(vhds.baothanhhoa.vn) - Giãn cách xã hội được xem là một trong những giải pháp hữu hiệu nhằm đối phó với đại dịch Covid-19. Tuy vậy, việc phải thay đổi thói quen đi lại, vui chơi giải trí với đại bộ phận người dân sẽ thực sự khó khăn, bên cạnh đó thời gian dài ở trong nhà và chỉ ra ngoài khi thực sự cần thiết cũng không tránh khỏi cảm giác nhàm chán. Vì vậy, việc dành thời gian rảnh rỗi lựa chọn những cuốn sách và hình thành thói quen đọc sách, đó chắc chắn sẽ là một lựa chọn tuyệt vời.

Tin liên quan

Đọc nhiều

Văn hóa đọc “thời Covid-19”

Giãn cách xã hội được xem là một trong những giải pháp hữu hiệu nhằm đối phó với đại dịch Covid-19. Tuy vậy, việc phải thay đổi thói quen đi lại, vui chơi giải trí với đại bộ phận người dân sẽ thực sự khó khăn, bên cạnh đó thời gian dài ở trong nhà và chỉ ra ngoài khi thực sự cần thiết cũng không tránh khỏi cảm giác nhàm chán. Vì vậy, việc dành thời gian rảnh rỗi lựa chọn những cuốn sách và hình thành thói quen đọc sách, đó chắc chắn sẽ là một lựa chọn tuyệt vời.

Đọc sách còn được xem là sự đầu tư có lời trong cuộc đời mỗi người.

Tự bao giờ tôi... lười đọc sách?

Tôi chợt muốn kể cho bạn một câu chuyện. Khi còn nhỏ, mỗi lần được điểm cao, tôi vẫn thường được bố thưởng cho một số tiền nhất định, và đó là khoảng những năm cuối 90, đầu 2000. Vậy nhưng, tôi lại chẳng bao giờ có tiền tiết kiệm. Toàn bộ số tiền tôi được thưởng đều lần lượt thuộc về bà chủ có cửa hàng sách cho thuê trong làng. Tôi vẫn nhớ, với những đứa trẻ nhà quê như tôi khi ấy, giá thuê sách không hề rẻ, khoảng 500đ một cuốn và phải trả sau đó một ngày. Vậy nên, dù có thể là sách cũ song vẫn khiến bà chủ cửa hàng cho thuê sách khi ấy kiếm bộn tiền. Ấy vậy mà nếu có đứa nào chẳng may làm mất lòng bà chủ cửa hàng thì đến cơ hội được thuê sách cũng không có. Và tôi không nhớ rõ, liệu có phải vì “nghiện” đọc sách mà tôi đã phải nỗ lực “kiếm tiền” từ việc cố gắng đạt được những điểm số cao. Lớn hơn chút nữa, ngoài những cuốn sách cũ của bà chủ cửa hàng cho thuê sách, tôi còn thích đọc những truyện ngắn đăng trên mục “Cà phê chiều thứ 7” của báo Hoa học trò, rồi những tác phẩm được xem là kinh điển của văn học thế giới...

Câu chuyện kể không đầu không cuối của tôi có thể khiến ai đó thấy nhạt nhẽo và buồn cười. Vậy nhưng, tôi cũng tin rằng đó là ký ức đẹp của những đứa trẻ cùng trang lứa như tôi khi ấy.

Vậy nhưng, tôi lại không thể nhớ rõ, tự khi nào mình đã không còn dành trọn những đồng tiền có được cho những cuốn sách. Lần cuối cùng bạn đi nhà sách là bao giờ? Cuốn sách gần đây nhất mà bạn đã mua? Bạn đã làm thẻ thư viện cho mình và người thân?... Những câu hỏi tưởng chừng như vu vơ, nhưng nếu nghiêm túc trả lời, kết quả hẳn khiến không ít người giật mình. Điều đó khiến cho khảo sát “mỗi năm, người Việt đọc chưa đầy một cuốn sách” dù không mới nhưng có lẽ với những ai quan tâm tới câu chuyện văn hóa đọc thì đó lại là con số đầy trăn trở...

Hội sách trực tuyến trong... đại dịch Covid-19

Không ai mong muốn việc thực hiện giãn cách xã hội. Song ở thời điểm hiện tại, đó là yêu cầu cần thiết. Trong thời gian ở nhà, bạn sẽ làm gì? Internet, facebook mãi có phải cũng chán, tán chuyện với bạn bè mãi cũng nhạt. Vậy thì tại sao, bạn không tìm đến với sách. Ngay cả khi, trong nhà bạn chẳng có cuốn sách nào. Chỉ cần vài cái click chuột trên các trang trực tuyến, vài tiếng sau thôi, những cuốn sách bạn cần đã ở ngay trước cửa nhà. Anh Võ Văn Hùng, cửa hàng trưởng Nhà sách Fahasa Lam Sơn Thanh Hóa chia sẻ: Trong thời gian thực hiện giãn cách xã hội theo Chỉ thị 16 của Thủ tướng Chính phủ, Nhà sách Fahasa Lam Sơn Thanh Hóa tạm đóng cửa, tuy nhiên với khách hàng có nhu cầu mua sách, ngoài việc mua trực tuyến trên trang bán hàng của công ty thì có thể gọi điện liên hệ với nhà sách để được giao hàng tận nơi với thời gian ngắn nhất. Thực tế, việc bán hàng (sách vở, văn phòng phẩm) qua mạng đã được nhiều nhà sách lớn trên địa bàn TP Thanh Hóa triển khai trước đó, song trong thời gian đại dịch xảy ra, đây cũng được xem như kênh bán hàng hiệu quả.

Và không chỉ các nhà sách mới nhạy bén trong việc nắm bắt xu thế và nhu cầu khách hàng. Bạn muốn đọc sách, có nhu cầu tìm một số tài liệu song lại không có thời gian hoặc ngại đến thư viện. Vậy thì kho tài liệu điện tử tại Thư viện tỉnh Thanh Hóa chính là lựa chọn gợi ý. Anh Lê Hải Nam, Trưởng phòng Tin học Thư viện tỉnh cho biết: Thư viện điện tử tại Thư viện tỉnh Thanh Hóa đã bắt đầu được triển khai từ năm 2018 với những tài liệu được chính thư viện “số hóa”. Đó là những đầu sách, tư liệu quý về vùng đất, con người, văn hóa xứ Thanh... nhằm phục vụ bạn đọc tìm kiếm. Hiện tại, Thư viện tỉnh đang hoàn thiện hệ thống quản trị dữ liệu số, hay còn gọi là phần mềm thư viện điện tử tích hợp Ilib v8.0 (phiên bản mới nhất), dự kiến sẽ đưa vào phục vụ bạn đọc vào khoảng đầu tháng 5. Với việc truy cập thư viện điện tử, bạn đọc chỉ cần đăng kí thẻ thư viện cùng một tài khoản được cấp, việc đọc tài liệu chính thống thực sự chưa bao giờ dễ dàng đến vậy.

Trước diễn biến phức tạp của dịch bệnh Covid-19, Ngày Sách Việt Nam (21/4) lần thứ 7 với những hoạt động hội sách như thường niên chắc chắn không thể diễn ra. Vì vậy, Bộ Thông tin và Truyền thông đã chủ trì, phối hợp với các đơn vị tổ chức Hội sách trực tuyến. Theo đó, các đơn vị tham gia Hội sách trực tuyến được mở gian hàng miễn phí trên book365.vn; được cung cấp các công cụ giới thiệu sách, bán sách và chủ động quản lý hoạt động của gian hàng, được truyền thông, quảng bá miễn phí, sử dụng dịch vụ vận chuyển, dịch vụ thanh toán của book 365. Và theo Phó Cục trưởng Cục Xuất bản - In và Phát hành Nguyễn Ngọc Bảo thì “Đây là cơ hội cho ngành Xuất bản, mở ra một hướng mới cho phát triển thị trường sách trong xu thế cách mạng công nghiệp 4.0”. Với độc giả, khi tham gia Hội sách trực tuyến diễn ra từ 19/4 - 20/5, không chỉ là trải nghiệm, còn có cả những ưu đãi hấp dẫn, cơ hội mang về cho mình cuốn sách yêu thích với giá cả phải chăng.

Vẫn lại là gợi ý cũ, thay vì để khoảng thời gian rảnh rỗi trôi qua trong nhàm chán thì tại sao bạn lại không dành thời gian cho những cuốn sách? Dù có thể trong ngàn vạn cuốn sách hay, sẽ có một vài đầu sách dở. Nhưng tin tôi đi, đó không phải là số nhiều. Và ngay cả khi chẳng may đọc phải một cuốn sách dở, đó cũng không phải điều vô ích. Cổ nhân chẳng phải đã nói “Dẫu cho bạc vàng trăm vạn lạng. Chẳng bằng kinh sử một vài pho” đó sao.

Thu Trang


Thu Trang

 {name} - {time}

 Trả lời

{body}
 {name}- {time}
{body}

0 bình luận

Ý kiến của bạn sẽ được biên tập trước khi đăng. Vui lòng gõ tiếng Việt có dấu
Chia sẻ thông tin với bạn bè!
Tắt [X]