(vhds.baothanhhoa.vn) - Nằm ở làng Kim Phát (nay là thôn Hưng Phát), xã Hà Đông, huyện Hà Trung, Ly Cung gắn với tên tuổi của Hồ Quý Ly - nhân vật lịch sử nổi tiếng của lịch sử nước ta ở cuối thế kỷ XIV, đầu thế kỷ XV, người có công lớn trong việc xây dựng Thành Nhà Hồ, Di sản văn hóa thế giới.

Thương xót ly cung

Nằm ở làng Kim Phát (nay là thôn Hưng Phát), xã Hà Đông, huyện Hà Trung, Ly Cung gắn với tên tuổi của Hồ Quý Ly - nhân vật lịch sử nổi tiếng của lịch sử nước ta ở cuối thế kỷ XIV, đầu thế kỷ XV, người có công lớn trong việc xây dựng Thành Nhà Hồ, Di sản văn hóa thế giới.

Thương xót ly cungMột khối đá chân tảng nằm ở vị trí được cho là chính điện Ly Cung.

Theo sử cũ ghi lại, những năm 1396 - 1398, trước nguy cơ bị giặc ngoại xâm lược từ hai đầu đất nước: giặc Minh đánh chiếm xâm lược phía Bắc, quân Chiêm Thành có âm mưu thôn tính phía Nam, đứng dưới vua Trần, Hồ Quý Ly thực hiện sách lược mềm mỏng ngoại giao đã hoãn binh giặc cả từ hai phía, đồng thời dẹp tan những cuộc nổi dậy của các loạn thần. Ông tham mưu cho vua tôi nhà Trần dời đô từ Thăng Long vào Thanh Hóa để đảm bảo an toàn lâu dài.

Dời kinh đô vào Thanh Hóa, Hồ Quý Ly đổi Thăng Long là Đông đô, còn kinh đô mới làm Tây đô. Quý Ly sai triều thần dỡ một số cung điện ở Đông đô chuyển vào Tây đô, dựng trong Hoàng thành. Trước đó, Quý Ly sai dựng riêng một cung điện rất đẹp ở núi Đại Lại để sau Trần Thuận Tông ở, nhưng lại gọi là “hành tại” là “ly cung”, chỗ vua nghỉ tạm, dừng chân khi đi ra ngoài, để che mắt mọi người, tránh bàn tán của thiên hạ. Nhưng thực chất, những năm tháng này, Ly Cung (cung Bảo Thanh) trở thành hành dinh chống giặc và nơi đàm luận việc quân cơ của vua tôi nhà Trần.

Cung Bảo Thanh (mang nghĩa trong sạch, quý báu) là một kiến trúc tráng lệ, nghệ thuật điêu khắc tinh xảo. Ly Cung được xây dựng ở một vị trí khá đẹp về mặt phong thủy, tựa núi Kim Âu, hai bên tả, hữu là một hệ thống đồi, núi, cao nhất là núi Ca Để (350m), tạo thế tay ngai. Trước mặt là sông Lèn (đoạn chảy qua vùng này trước đây có tên là sông Đại Lại), gặp sông Mã ở phía Tây và chảy ra biển ở cửa Thần Phù. Xa hơn, chừng hơn 10km ở mạn Bắc là hệ thống núi đá vôi Tam Điệp, cửa ngõ của xứ Thanh thời bấy giờ. Từ cửa Bắc muốn vào Nam qua chặng này bằng đường bộ không còn cách gì khác là phải đi qua những đèo, những thung lũng nhỏ hẹp... Từ Ly Cung, muốn ngược lên phía Tây chỉ có thể đi bằng đường thủy theo sông Lèn hoặc sông Đào. Ngoài ra, Ly Cung có 4 mặt án ngữ bằng 4 quả núi lớn: phía Bắc có núi Thổ Tượng, phía Đông có núi Hắc Khuyển, phía Tây có núi Ngưu Ngọa và phía Nam có núi Đốn Sơn. Con đường nối giữa Thành Nhà Hồ đến Ly Cung chủ yếu bằng đường sông.

Thời gian xây dựng Ly Cung chính xác vào khi nào, trong bao lâu đến nay chưa tìm thấy cứ liệu lịch sử để chứng minh, nhưng theo phỏng đoán, Hồ Quý Ly cho xây dựng Ly Cung sớm hơn Thành Nhà Hồ 1-2 năm. Đây được xem như kinh đô “dã chiến” của triều Trần - Hồ chuẩn bị cho cuộc kháng chiến chống quân Minh, đồng thời cũng là nơi phục vụ cho việc kiến thiết thành Tây Giai.

Chỉ sau 3 năm được phong làm Tể tướng (1387), với quyền lực gần như tuyệt đối trong triều, các tông tộc, quan lại trung thành với họ Trần đã có 2 lần chính biến nhằm lật đổ sự thống trị của Quý Ly nhưng ông đều vượt qua. Năm 1400, Hồ Quý Ly chiếm ngôi nhà Trần, đặt quốc hiệu là Đại Ngu, chưa được một năm trao ngôi cho con và làm Thái thượng hoàng nhưng vẫn nắm đại quyền. Hồ Quý Ly đã có nhiều cải cách hành chính, kinh tế, quân sự. Tuy vậy, triều đại nhà Hồ cũng “vội vàng” kết thúc năm 1407 trong cảnh chiến tranh nước mất nhà tan do quân Minh xâm lược.

Sách “Đại Nam nhất thống chí” (đời Thành Thái) dựa theo quốc sử và một số tài liệu khác cho biết về Cung thất nhà Hồ, có ghi: “Ly Cung, phía bên tả có lầu Đấu Kê (lầu chọi gà) cùng đối diện với nhau. Bên cạnh Ly Cung lại dựng ngôi chùa Triệu Công tự. Hiện nay (cuối thế kỷ XIX - PV) chỉ còn sót lại vài ba trụ đá, ba giếng xây bằng đá và một vài di tích của thành bao quanh. Phía Tây thành đó có một cái đài gọi là đài Thừa lương (đài nghỉ mát), đá hoa ghép vách, chạm trổ các hình rồng, rùa, hoa, rong. Bên núi đặt những máng tre cho nước trên sườn núi chảy xuống, trông rất trong sạch, đáng ưa. Những đá hoa trong cung, hiện nay mười phần còn sót được một".

Thương xót ly cungTấm bia là hiện vật nổi có giá trị duy nhất còn lại ở di tích Ly Cung nhà Hồ.

Giặc Minh xâm lược, Ly Cung bị phá nát. Phải gần 600 năm sau giới khảo cổ học mới tìm ra và khẳng định sau bốn lần khai quật: 1979, 1980, 1983, 1995 trên diện tích rộng 600m2. Theo báo cáo ghi chép lại, qua những lần khai quật, các nhà khảo cổ đã tìm thấy kiến trúc hoàng cung với hàng đá xanh bó móng được gia công thành những khối vuông vức, đầu tiếp giáp có lỗ đổ cá bằng chì, liên kết với nhau thành một khối. Bên ngoài hàng đá xanh bó nền là hàng gạch hoa bó vỉa bao quanh, điểm ngoài kế tiếp có hàng gạch bìa xếp đứng. Trên nền chính điện còn sót lại những tảng đá như một minh chứng về sự đồ sộ của Ly Cung…

Với ý nghĩa lịch sử to lớn từ những tàn tích, năm 1997, Ly Cung Trần Hồ được Bộ Văn hóa - Thông tin (nay là Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch) công nhận là khu di tích lịch sử, văn hóa cấp Quốc gia. Tuy nhiên, từ khi công nhận đến nay, đã 25 năm trôi qua, di tích vẫn hoang phế. Ngày 12-8-2015, Thủ tướng Chính phủ ra Quyết định số 1316/QĐ-TTg về việc phê duyệt Quy hoạch tổng thể bảo tồn, phát huy giá trị di tích Thành Nhà Hồ và vùng phụ cận gắn với phát triển du lịch. Theo đó, vùng không gian kiến trúc cảnh quan di tích Ly Cung liên quan trực tiếp đến giá trị lịch sử của Di sản văn hóa thế giới Thành Nhà Hồ nằm trong nhóm dự án số 6, được phân kỳ đầu tư trong giai đoạn 2021 - 2025 bằng nguồn ngân sách Trung ương, ngân sách địa phương và huy động nguồn vốn khác.

Trong không gian bát ngát của Ly Cung ngoài ngôi nhà thờ nhỏ 2 gian, một nhà che tấm bia đá khắc chữ Hán do ông Lê Tương Dực, một vị quan nhà Lê, năm Hùng Thuận thứ 3 ghi lại, gian chính điện do người dân quyên góp tiền dựng tạm và tường bao xung quanh, còn toàn bộ là bãi đất trống với những nền móng kiến trúc cũ và ngói, gạch lát vương vãi. Ông Phạm Thế Chinh, Chủ tịch UBND xã Hà Đông, cho biết: “Một di tích có giá trị lịch sử rất lớn, trở thành phế tích là điều thật tiếc nuối. Hiện đã có một số cuộc khảo sát để chuẩn bị thực hiện theo quyết định của Thủ tướng. Đảng bộ, chính quyền và Nhân dân xã Hà Đông mong mỏi nhà nước cấp trên quan tâm hỗ trợ xây dựng, trùng tu, phục dựng di tích này.

Bài và ảnh: Kiều Huyền



 {name} - {time}

 Trả lời

{body}
 {name}- {time}
{body}

0 bình luận

Ý kiến của bạn sẽ được biên tập trước khi đăng. Vui lòng gõ tiếng Việt có dấu
Chia sẻ thông tin với bạn bè!
Tắt [X]