(vhds.baothanhhoa.vn) - Đến hẹn, “Hăm mốt Lê Lai, hăm hai Lê Lợi”. Những dòng người đang nối dài theo chân nhau về với đất thiêng Lam Kinh (Thọ Xuân) trong những ngày chính hội. Nơi đây, chứng kiến sự khởi phát của vương triều Hậu Lê thịnh trị và kéo dài bậc nhất trong lịch sử phong kiến nước nhà. Và cũng nơi đây, anh linh của các vua và hậu nhà Lê đã yên nghỉ vĩnh hằng. Trăm năm, ngàn năm trôi qua, lịch sử dân tộc vẫn đã, đang được viết tiếp bởi những xoay vần, biển đổi của con tạo. Nhưng niềm ngưỡng vọng hậu thế dành cho đấng tiền nhân kiến tạo lịch sử thì vẫn vậy: kính trọng và biết ơn!

Tin liên quan

Đọc nhiều

Trẩy hội Lam Kinh

Đến hẹn, “Hăm mốt Lê Lai, hăm hai Lê Lợi”. Những dòng người đang nối dài theo chân nhau về với đất thiêng Lam Kinh (Thọ Xuân) trong những ngày chính hội. Nơi đây, chứng kiến sự khởi phát của vương triều Hậu Lê thịnh trị và kéo dài bậc nhất trong lịch sử phong kiến nước nhà. Và cũng nơi đây, anh linh của các vua và hậu nhà Lê đã yên nghỉ vĩnh hằng. Trăm năm, ngàn năm trôi qua, lịch sử dân tộc vẫn đã, đang được viết tiếp bởi những xoay vần, biển đổi của con tạo. Nhưng niềm ngưỡng vọng hậu thế dành cho đấng tiền nhân kiến tạo lịch sử thì vẫn vậy: kính trọng và biết ơn!

Nằm giữa núi rừng đất Lam Sơn, Lam Kinh đẹp như một bức tranh cổ. Dẫu vậy, người tinh ý hẳn sẽ nhận ra, Lam Kinh đẹp nhất vào mùa thu. Nắng thu vàng hanh hao phủ màu vào không gian khiến di tích đẹp đến nao lòng. Chút se lạnh chớm thu của thời tiết lúc chuyển mùa cũng khiến cho lòng người chênh chao. Thả hồn mình giữa không gian thiêng, ta lại như được nghe tiếng thì thầm của lịch sử cha ông thuở trước.

Sau hơn 10 năm “nếm mật nằm gai”, nghĩa quân Lam Sơn dưới sự lãnh đạo của Bình Định Vương Lê Lợi đã viết nên bản anh hùng ca bất tử, quét sạch giặc Minh xâm lược ra khỏi cương thổ đất nước, giành lại nền độc lập cho dân tộc. Bình Định Vương Lê Lợi lên ngôi, đánh dấu sự ra đời của vương triều Hậu Lê năm 1428 trong lịch sử. Quốc gia Đại Việt dưới sự trị vì của vua Lê Thái Tổ định đô ở đất Thăng Long. Tuy vậy, đạo lý “uống nước nhớ nguồn” vẫn luônlà truyền thống tốt đẹp của người Việt. Bởi vậy, bên cạnh chuyện quốc gia đại sự, vua Lê Thái Tổ cũng không quên những tính toán cho vùng đất tổ. Một Lam Kinh với vị thế như kinh đô thứ hai bắt đầu được khởi dựng ở quê hương Lam Sơn với những công trình kiến trúc bề thế, nguy nga: Ngọ môn; Chính điện; nhà Thái miếu... dần được hình thành.

Lam Kinh khi ấy là chốn dừng chân cho các vua Lê về bái yết tổ tiên, thực hành nghi lễ tâm linh. Nhưng đồng thời, nơi đây cũng diễn ra việc thiết triều giải quyết việc nước trong thời gian nhà vua cùng bề tôi ở lại đất Lam Sơn. Dẫu vậy, gắn liền với ý nghĩa tâm linh nên Lam Kinh được xem như một kinh đô thờ tự của vương triều Hậu Lê.

Để rồi sau đấy, các vua và hậu thời Lê sơ sau khi mất đều được đưa về sơn lăng ở Lam Kinh an táng. Cùng với đó, hệ thống văn bia, nhà thái miếu cũng dần hình thành... Lam Kinh trở thành kinh đô thờ tự bề thế và quy mô hiếm hoi trong lịch sử các vương triều phong kiến nước nhà. Để đến hôm nay, trải qua gần 600 năm từ khi được khởi dựng, dù trải qua nhiều thăng trầm, biến đổi nhưng Lam Kinh với những công trình kiến trúc được phục dựng, hệ thống bảo vật, cây di sản... được giữ gìn, bảo tồn vẫn là nơi in đậm dấu ấn vương triều Hậu Lê trên vùng đất xứ Thanh.

Thời gian, biến động lịch sử và chiến tranh khiến cho diện mạo khu di tích Lam Kinh thuở nào dần bị tàn phá đầy xót xa. Dẫu vậy, giá trị của khu di tích Lam Kinh thì chưa bao giờ thay đổi. Năm 1962, giữa bộn bề những công việc của đất nước trong thời chiến, Lam Kinh chính thức được xếp hạng di tích lịch sử Quốc gia. Đây được xem là khẳng định bước đầu về tầm vóc của di tích. Dẫu vậy, Lam Kinh bề thế, nguy nga thuở nào giờ đây chỉ còn là phế tích. Những công trình, điện, đài... bị tàn phá, tổn hại nghiêm trọng. Điều đó khiến cho những người về với Lam Kinh ngày ấy không khỏi nuối tiếc, xót xa. Phải làm thế nào để một Lam Kinh với diện mạo nguyên trạng được phục dựng? Để di tích được gìn giữ xứng đáng với công trạng của đấng tiền nhân?... Đó là những trăn trở không chỉ với hậu duệ nhà Lê mà còn với người dân xứ Thanh.

Đến Lam Kinh, du khách không khỏi lắng lòng trước câu chuyện kể về di sản của cha ông.

Năm 1994, Thủ tướng Chính phủ kí quyết định phê duyệt dự án tổng thể tu bổ, phục hồi, tôn tạo di tích lịch sử Lam Kinh. Chỉ một năm sau đó, công cuộc phục dựng Lam Kinh được bắt đầu với muôn vàn khó khăn, ngổn ngang. Về Lam Kinh ở thời điểm hiện tại, thật khó để mường tượng ra những khó khăn, thách thức hơn 20 năm về trước.

Sau 50 năm kể từ khi Lam Kinh được công nhận là Di tích Quốc gia, năm 2012, Thủ tướng Chính phủ đã ra quyết định công nhận Lam Kinh là Khu di tích Quốc gia đặc biệt. Đây không chỉ là khẳng định tầm vóc của một di tích lịch sử. Đó còn là cả kì vọng về việc bảo tồn gắn với phát huy giá trị di tích của cha ông trong thời hiện tại. Sau nhiều lần điều chỉnh, đến nay khu di tích đã được quy hoạch với tổng diện tích trên 200 ha. Trong đó, diện tích vùng lõi là hơn 140 ha với hệ thống công trình kiến trúc đã được phục dựng tương đối hoàn chỉnh: Ngọ môn, Chính điện, Thái miếu, nhà bia, Giếng ngọc, lăng mộ... Cùng với đó là hệ thống cảnh quan cũng được giữ gìn khá nguyên vẹn.

Nhắc đến hệ thống cảnh quan tại khu di tích Lam Kinh, sẽ là vô cùng thiếu sót nếu không nói đến hệ thống 18 cây di sản cùng một số bảo vật quốc gia gắn liền với di tích từ xa xưa. Trong đó, câu chuyện cây lim hiến thân; cây đa thị; cây ổi cười... với “linh tính” kì lạ không thể lí giải vẫn khiến cho mỗi người đến với di tích không khỏi bận lòng. Người ta tin rằng, là vì đất thiêng nên “cây sống lâu cây cũng có thần”.

Việc bảo tồn, gìn giữ phục dựng khu di tích Lam Kinh không phải câu chuyện ngày một, hai. Đó thực sự là kết quả của những quan tâm của Nhà nước, đóng góp, đầu tư vật chất, tâm huyết của Đảng bộ, chính quyền và nhân dân Thanh Hóa, ngành chức năng; cùng với đó còn có sự vào cuộc nghiên cứu tìm tòi, phát hiện của những nhà khoa học tâm huyết, nặng lòng với di sản cha ông. Tất cả điều đó mang đến cho hậu thế hôm nay một Lam Kinh cổ kính linh thiêng, mang đậu dấu ấn văn hóa vương triều.

Trở về với Lam Kinh, ta có cảm giác như đang trở về với cội nguồn của dân tộc. Nếu hơn 600 năm về trước, nơi núi rừng Lam Sơn người Anh hùng Lê Lợi không phất cờ khởi nghĩa, tụ hội anh hào bốn phương thì có lẽ lịch sử dân tộc đã khác. Dù vẫn biết, con tạo xoay vần, con người chỉ nương theo đó mà viết nên lịch sử. Nhưng rõ ràng, một sự cảm kích, biết ơn tiền nhân cũng là điều thực sự cần thiết.

Được đánh giá là di tích trọng điểm của xứ Thanh, năm 2018 khu di tích Lam Kinh ước đón khoảng 22 vạn lượt khách về tham quan, tìm hiểu. Đây được xem là con số khá ấn tượng cho việc phát huy giá trị di tích gắn với phát triển du lịch. Tuy vậy, với giá trị, vị thế, sự đầu tư công sức, tiền bạc, tâm huyết...thì người dân xứ Thanh hoàn toàn có quyền kì vọng về “sức hấp dẫn” của di tích lịch sử Lam Kinh đối với du khách trong và ngoài nước. Dù rằng, bài toán “đưa di tích trở thành sản phẩm du lịch”, hay câu chuyện giữa bảo tồn di sản và phát triển du lịch vẫn luôn là vấn đề được đặt ra cho các cơ quan quản lý. Song, chưa nói đến thế giới, một cố đô Huế; cố đô Hoa Lư... ở thời điểm hiện tại cũng thực sự đáng để chúng ta phải học hỏi.

Kỷ niệm 601 năm khởi nghĩa Lam Sơn, 591 năm vua Lê Thái Tổ đăng quang, tưởng niệm 586 năm ngày mất của Anh hùng dân tộc Lê Lợi, lễ hội Lam Kinh năm 2019 diễn ra trong những ngày đẹp nhất của mùa thu. Hàng ngàn lượt du khách hành hương trở về khu di tích trong dịp chính hội với sự ngưỡng vọng, biết ơn và cả gửi gắm ước vọng tâm linh. Trong không gian thiêng của di tích, dẹp bỏ những toan tính ganh đua, muộn phiền của cuộc sống ngoài kia, lắng lòng mình để nghe lời đồng vọng của lịch sử, thấy lòng nhẹ nhàng biết bao.

Thu Trang


Thu Trang

 {name} - {time}

 Trả lời

{body}
 {name} - {time}
{body}

0 bình luận

Ý kiến của bạn sẽ được biên tập trước khi đăng. Vui lòng gõ tiếng Việt có dấu
Chia sẻ thông tin với bạn bè!
Tắt [X]