(vhds.baothanhhoa.vn) - Mỗi dân tộc có phong tục, tập quán, văn hóa độc đáo góp phần làm phong phú, đa dạng kho tàng văn hóa của cộng đồng các dân tộc Việt Nam nói chung, tỉnh Thanh Hóa nói riêng. Trong đó, tục “bắt vợ - kéo vợ - trộm vợ” của đồng bào các dân tộc Dao, Mông, Thái, đặc biệt phổ biến nhất ở đồng bào dân tộc Mông là một phong tục hay, có ý nghĩa nhân văn.

Tục “bắt vợ” của đồng bào Mông: Nét đẹp văn hóa độc đáo của đồng bào dân tộc thiểu số

Mỗi dân tộc có phong tục, tập quán, văn hóa độc đáo góp phần làm phong phú, đa dạng kho tàng văn hóa của cộng đồng các dân tộc Việt Nam nói chung, tỉnh Thanh Hóa nói riêng. Trong đó, tục “bắt vợ - kéo vợ - trộm vợ” của đồng bào các dân tộc Dao, Mông, Thái, đặc biệt phổ biến nhất ở đồng bào dân tộc Mông là một phong tục hay, có ý nghĩa nhân văn.

Tục “bắt vợ” của đồng bào Mông: Nét đẹp văn hóa độc đáo của đồng bào dân tộc thiểu sốPhóng viên Báo Thanh Hóa trò chuyện cùng ông Lâu Minh Pó, nguyên Phó Bí thư Huyện ủy Mường Lát.

Tục “bắt vợ” xưa nay đã được nhắc đến nhiều trong văn học Việt Nam, điển hình là trong tác phẩm “Vợ chồng A Phủ” của nhà văn Tô Hoài. Bắt vợ từ lâu đã được xem là một nét văn hóa đặc trưng trong hôn nhân của dân tộc Mông. Người con trai sẽ tìm đến người con gái mà họ thích để bắt về làm vợ. Tục “bắt vợ” có thể coi như lối thoát cho những hoàn cảnh nghèo không đủ tiền thách cưới, cũng thể hiện cho sự tự do hôn nhân của dân tộc Mông. Nếu đôi trai gái yêu thương nhau từ trước nhưng không đủ tiền thách cưới hoặc bố mẹ cô gái không đồng ý, 2 người sẽ cùng bàn kế để chàng trai làm lễ bắt vợ. Đến ngày hẹn, chàng trai xuất hiện cùng bạn bè để “bắt” cô gái về nhà. Tục “bắt vợ - kéo vợ” thường diễn ra vào ban đêm. Theo tục lệ, con gái đã sang nhà trai thì hồn đã nhập vào nhà trai, khó quay về, sang ngày thứ ba, nhà trai cử người sang nhà gái báo tin chính thức việc cô gái đã được đón sang nhà trai kết duyên vợ chồng, đồng thời xin nhà gái cho làm lễ cưới, định thời gian và thỏa thuận về lễ vật. Theo truyền thống của người Mông, bao giờ cũng phải tổ chức kéo vợ, sau đó mới tiến tới đám cưới. Người Mông “bắt vợ” khi các cặp trai gái đã yêu nhau, khi đã đồng ý tiến tới hôn nhân. Tục bắt vợ thường diễn ra trong thời gian đầu mùa xuân, theo quan niệm của đồng bào Mông, “bắt vợ - kéo vợ” là phong tục tốt đẹp, vừa là một phần trong nghi thức cưới hỏi như là hình thức “làm lý” của người Mông, vừa thể hiện giá trị của người phụ nữ bởi khi người phụ nữ được kéo về làm vợ chứng tỏ mình có giá trị. Vì thế, nhiều phụ nữ tự hào khi được “kéo vợ”, còn đối với đàn ông, khi đã quyết định “kéo vợ” phải có trách nhiệm đối với vợ...

Để hiểu thêm về những phong tục, tập quán, văn hóa độc đáo của đồng bào dân tộc Mông, chúng tôi ngược ngàn lên huyện vùng cao biên giới Mường Lát. Sau chặng đường dài hơn 200 km từ TP Thanh Hóa, chúng tôi có mặt ở xã Pù Nhi – nơi đồng bào dân tộc Mông chiếm 73,82% dân số, sinh sống ở 7/11 bản. Đón chúng tôi ở công sở xã Pù Nhi, Chủ tịch UBND xã Bùi Văn Nhân bắt tay chào khách với nụ cười thân thiện. Anh giới thiệu chung về đời sống bà con, tình hình phát triển kinh tế - xã hội của xã Pù Nhi, để giúp chúng tôi hiểu sâu hơn về phong tục, văn hóa của đồng bào dân tộc Mông, anh giới thiệu với chúng tôi gặp gỡ ông Lâu Minh Pó, bản Pù Toong, xã Pù Nhi – là người con của đồng bào dân tộc Mông, một người đặc biệt mà người dân huyện Mường Lát nói chung, đồng bào dân tộc Mông nói riêng đều biết đến. Ông Lâu Minh Pó, nguyên Phó Bí thư Huyện ủy Mường Lát, là người có uy tín, am hiểu về văn hóa dân tộc Mông, góp phần xóa bỏ nhiều hủ tục trong đồng bào dân tộc thiểu số huyện Mường Lát.

Ông Lâu Minh Pó khẳng định rằng, tục “bắt vợ” trong đồng bào dân tộc Mông hiện vẫn còn. Đó là một phần trong nghi thức cưới hỏi của đồng bào dân tộc Mông, hai bên trai gái đều có sự đồng ý chứ không gay gắt như trên các trang mạng xã hội vừa thông tin về một số trường hợp “bắt vợ” ở các tỉnh phía Tây Bắc. Khi chàng trai và cô gái có sự đồng ý, chàng trai sẽ đưa cô gái về nhà, trước khi vào nhà, chàng trai sẽ nói: - Ơ bố mẹ ơi, hôm nay con bắt được vợ, lấy được vợ về rồi. Sau đó, bố mẹ chàng trai sẽ bắt một con gà trống rồi ôm con gà đi 3 vòng quanh cô gái để xua đuổi những điều xấu từ bên ngoài theo về nhà. Cô gái chính thức ở lại nhà chàng trai, đồng thời sẽ có người thông báo đến gia đình nhà gái về sự việc. Sau 3 ngày, gia đình chàng trai tổ chức làm vía cho cô gái và đến nhà gái để nói chuyện tổ chức cưới xin. Ông Pó cho biết thêm: Lễ cưới của người Mông rất đơn giản, riêng đối với người Mông gốc Thanh Hóa, thường là một con lợn 50 kg, 5 lít rượu, 1,7 triệu tiền cưới mà nhà trai chuẩn bị cho nhà gái.

Ông Pó cũng nhớ lại, khoảng năm 1998, ở xã Tam Chung có trường hợp cô gái ở bản Hin Phăng (bản chỉ có vài hộ nay chuyển về bản Suối Lóng) đi làm rẫy về thì bị 3 thanh niên đón giữa đường. Trong số đó có một chàng trai thích cô gái và muốn bắt về làm vợ. Cô gái bị bắt giữa đường và đưa về nhà chàng trai này ở bản Sài Khao, sau 3 ngày ở nhà chàng trai thì được đưa về nhà gái để làm thủ tục xin cưới. Tuy nhiên, khi trở về nhà cô gái này đã ăn lá ngón tự tử. Vụ việc sau đó cũng đã được huyện Mường Lát xử lý. Đó là trường hợp “bắt vợ” theo hướng xấu, do thiếu hiểu biết về bản chất của tục “bắt vợ” dẫn đến hành động lệch lạc.

Ở Pù Nhi, nhiều người vẫn còn nhắc đến trường hợp cô L.T.S., bản Na Tao là một trong những cô gái dám đứng lên phản đối sự cưỡng ép của chàng trai mà mình không yêu để tìm hạnh phúc thực sự của mình. Mùa xuân 2009, khi L.T.S. đi chơi với bạn bè, trong men rượu nồng cô đã nhờ S.T.S. đưa về nhà. Tuy nhiên chàng trai lại đưa S. về luôn nhà mình ở xã Nhi Sơn và muốn lấy cô làm vợ. Khi tỉnh rượu, L.T.S. đã quyết liệt phản đối. Không đồng ý lấy S. làm chồng bởi cô đã thầm thương người khác nên đã gọi gia đình đến đón về. Gia đình chàng trai S.T.S. cũng nhiều lần đến gia đình cô L.T.S. để nói chuyện cưới xin nhưng không được. Sau đó S. đã lấy người mà cô yêu thương ở bản Pha Đén.

Phó trưởng Phòng Dân tộc huyện Mường Lát Lâu Văn Ly là một người con của đồng bào dân tộc Mông nên anh khá am hiểu về phong tục, văn hóa của đồng bào và khẳng định tục “bắt vợ” trên địa bàn huyện Mường Lát vẫn còn nhưng hiện nay đã theo nếp sống mới và bắt vợ theo nghĩa tốt đẹp, được sự đồng ý của hai bên trai gái. "Trước đây, nếu người con trai đưa người con gái về nhà, bố mẹ chàng trai tiến hành các hình thức bắt gà xua đuổi điều xấu vây quanh cô gái rồi sau đó tiến hành làm vía là cô gái đã trở thành dâu con trong nhà. Nếu không ưng thuận, cô gái cũng không dám quay về nhà mẹ đẻ bởi quan niệm, người con gái đã được làm vía của nhà trai thì xem như đã có chồng. Bỏ về thì cũng xem như đã có một đời chồng và sau này khó có thể lấy chồng. Hiện nay không còn những trường hợp như vậy mà đã có sự đồng ý của hai bên trai gái, xem ngày giờ tốt rồi mới làm thủ tục “bắt vợ”.

Tuy nhiên, theo ông Lâu Minh Pó và anh Lâu Văn Ly, tục “bắt vợ” ít nhiều liên quan đến tình trạng tảo hôn trong đồng bào dân tộc Mông nên cần có những giải pháp quyết liệt để ngăn chặn.

Bài và ảnh: Trung Huấn



 {name} - {time}

 Trả lời

{body}
 {name}- {time}
{body}

0 bình luận

Ý kiến của bạn sẽ được biên tập trước khi đăng. Vui lòng gõ tiếng Việt có dấu
Chia sẻ thông tin với bạn bè!
Tắt [X]