(vhds.baothanhhoa.vn) - Chẳng nhẹ nhàng tinh tế như người Tràng An, không dịu dàng mộng mơ như ai đó đã lớn lên bên dòng Hương giang và cũng đâu hào phóng vốn dĩ như người Sài Gòn. Một xứ Thanh địa linh nhân kiệt, nơi phát tích của các triều vua, chúa trong lịch sử phong kiến nước nhà. Vùng đất non nước hữu tình với ba vùng, miền đặc trưng. Là núi cao với cảnh sắc hoang sơ tuyệt đẹp, là biển rộng với ầm ào sóng vỗ đêm ngày, là những đồng bằng sông Mã, sông Chu phì nhiêu tươi tốt... Ở đó, có những con người quê Thanh với giá trị văn hóa, bản sắc xứ Thanh chẳng thể lẫn lộn... Và trên con đường mang thông tin đến với bạn đọc, Báo VH&ĐS không ngừng nghỉ cho mục tiêu bảo tồn, gìn giữ, phát huy giá trị văn hóa và lan tỏa hình ảnh tốt đẹp về đất và người xứ Thanh.

Tin liên quan

Đọc nhiều

Tự hào văn hóa xứ Thanh

Chẳng nhẹ nhàng tinh tế như người Tràng An, không dịu dàng mộng mơ như ai đó đã lớn lên bên dòng Hương giang và cũng đâu hào phóng vốn dĩ như người Sài Gòn. Một xứ Thanh địa linh nhân kiệt, nơi phát tích của các triều vua, chúa trong lịch sử phong kiến nước nhà. Vùng đất non nước hữu tình với ba vùng, miền đặc trưng. Là núi cao với cảnh sắc hoang sơ tuyệt đẹp, là biển rộng với ầm ào sóng vỗ đêm ngày, là những đồng bằng sông Mã, sông Chu phì nhiêu tươi tốt... Ở đó, có những con người quê Thanh với giá trị văn hóa, bản sắc xứ Thanh chẳng thể lẫn lộn... Và trên con đường mang thông tin đến với bạn đọc, Báo VH&ĐS không ngừng nghỉ cho mục tiêu bảo tồn, gìn giữ, phát huy giá trị văn hóa và lan tỏa hình ảnh tốt đẹp về đất và người xứ Thanh.

Đi tìm di sản

Hơn 1700 năm trước, nhằm chống lại ách cai trị của giặc Ngô ở vùng đất Cửu Chân (Thanh Hóa), nữ tướng Triệu Trinh Nương cùng với anh trai là hào trưởng Triệu Quốc Đạt đã dấy binh khởi nghĩa, chống lại kẻ thù bạo tàn. Để rồi ngày hôm nay, ghé thăm khu di tích đền Bà Triệu trên địa bàn xã Triệu Lộc (Hậu Lộc) vẫn còn đó những dấu tích cổ xưa: lăng mộ Bà Triệu trên đỉnh núi Tùng; đền thờ Bà dưới chân núi Gai; đá bàn thế; mộ ba ông tướng họ Lý... xâu chuỗi những dấu tích, hiện vật và lắng nghe câu chuyện kể về cuộc đấu tranh khởi nghĩa của vị vua Bà, có thể nào không rưng rưng những xúc cảm về tài năng, khí chất của người con gái xứ Thanh!

Tiếp nối chí khí Bà Triệu, chàng trai trẻ Lê Hoàn lớn lên trên quê hương Xuân Lập (Thọ Xuân) đã đi vào lịch sử dân tộc với công cuộc phá Tống bình Chiêm, mang đến một giai đoạn vẻ vang của đất nước Đại Việt thời Tiền Lê. Về quê hương Xuân Lập, bạn sẽ hiểu Thập đạo tướng quân, Hoàng đế Lê Đại Hành vẫn sống mãi trong lòng nhân dân nơi ngài sinh ra.

Xuyên suốt trong chuỗi những bài viết nhân kỷ niệm 990 năm Thanh Hóa trên Báo Văn hóa & Đời sống là hình ảnh di sản đặc sắc ở khắp các vùng miền xứ Thanh. Hơn 1.500 di tích là từng ấy những khởi nguồn và huyền tích linh thiêng.

Tìm về khu di tích núi và đền Đồng Cổ nằm trên địa bàn xã Yên Thọ (Yên Định) bên bờ sông Mã. Không gian di tích tĩnh lặng với núi Tam Thai, bến Trường Châu, hồ bán nguyệt, đền thờ thần Đồng Cổ... cảnh sắc ấy khiến con người ta dễ lạc vào câu chuyện truyền thuyết cổ xưa. Lắng trong không gian như có thanh âm kiếm kích, trống đồng thần sử dụng mỗi khi xung trận. Để rồi tin rằng, dù trải qua ngàn năm, vạn năm thì thần Đồng Cổ vẫn ở đấy, ngự trên núi Tam Thai, phù trợ cho quốc thái dân an. Truyền thuyết và di tích đền Đồng Cổ phải chăng là minh chứng cho một vùng đất xứ Thanh địa linh.

Đất địa linh sinh nhân kiệt. Và xứ Thanh, vùng đất “tam vua nhị chúa”. Trong đó, nhà Hậu Lê - vương triều thịnh trị và kéo dài bậc nhất trong lịch sử phong kiến nước nhà đã để lại trên vùng đất Lam Sơn một Lam Kinh bề thế, lộng lẫy và trang nghiêm.

Tham vọng luôn cố gắng để thấu hiểu trọn vẹn giá trị di sản của cha ông. Mỗi chuyến đi, mỗi bài viết trên Báo Văn hóa & Đời sống, chúng tôi đều chọn cách tiếp cận bắt đầu từ thái độ trân trọng. Dù, đó có thể là một công trình kiến trúc đậm dấu ấn vương triều hay đơn giản chỉ là dấu tích, hiện vật còn sót lại sau những cuộc bể dâu. Bởi, chúng tôi hiểu, cùng với sử sách, di sản cũng chính là “người kể chuyện” đặc biệt.

“Đánh thức” giá trị trao truyền

Nếu sự hưng vong của mỗi vương triều đều có lý do của lịch sử thì di sản cũng vậy. Lặng nhìn những giá trị đã gây dựng cùng tâm huyết của cha ông xưasẽ là những tự hào xen lẫn ngậm ngùi, xót xa. Nhưng khác với lịch sử vương triều, di sản tồn tại không phải để con người phán xét. Và chúng ta tin rằng, bỏ qua những tính toán được, mất, bất cứ di tích - di sản nào khi ra đời cũng chứa đựng những tâm huyết, kì vọng của máu xương và nước mắt của lớp người đi trước.

Với tham vọng độc lập song hành cùng những nỗ lực cải cách, Hồ Quý Ly đã dựng nên một tòa thành đá kì vĩ hiếm có trong lịch sử phong kiến nước nhà. Cho dù, vương triều Hồ chỉ tồn tại vỏn vẹn 7 năm, nhưng Thành Nhà Hồ hơn 6 thế kỷ trôi qua vẫn sừng sững, thách thức thời gian, trở thành di sản văn hóa thế giới. Dù cho vẫn còn không ít những tranh cãi, suy luận về vương triều Hồ song dù muốn hay không thì chúng ta vẫn phải nhìn nhận sự vĩ đại của tòa thành đá.

Bụi thời gian và thăng trầm lịch sử phủ màu lên những di tích khiến cho có những thời điểm tưởng chừng ta đã lãng quên. Nhưng trải qua những “cơn ngủ quên”, từng lớp, từng lớp di sản đã và đang được “đánh thức” để “sống” dậy. Nếu các nhà nghiên cứu với sự vào cuộc tìm hiểu và các công trình nghiên cứu mang đến những góc nhìn, hướng tiếp cận toàn diện để chúng ta hiểu, lịch sử vốn không phải là sự phiến diện, một chiều. Thì thông tin, bài viết trên Báo Văn hóa & Đời sống đã góp phần bắc nhịp cầu nối để di sản được hiểu, được tôn trọng và trả về đúng giá trị vốn có. Bởi, mỗi chúng ta dù đang sống trong một không gian di sản với những di tích, lễ hội, trò chơi, trò diễn nhưng đâu phải ai cũng hiểu hết được giá trị của di sản. Nếu đã không thể hiểu được sao có thể tránh khỏi những sự lệch lạc làm biến tướng và đánh mất bản sắc tốt đẹp của di sản người xưa để lại.

Đắm mình trong không gian của những trò Xuân Phả, trò Chiềng hay làn điệu hát chèo, chầu văn ta không khỏi cảm phục sự tài hoa của người nghệ nhân xưa đã tạo nên không gian nghệ thuật thực sự đặc sắc. Những ngôn ngữ hình thể, lời ca tiếng hát... chất chứa trong đó là bao câu chuyện về sự sáng tạo của cha ông xưa. Vậy nhưng, đã từng có một thời gian dài những di sản văn hóa phi vật thể tưởng như bị quên lãng. Chỉ khi tiếp xúc với những con người nghệ nhân dày công nghiên cứu, tìm tòi để khôi phục lại trò diễn, giá trị văn hóa xưa ta mới hiểu hết những “nhọc lòng” của người gìn giữ di sản văn hóa phi vật thể. Chẳng tiền bạc hay vinh quang, chỉ là những tấm lòng đau đáu với di sản cha ông đã thôi thúc những người dân quê không ngừng âm thầm tìm lại giá trị xưa cũ. Trân trọng, ca ngợi nét đẹp di sản thôi chưa đủ, những bài viết còn dành sự trân trọng cho những người giữ gìn, trao truyền di sản. Vì, những nghệ nhân dân gian ấy, ta hiểu là họ thực sự xứng đáng.

Hay tìm hiểu về không gian truyền thống của đình làng cổ, nếp nhà xưa, ngắm nhìn từng nét hoa văn chạm trổ, từng đường vân thớ gỗ, sự bài trí tinh tế... cùng những triết lý phong thủy của người xưa, ta cũng không thể giấu nổi sự trầm trồ thán phục. Là đôi bàn tay người nghệ nhân xưa đã thổi hồn vào từng thớ gỗ tạo nên những hoa văn tinh xảo cầu kì. Và tâm huyết cũng để lại trên từng công trình kiến trúc vĩ đại. Nếu không đi, không đến ta đâu thể hiểu được người xưa đã tâm huyết, nhọc lòng đến nhường nào. Không kì vọng nhiều, nhưng sẽ là rất vui nếu chúng tôi - những người viết bài biết được bạn đọc của mình cũng đồng điệu cảm xúc khi đón đọc bài viết. Để từ đó, bạn, tôi, chúng ta thêm yêu quý, nâng niu và tự hào về di sản để lại của tiền nhân. Chỉ như vậy, mỗi người trong chúng ta sẽ góp một phần rất nhỏ của mình trong việc bảo tồn giá trị di sản văn hóa, nếu không phải là tiền bạc thì chí ít, cũng là những thái độ trân trọng.

Lan tỏa nét đẹp văn hóa xứ Thanh

Vùng đất xứ Thanh địa linh, nơi đây sản sinh ra bao vị anh hùng hào kiệt. Ở mỗi thời đại, vương triều phong kiến con người quê Thanh luôn không ngừng nuôi khát vọng cho sự vươn lên. Có phải vì vậy mà sử sách vẫn gọi tên danh tướng, kì nhân người Thanh Hóa xưa nay. Những Bà Triệu; Dương Đình Nghệ; Lê Đại Hành; Lê Phụng Hiểu; Lê Lợi... không chỉ là niềm tự hào của vùng đất và con người quê Thanh. Đó còn là động lực để hậu thế tiếp nối truyền thống cha ông đi trước.

Tạo hóa ưu ái. Nhưng phải chăng, cũng chính tạo hóa khắc nghiệt đã tạo nên một thiên nhiên cùng môi trường sống không hề dễ dàng ở vùng đất phên dậu đất nước. Biển bạc ăm ắp cá tôm, nhưng biển cả đâu thiếu những cuồng phong phẫn nộ sẵn sàng nhấn chìm tất cả xuống lòng đại dương. Núi cao, biển rộng, sông sâu... vần vũ để mỗi người dân xứ Thanh hiểu rằng, ấm no, hạnh phúc vốn không dễ dàng. Điều đó đã tạo nên một tính cách xứ Thanh bản lĩnh và hiên ngang trước sóng gió cuộc đời, yêu ghét rõ ràng. Nhưng người xứ Thanh cũng chan chứa tình cảm, nghĩa tình đồng loại biết bao.

Hãy về xứ Thanh, đó là lời mời gọi thiết tha và rất đỗi chân tình. Bạn sẽ hiểu, trên đỉnh Pù Luông kia là mây trời vờn trong sương sớm, là nếp nhà sàn chênh vênh bên sườn dốc núi, là thiên nhiên với con người hồn hậu, chân thành. Cùng thưởng thức, thịt xông gác bếp, xôi nếp nương, nghe chuyện bản làng dưới làn khói bếp mỗi sớm tinh sương. Giữa những xô bồ, bon chen thường nhật, Pù Luông vẫn yên bình, mến khách.

Về với xứ Thanh, sao có thể không say lòng trước những món ngon trong phong vị ẩm thực mà không phải ngày một hai có được. Đó là gì nếu không phải là những gạn đục khơi trong, chắt lọc tinh túy trời đất kết hợp cùng sự tài hoa của bàn tay con người. Là vị mặn mòi nơi đầu lưỡi nhưng ngọt đậm vào trong của nước mắm Ba Làng, Khúc Phụ; dẻo dai, bùi thơm của bánh gai Tứ Trụ; say lòng nức tiếng của nem chua Thanh Hóa...

Những bài viết, đề tài về đất và người xứ Thanh cứ dẫn dắt chúng tôi chẳng quản đường xa mà tìm đến, miệt mài theo những cung đường, chuyến đi. Để lắng nghe, suy ngẫm và mang thông tin đến với công chúng, xóa bỏ dần những định kiến, nghi hoặc mà ai đó vẫn hiểu chưa đúng về xứ Thanh. Một bàn tay vỗ không thành tiếng, nhưng nhiều bài viết chắc chắn sẽ tạo nên ít nhiều hiệu ứng tốt đẹp. Hiểu như vậy để động viên mình cố gắng nhiều hơn nữa trong mỗi thông tin, bài viết, để góp phần gìn giữ bảo tồn và phát huy, lan tỏa nét đẹp, giá trị văn hóa truyền thống lâu đời của vùng đất và con người xứ Thanh.

Báo VH&ĐS nhất định sẽ tiếp tục phát triển

Văn Như Tước - Nguyên Phó trưởng ban Tổ chức Tỉnh ủy Thanh Hóa

Là cán bộ nghỉ hưu, bạn đọc thường xuyên của Báo VH&ĐS (tiền thân là Báo Văn hóa Thông tin tỉnh Thanh Hóa), tôi thật sự phấn khởi trước những thành tích tiến bộ của báo. Còn nhớ 30 năm về trước khi bàn về việc ra Báo VHTT có nhiều người đồng tình ủng hộ, nhưng cũng không ít người chần chừ, phản đối. Nhưng rồi với nhiệt tình, quyết tâm cao của ngành văn hóa thông tin, với sự quan tâm đúng mức của lãnh đạo tỉnh, Báo VHTT được phép xuất bản và ra mắt bạn đọc vào ngày 20/6/1989, đến ngày 5/3/2009 đổi tên thành Báo VH&ĐS.

Vượt qua nhiều khó khăn của buổi ban đầu, báo đã từng bước phát triển, tiến lên sát cánh cùng các Báo Thanh Hóa, Tạp chí xứ Thanh, Diễn đàn Công luận, Đài Phát thanh - Truyền hình hợp thành một lực lượng xung kích trên mặt trận tư tưởng văn hóa của tỉnh.

Trong cuộc hành trình từ những số đầu cho đến bây giờ đã có trên 2.000 số. Khen, chê lúc nào cũng có nhưng nội dung chất lượng, hình thức của báo đã ngày càng được nâng lên. Báo đã tập trung vào việc thông tin, phản ánh tương đối toàn diện về nền văn hóa, lịch sử và đấu tranh, cách mạng của cả vùng đất và con người xứ Thanh. Đồng thời cũng đã góp phần vào việc đấu tranh, phê phán những thói hư, tật xấu còn tồn tại và diễn biến phức tạp trong đời sống xã hội... Điều quan trọng là báo đã xây dựng củng cố, đào tạo rèn luyện được nhiều cán bộ, phóng viên, biên tập viên có trình độ năng lực và phẩm chất, đã thu hút, tập hợp được đông đảo cộng tác viên, trong đó có những văn nghệ sỹ, nhà giáo, nhà nghiên cứu, nhà khoa học và cả những cán bộ nghỉ hưu giàu tâm huyết trong và ngoài tỉnh.

Với tấm lòng chân thành và mến mộ báo, bạn đọc chúng tôi mong muốn báo cần tiếp tục phấn đấu để ngày càng tiến bộ cao hơn trên cả hai mặt nội dung và hình thức làm cho báo được hay hơn, đẹp hơn, hấp dẫn hơn nữa.

Ở cái tuổi 30 đang căng tràn sức trẻ, tin chắc rằng Báo VH&ĐS nhất định sẽ tiếp tục phát triển, tiến lên để thực sự xứng đáng là công cụ đắc lực trên mặt trận tư tưởng văn hóa trong công cuộc đổi mới quê hương, đất nước, góp phần tích cực vào việc phấn đấu hoàn thành thắng lợi mục tiêu, nhiệm vụ theo nghị quyết của Đại hội đại biểu Đảng bộ tỉnh lần thứ XVIII, tiến tới Đại hội đại biểu các cấp nhiệm kỳ 2020 - 2025.

Bạn đọc còn muốn Báo VH&ĐS phấn đấu tăng kỳ để mỗi tuần có 3 số báo vào thứ 2, thứ 5 và thứ 7 trong tuần, thay vì 2 số/tuần như hiện nay.

Nhớ mãi Đêm hoa đăng

Vương Anh - Nguyên Tổng Biên tập Báo Văn hóa Thông tin

Tôi được Giám đốc Sở Ngô Hoài Chung giao cho kiêm nhiệm vừa Phó Giám đốc thường trực Sở vừa Tổng Biên tập Báo vào cuối năm 2002 thay ông Mai Ngọc Toản. Thế là guồng quay công việc được nhân đôi.

Để phát động phong trào rộng khắp mọi nơi hướng tới nâng cao chất lượng của mỗi tác phẩm, cho từng tác giả vừa luyện bút pháp để trở thành người cầm bút sáng tạo và bền vững, chúng tôi tổ chức trao giải thưởng cho bài hay, có chất lượng, báo đẹp trong từng tháng: Với tiêu đề DẠ HỘI ĐÊM HOA ĐĂNG rộn rã lòng người.

ĐÊM HOA ĐĂNG được mở ra với bầu không khí nhộn nhịp của hội mở niềm vui, niềm tin. Các tác giả ở các vùng miền cả nước và trong tỉnh đã có mặt hồ hởi và phấn chấn khi nghe xướng tên từng tác giả và tác phẩm: văn, thơ, nhạc, họa, ảnh...

Càng hoành tráng hơn khi tác giả tự ngâm hoặc đọc thơ ngân vang cả bầu trời đêm. Nhiều tác giả nhận giải trong dịp này là đến từ Hà Nội như nhà thơ Lê Tuấn Lộc, từ các nơi trong tỉnh như Lê Văn Sự, Phạm Phú Thang, Bùi Nhị Lê, Lê Cứu, Lê Hồng Khanh... Nhà thơ Lê Tuấn Lộc tâm sự rằng: “Với những người con quê hương đang sinh sống vàcông tác ở nơi đất khách, quê người thì từ tấm lòng yêu quê hương đã gửi gắm tình yêu trong từng bài viết gửi về, được báo quan tâm, đó là điều trọng nghĩa, trọng tình...”.

Còn với Lê Hồng Khanh cơm đùm, cơm nắm từ miền núi Vua Luồng Lang Chánh theo xe khách về kịp dự ĐÊM HOA ĐĂNG thì cởi mở tâm tình đầy cảm xúc của người dân tộc. Bài viết về dấu tích nghĩa quân Lam Sơn và Anh hùng dân tộc Lê Lợi chống giặc Minh ở vùng Mường Chếng là những tư liệu đáng quý. Hay Lê Cứu dân tộc Thổ ở Yên Cát huyện Như Xuân có những bài viết về dân ca, truyện cổ tích dân tộc Thổ. Được dự ĐÊM HOA ĐĂNG ôngcó thêm niềm tin vào những cố gắng sưu tầm, nghiên cứu vốn văn hóa dân gian của dân tộc mình. Bùi Kim Quy từ vùng chiến khu Ngọc Trạo xưa mang về đêm thơ không khí rộn ràng của trường ca Rẻo Đất Đen anh vừa hoàn thành. Anh chia sẻ: Tôi muốn phác họa lại chân dung của Chiến khu Ngọc Trạo bằng thơ dài để khơi dậy truyền thống yêu nước của dân tộc và con người Việt Nam từ chiến tranh du kích đến đồng khởi, đồng tâm, chiến đấu và chiến thắng giặc thù.

Độc giả và tác giả đến với những ĐÊM HOA ĐĂNG càng vững vàng niềm vui, niềm tin và nâng tầm mến mộ ngày thêm rộng khắp, chan hòa, chân tình và nên phát huy hơn.

Thời gian quả như vị trọng tài chỉnh chu. Thế mà đã trôi qua gần ba năm tôi góp mặt với tờ báo ngành duy nhất với sức sống vươn lên đầy sự tôn vinh và tỏa sáng.

Cuối năm 2004, tôi bàn giao trọng trách cho Tổng Biên tập kế nhiệm để nghỉ hưu với những niềm hy vọng đổi mới và hội nhập toàn cầu.

Cần phê phán những biểu hiện phi văn hóa, phi nhân tính

Cao Sơn Hải - Nhà nghiên cứu văn hóa dân gian

Là một độc giả của báo thường xuyên từ 30 năm nay qua các thời kỳ thay tên, đổi nhãn và cũng là người thỉnh thoảng có bài đăng, tôi thấy báo là một tư cách tử tế.

Báo đã gần như thường xuyên đổi mới nội dung, nâng cao chất lượng các bài viết. Đi đôi với nâng cao tay nghề của phóng viên, báo đã thu hút được không ít cộng tác viên có tâm huyết với văn hóa, góp phần làm cho tờ báo ngày một chững chạc và có chỗ đứng nhất định. Trong điều kiện còn không ít khó khăn, đạt được những thành tựu trên là điều đáng mừng và xin được chia sẻ, chung vui.

Đất nước và tỉnh nhà đã và đang gặt hái được nhiều thành tựu về kinh tế. Một luồng gió mới, niềm tin đang lan tỏa. Đời sống vật chất, tinh thần có nhiều khởi sắc. Xây dựng đời sống văn hóa lấy trung tâm là con người đang được quan tâm và từng bước có sự tiến bộ. Những việc làm và con người làm việc thiện, việc nhân nghĩa không còn lẻ loi và đang được cổ vũ. Việc bảo tồn và phát huy văn hóa vật thể, phi vật thể truyền thống đang đi vào quy củ và bắt đầu có tác dụng và hiệu ứng tốt... Báo cần quan tâm biểu dương những yếu tố tích cực trên.

Nhưng hiện nay có sự phát triển kinh tế chưa đi đôi gắn liền với xây dựng đời sống văn hóa. Đúng hơn là văn hóa chậm có bước tích cực so với kinh tế. Chưa thấy hết văn hóa là mục đích, động lực của sự phát triển. Vì vậy văn hóa có sự suy thoái, đảo lộn giá trị. Mà biểu hiện ở bốn cái bất: bất hiểu, bất lễ, bất nghĩa, bất nhân. Trong đó tình cha con, anh em, vợ chồng chưa bao giờ bị sứt mẻ tổn thương như bây giờ. Đó là văn hóa gia đình bị băng hoại.

Còn ngoài xã hội thì sự bất nhân lồ lộ ra đó. Phải chăng con người bây giờ có hay đã mất lòng nhân? Xưa có câu “Trắc ẩn chi tâm nhân chi đoan giả” lòng thương người là giềng mối của nhân từ. Con người bây giờ vẫn có người như vô cảm, thờ ơ với con người, ít có khoan dung và độ lượng mà sẵn sàng chửi, đánh giết nhau chỉ vì va chạm nhỏ. Cái ác, hung đồ đang mọc như cỏ dại. Cái giả dối, gian trá, xảo quyệt, lừa đảo hại người cốt lợi mình không còn là hiện tượng hiếm hoi coi đồng tiền là tiên là phật. Tất cả cái đó không thể là văn hóa, tồn tại trong xã hội. Cái lớn nhất của văn hóa là sự ứng xử giữa con người với con người như thế nào. Bốn cái bất trên dẫn đến xã hội bất an.

Cùng với cổ súy nét văn hóa đẹp “Thương người như thể thương thân”, Báo VH&ĐS thời gian tới cần tiếp tục phê phán đúng mức những biểu hiện phi văn hóa, phi nhân tính như trên.

Góp phần bảo vệ và “đánh thức” giá trị di sản

Tiến sĩ Phạm Văn Tuấn

Từ những ngày đầu công tác trong lĩnh vực bảo tồn di sản văn hóa, tôi đã tham gia viết bài cộng tác trên Báo Văn hóa & Đời sống. Theo sát chặng đường 30 năm hoạt động của tờ báo, chỉ riêng lĩnh vực di tích - di sản đã thấy một sự định hình và từng bước đổi mới, tiến bộ vượt bậc của tờ báo. Từ khi mới ra đời, Báo đã dành phần không nhỏ thời lượng đăng tải những bài viết giới thiệu về các di tích, di sản, nét đẹp văn hóa của các vùng đất, miền quê. Để đến hôm nay, các bài viết đã được nâng tầm về chiều sâu thông tin cũng như chất lượng hình ảnh, thể hiện “nội lực” bền bỉ cùng sự tâm huyết, cố gắng, nỗ lực của đội ngũ phóng viên. Đặc biệt, một số cây viết của Báo còn định hình cho mình một phong cách viết riêng và chuyên nghiệp.

Điểm nổi bật của Báo Văn hóa & Đời sống trong lĩnh vực gìn giữ di sản còn là sự quy tụ được các nhà nghiên cứu, chuyên môn uy tín trong và ngoài tỉnh. Với tiêu chí thông tin đa chiều, tôn trọng những nghiên cứu, phát hiện, các bài viết trên Báo đã mang đến cho bạn đọc “không gian” văn hóa đặc biệt, như một diễn đàn cởi mở, cầu thị. Đó không chỉ là sự quảng bá cho nét đẹp văn hóa truyền thống của đất và người xứ Thanh mà qua đó, các nhà quản lý, cơ quan chuyên môn cũng thu nhận được những thông tin kịp thời, hữu ích.

Sẽ là không quá lời khi cho rằng, với tư cách là cơ quan ngôn luận của Sở VHTT&DL, Báo Văn hóa & Đời sống đã làm tốt nhất nhiệm vụ của mình trong việc gìn giữ, bảo tồn và phát huy giá trị Di sản văn hóa vật thể và phi vật thể của cha ông. Có một thực tế, phần nhiều các di tích trên địa bàn tỉnh đều tập trung ở các vùng quê. Trong đó, vì biến thiên thời gian và một phần lơ là thiếu trách nhiệm của chính quyền địa phương nên không ít di tích đã từng bị bỏ mặc, không được quan tâm, nhìn nhận đúng giá trị, đối mặt với nhiều nguy cơ hiện hữu. Vậy nhưng, có không ít bài viết phản ánh trên Báo Văn hóa & Đời sống với tinh thần đóng góp, xây dựng đã kịp thời bảo vệ và “đánh thức” giá trị di sản, để người dân và chính quyền địa phương, cơ quan chức năng hiểu rõ, cùng vào cuộc, có trách nhiệm với việc bảo tồn, giữ gìn di sản...

Như một người bạn thân thiết

Nhà sử học Phạm Tấn - Tổng Thư ký Hội KHLS Thanh Hóa

Ấy thế mà Báo VH&ĐS, cơ quan ngôn luận của ngành Văn hóa, Thể thao và Du lịch Thanh Hóa đã có tuổi đời vừa tròn 30 (1989 - 2019), một tuổi đời giàu sức sống đã và đang để lại nhiều dấu ấn, kỷ niệm đẹp đẽ, sâu sắc đối với các thế hệ cán bộ, phóng viên, cộng tác viên và rất nhiều bạn đọc gần, xa trong, ngoài tỉnh.

Đối với tôi, tờ Báo VH&ĐS như một người bạn tâm tình, thân thiết đến mức khó mà dứt ra được. Với người bạn ấy, tôi đã được ưu ái gửi gắm tình yêu tha thiết với vùng đất quê hương xứ Thanh thông qua những bài viết dài, ngắn khác nhau về lịch sử - văn hóa truyền thống cũng như về quảng bá, giới thiệu về những điểm nhấn du lịch của tỉnh nhà để góp phần mời gọi bạn bè và du khách gần xa về với xứ Thanh ngày một nhiều hơn. Đó cũng là ân tình mà tờ báo đã dành tặng cho tôi - người lính già đã có tới gần một nửa thế kỷ làm việc, cống hiến trên lĩnh vực sử học và bảo tồn di sản văn hóa ở Thanh Hóa.

Và trong những năm qua, với tư cách là cộng tác viên vừa là một bạn đọc gần gũi, tôi đã cảm nhận sự ra đời, phát triển và hiện diện của tờ Báo VH&ĐS Thanh Hóa là vô cùng ý nghĩa, cần thiết đối với mọi đối tượng tập thể, cá nhân trong và ngoài xứ Thanh, nước Việt. Đọc tờ báo, ngoài những thông tin, bài viết về văn hóa - đời sống của Thanh Hóa đương đại đang diễn ra một cách sôi động, phong phú, chúng ta còn liên tiếp được xem, được học tập, tiếp thu rất nhiều kiến thức bổ ích về lịch sử, văn hóa truyền thống của vùng đất xứ Thanh anh hùng. Không những thế, tờ báo còn cho biết nhiều nét đẹp về sắc thái, phong tục, tập quán, lễ hội đến cả ẩm thực đặc sắc, độc đáo của người xứ Thanh…Vì những lẽ đó mà số lượng bạn đọc của Báo VH&ĐS mỗi ngày một nhiều hơn.

Hôm nay, nhân kỷ niệm 30 năm ra đời, phát triển của Báo VH&ĐS, tôi xin chúc các thế hệ cán bộ, phóng viên của tờ báo hạnh phúc và tiếp tục thành đạt trong sự nghiệp làm báo. Và tôi cũng rất mong tờ Báo VH&ĐS của tỉnh chúng ta sẽ tồn tại mãi mãi trong tình cảm mến yêu và trân trọng của bạn đọc gần, xa.

Thu Trang


Thu Trang

 {name} - {time}

 Trả lời

{body}
 {name} - {time}
{body}

0 bình luận

Ý kiến của bạn sẽ được biên tập trước khi đăng. Vui lòng gõ tiếng Việt có dấu
Chia sẻ thông tin với bạn bè!
Tắt [X]