(vhds.baothanhhoa.vn) - Tiến sĩ Trần Ân Triêm, sinh ở Yên Lâm, huyện Yên Định, trấn Thanh Hoa, nay là khu phố Bối Lim, thị trấn Quán Lào (Yên Định), từ thuở nhỏ đã ham học và hay chữ, sau trải qua nhiều chức vụ đã đạt đến nhất phẩm hàng quan văn.

Tiến sĩ Trần Ân Triêm trên đất Châu Bối xưa

Tiến sĩ Trần Ân Triêm, sinh ở Yên Lâm, huyện Yên Định, trấn Thanh Hoa, nay là khu phố Bối Lim, thị trấn Quán Lào (Yên Định), từ thuở nhỏ đã ham học và hay chữ, sau trải qua nhiều chức vụ đã đạt đến nhất phẩm hàng quan văn.

Tiến sĩ Trần Ân Triêm trên đất Châu Bối xưaTấm bằng tiến sĩ cấp cho Trần Ân Triêm, năm Vĩnh Thịnh thứ 11 (1715).

Ngoài 40 tuổi, ông đỗ Đệ tam giáp đồng tiến sĩ xuất thân khoa Ất Mùi, niên hiệu Vĩnh Thịnh thứ 11 (1715) đời Vua Lê Dụ tông.

Năm 1716, ông giữ chức Cẩn sự lang giám sát ngự sử đạo Sơn Tây. Ông được các đại thần trong triều đề đạt nên đã được thăng chức Đông các hiệu thư. Năm 1724, Trần Ân Triêm đã có công, có tâm, có đức làm việc xứng với chức vụ, trung thành, cẩn trọng khi cùng với các quan khâm sai tiết chế các sứ đi kiểm tra các doanh trại thủy quân, bộ quân... và được thăng lên chức Đông các học sĩ.

Kinh qua nhiều chức vụ quan trọng, tiến sĩ Trần Ân Triêm luôn giữ được sự thanh sạch của vị quan văn, và được bá quan văn võ kính trọng. Năm 1732, với khả năng hoạt động trong triều chính và cách ứng xử với vua tôi “Trung quân ái quốc”, các quan trong triều đề nghị và ông được sắc chỉ phong lên chức Hiệu trưởng của Trường Quốc Tử giám. Năm 1734, ông tiếp tục được thăng chức “Liệt đại phu Quốc tử giám, tế tửu tước Khuông mỹ Thiếu doãn trung chế”.

Tuy vậy, ông là người biết đủ. Dẫu theo quy định, từ thời Vua Lê Dụ tông, năm Vĩnh Thịnh thứ 15 (1719), là quan võ, thì nội giám từ đồng tri giám sự trở lên, 70 tuổi được cho về hưu, từ lục phẩm trở xuống thì cho cáo lão. Định lệ cho quan văn cũng tương tự. Tuy nhiên, năm 1737 dù chưa đến tuổi 65, nhưng Hàn lâm thừa chỉ Trần Ân Triêm đã xin về hưu và được chuẩn y. Từ đấy về sau các quan văn được phép về hưu từ 65 tuổi.

Hết việc quan, tiến sĩ Trần Ân Triêm trở về làng quê cũ của mình dạy học và mất năm 70 tuổi. Khi ông mất, nhà vua có điếu văn, nhiều sắc chỉ, thăng chức cho ông là Hữu Thị Lang bộ Công và cho phép thôn Châu Bối lập đền để phụng thờ ông.

Tiến sĩ Trần Ân Triêm trên đất Châu Bối xưaHậu duệ Trần Ân Sinh thắp nhang lên bàn thờ tiến sĩ Trần Ân Triêm.

Cả cuộc đời Trần Ân Triêm thường nghĩ đến chí làm trai. Được vinh danh, áo mũ cân đai đã là mãn nguyện lắm rồi. Nhưng đó cũng mới chỉ là “vinh thân phì gia”, điều ông mong muốn là “phò đời giúp nước”. Vì thế, trong giai đoạn nào ông cũng có những học trò riêng.

Trong số rất nhiều học trò của ông, có Hà Tông Huân, Trịnh Đồng Giai và Đỗ Huy Kỳ là nổi hơn hẳn. Cả ba người họ đã đỗ đại khoa, trong đó có 2 người vào bậc tam khôi đỗ đầu Đình nguyên. Đó là Hà Tông Huân, sinh ra tại làng Vàng, xã Kim Thành (nay là thôn 2, xã Yên Thịnh) huyện Yên Định đã đỗ Bảng nhãn khoa Giáp Thìn 1724; Đỗ Huy Kỳ người ở Thử Cốc, huyện Thụy Nguyên, nay là làng Phong Cốc, xã Xuân Minh (Thọ Xuân) đỗ Thám hoa năm 1731 niên hiệu Vĩnh Khánh thứ 3; Trịnh Đồng Giai - xuất thân làng Ngọc Hoạch (nay thuộc xã Thiệu Ngọc, Thiệu Hóa) đỗ tiến sĩ.

Theo sách Việt sử giai thoại: “Nhận thấy 3 học trò của mình tư chất hơn người, Trần Ân Triêm muốn gả 3 con gái cho 3 học trò này và nghĩ ra cách kén rể. Hà Tông Huân vốn ở làng Kim Vực, thầy lấy chữ Kim (vàng); Trịnh Đồng Giai xuất thân làng Ngọc Hoạch, thầy mới trích chữ Ngọc; Đỗ Huy Kỳ quê làng Thử Cốc, thầy mượn chữ Cốc (ngũ cốc), rồi gọi 3 con gái vào hỏi.

Có 3 món lúa, ngọc và vàng, mỗi con chỉ được chọn một thứ. Sau lời ông nghè, cô cả chọn lúa, ông gả cho Đỗ Huy Kỳ (sau đỗ thám hoa). Cô thứ chọn ngọc, ông gả cho Trịnh Đồng Giai (sau đỗ tiến sĩ). Riêng cô út chọn vàng, thầy gả cho người vùng Kim Vực (làng vàng), tức Hà Tông Huân, đỗ bảng nhãn.

Thuở trai trẻ ông đã cống hiến trọn đời mình cho dân cho nước, lúc về hưu ông còn tiếp tục truyền thụ kiến thức, giáo dục các thế hệ con cháu kế tiếp sự nghiệp của cha anh tiếp tục xây dựng quê hương ngày một giàu mạnh.

Giới thiệu với chúng tôi về ngôi đền thờ, ông Trần Ân Sinh, hậu duệ của tiến sĩ Trần Ân Triêm khoe rằng: "Chúng tôi tự hào là con cháu của cụ Trần Ân Triêm, người có bia tiến sĩ ở Văn Miếu Quốc Tử Giám. Trân trọng bậc tiền nhân, chúng tôi từ thế hệ này sang thế hệ khác vẫn giữ vẹn nguyên 10 sắc phong, 2 lệnh chỉ, 1 cuốn công đức ghi những công trạng của cụ".

Tiến sĩ Trần Ân Triêm trên đất Châu Bối xưaĐền thờ tiến sĩ Trần Ân Triêm ở khu phố Bối Lim, thị trấn Quán Lào (Yên Định).

Đền thờ Trần Ân Triêm tọa lạc ở vị trí thoáng đãng, trước có dòng sông Ngọc Chùy (Cầu Chày) nước chảy quanh năm; phía sau là dòng Mạn Định. Theo tài liệu để lại, lúc sinh thời, gia đình Trần Ân Triêm sinh sống trong một ngôi nhà gỗ 3 gian lợp tranh có đôi câu đối: "Yên Bài chính thị đồng căn xuất/ Châu Bối thiên cư chấp thế lai, có nghĩa là Yên Bài thật đúng theo nguồn gốc, Châu Bối chuyển cư tiếp nối đời”. Có lẽ vì thế mà đến nay ngôi đền thờ tiến sĩ Trần Ân Triêm cũng được con cháu tôn tạo lại nhỏ nhắn và khiêm tốn. Hầu hết các hiện vật liên quan đến ông, trong đó tấm bằng tiến sĩ cấp năm Vĩnh Thịnh thứ 11 (1715) dù qua tác động của thời gian cùng nhiều biến cố, song vẫn còn được giữ gìn khá nguyên vẹn.

“Nền giáo dục phong kiến của nước ta ghi nhận 183 khoa thi đại khoa, từ khoa thi đầu tiên năm 1075 đến khoa thi cuối cùng năm 1919 đã tuyển chọn được 2.898 vị tiến sĩ Nho học, đáp ứng nhu cầu đào tạo nhân tài, xây dựng đất nước. Chúng tôi tự hào vì có cụ Trần Ân Triêm là một trong số những tiến sĩ được nhắc đến nhiều trong lịch sử, và càng tự hào hơn khi cụ đã góp phần đào tạo được những con người vừa tài vừa đức”, ông Trần Ân Sinh nói.

Bài viết có sử dụng tài liệu sách Lịch sử truyền thống và cách mạng xã Định Tường, NXB Thanh Hóa, 2005 và nhiều tài liệu khác.

Bài và ảnh: Bảo Anh



 {name} - {time}

 Trả lời

{body}
 {name} - {time}
{body}

0 bình luận

Ý kiến của bạn sẽ được biên tập trước khi đăng. Vui lòng gõ tiếng Việt có dấu
Chia sẻ thông tin với bạn bè!
Tắt [X]