhà Trời, làm ra sấm sét và vâng lệnh trừng trị kẻ gian ác, bất hiếu. Ông Trời sai Thiên Lôi trừng trị kẻ nào, Thiên Lôi cứ thế y lệnh vung lưỡi tầm sét trừng trị kẻ ấy. Bởi thế, Thiên Lôi còn được ví với kẻ tay sai trung tín, nhất nhất tuân theo lệnh chủ. Và vì Thiên Lôi thừa hành mệnh lệnh của Trời, nên Thiên Lôi cũng được hiểu là Trời.

Thông điệp dân gian qua câu tục ngữ “Trời đánh còn tránh miếng ăn”

Dân gian cho rằng, Thiên Lôi là vị thần nhà Trời, làm ra sấm sét và vâng lệnh trừng trị kẻ gian ác, bất hiếu. Ông Trời sai Thiên Lôi trừng trị kẻ nào, Thiên Lôi cứ thế y lệnh vung lưỡi tầm sét trừng trị kẻ ấy. Bởi thế, Thiên Lôi còn được ví với kẻ tay sai trung tín, nhất nhất tuân theo lệnh chủ. Và vì Thiên Lôi thừa hành mệnh lệnh của Trời, nên Thiên Lôi cũng được hiểu là Trời.

Thông điệp dân gian qua câu tục ngữ “Trời đánh còn tránh miếng ăn”

Nếu tục ngữ Hán có câu Lôi Công bất đả ngật phạn nhân - nghĩa là: Thiên Lôi không đánh kẻ đang ăn cơm, thì tục ngữ Việt cũng có câu đồng nghĩa: Trời đánh còn tránh miếng ăn. Từ điển thành ngữ và tục ngữ Việt Nam (GS Nguyễn Lân - NXB Văn học, 2018) giải thích đây là “Câu nói đùa khi có người quấy rầy trong lúc đương ăn”. Tuy nhiên, không hề có chuyện đùa cợt gì ở đây, mà là lời dạy nghiêm túc của dân gian.

Thông thường, người ta ngồi vào bữa cơm sau một buổi, một ngày làm việc, lao động vất vả. Dù già hay trẻ, bữa ăn cũng chính là lúc bù đắp, tái tạo năng lượng, duy trì sự sống; cũng là lúc tận hưởng thành quả lao động. Đây cũng là khoảng thời gian mà các thành viên của gia đình góp mặt đầy đủ sau một ngày làm việc, học tập. Bởi vậy, ngoài chuyện trò vui vẻ, thì những trao đổi, dặn dò, thậm chí là quở mắng, rầy la... cũng thường được đưa ra trong bữa cơm. Thế nên, ý dân gian: dù bất cứ lý do gì cũng không nên chỉ trích, mắng mỏ, thúc giục, làm gián đoạn hoặc gây phiền người khác vào đúng bữa ăn, khiến người ta sinh ức chế, ăn mất ngon, hoặc bỏ dở bữa ăn... Điều này có cơ sở khoa học, bởi khi đang ăn uống mà bị ức chế về tâm lý, thì cơ quan tiêu hóa sẽ ngừng tiết nước bọt, ăn sẽ mất ngon, thậm chí bị nghẹn, không nuốt nổi miếng cơm.

Lời khuyên phải tôn trọng bữa ăn của người khác, tục ngữ Hán còn có một dị bản đồng nghĩa là: Diêm Vương thôi mệnh, bất thôi thực = Diêm Vương đi lấy mạng, cũng không giục người ta ăn nhanh lên.

Như vậy, dân gian đã dùng những hình tượng rất điển hình để ví von với chuyện tôn trọng bữa ăn của người khác. Thiên Lôi luôn làm theo lệnh Trời một cách máy móc, cứng nhắc, “chỉ đâu đánh đấy”, còn Diêm Vương thì là kẻ nổi tiếng lạnh lùng, bất di bất dịch. (Diêm vương khiếu nhĩ tam canh tử, thùy cảm lưu nhân đáo ngũ canh, nghĩa là: Diêm Vương đã bảo ngươi phải chết vào canh ba, ai dám cho ngươi lui đến canh năm - Tục ngữ Hán), vậy mà cũng biết “tùy cơ ứng biến”, tạm hoãn “thi hành án”, khi thấy con người đang dùng bữa, mới biết bữa ăn quan trọng nhường nào!

Mẫn Nông

Tham khảo: Giải thích câu tục ngữ Trời đánh còn tránh miếng ăn, dân gian lưu truyền một câu chuyện cổ tích. Ngày xưa, một gia đình nông dân nọ có ba người, gồm bố mẹ và đứa con gái nhỏ. Ngày thường, hai vợ chồng đi làm rẫy, còn cô bé ở nhà nấu cơm. Một hôm, vì thương bố mẹ làm lụng vất vả, cô bé nghĩ ra cách chắt nước cơm uống, để nhường cơm cho bố mẹ ăn no bụng. Nhưng cô gái vừa mới uống nước cơm xong, thì bỗng nhiên sấm chớp đùng đùng, Thiên Lôi xuất hiện và kéo cô bé ra quỳ ở ngoài sân. Cha mẹ đi làm về nhìn thấy cảnh tượng ấy thì không hiểu đầu đuôi ra sao. Bỗng từ trên trời rơi xuống tờ giấy viết rằng, đứa con này bất hiếu, đã uống lén nước cơm của cha mẹ. Vì vậy Trời sai Thiên Lôi xuống xử phạt vào giờ Ngọ.

Sau khi nghe con gái kể lại sự tình, cha mẹ mới hiểu tấm lòng hiếu thảo của con gái. Nhưng lệnh trời đã ban, không thể làm trái. Người cha quá thương con gái nên nhường cơm cho cô ăn. Hai vợ chồng vừa ăn vừa dùng dằng đợi phút chia tay con gái. Trời đất bỗng nhiên tối sầm lại, ai cũng ngỡ rằng thời khắc định mệnh đã đến. Thế nhưng, bỗng một tờ giấy bay đến chỗ cả nhà đang dùng bữa, nội dung viết rằng, thời gian cô bé và gia đình ăn cơm trùng với thời gian xử phạt, mà Lôi Công thì không đánh người đang ăn cơm. Nay đã quá giờ, nên cô con gái được Trời tha mạng.

Dĩ nhiên, đây chỉ là câu chuyện dân gian sáng tác ra để giải thích cho câu tục ngữ đã ra đời trước đó; tương tự như các truyền thuyết lý giải về sự ra đời của muôn loài vạn vật. Ví dụ: Sự tích quả dưa hấu, Sự tích bánh chưng, Sự tích tên rau thì là... những sự vật vốn đã ra đời trước khi có câu chuyện.



 {name} - {time}

 Trả lời

{body}
 {name} - {time}
{body}

0 bình luận

Ý kiến của bạn sẽ được biên tập trước khi đăng. Vui lòng gõ tiếng Việt có dấu
Chia sẻ thông tin với bạn bè!
Tắt [X]