(vhds.baothanhhoa.vn) - Đã thành thông lệ, ngày mùng 8 tháng Giêng hằng năm, tại làng Lương Ngọc, xã Cẩm Lương (Cẩm Thủy) diễn ra lễ hội khai hạ truyền thống. Trong âm hưởng của ngày xuân, tiếng cồng, tiếng chiêng rộn rã như mời gọi mọi người về trẩy hội. Lễ hội vào những ngày đầu xuân mở đầu cho năm mới tốt lành, bình an và động viên tinh thần đồng bào các dân tộc thi đua lao động, sản xuất, bảo tồn các giá trị văn hóa truyền thống ở địa phương.

Trẩy hội ngày xuân ở miền núi xứ Thanh

Đã thành thông lệ, ngày mùng 8 tháng Giêng hằng năm, tại làng Lương Ngọc, xã Cẩm Lương (Cẩm Thủy) diễn ra lễ hội khai hạ truyền thống. Trong âm hưởng của ngày xuân, tiếng cồng, tiếng chiêng rộn rã như mời gọi mọi người về trẩy hội. Lễ hội vào những ngày đầu xuân mở đầu cho năm mới tốt lành, bình an và động viên tinh thần đồng bào các dân tộc thi đua lao động, sản xuất, bảo tồn các giá trị văn hóa truyền thống ở địa phương.

Trẩy hội ngày xuân ở miền núi xứ ThanhLễ hội Mường Đòn xã Thành Mỹ (Thạch Thành) diễn ra vào ngày 18 tháng Giêng hằng năm.

Lễ hội khai hạ truyền thống làng Lương Ngọc gắn với suối cá thần và truyền thuyết dựng bản, lập mường, tưởng nhớ vị thần rắn đã cứu dân làng khỏi hiểm họa, ban cho dòng suối mát, dân có nguồn nước trong sạch để sinh hoạt, mùa màng tốt tươi. Vào những ngày diễn ra lễ hội, bà con sửa soạn quần áo, trong đó chị em mặc trang phục truyền thống của đồng bào Mường; cồng chiêng, kiệu, lễ vật dâng lên đền thờ Thủy phủ Long Vương (suối ngọc nằm dưới chân núi Trường Sinh). Phần tế lễ được các cụ cao niên, thanh niên trai tráng khỏe mạnh trong làng thực hiện, sau đó phần hội diễn ra nhiều hoạt động thi đấu bóng chuyền nam và nữ; tổ chức thi đấu các môn bắn nỏ, chọi gà, tung còn, chơi đu, đẩy gậy...

Ông Vũ Duyên Hồng, Phó Trưởng Phòng Văn hóa - Thông tin huyện Cẩm Thủy cho biết: Trong những ngày diễn ra lễ hội khai hạ, làng Lương Ngọc đã thu hút đông đảo người dân và du khách tới dâng hương cũng như tham quan cảnh đẹp của suối cá; được hòa mình vào các trò chơi, trò diễn dân gian của đồng bào dân tộc Mường, thưởng thức những đặc sản của địa phương. Lễ hội nhằm bảo tồn và phát huy các giá trị văn hóa truyền thống; đồng thời, tuyên truyền, quảng bá, giới thiệu hình ảnh về mảnh đất, con người; thu hút khách du lịch, các nhà đầu tư trong và ngoài nước đến với thôn Lương Ngọc, xã Cẩm Lương nói riêng, huyện Cẩm Thủy nói chung. Dịp tết năm nay tuyến đường chính đi vào Khu du lịch suối cá Cẩm Lương được mở rộng đã tạo điều kiện thuận lợi để người dân và du khách tới tham quan, du xuân. UBND huyện Cẩm Thủy cũng đã chỉ đạo UBND xã Cẩm Lương, đơn vị quản lý Khu du lịch suối cá Cẩm Lương chỉnh trang khu du lịch, phân luồng các phương tiện giao thông qua cầu Cẩm Lương. Bố trí khu vực để xe ô tô, xe máy, khu vực bán hàng hợp lý, bảo đảm an ninh trật tự, an toàn vệ sinh thực phẩm, đặc biệt là không tăng giá vé vào khu du lịch. Đồng thời bố trí hướng dẫn viên thuyết minh cho các đoàn khách có nhu cầu, qua đó góp phần nâng cao chất lượng dịch vụ du lịch và đẩy mạnh công tác quảng bá, giới thiệu về danh lam thắng cảnh suối cá Cẩm Lương. Từ ngày mùng 1 tết đến ngày 26/2, Khu du lịch suối cá Cẩm Lương đón hơn 40.000 lượt khách tới tham quan, đặc biệt những ngày diễn ra lễ hội, lượng du khách đến suối cá đông hơn.

Nếu như huyện Cẩm Thủy mở đầu lễ hội truyền thống trên quê hương với lễ hội khai hạ thì huyện miền núi Thạch Thành được biết đến với lễ hội văn hóa truyền thống Mường Đòn diễn ra vào ngày 18 tháng Giêng hằng năm tại xã Thành Mỹ. Lễ hội Mường Đòn là 1 trong 5 lễ hội trên cả nước được Bộ VH,TT&DL ban hành quyết định về việc tổ chức bảo tồn lễ hội truyền thống tiêu biểu các dân tộc thiểu số từ năm 2022.

Mường Đòn (trước đây là làng Vân Đội) gồm 3 thôn: Vân Đình, Vân Tiến, Phong Phú (xã Thành Mỹ). Lễ hội Mường Đòn diễn ra nhằm tưởng nhớ công lao khai ấp, lập mường của ông Vũ Duy Dương (người có công phò nhà Lê diệt nhà Mạc và được vua Lê Trang tông ban cho sắc phong “Bạch Mã linh lang Thượng đẳng thần”, được dân làng lập đền thờ tôn ngài là Thành hoàng làng của Mường Đòn) và em gái Vũ Thị Cao, quê ở làng Yên Mạc, Yên Mô (Ninh Bình) gắn với di tích đình Mường Đòn, đền Ông, đền Bà. Những ngày diễn ra lễ hội dân làng sôi nổi tổ chức lễ rước sắc, rước kiệu; tham gia các hoạt động văn hóa văn nghệ, thể dục thể thao, thi làm cỗ để tế thần tại đình Mường Đòn...

Đồng chí Nguyễn Văn Vĩnh, Chủ tịch UBND xã Thành Mỹ cho biết: Thời gian qua, địa phương đã thực hiện tốt công tác quản lý, bảo vệ, gìn giữ cũng như phát huy những giá trị của lễ hội Mường Đòn trong việc phát triển kinh tế - xã hội, đặc biệt là gắn với phát triển du lịch. Hiện nay, xã đang tập trung tuyên truyền ý nghĩa lễ hội gắn với di tích lịch sử, văn hóa của địa phương. Cùng với đó, xây dựng lễ hội Mường Đòn thành sản phẩm du lịch; tổ chức các hoạt động, các trò chơi, trò diễn dân gian truyền thống. Đồng thời khai thác các nguồn lực từ các tổ chức, cá nhân đóng góp cho việc giữ gìn di sản văn hóa vật thể và phi vật thể liên quan đến lễ hội; tu bổ, tôn tạo hệ thống di tích đình Mường Đòn là những địa điểm diễn ra các nghi thức truyền thống của lễ hội để thu hút du khách tới dâng hương, vãn cảnh, góp phần phát triển du lịch địa phương.

Có thể khẳng định, xứ Thanh - vùng đất được biết đến về sự phong phú, đa dạng của các lễ hội, lễ tục, trò chơi, trò diễn, âm nhạc dân gian truyền thống trên khắp các vùng miền trong tỉnh. Nhờ có giá trị to lớn về mặt văn hóa, lịch sử, khoa học, vì vậy một số lễ hội, lễ tục, trò chơi, trò diễn... đã được công nhận di sản văn hóa phi vật thể quốc gia. Ở các huyện miền núi, một số lễ hội truyền thống vinh dự, tự hào khi được công nhận di sản văn hóa phi vật thể quốc gia, đó là lễ hội Mường Ca Da (Quan Hóa); lễ hội Mường Xia (Quan Sơn); lễ hội Nàng Han (Thường Xuân); lễ hội Mường Khô (Bá Thước); lễ hội Kin Chiêng Boọc Mạy và Sết Boóc Mạy (Như Thanh)... Mỗi lễ hội đều mang nét đặc sắc, độc đáo riêng của đồng bào các dân tộc thiểu số xứ Thanh. Các lễ hội đã thu hút đông đảo người dân, du khách về tham dự, thưởng thức và đắm chìm vào không gian văn hóa tâm linh độc đáo của các nghi lễ truyền thống, thể hiện sự tôn kính với các vị thần linh, anh hùng, nghĩa sỹ đã gắn liền với quê hương bản làng, che chở, nâng đỡ cho mưa thuận gió hòa, mua màng tươi tốt, Nhân dân được ấm no, hạnh phúc. Đồng thời trải nghiệm các hoạt động văn hóa văn nghệ, thể dục thể thao mang đậm bản sắc văn hóa. Và trên hành trình quảng bá hình ảnh mảnh đất, con người quê hương Thanh Hóa đến bạn bè, du khách trong và ngoài nước có đóng góp quan trọng của các lễ hội thuộc khu vực sinh sống của đồng bào các dân tộc thiểu số, khu vực miền núi.

Bài và ảnh: Ngọc Huấn



 {name} - {time}

 Trả lời

{body}
 {name} - {time}
{body}

0 bình luận

Ý kiến của bạn sẽ được biên tập trước khi đăng. Vui lòng gõ tiếng Việt có dấu
Chia sẻ thông tin với bạn bè!
Tắt [X]