(vhds.baothanhhoa.vn) - Trong hệ thống thư tịch di văn Hán Nôm hiện còn cho đến ngày nay, loại hình sắc phong chiếm một số lượng khá lớn đang được lưu giữ tại các dòng họ, làng xã. Tìm hiểu về nguồn gốc, giá trị, đặc trưng của loại hình này, có thể hiểu khái quát: Sắc phong là một loại hình văn bản mang tính chính thống của chế độ quân chủ phong kiến. Chủ thể đứng đầu đại diện là nhà vua, dùng để tỏ rõ ân uy đối với các bậc quan viên văn võ, các bậc thê thất cung phi, các thần linh hiển ứng...

Tìm lại “hồn làng”: Nguồn di sản độc đáo

Trong hệ thống thư tịch di văn Hán Nôm hiện còn cho đến ngày nay, loại hình sắc phong chiếm một số lượng khá lớn đang được lưu giữ tại các dòng họ, làng xã. Tìm hiểu về nguồn gốc, giá trị, đặc trưng của loại hình này, có thể hiểu khái quát: Sắc phong là một loại hình văn bản mang tính chính thống của chế độ quân chủ phong kiến. Chủ thể đứng đầu đại diện là nhà vua, dùng để tỏ rõ ân uy đối với các bậc quan viên văn võ, các bậc thê thất cung phi, các thần linh hiển ứng...

Tìm lại “hồn làng”: Nguồn di sản độc đáoThôn Quần Thanh, xã Khuyến Nông (Triệu Sơn) vẫn còn lưu giữ 12 đạo sắc phong cổ được các vua triều Hậu Lê và triều Nguyễn phong tặng cho thần hoàng làng Trần Huệ. Ảnh: Lê Đồng

Sắc phong xuất hiện ở Việt Nam từ nửa cuối thế kỷ XV, là việc nhà vua nhân danh thiên tử phong cho quan viên văn võ, con cháu công thần. Những tư liệu sắc phong mang lại đều truyền tải những thông tin chính xác, trung thực về tên tuổi, chức tước nhân vật, duệ hiệu thần linh, địa danh tên làng, xã, tổng, huyện, phủ...

Trên thực tế, có 2 loại sắc phong mà chúng ta thường gặp. Loại thứ nhất dùng để phong cấp, ban thưởng chức tước, giao nhận nhiệm vụ cho những quan viên đang tại nhậm (tức ban phong cho các công thần đang tại thế, tại vị). Loại thứ hai là sắc phong thần, tức là sắc phong cho các vị thần được thờ tại các làng xã.

Trong đó, riêng sắc phong thần lại được chia làm hai thể loại nhỏ. Một loại ban phong cho nhân thần, tức những người có công lao với nước, với dân, với làng xã, đôi khi là những người dân bình thường có công khai đất mở làng hoặc truyền dạy các nghề thủ công cho cộng đồng, gắn liền với lịch sử hình thành cộng đồng làng xã. Một loại là ban phong cho thần linh trong tín ngưỡng dân gian như nhân vật huyền thoại, vật linh thiêng, hoặc một hiện tượng thiên nhiên... Tất cả đều được dân làng tôn xưng là Phúc thần, có những vị là Thành hoàng được dân thờ tự.

Về chất liệu, sắc phong có thể là lụa hoặc giấy. Ở Việt Nam phần lớn cho đến ngày nay, các loại sắc phong còn lại đều được làm bằng chất liệu giấy. Loại giấy này khá đặc biệt, người ta thường gọi là giấy Long ám (rồng ẩn phía trong). Nguyên liệu được vẽ trên giấy là vàng bạc và kim nhũ, cùng với sự kết tinh giữa kỹ thuật cổ truyền và phương pháp thủ công trong trang trí hoa văn đặc trưng cho mỗi giai đoạn lịch sử.

Có thể nhận định giấy ban của sắc phong dưới thời Lê Trung Hưng phần lớn được chia làm 3 hạng. Hạng phong cho bách quan là hạng Nhất, xung quanh khung có vẽ 8 con rồng nhỏ, mặt trước vẽ một con rồng lớn, ẩn trong mây, gọi là Long ám, mặt sau vẽ hình Tứ linh (Long - Ly - Quy - Phụng). Hạng Nhì, xung quanh khung vẽ mây hoặc họa tiết hồi văn, mặt trước vẽ một con rồng, mặt sau vẽ nhị linh (hai con vật trong tứ linh). Hạng Ba, xung quanh in triện gấm, mặt trước vẽ một con rồng ở giữa và bốn góc in hình ngũ tinh (năm ngôi sao), mặt sau vẽ bầu rượu túi thơ.

Phong cho bách thần cũng có 3 hạng. Với Thượng đẳng thần, xung quanh in triện hoa chanh, phía trước vẽ một con rồng hồi chầu vào hình ngũ tinh (hoặc 5 chữ Thọ triện có chữ sắc ở giữa), bốn góc in hình thất tinh hoặc bốn chữ Thọ triện, mặt sau vẽ hình Tứ linh. Trung đẳng thần mặt trước giống như sắc Thượng đẳng thần, mặt sau vẽ lá và bầu rượu, giữa vẽ hai chữ Thọ triện liền nhau, gọi là song thọ. Hạ đẳng thần mặt trước giống như hai hạng trên, mặt sau không vẽ.

Nội dung, kết cấu các đạo sắc phong thể hiện rõ hai phần, phần ghi lạc khoản niên hiệu ngày tháng vua ban viết bên phải phần sắc, phần nội dung ban phong viết bên trái. Văn tự viết trên sắc được phân rõ hai giai đoạn, thời kỳ nhà Lê Trung Hưng và nhà Nguyễn.

Thời Lê Trung Hưng, sắc phong dùng ban phong cất nhắc chức tước, giao nhậm công việc cho các công thần khi đang đảm đương chức vị và ban phong bách thần. Nội dung kết cấu văn tự được ban tặng cũng chia thành phần ghi tên tuổi, chức tước, duệ hiệu; phần tụng dương công đức và phần cuối lập lại phần đầu, nhưng có ban phong thêm chức tước hoặc mỹ tự.

Nhà Lê mỗi năm thường gia ban mỹ tự ghi thêm vào sắc phong; theo đó mỹ tự ghi trong sắc ngày càng nhiều thêm, trong khi đó giấy sắc có hạn. Theo quy định tất cả chữ Sắc (ở cuối cùng phần nội dung) đều viết ở giữa hình chữ Thọ triện. Rồng ẩn quay đầu chầu vào chữ sắc. Do nhiều nội dung quá, sắc phong triều Nguyễn chỉ giữ lại duệ hiệu và tên thần. Dưới triều Nguyễn tên địa danh ban phong cho địa phương nào đều được viết rõ vào mặt trước của sắc.

Trong nội dung sắc, nếu vị thần có từ trước thì ghi rõ chữ tòng tiền phụng sự (theo như lệ trước phụng thờ) hoặc phụng sự (phụng thờ), đôi khi lại ghi hướng lai hữu công (từ trước đến nay có công). Nếu vị thần nào lần đầu tiên được ban tặng ghi hướng lai vị hữu phong tặng (từ trước tới nay chưa được phong tặng). Nội dung đề cập nêu rõ cụ thể lý do được ban và trách nhiệm của triều đình đối với vị thần được ban, giao cho dân làng thờ cúng.

Về hình thức, loại sắc phong thời Lê Trung Hưng hành văn khá chặt chẽ, thường mượn nhiều điển tích, điển cố về sự nổi tiếng của các nhân vật trong lịch sử Nho gia và sự vững bền danh sơn để biểu dương công trạng, đồng thời sử dụng nhiều mỹ tự ban phong thêm cho thần. Sắc phong thời nhà Nguyễn, nội dung và cách hành văn khác hoàn toàn với giai đoạn triều Lê. Trong sắc phong triều Nguyễn, ngôn từ rất giản lược, ngoài việc ghi danh hiệu của thần, nội dung còn thể hiện rõ việc sắc chỉ cho địa phương phụng thờ, gia ban mỹ tự cho thần và nêu rõ việc tế tự theo quy định điển lễ xưa.

Tìm lại “hồn làng”: Nguồn di sản độc đáoSắc phong cho Phạm Cuống ở xã Hoằng Trường, huyện Hoằng Hóa mặt sau vẽ hình Tứ linh (Long - Ly - Quy - Phụng). Ảnh: K.H

Ở cả triều Lê và Nguyễn, không phải sắc phong nào cũng chỉ ban phong cho một vị thần, mà có khi một sắc phong ban phong cho nhiều vị thần, số lượng không thống nhất.

Thanh Hóa hiện có một số lượng lớn sắc phong được lưu giữ và bảo quản tại các đình, đền, miếu phủ, nhà thờ dòng họ. Các huyện có số lượng sắc phong nhiều nhất là Hoằng Hóa, Đông Sơn, Vĩnh Lộc, Quảng Xương và TP Thanh Hóa. Nhiều địa phương có những đạo sắc phong ban cho ba bốn vị thần được dân làng thờ cúng, như ở Hoằng Lộc, Hoằng Hải (Hoằng Hóa). Lại có những nhân vật được ban tặng rất nhiều sắc ở nhiều đời vua như thần Đông hải Đại vương ở Bái Nãi, xã Nga Hải (Nga Sơn); Già Nuôi ở Thanh Nga, xã Hoằng Trinh (Hoằng Hóa)... Sắc phong cổ nhất hiện còn là đạo sắc do vua Lê Thánh Tông niên hiệu Hồng Đức (1460 - 1497) ban cho con cháu dòng tộc Lê Lai ở Hoằng Hải, Hoằng Hóa.

Có thể nói sắc phong là nguồn di sản Hán Nôm độc đáo, quý hiếm, nguồn tư liệu chính thống chuẩn xác có giá trị về nhiều phương diện. Thông qua hệ thống tư liệu này, địa phương có thể xác định chính xác lịch sử tên làng xã. Sắc phong giúp xác định chính xác về tên tuổi, duệ hiệu của thần hoặc chức tước của các quan lại... Giá trị này rất lớn, bao hàm nhiều vấn đề liên quan đến việc thực hành thờ tự tại các địa phương.

Cùng với những tư liệu khác hiện lưu giữ tại địa phương như thần tích, câu đối, gia phả... sắc phong là nguồn tư liệu quan trọng, góp phần nghiên cứu xác minh nhân vật lịch sử khẳng định khuôn diện tín ngưỡng của tiền nhân.

NGUYỄN VĂN HẢI



 {name} - {time}

 Trả lời

{body}
 {name}- {time}
{body}

0 bình luận

Ý kiến của bạn sẽ được biên tập trước khi đăng. Vui lòng gõ tiếng Việt có dấu
Chia sẻ thông tin với bạn bè!
Tắt [X]