(vhds.baothanhhoa.vn) - Đẩy mạnh công tác tuyên truyền, xây dựng nếp sống văn hóa là một trong những giải pháp quan trọng mà các cấp, các ngành, địa phương đã và đang thực hiện nhằm góp phần vận động, bài trừ biến tướng của tục “bắt vợ”, giảm thiểu tình trạng tảo hôn trong vùng đồng bào dân tộc thiểu số.

Tục “bắt vợ” của đồng bào Mông: Xây dựng nếp sống văn hóa, vận động bài trừ biến tướng của tục “bắt vợ”

Đẩy mạnh công tác tuyên truyền, xây dựng nếp sống văn hóa là một trong những giải pháp quan trọng mà các cấp, các ngành, địa phương đã và đang thực hiện nhằm góp phần vận động, bài trừ biến tướng của tục “bắt vợ”, giảm thiểu tình trạng tảo hôn trong vùng đồng bào dân tộc thiểu số.

Tục “bắt vợ” của đồng bào Mông: Xây dựng nếp sống văn hóa, vận động bài trừ biến tướng của tục “bắt vợ”Cán bộ Đồn Biên phòng Trung Lý tuyên truyền về giảm thiểu tảo hôn và hôn nhân cận huyết thống trong đồng bào dân tộc thiểu số cho các em học sinh Trường Phổ thông Dân tộc bán trú THCS Trung Lý, xã Trung Lý (Mường Lát).

Một số giải pháp bài trừ biến tướng của tục “bắt vợ”

Tháng 4-2022, Ủy ban Văn hóa, Giáo dục phối hợp với Hội đồng Dân tộc của Quốc hội tổ chức tọa đàm trực tuyến với các tỉnh: Lào Cai, Lai Châu, Hà Giang, Thanh Hóa và Nghệ An về việc thực hiện công tác tuyên truyền xây dựng nếp sống văn hóa, vận động bài trừ biến tướng của tục “bắt vợ” ở một bộ phận đồng bào dân tộc thiểu số. Tại buổi tọa đàm, bà Trịnh Thị Thủy, Thứ trưởng Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch, khẳng định: Tục “kéo vợ” hay “kéo dâu” của đồng bào dân tộc thiểu số là một phong tục cổ truyền có tính nhân văn, phản ánh truyền thống tốt đẹp của đồng bào dân tộc thiểu số. Tuy nhiên ở một số nơi có tình trạng lợi dụng tục “kéo vợ” để “cướp”, “bắt” các cô gái. Đối tượng tổ chức “cướp vợ” chủ yếu là các thiếu niên, hiện tượng này chỉ xảy ra ở lứa tuổi rất trẻ, còn nam nữ thanh niên đến tuổi trưởng thành thì hầu như không vi phạm. Sự việc không chỉ không phù hợp với các phong tục, tập quán tốt đẹp mà còn trái với các quy định của pháp luật hiện hành.

Những khó khăn trong việc ngăn ngừa tình trạng biến tướng của tục “bắt vợ” được các đại biểu chỉ ra đó là, công tác phối hợp giữa nhà trường, gia đình và chính quyền địa phương có lúc còn chưa chặt chẽ; việc nắm bắt thông tin để ngăn chặn các vụ tảo hôn chưa kịp thời, một số gia đình, dòng họ còn cả nể, thiếu kiên quyết, thậm chí còn đồng tình với quan điểm lấy vợ sớm để có người giữ tài sản, có người làm…

Tham gia thảo luận, đồng chí Đầu Thanh Tùng, Tỉnh ủy viên, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Thanh Hóa đã nêu một số giải pháp để xóa bỏ biến tướng của tục “kéo vợ”, “bắt vợ” vùng đồng bào dân tộc thiểu số, trọng tâm là: UBND tỉnh Thanh Hóa đã chỉ đạo các cấp, ngành, địa phương đẩy mạnh công tác tuyên truyền, vận động đồng bào thực hiện nghiêm Luật Hôn nhân và Gia đình và dần xóa bỏ các hủ tục; đưa các vấn đề về hôn nhân và gia đình vào hương ước, quy ước của thôn, bản để cùng thực hiện; đồng thời tổ chức các mô hình tuyên truyền, vận động đồng bào dân tộc thiểu số thực hiện đám cưới theo nếp sống văn hóa, chấp hành nghiêm quy định của pháp luật trong việc đăng ký kết hôn theo đúng độ tuổi quy định.

Phát biểu tại buổi tọa đàm, đồng chí Nguyễn Đắc Vinh, Ủy viên Trung ương Đảng, Chủ nhiệm Ủy ban Văn hóa, Giáo dục của Quốc hội đã đánh giá cao những ý kiến phát biểu, thảo luận của đại biểu bộ, ngành và các địa phương. Qua các ý kiến đã làm rõ hơn tục “bắt vợ - kéo vợ” thực tế là một nét đẹp văn hóa truyền thống của đồng bào một số dân tộc thiểu số. Tuy nhiên, biến tướng của tục này gây nên những hậu quả không tốt, nhất là đối với giới trẻ như tảo hôn, hôn nhân cận huyết… Đồng chí đề nghị các đơn vị, địa phương tiếp tục tăng cường công tác tuyên truyền về tập tục này để đồng bào hiểu rõ, giữ gìn văn hóa truyền thống tốt đẹp và loại bỏ những biến tướng, hủ tục. Nâng cao hiệu quả hoạt động của cán bộ cơ sở trong công tác tuyên truyền; ban hành chế tài đủ mạnh để xử lý nghiêm các hành vi vi phạm; tiếp tục thực hiện đề án, dự án về phát triển kinh tế - xã hội vùng dân tộc thiểu số và miền núi để nâng cao đời sống, dân trí cho đồng bào dân tộc thiểu số.

Tăng cường công tác tuyên truyền xây dựng nếp sống văn hóa

Xác định việc bài trừ hủ tục, tập tục lạc hậu không phải là việc làm “một sớm một chiều”, do vậy những năm qua, hệ thống chính trị từ tỉnh đến cơ sở đã kiên quyết, kiên trì thực hiện một cách thường xuyên, liên tục với nhiều giải pháp linh hoạt. Tỉnh Thanh Hóa đã ban hành nhiều văn bản chỉ đạo, quy định về thực hiện nếp sống văn minh trong việc cưới, việc tang và lễ hội; giảm thiểu tình trạng tảo hôn và hôn nhân cận huyết thống, trong đó ban hành Đề án “Giảm thiểu tảo hôn và hôn nhân cận huyết thống trong vùng dân tộc thiểu số tỉnh Thanh Hóa giai đoạn 2021-2025”. Đồng thời đẩy mạnh tuyên truyền, phổ biến, giáo dục pháp luật, hạn chế, đẩy lùi nạn tự tử; bảo tồn, khôi phục, phát huy giá văn hóa đặc trưng tốt đẹp của các dân tộc thiểu số trên địa bàn tỉnh. Ở các ngành, địa phương cũng đã đề ra nhiều giải pháp trong việc xóa bỏ hủ tục, tập tục lạc hậu. Cụ thể: Ban Tuyên giáo Tỉnh ủy quan tâm, định hướng các ngành trong khối tư tưởng, văn hóa và hệ thống tuyên giáo các cấp tuyên truyền công tác bảo tồn, phát huy giá trị văn hóa truyền thống các dân tộc; Ủy ban MTTQ tỉnh thực hiện hiệu quả việc tập hợp các nghệ nhân dân gian trong lĩnh vực tín ngưỡng cùng tham gia bài trừ hủ tục; hội LHPN các cấp thực hiện hiệu quả cuộc vận động “Xây dựng gia đình 5 không, 3 sạch”, “Phụ nữ dân tộc thiểu số học chữ và nói tiếng phổ thông”; Ban Dân tộc tỉnh tích cực tham mưu cấp ủy, chính quyền giải pháp về cơ chế trong tổ chức thực hiện chính sách dân tộc, góp phần bài trừ, giảm thiểu tập tục lạc hậu. Trong đó, có sự thay đổi về cơ chế của một chương trình, chính sách từ “cho không” người dân sang đầu tư có thu hồi để “chữa bệnh” trông chờ, ỷ lại vào Nhà nước, chủ động vươn lên thoát nghèo; hoặc đầu tư có điều kiện, buộc đối tượng thụ hưởng cam kết xây dựng đời sống văn hóa, văn minh, tiến bộ…

Căn cứ văn bản chỉ đạo của tỉnh, Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch đã phối hợp với các sở, ngành, UBND các huyện miền núi triển khai và tổ chức thực hiện nếp sống văn minh trong cưới, tang, lễ hội tại vùng đồng bào dân tộc Mông, Dao, Thái; xây dựng các danh hiệu văn hóa gắn với phong trào “Toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa”; khảo sát, xóa bỏ các hủ tục, tập tục lạc hậu tại vùng đồng bào dân tộc, đặc biệt là tục “bắt vợ - kéo vợ - trộm vợ” của đồng bào dân tộc Mông, Dao, Thái.

Các địa phương có đồng bào dân tộc thiểu số, đặc biệt các huyện Mường Lát, Quan Sơn, Quan Hóa đã tăng cường công tác tuyên truyền, phổ biến các chủ trương của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước, tích cực phát huy vai trò của cán bộ chính quyền, đoàn thể cơ sở và nâng cao giáo dục trong nhà trường, đặc biệt là các trường THPT, THCS và trường dân tộc nội trú tại địa bàn có đông đồng bào dân tộc Mông sinh sống giảm thiểu tình trạng tảo hôn. Nêu cao vai trò của già làng, trưởng bản, người có uy tín trong cộng đồng; đẩy mạnh và phát động phong trào toàn dân bảo vệ an ninh Tổ quốc, phong trào “Toàn dân tham gia bảo vệ chủ quyền an ninh biên giới” gắn với thực hiện phong trào “Toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa”, thực hiện nếp sống văn minh trong việc cưới, việc tang, lễ hội; tiếp tục đẩy mạnh công tác tuyên truyền, phổ biến, giáo dục pháp luật về hôn nhân và gia đình, Luật Bình đẳng giới, Luật Trẻ em… ngăn chặn các hành vi vi phạm về hôn nhân và gia đình, xâm hại trẻ em.

Thông qua việc thực hiện nếp sống văn hóa, đồng bào dân tộc thiểu số nói chung, dân tộc Mông nói riêng, đến nay các hủ tục, tập tục lạc hậu từng bước được xóa bỏ, đặc biệt đã xóa bỏ được tục “bắt vợ - kéo vợ - trộm vợ” của đồng bào dân tộc thiểu số. Thực hiện phong trào “Toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa”, bản đồng bào Mông ở Ché Lầu, xã Na Mèo (Quan Sơn) là bản Mông đầu tiên của tỉnh đã đăng ký, xây dựng bản văn hóa năm 2007 và đến nay luôn được công nhận đạt danh hiệu văn hóa.

Bài trừ hủ tục, tập tục lạc hậu là cuộc “cách mạng” làm thay đổi tư tưởng, nhận thức và hành vi của cả cộng đồng. Đây là quá trình “gạn đục, khơi trong”, nhiều khó khăn cần sự vào cuộc của cả hệ thống chính trị và toàn xã hội, nhằm đảm bảo xây dựng đời sống văn hóa mới nhưng vẫn gìn giữ được bản sắc văn hóa truyền thống tốt đẹp của đồng bào các dân tộc thiểu số.

Bài và ảnh: Ngọc Huấn



 {name} - {time}

 Trả lời

{body}
 {name}- {time}
{body}

0 bình luận

Ý kiến của bạn sẽ được biên tập trước khi đăng. Vui lòng gõ tiếng Việt có dấu
Chia sẻ thông tin với bạn bè!
Tắt [X]