(vhds.baothanhhoa.vn) - Tinh thần của bạn giống như một căn nhà. Làm sao để những bộn bề thường nhật được dọn dẹp gọn gàng. Tâm trí tối giản cũng cần được sắp xếp. Gọn rồi thì sẽ đạt hiệu quả cao hơn. S. J. Scott cùng Barrie Davenport tin vậy và tôi cũng tin vậy.

Tối giản tâm trí - Dọn dẹp nghĩ suy trong thường nhật

Tinh thần của bạn giống như một căn nhà. Làm sao để những bộn bề thường nhật được dọn dẹp gọn gàng. Tâm trí tối giản cũng cần được sắp xếp. Gọn rồi thì sẽ đạt hiệu quả cao hơn. S. J. Scott cùng Barrie Davenport tin vậy và tôi cũng tin vậy.

Tối giản tâm trí - Dọn dẹp nghĩ suy trong thường nhật

Đôi khi bạn sẽ không thể biết tâm trí mình đang bấn loạn đến mức nào. Nhưng khi đọc tên cuốn sách mà muốn sở hữu ngay lập tức, điều đó có nghĩa tâm trí bạn lúc ấy cần được sắp xếp lại.

Theo nhóm tác giả có 4 nguyên nhân gây hỗn loạn tinh thần: căng thẳng hàng ngày, mâu thuẫn trong các lựa chọn, có quá nhiều thứ gây mất tập trung có vẻ như đều quan trọng. Nguyên nhân cuối cùng là định kiến tiêu cực.

“Hệ thần kinh của con người đã tiến hóa trong suốt 600 triệu năm, nhưng cái cách nó phản ứng vẫn hệt như cái cách mà tổ tiên xa xưa của chúng ta phản ứng khi đối mặt với các tình huống đe dọa tính mạng nhiều lần mỗi ngày và mục tiêu lớn nhất là phải sống sót”.

Dẫn lời một chuyên gia cao cấp tại Viện đại học California- Berkeley, cuốn sách đưa ra một thông tin khá thú vị. Bộ não thường phạm phải 3 sai lầm: đánh giá quá cao các mối đe dọa, đánh giá quá thấp các cơ hội và lúc nào cũng thấy mình thiếu nguồn lực. Và từ đó nảy sinh ra định kiến tiêu cực.

Làm thế nào để khắc phục điều đó, theo S. J. Scott và Barrie Davenport có một hướng khác điều hướng tâm trí của bản thân tránh xa suy nghĩ định kiến, tiêu cực chính là sự chú tâm tập trung vào khoảnh khắc hiện tại. Đơn giản đừng vướng bận bởi bề bộn tương lai, ngày mai thì chưa tới, hãy tập trung vào khoảnh khắc hiện tại, làm chủ tâm trí của mình.

Bước đầu tiên là hãy hít thở sâu và tập trung, nghe thì có vẻ đơn giản nhưng bạn hãy tin đi: mỗi người hít thở đến 20.000 lần trong ngày. Hãy nắm quyền điều khiển hơi thở như mình mong muốn từ việc tập hít thở sâu và tập trung, bạn sẽ thấy sự khác biệt. Cuốn sách cũng đưa ra 4 gợi mở căn bản để xây dựng thói quen có lợi cho sức khỏe và tâm trí của mọi người. Chìa khóa của thói quen này chỉ là: thở thật chậm, sâu và nhịp nhàng. Bước tiếp theo là nhận diện lợi ích và thực hiện thiền định với tâm niệm: bạn không cần là một nhà sư, người thần bí, theo hoặc không theo tôn giáo nào mới có thể thiền định. Ý nghĩa tốt đẹp không phải làm cho tâm trí bạn im tiếng, quan trọng hơn là cách chiếm lĩnh đi sâu vào sự yên tĩnh đã tồn tại ngay trong chúng ta dưới tầng tầng lớp lớp 50.000 ý nghĩ trung bình mỗi ngày. Có ai đó đã nói: thiền định cũng giống như tập tạ ở phòng gym vậy sẽ tăng sức khỏe cơ bắp tập trung của bạn. Khoảng không gian này được gọi là khoảng hở - khoảng không gian yên tĩnh giữa các suy nghĩ. Ban đầu nó có thể là vài nano giây, rồi dần dà khoảng hở ngày càng rộng ra, nhờ vậy bạn có thể nghỉ ngơi lâu hơn, dọn dẹp được nhiều hơn tâm trí mình.

Sách đã đưa ra nhiều cách để xây dựng thói quen nhìn nhận ý nghĩ từ góc độ khác. Tôi đặc biệt ấn tượng với hai chiến lược gọi là: làm người quan sát và đặt tên ý nghĩ. Hai chiến lược này khi thành thục sẽ khiến cho mỗi người hoàn toàn khách quan không đánh giá bất kỳ ý nghĩ nào. Họ sẽ luyện tập được tâm thái: nhận thức được bản thân mình với tư cách là một nhân chứng khách quan đang quan sát các ý nghĩ, cũng như tách bản thân khỏi ý nghĩ của mình, thừa nhận về mặt tinh thần chúng là ý nghĩ chứ không phải là thực tế.

Ngoài việc dạy cho tâm trí bước vào trạng thái chấp nhận, kể cả những tiêu cực thì cuốn sách đã đưa ra một vài ý tưởng để mỗi người có thể chú tâm. Rất may là thói quen viết lách của tôi cũng được xem là một cách hữu hiệu để hướng sự chú tâm vào những điều lành mạnh. Ngoài ra còn có các hoạt động khác như: tập chơi nhạc cụ, làm đồ thủ công, vẽ, ghi nhớ một điều gì đó, tập thuyết trình và học thiết kế...

Bạn biết không, thiền định hay luyện tập sự chú tâm không phải là để học sự lãng quên, mà cao hơn, sâu xa hơn là giúp bản thân tìm ra điều gì là cốt lõi, là quan trọng với mỗi người. Chỉ khi bạn biết điều gì là quan trọng nhất với bạn trong cuộc sống này thì khả năng đi sai đường, chệch hướng và sao nhãng mục tiêu là tình huống ít có thể xảy ra.

Điều thú vị, bạn dọn dẹp tâm trí hay thiền định không phải là để tránh xa thế giới này. Một nghiên cứu lâu nhất từng được tiến hành ở Đại học Harvard đã nói rằng: con người được sinh ra để kết nối với nhau, các mối quan hệ thân thiết và kết nối xã hội giúp bạn giữ được sự vui vẻ và khỏe mạnh. Các mối quan hệ chất lượng cao luôn là tiền đề tạo nên sự hạnh phúc. Đó là sự thật. Sự thật hơn nữa là mỗi người cần chủ động chọn đưa ai vào cuộc sống của mình và tương tác với họ ra sao.

Một ngày đẹp trời, sớm mai thức dậy, đừng vì những dòng tin tiêu cực mà bạn vô tình đâu đó lượm lặt được để sao nhãng, buồn phiền và phán xét. Hãy nhìn sang bên cạnh, người bạn đời của bạn cần được sự kết nối yêu thương, các con của bạn - chúng sẽ luôn mang dáng vóc và tâm trí di động của bạn mọi lúc mọi nơi, là kết quả của sự giáo dưỡng từ chính bạn. Không phải là con bạn học mà chính là bạn đang tự học - một quá trình tu dưỡng từ bên trong với các mối quan hệ tương tác xã hội bên ngoài. Những điều đó cần sự chú tâm của bạn hơn, hơn là ai đó, người nào đó ít ảnh hưởng tới cuộc sống của bạn hằng ngày.

Đích đến của thiền định là sự yêu thương. Mục tiêu của yêu thương là sự gắn kết. Dọn dẹp tâm trí rồi, bạn đã sẵn sàng xây dựng một mối quan hệ chất lượng bằng sự chú tâm. Chắc chắn là khó, nhưng bạn sẽ thấy xứng đáng vì mình đã kiên trì nỗ lực luyện tập nó hằng ngày!

Nguyễn Hường



 {name} - {time}

 Trả lời

{body}
 {name} - {time}
{body}

0 bình luận

Ý kiến của bạn sẽ được biên tập trước khi đăng. Vui lòng gõ tiếng Việt có dấu
Chia sẻ thông tin với bạn bè!
Tắt [X]