(vhds.baothanhhoa.vn) - Dẫu thời gian biến đổi, lịch sử có thăng trầm, thịnh suy thì sau cùng còn đó là những di sản văn hóa gửi gắm ước vọng, tâm huyết mà người xưa đã nhọc lòng tạo dựng. Để lại cho hậu thế hôm nay những di sản đồ sộ với niềm tự hào, ngưỡng vọng trước tiền nhân. Di sản văn hóa giống như cô gái đẹp, không đơn thuần chỉ để chiêm ngắm hay bình phẩm, mà sâu xa hơn, “cô gái” ấy rất cần được hiểu, trân trọng để những giá trị được phát huy, tỏa sáng.

Tin liên quan

Đọc nhiều

Văn hóa xứ Thanh: Tự hào và khát vọng

Dẫu thời gian biến đổi, lịch sử có thăng trầm, thịnh suy thì sau cùng còn đó là những di sản văn hóa gửi gắm ước vọng, tâm huyết mà người xưa đã nhọc lòng tạo dựng. Để lại cho hậu thế hôm nay những di sản đồ sộ với niềm tự hào, ngưỡng vọng trước tiền nhân. Di sản văn hóa giống như cô gái đẹp, không đơn thuần chỉ để chiêm ngắm hay bình phẩm, mà sâu xa hơn, “cô gái” ấy rất cần được hiểu, trân trọng để những giá trị được phát huy, tỏa sáng.

Lễ hội văn hóa gửi gắm ước vọng của con người suốt hàng trăm năm qua.

Non nước hữu tình

Xin mượn lời của sử gia Phan Huy Chú trong Dư địa chí sách Lịch triều hiến chương loại chí viết về trấn Thanh Hoa: “Thanh Hoa mạch núi cao chót vót, sông lớn lượn quanh, biển ở phía Đông, Ai Lao sát phía Tây, Bắc giáp trấn Nam Sơn, Nam giáp đạo Nghệ An. Núi sông rất đẹp, là một chỗ đất có cảnh đẹp ở nơi xung yếu. Các triều trước vẫn gọi là một trấn quan trọng. Đến Lê lại là nơi căn bản. Vẻ non sông tốt tươi chung đúc nên sinh ra nhiều bậc vương tướng, khí tinh hoa hội tụ họp lại, nảy ra nhiều văn nho. Đến những sản vật quý cũng khác mọi nơi...”. Chỉ ngắn gọn vậy thôi nhưng vị sử gia thời Nguyễn đã gần như tóm lược khá đầy đủ về vùng đất phên dậu của các triều vua trước.

Ngày nay, khi nói về Thanh Hóa, người ta vẫn thường ví nơi đây như một Việt Nam thu nhỏ với ba vùng miền đặc trưng: miền núi, đồng bằng và vùng biển. Là đồng bằng sông Mã phì nhiêu, tươi tốt, nơi phát hiện ra nền văn hóa Đông Sơn phát triển rực rỡ từ hơn 2.000 năm trước; một dải bờ biển kéo dài hơn 102 km với đậm đặc những giá trị văn hóa vùng biển đặc trưng của cư dân biển; và miền Tây xứ Thanh với thế núi cao, nơi sinh sống của đồng bào các dân tộc anh em đến nay vẫn là “miền đất hứa” cho những ai khát khao kiếm tìm, trải nghiệm cuộc sống gần gũi thiên nhiên.

Dù cho dòng chảy đi qua địa phần nhiều tỉnh, thành trong và ngoài nước, nhưng có một điều không thể phủ nhận: Nhắc đến sông Mã, người ta nhớ đến xứ Thanh và ngược lại, nhắc đến xứ Thanh, có ai lại không nhớ đến dòng Mã giang hùng vĩ mà rất đỗi thơ mộng, trữ tình. Ai đã một lần lên với thượng nguồn sông Mã ở các huyện miền Tây xứ Thanh, hẳn không thể quên đi cảm giác choáng ngợp trước sự dữ dội, hung dữ của dòng sông. Nó giống như chàng trai, cô gái tuổi đôi mươi khát khao nổi loạn. Vậy mà, xuôi về hạ lưu, dòng chảy dần hiền hòa, thơ mộng lạ kì. Như người đàn bà đi qua những bão giông cuộc đời, chỉ ước mong bình yên.

Cũng nhờ dòng sông Mã chở nặng phù sa qua ngàn vạn năm bồi đắp mới tạo nên một đồng bằng Thanh Hóa lớn thứ ba cả nước. Ở đây, tự ngàn xưa, con người đã biết theo chân nhau về nơi đất đai trù mật sinh cơ lập nghiệp, dựng xây cuộc sống, tạo nên những làng quê giàu truyền thống. Để đến hôm nay, hậu thế tự hào về một làng cổ Đông Sơn gắn liền văn hóa Đông Sơn đậm đặc di sản ngay giữa lòng thành phố. Quần thể thắng tích Hàm Rồng với khí thiêng sông núi, tạo hóa hữu tình và bàn tay con người kiến tạo... tất cả tạo nên một di sản độc đáo, điểm đến tham quan chiêm bái văn hóa tâm linh cho người dân và du khách xa gần.

Tự khởi thủy, để tồn tại thì loài người cùng nỗ lực bản thân đã gửi gắm một phần hi vọng niềm tin vào đấng thần linh và xem đó như chỗ dựa tinh thần cho ước vọng chở che, phù trợ. Đó có thể là vị thần núi, thần sông (thần Đồng Cổ; thần Độc Cước...) hay bậc anh hùng hào kiệt có công giúp dân, giúp nước... họ được nhân dân mang ơn, suy tôn và thờ phụng. Và ngày nay, ở xứ Thanh hiện vẫn còn lưu giữ hàng trăm di tích tâm linh được nhân dân địa phương giữ gìn cẩn trọng. Gắn liền với đó còn là các lễ hội văn hóa tổ chức hàng năm, trở thành nét đẹp văn hóa tâm linh, tinh thần của người dân. Trong đó, không ít lễ hội với giá trị độc đáo đã được tôn vinh là di sản văn hóa phi vật thể quốc gia: Lễ hội đền Độc Cước; lễ hội Cầu Ngư... với sức lan tỏa rộng khắp trong đời sống cộng đồng, tạo sức mạnh để cộng đồng tiếp tục phát triển.

Sử Việt thu nhỏ

Và Thanh Hóa được ví như một Việt Nam thu nhỏ, điều này không chỉ đúng về địa thế mà còn cả lịch sử. Trong công cuộc hàng ngàn năm dựng nước và giữ nước của cha ông, có giai đoạn nào mà vùng đất và con người xứ Thanh lại không đóng góp công sức để góp phần làm nên lịch sử. Từ đỉnh núi Nưa, khởi nghĩa Bà Triệu nơi vùng đất Cửu Chân đầu công nguyên cho đến Dương Đình Nghệ ở lò võ Dương Xá (làng Giàng ngày nay); để rồi không lâu sau đó, năm 981 vị vua sáng lập ra nhà Tiền Lê - đức vua Lê Đại Hành một lần nữa khiến nhà Tống dù tham vọng cũng phải chấp nhận “chung sống hòa bình”. Dù cho còn nhiều ý kiến trái chiều, song lịch sử cũng không thể phủ nhận tài năng cùng những khát vọng lớn lao của vị vua sáng lập ra nhà Hồ trong lịch sử. Và cũng chính ở quê hương Thanh Hóa, nơi núi rừng Lam Sơn, người Anh hùng Lê Lợi với tâm và tầm đã tạo nên sự nghiệp chống ngoại xâm lưu danh thiên cổ. Ngay cả khi nhà Hậu Lê hết “trách nhiệm” lịch sử thì nhà Nguyễn với khởi phát ở đất quý hương Gia Miêu đã góp phần viết tiếp trang sử cho dân tộc Đại Việt thời kì phong kiến. Dẫn giải như vậy để hiểu rằng, xứ Thanh có thời đại nào mà thiếu đi bậc anh hùng hào kiệt xuất chúng.

Cùng với những nhân vật ấy là những di sản văn hóa, lịch sử gắn liền với vương triều, đấng quân vương, văn quan, võ tướng... góp phần làm nên lịch sử. Để đến hôm nay, Thanh Hóa tự hào là một trong số điạ phương có số lượng di tích, danh thắng... vô cùng đồ sộ. Trong đó, phần nhiều là các di tích văn hóa lịch sử, công trình kiến trúc.

Nhắc đến di sản ở xứ Thanh, không thể không nhắc đến những công trình mang dấu ấn: Một di sản thế giới Thành Nhà Hồ sừng sững giữa không gian và thời gian; Khu di tích Lam Kinh trên đất Lam Sơn với dấu ấn và diện mạo của một kinh đô tâm linh bề thế, độc đáo của vương triều Hậu Lê; Khu di tích đền Bà Triệu gắn liền với vị vua bà và cuộc khởi nghĩa chống giặc Ngô xâm lược hơn 1.700 năm trước; hay như những di tích đền thờ Lê Hoàn; đền thờ Dương Đình Nghệ... Nhắc lại công lao của tiền nhân, những giá trị văn hóa còn đến ngày hôm nay là cách để thế hệ chúng ta luôn nhớ ghi, kế thừa, gìn giữ...

Khát vọng tỏa sáng

Thanh Hóa tự hào khi sở hữu số lượng di sản văn hóa vật thể và phi vật thể đồ sộ. Một trò diễn Xuân Phả mang dấu ấn của văn hóa cung đình thời xưa; dân ca Đông Anh đằm thắm là tiếng nói tâm tình của cư dân nông nghiệp đồng bằng Thanh Hóa; lễ hội đền Độc Cước diễn ra bên bờ biển với những nghi lễ linh thiêng gửi gắm ước vọng của người dân biển; hay lễ hội Pôồn Pôông của đồng bào dân tộc miền núi xứ Thanh... Đó được xem là nguồn tài nguyên nhân văn vô giá mà nếu làm tốt được bài toán bảo tồn và phát huy thì chắc chắn “làm giàu” từ di sản là điều không quá khó.

Dĩ nhiên, đó không phải câu chuyện dễ dàng. Nếu nhìn rộng ra thế giới và gần hơn là các tỉnh bạn thôi, đều cần đến những chiến lược cụ thể và dài hơn. Đến thời điểm hiện tại, với rất nhiều nỗ lực của Đảng bộ, chính quyền và nhân dân, nền kinh tế của Thanh Hóa đã có nhiều khởi sắc và bứt phá.

Cùng với việc bảo tồn di sản thời gian qua thì việc quy hoạch và công nhận các di tích trở thành điểm du lịch đã phần nào định hướng cho người dân địa phương và du khách về nguồn tài nguyên nhân văn mà chúng ta đang sở hữu. Bên cạnh đó, những năm gần đây Thanh Hóa cũng dành nhiều sự ưu tiên đầu tư cho các dự án bảo tồn và phát huy giá trị các di tích, danh thắng quốc gia. Trong đó có thể kể đến, mới đây UBND tỉnh Thanh Hóa đã phê duyệt quy hoạch xây dựng vùng huyện Vĩnh Lộc đến năm 2040, tầm nhìn đến năm 2070 với nhiều chương trình dự án được ưu tiên đầu tư giai đoạn 2019 - 2030 là tập trung bảo tồn, phát huy giá trị di sản, di tích, danh thắng gắn với phát triển du lịch. Với định hướng hình thành các cụm: Cụm du lịch tìm hiểu văn hóa lịch sử Thành Nhà Hồ; cụm du lịch tìm hiểu văn hóa lịch sử thời Chúa Trịnh; cụm danh thắng núi Kim Sơn...

Tự hào và khát vọng để di sản văn hóa được phát huy và tỏa sáng, để bạn bè trong và ngoài nước biết đến một đất và người xứ Thanh địa linh nhân kiệt. Đó chắc chắn là chờ mong, kì vọng của tất cả người dân Thanh Hóa đối với quê hương mình trong tương lai không xa.

Thu Trang


Thu Trang

 {name} - {time}

 Trả lời

{body}
 {name} - {time}
{body}

0 bình luận

Ý kiến của bạn sẽ được biên tập trước khi đăng. Vui lòng gõ tiếng Việt có dấu
Chia sẻ thông tin với bạn bè!
Tắt [X]