(vhds.baothanhhoa.vn) - Chơi cổ vật là sự hội tụ của văn hóa, kinh tế và thẩm mỹ. Vì thế mà nhiều người khát khao tìm được, nhìn thấy, cầm nắm, chạm tay vào di sản, báu vật và khát khao cao nhất là được sở hữu.

Thú chơi cổ vật

Chơi cổ vật là sự hội tụ của văn hóa, kinh tế và thẩm mỹ. Vì thế mà nhiều người khát khao tìm được, nhìn thấy, cầm nắm, chạm tay vào di sản, báu vật và khát khao cao nhất là được sở hữu.

Thú chơi cổ vậtCổ vật bao giờ cũng có sức hút riêng vì ẩn giấu “nước thời gian”.

Di sản thường có vị trí rất quan trọng, đôi khi là độc tôn, duy nhất nên càng hiếm có khó tìm, không thể lặp lại. Chính yếu tố này càng tạo nên giá trị, sức hút lạ lùng với người yêu nó, say mê nó. Cho nên nó đã tạo nên và vô tình tập hợp một lực lượng chơi đông đảo, một thú chơi cao cách dễ say mà khó bỏ.

Thú chơi nào cũng rất công phu - thú chơi di sản, cổ vật càng công phu gấp bội. Bởi qua cổ vật, dòng chảy thời gian, sự kiện đi qua tưởng chừng như vô tình nhưng đã nhuộm lên nó một màu sắc riêng, một nét riêng mà tôi gọi đó là “nước thời gian”. Dù là kiến trúc sư hay họa sĩ tài ba đến mấy cũng không làm nó nên nước thời gian được, kể cả dùng kỹ thuật và sự trợ giúp của màu vẽ.

Với người chơi cổ vật, điều đòi hỏi đầu tiên là phông văn hóa cơ bản, có sự hiểu biết cần thiết về nhiều mặt, đủ năng lực để đánh giá hiện vật mình sưu tầm, lưu giữ. Mỗi hiện vật đều chứa đựng những giá trị khác nhau, đòi hỏi người chơi đủ trí lực để đi đến được tận cùng, tránh chán nản bất lực, chơi cầm chừng hoặc giữa đường đứt đoạn.

Một phẩm chất rất đáng trọng của người chơi cổ vật là lòng say mê dựa trên sự hiểu biết và năng khiếu nhất định. Say mê để sống cùng hiện vật, để gìn giữ, săn lùng, mua về. Say quên ăn, ít ngủ là có thật, nhưng đừng quá si mê đến lầm lẫn muốn sở hữu nó bằng được để rồi “tiền mất tật mang”. Cao hơn sự say mê là ý chí nghị lực để đi được đường trường. Ý chí nghị lực để giúp họ không bằng lòng với cái đã có, đã ở trong tầm tay, phải tìm đến cái mới, độc lạ, hiếm và quý để làm nên tên tuổi một nhà sưu tầm.

Chơi cổ vật có hứng thú có niềm vui, nhưng cũng không ít vất vả gian truân và cả khổ đau. Người chơi ngoài tiềm năng, năng lực, hiểu biết, cái không thể thiếu là phải có tiềm lực kinh tế. Cổ vật là vật rất có giá trị, cái giá trị không thể đong đếm một lúc, một thời mà là cả quá trình. Hiện vật nhiều khi chỉ xuất hiện một lần, nếu người chơi không đủ tiềm lực, không có khả năng tự đánh giá giá trị, thì hiện vật có thể sẽ về tay người khác.

Chơi cổ vật là thú chơi cao cách đầy tính văn hóa, rất đáng được trân trọng. Chơi cổ vật đôi khi còn phải duyên, cơ may. Người chơi thường có câu: “Quý vật tầm quý nhân” là vậy... Hữu duyên để có được nhân duyên. Trên hành trình khó nhọc ấy, sự hữu duyên mang lại niềm vui là chất men làm say lòng khích lệ cổ vũ người chơi.

Trong khuôn khổ bài viết, tôi muốn nói đến một khía cạnh mà người chơi cổ vật thường quan tâm, đó là nhận thức sâu sắc về giá trị, bài học nhân văn mà thú chơi cổ vật mang lại. Người chơi cổ vật thường nêu cao tinh thần: “Cảnh ngoạn dưỡng tâm, cổ ngoạn dưỡng thần”. Cảnh ngoạn là thú tham quan xem hoa ngắm cảnh thưởng nguyệt, đi du lịch đây đó, tiếp xúc hòa đồng với thiên nhiên để tâm được bình an, thanh thản. Hòa mình với thiên nhiên để học được bài học bình thản tự nhiên như thiên nhiên. Cổ ngoạn không chỉ có vậy, cao hơn nó dưỡng được cả tâm và trí, cả khí chất thần thái của một con người. Giá trị tinh hoa khi cảm thấu được cổ vật cũng là chạm đến sự hiểu biết sâu sắc, cao cả của giá trị nghĩa là đã dưỡng được “thần”. Đó là trạng thái đã đạt đến đỉnh để thấy mọi sự vật là bình thường theo lẽ thường, không còn tâm lý cạnh tranh hay khát vọng xa vời, không tiếc nuối đau khổ hay thảng thốt lo âu trước dòng chảy cuộc sống.

Người chơi cổ vật phải luôn tâm niệm câu: “Nhất điền thiên vạn chủ/ Độc thống bách tuế cầu” (Một mảnh ruộng có ngàn vạn chủ, một chiếc thống có trăm nghìn người cầu). Nghĩa là cổ vật như dòng chảy, không ở yên trong tay một người mà thường được mua đi bán lại qua tay nhiều người; như một mảnh ruộng hết thế hệ này đến thế hệ khác lại canh tác. Đừng phân vân hoảng hốt, tự trách mình là kẻ đến sau, kẻ dùng lại, chơi thừa. Đừng lo nghĩ, nuối tiếc khi nó đến với chủ mới, sang tay người này kẻ khác.

Người chơi cổ vật luôn biết nâng niu trân trọng gìn giữ và tìm cách phát huy giá trị của cổ vật ấy là điều trân quý, điều căn cốt. Chớ nên giữ riêng cho mình, chôn chặt, cất giấu mà phải hướng tới giá trị phổ truyền vẻ đẹp ấy, sự tinh túy cho cộng đồng nhân lên sự sáng tạo, năng lực thẩm mỹ. Chỉ có thế con người mới làm dày thêm giá trị cổ vật trên con đường của sự chân chính. Các quốc gia càng văn minh, cổ vật càng được đem ra trưng bày trang trọng trong nhà bảo tàng để phục vụ cuộc sống, phục vụ con người.

Bài và ảnh: Nguyễn Hữu Ngôn



 {name} - {time}

 Trả lời

{body}
 {name} - {time}
{body}

0 bình luận

Ý kiến của bạn sẽ được biên tập trước khi đăng. Vui lòng gõ tiếng Việt có dấu
Chia sẻ thông tin với bạn bè!
Tắt [X]