(vhds.baothanhhoa.vn) - Cuối năm, muốn đến một vùng quê yên bình để xóa đi những ngày mệt mỏi, cái tên Quần Tín bật lên trong tôi như một khúc nhạc đầy quyến rũ.

Tin liên quan

Đọc nhiều

Trọn niềm tin với mảnh đất ân tình

Cuối năm, muốn đến một vùng quê yên bình để xóa đi những ngày mệt mỏi, cái tên Quần Tín bật lên trong tôi như một khúc nhạc đầy quyến rũ.

Mảnh đất Quần Tín lịch sử cách mạng này thời kỳ 1947 - 1954 còn lưu lại nhiều kỷ niệm sâu sắc của những nhà hoạt động chính trị, quân sự, đặc biệt là đội ngũ văn nghệ sỹ về sơ tán ở đây như Đặng Thai Mai, Nguyễn Chí Thanh, Nguyễn Hải Triều, Nguyễn Mạnh Cầm, Nguyễn Sơn, Phan Diễn, Trần Văn Giàu, Vũ Ngọc Phan, Trương Tửu, Đào Duy Anh, Nguyễn Tuân, Nguyễn Xuân Sanh... Quần Tín thời kỳ ấy được coi như một thủ đô văn hóa của cả nước, để rồi giờ đây lớp con cháu như tôi lại tìm về cái nôi ấy, được nghe và hiểu thêm mảnh đất hội tụ nhiều câu chuyện về những lão làng văn nghệ sỹ Việt Nam.

Quần Tín thuộc xã Thọ Cường, huyện Triệu Sơn. Không phải địa danh này ngẫu nhiên được chọn làm an toàn khu cho các văn nghệ sỹ sơ tán và hoạt động, vì đây là vùng đất cổ, còn lưu giữ được nhiều dấu ấn văn hóa đậm nét qua các thời kỳ lịch sử. Quần Tín thực sự là mảnh đất hội tụ “thiên thời, địa lợi, nhân hòa” để trở thành cái nôi của Hội Văn nghệ Việt Nam trong kháng chiến chống Pháp. Đặc biệt, chính ở mảnh đất này, những khóa học văn nghệ kháng chiến đầu tiên được ra đời.

Vừa mới vào làng, cái mùi ngai ngái của đồng ruộng, bùn cỏ, cái thơm dịu nhẹ của hương lúa đang thì con gái cứ vương vít nơi đầu mũi. Phải nói rằng Quần Tín đẹp vẻ đẹp không trẻ trung, sung sức, mà đẹp mặn mà, thao thiết, trầm lắng trong lòng người. Đến làng muốn gặp lại những người dân từng sống và sinh hoạt với lớp văn nghệ sỹ thời ấy thật khó. Theo thời gian, những nhân vật thời ấy người thì đã trở về với đất, người còn sống chỉ nhớ bập bõm được vài ba kỷ niệm rời rạc. Nhưng qua tài liệu, nhất là những câu chuyện lớp trước truyền cho lớp sau, tôi vẫn như được thấy khung cảnh hào hùng, vui vẻ và đáng nhớ hiển hiện ra.

Hồi ấy nhà nào được đón người tản cư về ở cùng cũng lấy làm vinh dự như chính mình đã tham gia vào công cuộc kháng chiến cứu nước. Địa phương còn lập ra ban đón tiếp người tản cư để phân chia đều đến các nhà, tránh bị “khiếu nại”. Đó là vào những ngày giáp tết năm 1947, mặc cho cái rét cắt da, mặc cho những khó khăn chồng chất thời chiến tranh loạn lạc, người người ai cũng háo hức, khắp làng trên xóm dưới rộn rã tiếng nói cười, ì ào tiếng trò chuyện. Ngoài việc nhường lại chỗ tốt nhất trong nhà cho văn nghệ sỹ ở, những người dân Quần Tín còn tự tay nấu bánh chưng, chuẩn bị cỗ bàn, bày bàn thờ riêng để những gia đình văn nghệ sỹ có thể thắp hương cho gia tiên về vui tết ở mảnh đất mới. Biết kháng chiến còn dài nên các gia đình văn nghệ sỹ mỗi người đều kiếm lấy một nghề hoặc mua một ít đất ruộng tăng gia, tự túc lương thực mà sống, mà theo đuổi kháng chiến đến cùng. Vẫn còn đó hình ảnh vợ nhà văn Nguyễn Tuân tảo tần ngâm giá bán, sau mở một quán nhỏ có tên Giang Quyên, là nơi để anh chị em văn nghệ sỹ Quần Tín đến để gặp gỡ, trao đổi và đọc cho nhau nghe những sáng tác mới... Nhưng nhớ nhất vẫn là những lớp học văn hóa kháng chiến lần đầu tiên được mở ra tại Quần Tín. Một thôn miền núi, một vùng đồi vốn yên bình, lặng lẽ là thế bỗng rộn ràng ngày đêm, tiếng đàn, tiếng hát, ngâm thơ, đọc sách, bàn luận về văn học nghệ thuật lúc nào cũng văng vẳng đến từng nhà, từng người, thấm vào tâm hồn già trẻ, gái trai. Để rồi một “Bài ca vỡ đất” của Hoàng Trung Thông, “Nhớ” của Hồng Nguyên, “Tơ tằm” của Cẩm Lai, “Quách xuân kỳ” của Hữu Loan, “Gió lào” của Nguyễn Tuân, “Trong rừng đêm” của Nguyễn Xuân Sanh... đã lần lượt ra đời.

Dọc theo đường đất đỏ, chúng tôi đến thăm lại một số nhà dân đã từng cưu mang những văn nghệ sỹ thời kỳ 1947 - 1954. Quần Tín thanh bình, yên ả với những đợt gió nhẹ đang đẩy đa trên những tán lá rộng. Dáng dấp của những ngôi nhà cổ, với mái ngói thẫm màu, vẫn nếp nhà xưa, vườn chuối, hàng cau thân thuộc của làng quê Việt còn nguyên vẹn hiện ra. Càng đi nhiều, được nghe nhiều câu chuyện kể của người dân làng Quần Tín, tôi càng xót lòng thấy một hiện vật sống đang bị tàn phá, đang dần mất dấu.

Để giữ lại một vùng đất thiêng, chất chứa bao ân tình, giữ lại một dấu mốc quan trọng, đầu xuân năm 2013, UBND xã Thọ Cường đã tổ chức lễ đón nhận Bằng di tích lịch sử cách mạng - địa điểm khu lưu niệm Hội Văn nghệ Việt Nam (thời kỳ 1947 - 1954). Đây là mốc mở đầu trong hành trình xác nhận Quần Tín là thủ đô văn hóa kháng chiến. Đầu tuần tháng 5 vừa qua, nhân chuyến giao lưu Văn học nghệ thuật 5 tỉnh vùng kinh đô xưa và nay, Hội Văn học - Nghệ thuật Thanh Hóa đã đưa các văn nghệ sỹ về thăm Quần Tín, trong đó, nhiều người là con, là cháu của những văn nghệ sỹ đã sống ở chính Quần Tín thời kỳ 1947 - 1954. Những bàn tay sờ vào thân nhà, những cái ôm nhau thật chặt cùng mong mỏi một ngày mai ghé qua sẽ thấy tên cha mình, ông mình đã được ghi bia đá ở vùng đất thiêng này.

Trong thư gửi Bí thư Đảng ủy xã Thọ Cường, nhà thơ Nguyễn Khoa Điềm - Nguyên Ủy viên Bộ Chính trị, nguyên Trưởng ban Văn hóa và Tư tưởng Trung ương đã bộc bạch: “Quần Tín là địa danh lịch sử cách mạng. Nên Quần Tín cần có một nhà bia ghi dấu ấn, xứng đáng cho văn hóa cả nước, làm cơ sở về nguồn cho các thế hệ mai sau mà còn phải là địa chỉ đỏ, một địa chỉ quan trọng về văn hóa và lịch sử của văn hóa trong kháng chiến chống Pháp, cần được ghi nhận và phát huy trong thời kỳ tới”.

Tôi cũng nhận được thông tin rằng chỉ trong một thời gian rất ngắn nữa thôi, Ủy ban Toàn quốc liên hiệp các Hội Văn học - Nghệ thuật Việt Nam sẽ đưa mẫu văn bia về Quần Tín để công việc dựng bia được triển khai, rồi mai đây khu di tích sẽ sớm hoàn thiện, đó là tài sản vô giá về nền văn hóa Việt cần được bảo tồn.

Ngân Hằng


Ngân Hằng

 {name} - {time}

 Trả lời

{body}
 {name} - {time}
{body}

0 bình luận

Ý kiến của bạn sẽ được biên tập trước khi đăng. Vui lòng gõ tiếng Việt có dấu
Chia sẻ thông tin với bạn bè!
Tắt [X]