(vhds.baothanhhoa.vn) - Từ điển từ láy tiếng Việt (Viện Ngôn ngữ - Hoàng Văn Hành chủ biên) thu thập vài giải nghĩa: “nanh nọc tt. Đanh đá, hung ác và hiểm độc, thường lộ ra một cách đáng sợ. Con người gian ác, nanh nọc”.

Từ “nanh nọc” đến “sừng sỏ”

Từ điển từ láy tiếng Việt (Viện Ngôn ngữ - Hoàng Văn Hành chủ biên) thu thập vài giải nghĩa: “nanh nọc tt. Đanh đá, hung ác và hiểm độc, thường lộ ra một cách đáng sợ. Con người gian ác, nanh nọc”.

Từ “nanh nọc” đến “sừng sỏ”

Chúng ta không biết vì sao nhóm tác giả từ điển lại xem nanh nọc là từ láy. Thực tế, nanh nọc là từ ghép đẳng lập. Theo đây, cả nanh và nọc đều là những từ có thể độc lập trong hành chức: nanh là nanh vuốt (như: Có nanh có mỏ; Nhe nanh múa vuốt); nọc nghĩa là nọc độc (như Có nanh có nọc; Nọc người bằng mười nọc rắn); Nanh nọc là nanh sắc và nọc độc, khi hợp nghĩa lại, thì từ ghép đẳng lập này sẽ tạo nên một nghĩa mới, chỉ sự hung ác, hiểm độc:

- Từ điển tiếng Việt (Hoàng Phê chủ biên): “nanh • d. 1 răng sắc ở giữa răng cửa và răng hàm, dùng để xé thức ăn: răng nanh ~ nanh cá sấu ~ nanh lợn lòi ~ Con chó nhe nanh, chồm lên sủa dữ dội”; “nọc • d. chất độc do tuyến đặc biệt tiết ra ở một số động vật: nọc rắn”.

Một số từ điển hãy còn ghi nhận sự hợp nghĩa của nanh và nọc trong từ nanh nọc như sau:

- Việt Nam tự điển (Hội Khai trí Tiến đức): “nanh - nọc • Có nanh, có nọc. Nghĩa bóng: Hung - ác hiểm - độc <>Con người nanh - nọc.”.

- Từ điển tiếng Việt (Văn Tân chủ biên): “nanh nọc • Nanh sắc và nọc độc. • ngb. Chỉ người ghê gớm, nguy - hiểm <>phải tránh những kẻ nanh nọc”.

Tính chất hợp nghĩa của nanh nọc thể hiện rất rõ trong cách giảng nghĩa của chính Từ điển từ láy tiếng Việt: “hung ác, hiểm độc” (hung ác = nanh + hiểm độc = nọc).

Nanh nọc có cùng cấu tạo đẳng lập như sừng sỏ. Tuy nhiên, điều đáng chú ý là sừng sỏ cũng là từ được Từ điển từ láy tiếng Việt thu thập làm từ láy và giải thích: “sừng sỏ tt. Được đánh giá, hay được xếp vào loại đầu đàn, lão luyện, giàu kinh nghiệm hoặc lắm thủ đoạn. Tay đua ngựa sừng sỏ. Sừng sỏ trong việc kinh doanh. “Ai cũng biết, bọn cướp sừng sỏ trong vùng hay tụ tập ở nhà hàng ấy” (Tô Hoài)”.

Trong sừng sỏ, thì sừng là phần cứng mọc trên đầu làm vũ khí tự vệ, tấn công của một số loài thú, nghĩa bóng chỉ kẻ có sức mạnh, thế lực (như Ác thì vạc sừng = kẻ ác thì sẽ bị trừng trị); sỏ là đầu, mỏ, chót mỏ sắc nhọn, nghĩa bóng chỉ những kẻ mà chính Từ điển từ láy tiếng Việt giảng là “đầu đàn, lão luyện, giàu kinh nghiệm hoặc lắm thủ đoạn” (như đầu sỏ; trùm sỏ). Việt Nam tự điển (Lê Văn Đức) ghi nhận: “sỏ gà • dt. Cái chót bén nhọn của mỏ con gà”. Đại Nam quấc âm tự vị (Huình Tịnh Paulus Của): “sỏ gà: cái chót mỏ con gà; buộc sỏ: dùng dây vấn cái mỏ con gà trống đá độ, phòng khi nó cắn nhau mà sứt đi”.

Có thể gián tiếp tìm thấy nghĩa đẳng lập của sừng sỏ qua các thành ngữ: Có sừng có mỏ; Có sừng có gạc; Có sừng có mỏ thì gõ với nhau:

1- Từ điển tiếng Việt (Hoàng Phê chủ biên): “có sừng có mỏ • ví người cứng cỏi, đáo để hoặc có ưu thế hơn người: “Cánh lão Phúc nó cũng có sừng có mỏ chứ không phải dân ngu cu đen gì mà dễ bắt nạt. (Nguyễn Khắc Trường)”.

2- Từ điển thành ngữ và tục ngữ Việt Nam (Nhóm Vũ Dung):

- “có sừng có mỏ [Có đầu có mỏ; Có mồng có mỏ; Có nanh có mỏ; Có nanh có vuốt; Có nanh có nọc; Có sừng có gạc]. Có bản lĩnh, cứng cỏi, ghê gớm; Có ưu thế đặc biệt, nổi trội hơn người”;

- “có sừng có mỏ thì gõ với nhau [Có tài có ngõ thì gõ vào nhau] Tài giỏi hay không đọ sức với nhau sẽ biết”;

- “có sừng thì đừng có nanh [Có sừng thì đừng có ngạnh; Có sừng thì đừng hàm trên] (sừng: vũ khí lợi hại của trâu bò, động vật không có hàm trên, không có nanh, ngạnh). Có ưu thế lợi hại về mặt này thì hỏng mặt kia, được cái này thì thôi cái khác; Tai ác, ghê gớm vừa thôi”.

3- Đại Nam Quấc âm tự vị: “mặt có mồng có mỏ: Mặt dữ, bộ tướng gớm ghê (thường hiểu về rắn)”.

Như vậy, cấu tạo đẳng lập của nanh nọc (có nanh có nọc) cũng giống như nanh vuốt (có nanh có vuốt); sừng sỏ (có sừng có sỏ/mỏ), nên không có lí do gì xếp nanh nọc và sừng sỏ vào từ láy. Theo đây, khi nanh nọc và sừng sỏ được nhận diện với tư cách là những từ ghép đẳng lập, thì chúng ta sẽ hiểu sâu hơn nghĩa của từ, thấy được cái hay cái đẹp và sự sâu sắc, phong phú của tiếng Việt.

Mẫn Nông



 {name} - {time}

 Trả lời

{body}
 {name} - {time}
{body}

0 bình luận

Ý kiến của bạn sẽ được biên tập trước khi đăng. Vui lòng gõ tiếng Việt có dấu
Chia sẻ thông tin với bạn bè!
Tắt [X]