(vhds.baothanhhoa.vn) - Vùng đất Nga Sơn vốn được coi là miền quê cổ tích, vùng cẩm tú với những câu chuyện tiên cảnh khiến bao tao nhân mặc khách tìm đến. Trong số đó, Nga Thiện có mật độ di tích dày đặc hơn cả.

Tướng tài Trịnh Minh

Vùng đất Nga Sơn vốn được coi là miền quê cổ tích, vùng cẩm tú với những câu chuyện tiên cảnh khiến bao tao nhân mặc khách tìm đến. Trong số đó, Nga Thiện có mật độ di tích dày đặc hơn cả.

Tướng tài Trịnh MinhĐền thờ đại tướng Trịnh Minh ở thôn Ngũ Kiên, xã Nga Thiện (Nga Sơn).

Bên cạnh động Từ Thức, động Bạch Á, du khách về với Nga Thiện sẽ được biết về bia Thần, núi Lã Vọng, đồng thời đến thắp hương, chiêm bái đền thờ nữ tướng Lê Thị Hoa, đại tướng Trịnh Minh. Nhắc đến nữ tướng Lê Thị Hoa người ta không quên tấm gương anh hùng và vai trò của bà trong cuộc khởi nghĩa Hai Bà Trưng. Khi Hai Bà Trưng xưng vương và thành lập hệ thống chính quyền độc lập, bà Lê Thị Hoa đã từ chối làm quan và xin được trở về Nga Sơn để tiếp tục tổ chức dân khai hoang, lấn biển, lập làng. Ngay bên cạnh đền thờ Lê Thị Hoa là đền thờ đại tướng Trịnh Minh, người có công lớn trong cuộc kháng chiến chống quân Nguyên Mông lần thứ nhất (năm 1258).

Thần phả tại đền thờ đại tướng Trịnh Minh do Đông các đại học sĩ Nguyễn Bính soạn năm 1572 và quản giám Nguyễn Hiển soạn lại năm 1737, ghi cụ thể từ đời ông nội, rồi đến cha của Trịnh Minh là Trung Phụ vốn là người có gương mặt sáng sủa, khôi ngô, cao lớn lạ thường. Ngay từ khi 13 tuổi, ông đã có tài văn chương, lại tinh thông võ nghệ. 19 tuổi, Trung Phụ đã đi chu du thiên hạ, các nhân tài thấy đều kính nể, tôn nhường ông. Rồi ngày qua tháng lại ông đi tới khu vực trang An Nội (có tài liệu ghi là Yên Nội) huyện Nga Sơn, phủ Hà Trung, trấn Thanh Hóa (nay là xã Nga Thiện), thấy dân tình thuần hậu ông đã ở lại đây sinh sống. Năm ông 23 tuổi, vào đời vua Lý Thái tông, ông đã ứng tuyển và được giao phó chức, phong tước. Ông được phép trở về trang An Nội huyện Nga Sơn làm tuần trú, sau này ông nhận chức tới quyền kiêm Đô thống Đại tướng quân, Nhân dân trong vùng đều quy phục và yêu mến. Cũng vì thế mà đến khi ông chết, Nhân dân nhớ ơn trạch của ông, tự tiến hành lễ điếu viếng và phụng thờ hương khói như phúc thần của làng.

Lại nói về sau, đến thời nhà Trần, giặc Nguyên Mông rất hùng mạnh có tham vọng chiếm cả hành tinh. Đến Đại Việt, chúng xâm chiếm đất đai, quấy nhiễu dân lành. Vì thế, đích thân vua Trần Thái tông đã cầm quân đánh quân giặc. Khi thế giặc đang mạnh, nhà vua lui quân về qua khu thượng ở trang An Nội. Thấy đất đai ở đây rộng rãi, Nhân dân đông vui, vua bèn cho quân trú lại. Một đêm nhà vua mơ thấy một quân nhân mũ áo chỉnh tề tâu rằng: Thần là danh tướng triều Lý sắc mệnh Hoàng thiên trấn trị ở đất linh thiêng này, là phúc thần của dân. Nay nghe hoàng đế thân chinh muốn dẹp tướng giặc để yên dân”. Tâu xong bỗng biến mất, nhà vua sực tỉnh, lệnh cho Nhân dân khu ấp làm lễ bái yết rồi triệu tập Nhân dân hỏi về các nhân tài trong vùng. Nhiều người tâu với nhà vua rằng các con trai nhà họ Trịnh tinh thông võ nghệ, sức địch nổi trăm người, thế gian hiếm có người như thế.

Sau khi được triệu, Trịnh Minh ra yết kiến nhà vua. Thấy ông oai phong hơn người, nhà vua đã giao cho ông trọng trách Quyền thủy bộ Đại tướng quân.

Trịnh Minh có danh nghĩa triều đình, tự thành lập đội quân, dân trong vùng theo ông khá đông. Ông chia quân thành 2 tuyến thủy – bộ, rồi cùng tiến đánh 5 đồn của giặc gọi là Ngũ Kiên đồn, phá tan quân giặc. Ông tiến dần ra chiếm giữ vùng núi Tam Điệp.

Góp phần vào chiến thắng quân Nguyên Mông, tướng Trịnh Minh đã được vua ban thưởng cho 6 mẫu 7 sào ruộng công. Tuy nhiên, ông mất đột ngột khi tuổi còn rất trẻ. Vua Trần đã ban 100 quan và 100 cân bạc để Nhân dân làm đền, lăng miếu phụng thờ ông, đồng thời tặng phong Thượng đẳng phúc thần, miễn cho Nhân dân trong vùng việc binh lương, tạp dịch trong vòng 5 năm. Công lao đóng góp trong cuộc kháng chiến lần thứ nhất chống quân Nguyên Mông của Trịnh Minh không chỉ được người đương thời ghi nhận, mà còn được các triều vua sau này truy phong tới chức Đại vương.

Về thôn Ngũ Kiên nay, xưa là làng An Nội, người dân rất tự hào vì ngôi làng nhỏ của mình được thờ 2 vị tướng, đó là nữ tướng Lê Thị Hoa (vị tướng thời Hai Bà Trưng) và đại vương Trịnh Minh. Dân làng thường gọi là đền thờ tướng bà, tướng ông. Trong ngôi đền nhỏ hẹp theo kiến trúc kiểu cuốn vòm đơn sơ, trên bàn thờ để bài vị đại tướng Trịnh Minh, mùi trầm vẫn thoảng hương. Cách đó không xa là ngôi mộ nơi an nghỉ cuối cùng của ông đã được bà con Nhân dân đóng góp xây dựng lại.

Theo ông Mai Xuân Hạnh, Chủ tịch UBND xã Nga Thiện, cho biết: Ngoài di tích cấp quốc gia động Từ Thức, một trong những hang động đẹp nhất xứ Thanh, với những nhũ đá hình cây vàng, cây bạc, ao bèo, rồng ấp trứng, bàn cờ tiên… Nhân dân xã Nga Thiện còn tự hào bởi nơi đây còn có 3 di tích cấp tỉnh. Trong đó, ngay tại thôn Ngũ Kiên, 2 di tích đền thờ Lê Thị Hoa và đền thờ Trịnh Minh đã được công nhận di tích cấp tỉnh năm 1993. Hiện nay, chính quyền và Nhân dân địa phương đang hoàn tất hồ sơ đề nghị các cơ quan chức năng và Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch công nhận đền thờ đại tướng Trịnh Minh là di tích lịch sử cấp quốc gia. Trong khi chờ niềm vui tới, mong muốn lớn nhất của chúng tôi là được xây dựng, tôn tạo lại tổng thể khu vực 2 đền thờ này vừa để thỏa nguyện tâm linh của bà con, vừa cũng góp phần đưa quần thể di tích của xã Nga Thiện trở thành địa chỉ du lịch lớn của huyện Nga Sơn để du khách không chỉ đến tham quan các danh thắng mà còn có thể tìm hiểu lịch sử vùng đất và con người nơi đây.

Bài và ảnh: CHI ANH



 {name} - {time}

 Trả lời

{body}
 {name}- {time}
{body}

0 bình luận

Ý kiến của bạn sẽ được biên tập trước khi đăng. Vui lòng gõ tiếng Việt có dấu
Chia sẻ thông tin với bạn bè!
Tắt [X]