(vhds.baothanhhoa.vn) - Có thể khẳng định vai trò của các già làng, trưởng bản hết sức quan trọng trong công tác giữ gìn và phát huy bản sắc văn hóa truyền thống của các dân tộc. Tuy nhiên, hầu hết những người “giữ lửa” đang ngày càng thưa vắng do tuổi cao, sức yếu.

Tin liên quan

Đọc nhiều

Thưa vắng người "giữ lửa"

Có thể khẳng định vai trò của các già làng, trưởng bản hết sức quan trọng trong công tác giữ gìn và phát huy bản sắc văn hóa truyền thống của các dân tộc. Tuy nhiên, hầu hết những người “giữ lửa” đang ngày càng thưa vắng do tuổi cao, sức yếu.

Chung nỗi lo

Bà Quách Thị Ngọc, Phó Chủ nhiệm CLB cồng chiêng, xã Thạch Lập (Ngọc Lặc), tâm sự: Tình trạng mai một, khó bảo tồn các sinh hoạt văn hóa truyền thống diễn ra ở hầu hết các cộng đồng người Mông, người Thái, Mường,... Không chỉ mai một lễ hội, âm nhạc, mà ngay cả tiếng nói, một thành tố cơ bản của văn hóa dân tộc, là tiêu chí quan trọng để xác định thành phần tộc người cũng có nguy cơ mai một. Không riêng gì ngôn ngữ, mà các thành tố văn hóa khác như trang phục, kiến trúc, phong tục tập quán, lễ hội... của nhiều dân tộc cũng đã mai một nghiêm trọng. Thực tế, hiện nay, nhiều dân tộc chỉ còn lại khoảng vài chục người cao tuổi biết tiếng của dân tộc mình. Những lễ hội truyền thống, những mỹ tục nhiều khi chỉ còn trong trí nhớ của già làng, trưởng bản mà thôi.

Điều đó cũng dễ thấy khi ngay trong CLB cồng chiêng ở xã Thạch Lập (Ngọc Lặc). Nếu như ngày mới thành lập CLB cồng chiêng trên địa bàn xã có 16 thành viên, chủ yếu tập hợp các cụ am hiểu bản sắc văn hóa, nhưng nay chỉ còn lại 12 thành viên. Số lượng người ngày càng giảm phần đa là do các cụ tuổi đã cao, sức yếu nên không còn tham gia luyện tập. "Lo lắng lúc này là khi những cây “gạo cội” là các già làng, trưởng bản, nghệ nhân không còn thì ai sẽ trao truyền bản sắc văn hóa" - bà Quách Thị Ngọc cho biết thêm.

Cùng chung nỗi niềm, bác Bùi Tiến Khóa, thành viên CLB Cồng chiêng xã Thạch Sơn (Thạch Thành), chia sẻ: "Sắc thái văn hóa đồng bào các dân tộc thiểu số (DTTS) trên địa bàn tỉnh đang dần bị mai một và biến dạng, trở thành nỗi lo chung cần được giải quyết kịp thời. Trong đó, nổi cộm là sự giao thoa văn hóa theo chiều hướng tiêu cực, thể hiện sự cẩu thả trong cách tiếp nhận cũng như nhận thức của một bộ phận đồng bào còn hạn chế, nhất là giới trẻ. Bên cạnh đó, sự thiếu đồng bộ trong công tác phối hợp thực hiện việc bảo tồn văn hóa đồng bào vùng cao của các nhà chuyên môn, cơ quan quản lý ở các địa phương miền núi cũng là một trong những nguyên nhân khiến thực trạng văn hóa của đồng bào DTTS đang ngày càng biến dạng. Và hơn hết là nỗi lo ngày càng vắng bóng những người am hiểu các giá trị văn hóa truyền thống đang ngày càng cấp thiết hơn bao giờ hết".

Việc giữ gìn bản sắc văn hóa của đồng bào DTTS thêm nhiều nỗi lo khi các già làng, trưởng bản đang ngày càng thưa vắng.

Hiện nay, các già làng, trưởng bản vẫn tâm huyết, cố gắng gìn giữ, bảo tồn văn hóa phi vật thể để trao truyền cho thế hệ mai sau cái hồn cốt của dân tộc. Tuy nhiên, hầu hết những người “giữ lửa” này đã cao tuổi, sức đã yếu, nên chính quyền các địa phương và các cơ quan chức năng cần đầu tư, có chương trình, kế hoạch cụ thể tiếp tục phát huy vai trò của họ trong bảo tồn di sản văn hóa, góp phần để văn hóa truyền thống các dân tộc sống mãi trong nhân dân.

"Tiếp lửa" cho lớp trẻ

Thanh Hóa hiện có hơn 1.600 già làng, trưởng bản, người có uy tín trong đồng bào dân tộc thiểu số. Bằng uy tín của mình, các già làng, trưởng bản đã trở thành lực lượng nòng cốt, là cầu nối để trao truyền lại bản sắc văn hóa cho mọi tầng lớp nhân dân. Thực tế, khi bản sắc văn hóa đứng trước nguy cơ mai một dần thì công truyền dạy của những người lớn tuổi, am hiểu về văn hóa truyền thống trong cộng đồng các dân tộc đóng vai trò rất quan trọng. Chỉ có họ mới có thể truyền lại cho lớp trẻ bản sắc văn hóa của dân tộc mình một cách cụ thể, tỉ mỉ và "thật" nhất. Cứ thế, dần dần theo thời gian, lớp trẻ lớn lên, văn hóa cũng được ngưng tụ trong tâm hồn họ.

Ông Hà Văn Thọ, dân tộc Thái, có gần 20 năm làm Trưởng bản rồi Bí thư chi bộ bản Sại, xã Tam Lư, (Quan Sơn) chia sẻ: “Từ nhỏ, tôi đã có niềm đam mê với các làn điệu dân ca, dân vũ của dân tộc mình. Vào những ngày hội lớn hay dịp lễ, tết không thể thiếu các tiết mục dân ca, dân vũ. Đã có một giai đoạn bản sắc văn hóa dân tộc đứng trước nguy cơ bị mai một. Bởi thế, ngoài việc cố gắng sưu tầm, tìm tòi, học hỏi những bậc cao niên, tôi đã tự mày mò, cải biên những làn điệu mới để con cháu đời sau lưu giữ”.

Cùng chung quan điểm, ông Triệu Phú Quý, trưởng thôn Bình Sơn, (xã Cẩm Sơn, Cẩm Thủy), chia sẻ: "Bây giờ, bọn trẻ người dân tộc thường thích những thứ có công nghệ cao, được sản xuất bằng máy móc hiện đại chứ rất ngại công việc thủ công truyền thống, ví như làm khèn của người Mông, cần tới sự khéo léo của đôi tay, cái tinh của đôi mắt. Cái bụng người già như mình rất lo, nếu không động viên, khơi dậy được thế hệ con cháu giữ gìn, phát huy, chẳng mấy chốc, nghệ thuật chơi khèn cũng như cách làm khèn truyền thống sẽ bị mai một”.

Hay với nghề dệt thổ cẩm, hoặc dệt lanh chẳng hạn, hiện nay, khung cửi trong nhà người Mông, người Thái còn rất ít, trong khi đó, người biết dệt ngày càng cao tuổi. Nếu không kịp thời hướng dẫn cho lớp trẻ cách thức dệt nên một tấm vải truyền thống thì việc bảo tồn văn hóa dân tộc sẽ gặp nhiều khó khăn.

Bởi vậy, nhiều ý kiến cho rằng, nếu không phát huy vai trò của già làng, trưởng bản trong việc trao truyền những giá trị văn hóa truyền thống thì giá trị ấy sẽ mai một, nhạt phai.

Nguyễn Đạt


Nguyễn Đạt

 {name} - {time}

 Trả lời

{body}
 {name} - {time}
{body}

0 bình luận

Ý kiến của bạn sẽ được biên tập trước khi đăng. Vui lòng gõ tiếng Việt có dấu
Chia sẻ thông tin với bạn bè!
Tắt [X]