(vhds.baothanhhoa.vn) - Sau một thời gian ngắn tạm dừng việc thu phí tác quyền âm nhạc phát qua tivi trong khách sạn, mới đây Trung tâm Bảo vệ quyền tác giả âm nhạc Việt Nam (VCPMC) thông báo sẽ tiếp tục việc thu phí từ tháng 10.2017. Theo đó, VCPMC sẽ đếm đầu tính giá 25.000 đồng/tivi/năm. Thông tin này lại tiếp tục gây phản ứng trái chiều trong dư luận. Trong đó, nhiều ý kiến cho rằng: Không nghe nhạc vẫn phải trả tiền thì thật vô lý!

Tin liên quan

Đọc nhiều

Thu phí tác quyền tivi trong khách sạn: Không có luật nào buộc người không sử dụng phải trả tiền

Sau một thời gian ngắn tạm dừng việc thu phí tác quyền âm nhạc phát qua tivi trong khách sạn, mới đây Trung tâm Bảo vệ quyền tác giả âm nhạc Việt Nam (VCPMC) thông báo sẽ tiếp tục việc thu phí từ tháng 10.2017. Theo đó, VCPMC sẽ đếm đầu tính giá 25.000 đồng/tivi/năm. Thông tin này lại tiếp tục gây phản ứng trái chiều trong dư luận. Trong đó, nhiều ý kiến cho rằng: Không nghe nhạc vẫn phải trả tiền thì thật vô lý!

Đại diện Hiệp hội Khách sạn Đà Nẵng trong cuộc họp lấy ý kiến đóng góp Dự thảo Nghị định thi hành Luật Sở hữu trí tuệ vào ngày 13/7 tại TP Đà Nẵng.

Trước đó, vào cuối tháng 5/2017, Cục Bản quyền tác giả đã yêu cầu VCPMC dừng ngay việc thu phí tác quyền tivi trong khách sạn. Văn bản nêu rõ, chỉ khi nào VCPMC xác định được tác phẩm âm nhạc được khai thác, sử dụng của tác giả hoặc chủ sở hữu là hội viên của VCPMC và xây dựng biểu mức tiền quyền tác giả/tác phẩm được khai thác sử dụng, khi đó mới tính đến chuyện thu tiền. VCPMC có trách nhiệm đàm phán để nhận được sự đồng thuận của tổ chức, cá nhân khai thác sử dụng tác phẩm âm nhạc theo quy định của pháp luật

3 tháng sau, VCPMC bất ngờ thông tin về việc tiếp tục việc thu phí này và tiến hành truy thu đối với các đơn vị chưa đóng tiền trong thời gian tạm dừng từ 26/5 đến 18/8. Việc này vấp phải sự phản ứng gay gắt từ phía dư luận và các đối tượng nằm trong việc thu phí. Theo cách lý giải của VCPMC thì biểu phí họ áp dụng được tham khảo từ mức thu ở nhiều nước trên thế giới. Ngoài ra cũng căn cứ điều kiện thực tế ở Việt Nam, đồng thời tham khảo ý kiến của các nhạc sĩ, tác giả và các cơ sở kinh doanh Tức là trên thực tế, VCPMC vẫn chưa xác định được tác phẩm âm nhạc được khai thác. Ví dụ như tivi nào sử dụng, bài hát, tác phẩm nào được nghe

Thế nhưng trả lời báo chí, nhạc sĩ Phó Đức Phương, Giám đốc VCPMC lại tuyên bố rằng: “Những đơn vị nhất định không đóng tiền có thể không sử dụng nhạc. Họ có thể không đặt tivi trong phòng hoặc nếu đặt thì tìm cách cắt hết các bản nhạc, bài hát, nhạc phim. Họ cần chứng minh đã không sử dụng nhạc của chúng tôi. Khi sử dụng tivi, khách sạn đã tạo điều kiện cho công chúng tiếp cận đến tác phẩm âm nhạc mà VCPMC bảo hộ. Dù khách hàng có nghe hay không, khách sạn vẫn phải trả tiền cho chúng tôi. Nếu họ dứt khoát không nộp tiền là phạm luật ”.

Trong trường hợp VCPMC không chứng minh được tác phẩm nào được sử dụng, bài hát nào được nghe thì sao lại yêu cầu các khách sạn phải chứng minh mình không sử dụng nhạc của VCPMC? Và hà cớ gì các khách sạn không đặt tivi hoặc phải cắt các chương trình ca nhạc, bài hát trên các kênh truyền hình? Khi mà họ đã trả phí dịch vụ truyền hình cho gói cước hoạt động tivi của mình? Đây chính là điều khiến cho dư luận phản ứng, người đóng tác quyền không phục.

Luật sư Lê Quang Vy, Công ty Luật Phước- Partners cho rằng: Theo căn cứ pháp lý mà VCPMC yêu cầu các khách sạn trả phí là Điểm b và đ Khoản 1 Điều 20 Luật Sở hữu trí tuệ (SHTT) tức quyền truyền đạt tác phẩm đến công chúng bằng phương tiện hữu tuyến, vô tuyến

Luật sự Lê Quang Vy lý giải: “Chúng ta cần phải xác định rõ đối tượng biểu diễn tác phẩm hay đối tượng truyền đạt như quy định ở các điểm vừa nêu hay không. Thứ nhất, khách sạn không thể là đối tượng biểu diễn mà đối tượng biểu diễn chỉ là những nghệ sĩ biểu diễn trực tiếp trên sân khấu hoặc biểu diễn gián tiếp bởi các bản ghi âm, ghi hình. Thứ hai, khách sạn cũng không phải là đối tượng truyền đạt vô tuyến mà đối tượng truyền đạt vô tuyến phải là các tổ chức phát sóng.

Trong trường hợp này khách sạn chỉ là đối tượng mua đường truyền cơ sở hạ tầng phát sóng và hiện nay không có một điều khoản nào trong Luật SHTT buộc các đơn vị sử dụng cơ sở hạ tầng phát sóng phải có nghĩa vụ thanh toán bản quyền. Nếu VCPMC thu phí các tivi trong khách sạn chẳng khác nào sắp tới đây sẽ đến các hãng taxi, xe buýt cũng bị thu và truy thu những khoản tiền tương tự vì thực tế các hãng này đều có trang bị máy radio Tóm lại, không có một điều luật nào lại quy định một cách bất công là buộc người không sử dụng phải trả tiền. VCPMC chỉ có quyền thu khi chứng minh được các khách sạn có sử dụng âm nhạc của các nhạc sĩ đã ủy quyền cho VCPMC theo đúng quy định của pháp luật”.

Dù đưa ra lý lẽ nào đi chăng nữa, điều quan trọng nhất mà VCPMC chưa làm được là xác định được tác phẩm âm nhạc được khai thác, sử dụng của tác giả hoặc chủ sở hữu là hội viên của mình Càng không thể khiên cưỡng áp đặt một cách cảm tính. Nhất là không nên tạo ra tiền đề cho việc “phí chồng phí” trong tác quyền mà nhiều người lo ngại. Thu phí tác quyền trong các trường hợp này vẫn không thể thiếu đi sự minh bạch và công khai!

"Nếu thu không hợp lý thì một đồng cũng không đóng"

Sau cuộc “họp khẩn” không có báo giới tham dự, bà Dương Thị Thơ, Phó Chủ tịch phụ trách Hiệp hội Khách sạn Đà Nẵng đã thông tin: Hiệp hội và các khách sạn đều phản đối thu phí tác quyền, đây là việc “phí chồng phí” vì mỗi khách sạn đều đã đóng tiền truyền hình cáp cho đài. “Tôi đã gọi điện cho các doanh nghiệp để đồng loạt không đóng phí này, nếu không thu hợp lý thì một đồng tác quyền cũng không đóng”, bà Thơ khẳng định.

Lý do nữa để Hiệp hội Khách sạn Đà Nẵng phản đối việc thu phí tác quyền qua tivi trong khách sạn, theo bà Thơ, đó là VCPMC chưa có sự đối chất về mức giá đối với các chủ khách sạn tại Đà Nẵng. Ngoài ra mức thu như thế nào, tần suất ra sao, kiểm soát theo phương thức nào để đạt được kết luận về mức thu cũng là điều quan trọng cần đưa ra thỏa thuận, chứ không thể đếm đầu tivi hay phòng khách sạn để thu tác quyền. "Không thể có chuyện bên thu đơn phương “đưa giᔠvà các khách sạn mặc nhiên trả tiền", Phó Chủ tịch phụ trách Hiệp hội Khách sạn Đà Nẵng nêu rõ quan điểm.

Còn về các chủ doanh nghiệp, khách sạn tại Đà Nẵng đều cho rằng: Tivi chỉ là vật dụng để đảm bảo tối thiểu cho khách sạn, nhân viên khách sạn không thể giám sát khách thuê phòng xem chương trình gì, nghe bài hát nào để mà thu phí. Đó là chưa kể những khách nước ngoài bất đồng ngôn ngữ thì họ hoàn toàn không quan tâm đến các chương trình trong nước. Nếu khách không có nhu cầu nghe nhạc, không mở chương trình ca nhạc, cả ngày không mở truyền hình... chẳng lẽ cũng thu phí?

Bà Nguyễn Thị Hải, Giám đốc điều hành khách sạn King’s Finger phản đối: Việc thu phí tác quyền âm nhạc qua tivi hết sức vô lý, khi đưa doanh nghiệp đi vào hoạt động, chúng tôi đã mua các dịch vụ truyền hình internet, hằng tháng trả tiền thuê bao. Còn khách đến nghỉ chẳng mấy khi mở tivi để nghe nhạc, khách sạn cũng không sử dụng âm nhạc để phục vụ mục đích kinh doanh khách sạn để phải trả tác quyền. Hơn nữa, khách ở tại cơ sở lưu trú cũng không thể chủ động chọn bài hát để nghe, nhiều khi chỉ bật tivi lên cho vui rồi để đó...

Một đại diện cơ sở lưu trú khác, ông Phạm Việt Cương, Giám đốc khách sạn Sea Phoenix Đà Nẵng nêu ý kiến: Việc trả tiền tác quyền âm nhạc là giao dịch dân sự theo thỏa thuận giữa tác giả và người sử dụng, có thể ủy quyền cho đơn vị đại diện như VCPMC. Nếu chứng minh được sự hợp lý thì chúng tôi sẽ đóng với mức hợp lý. Nhưng trên hết phải được sự thỏa thuận của cả hai bên, chúng tôi không đồng ý việc Trung tâm bảo vệ quyền tác giả âm nhạc thu phí tác quyền vì hành động này mang tính áp đặt, vô lý, không thuyết phục người kinh doanh và người sử dụng.

Hiện tại, Hiệp hội Khách sạn Đà Nẵng cho biết, sau khi đã có cuộc họp xoay quanh vấn đề này, Hiệp hội cũng chuẩn bị văn bản kiến nghị phản đối, nếu VCPMC không có sự điều chỉnh thì Hiệp hội sẽ gửi kiến nghị này lên Cục Bản quyền tác giả và Bộ VH,TT&DL.

Theo baovanhoa.vn



 {name} - {time}

 Trả lời

{body}
 {name}- {time}
{body}

0 bình luận

Ý kiến của bạn sẽ được biên tập trước khi đăng. Vui lòng gõ tiếng Việt có dấu
Chia sẻ thông tin với bạn bè!
Tắt [X]