(vhds.baothanhhoa.vn) - (VH&ĐS) Năm 2017, Trung tâm Văn hóa tỉnh bước sang tuổi 35, nếu tính cả "tuổi mụ" là 38. Ngày ấy, cuối những năm 70 của thế kỷ 20, Bộ VHTT chỉ đạo thí điểm xây dựng Nhà Văn hóa cấp huyện, tỉnh.

Tin liên quan

Đọc nhiều

Trung tâm Văn hóa tỉnh: Vững bước tuổi 35

(VH&ĐS) Năm 2017, Trung tâm Văn hóa tỉnh bước sang tuổi 35, nếu tính cả "tuổi mụ" là 38. Ngày ấy, cuối những năm 70 của thế kỷ 20, Bộ VHTT chỉ đạo thí điểm xây dựng Nhà Văn hóa cấp huyện, tỉnh.

Sau Nghệ An, Sở VHTT Thanh Hóa quyết định thành lập Nhà Văn hóa Trung tâm để hoạt động thử nghiệm. Cũng những con người cũ từ phòng Văn hóa quần chúng, bổ sung một số cán bộ học chính quy từ Trường Đại học Văn hóa Hà Nội. Giám đốc Sở VHTT yêu cầu Triển lãm tỉnh cho mượn một dãy nhà để ở tạm, cho 4 cái bàn, 12 cái ghế lim làm vốn. Chúng tôi lao về cơ sở công tác với bầu nhiệt huyết trong tim và kiến thức trong đầu. Nhờ vậy mà phong trào văn hóa, văn nghệ quần chúng đã có sự chuyển biến rõ rệt cả về chất và lượng. Sau 3 năm thử nghiệm, UBND tỉnh Thanh Hóa ra quyết định thành lập Nhà Văn hóa Trung tâm tỉnh (tiền thân của Trung tâm Văn hóa tỉnh ngày nay). Tính từ năm ra quyết định, đến năm Đinh Dậu này, Trung tâm Văn hóa tỉnh chẵn tuổi 35.

Đã hơn 10 năm đổi sang tên Trung tâm Văn hóa tỉnh, vậy mà nhiều người cứ vẫn gọi là Nhà Văn hóa Trung tâm, gọi thế bởi ngày ấy, ở đâu có hội thi, hội diễn, có hoạt động câu lạc bộ, nhà văn hóa, lễ hội... là có mặt chúng tôi, dù phương tiện chỉ là chiếc xe đạp. Đạp xuống huyện, xuống xã, đạp xuống biển lên rừng để gây dựng và bồi đắp phong trào văn hóa, văn nghệ quần chúng.

Nhìn lại chặng đường 34 năm qua, Trung tâm Văn hóa tỉnh tự hào đã tổ chức được nhiều hoạt động văn hóa, văn nghệ quần chúng góp phần xây dựng và nâng cao đời sống văn hóa cho nhân dân, giúp nhân dân bảo tồn di sản văn hóa của ông cha và tự mình sáng tạo ra những sản phẩm văn hóa.

Chúng tôi đã tổ chức hàng trăm lần hội diễn văn nghệ, hội thi thông tin cổ động, hàng nghìn cuộc hội thi, hội diễn cấp huyện, ngành. Tham gia hàng trăm cuộc với Trung ương và tỉnh bạn từ Cà Mau đến địa đầu Móng Cái, với đủ các loại hình nghệ thuật: Tuồng, chèo, kịch nói, ca -múa - nhạc, kịch thông tin... 16 lần tổ chức liên hoan văn hóa dân tộc với quy mô cấp tỉnh (2 năm 1 lần), số lượng Huy chương vàng, bạc, đồng, Bằng khen, Giấy khen không thể thống kê hết được.

Đặc biệt để tạo nên những hoạt động văn hóa mang tính bền vững, góp phần tạo nên nền văn hóa tiên tiến, đậm đà bản sắc dân tộc, đơn vị đã nghiên cứu, phục dựng truyền bá nhiều làn điệu dân ca, dân vũ, lễ hội, trò chơi, trò diễn dân gian truyền thống của các dân tộc trên địa bàn Thanh Hóa. Nhiều mô hình, mẫu hình đã được đơn vị tổ chức thành công như: Liên hoan các giọng hát hay; Liên hoan hát ru; Liên hoan các gia đình nghệ thuật;...

Trung tâm Văn hóa tỉnh cũng là đơn vị tiên phong trong tổ chức các lễ hội, lễ hội truyền thống, lễ hội mới: Lễ hội kỷ niệm 100 năm ngày sinh nhật Bác; lễ hội Tết Nguyên đán năm 2000 (phát trên Đài Truyền hình Việt Nam); Lễ hội Lam Kinh, Ba Đình, Mai An Tiêm; Lễ hội Cồng Chiêng toàn quốc; Festival trò chơi, trò diễn dân gian (với sự tham gia của 6 tỉnh); lễ hội đường phố; Lễ hội du lịch biển Sầm Sơn, Hải Tiến...

Hàng trăm lớp bồi dưỡng nghiệp vụ cho cơ sở đã được mở, góp phần bồi dưỡng nghiệp vụ công tác, nghiệp vụ văn hóa, văn nghệ, tuyên truyền cổ động... cho phong trào. In ấn được hàng chục đầu sách: kịch, nhạc, dân ca, tranh cổ động và hàng nghìn tập san "Văn hóa cơ sở"... Với nỗ lực của mỗi cá nhân, của tập thể trong quá trình xây dựng và trưởng thành, đơn vị đã được nhân dân, Đảng và Nhà nước ghi nhận, đơn vị đã đón nhận Huân chương Lao động hạng Nhì.

Bước sang năm tuổi 35, những thử thách, thời cơ và vận hội của đất nước, của tỉnh, của ngành văn hóa nói chung, của đơn vị nói riêng đang mở ra phía trước. Là đơn vị đầu tầu của hệ thống thiết chế văn hóa từ tỉnh đến cơ sở, Trung tâm Văn hóa tỉnh sẽ tạo nên một sự gắn kết hữu cơ trong hệ thống các Trung tâm VH-TT toàn tỉnh, phát huy và tăng cường các hoạt động văn hóa về cơ sở. Xây dựng hệ thống câu lạc bộ, đội văn nghệ, tuyên truyền cổ động phát triển bền vững. Nghiên cứu các mô hình, mẫu hình hoạt động, khôi phục và phát huy văn hóa phi vật thể... Quảng bá, giới thiệu các giá trị văn hóa quý báu của đồng bào các dân tộc Thanh Hóa với bè bạn trong và ngoài tỉnh, đẩy mạnh công cuộc xây dựng nông thôn mới, đô thị văn minh. Góp phần xây dựng con người Thanh Hóa, tỉnh Thanh Hóa trở thành tỉnh kiểu mẫu như lời Bác Hồ căn dặn.

Nguyễn Huy Sơn

(Giám đốc Trung tâm Văn hóa tỉnh)



 {name} - {time}

 Trả lời

{body}
 {name}- {time}
{body}

0 bình luận

Ý kiến của bạn sẽ được biên tập trước khi đăng. Vui lòng gõ tiếng Việt có dấu
Chia sẻ thông tin với bạn bè!
Tắt [X]