(vhds.baothanhhoa.vn) - Làng Bình Lâm, xã Yến Sơn (Hà Trung) nằm bên sông Lèn còn được biết đến với tên gọi cổ xưa: Hoa Lâm. “Cái tên Hoa Lâm đã được ghi vào sử sách đời Lý với chuyện Đô Thống tướng quân Lê Phụng Hiểu giết cọp hồi ông hàn vi đốn củi, có lẽ là một làng quê cổ xưa nhất thời Lý Nam Đế (544 - 602) hiện còn lưu dấu tích” (sách Địa chí huyện Hà Trung). Không chỉ vậy, ngôi làng cổ còn được ngợi ca cảnh sắc hữu tình khiến bao bậc vua chúa, tao nhân mặc khách trên đường vào xứ Thanh không khỏi lắng lòng mà “rút bút đề thơ”.

Về Bình Lâm khám phá làng cổ bên dòng sông Lèn

Làng Bình Lâm, xã Yến Sơn (Hà Trung) nằm bên sông Lèn còn được biết đến với tên gọi cổ xưa: Hoa Lâm. “Cái tên Hoa Lâm đã được ghi vào sử sách đời Lý với chuyện Đô Thống tướng quân Lê Phụng Hiểu giết cọp hồi ông hàn vi đốn củi, có lẽ là một làng quê cổ xưa nhất thời Lý Nam Đế (544 - 602) hiện còn lưu dấu tích” (sách Địa chí huyện Hà Trung). Không chỉ vậy, ngôi làng cổ còn được ngợi ca cảnh sắc hữu tình khiến bao bậc vua chúa, tao nhân mặc khách trên đường vào xứ Thanh không khỏi lắng lòng mà “rút bút đề thơ”.

Về Bình Lâm khám phá làng cổ bên dòng sông LènSau khi Lê Phụng Hiểu mất, người dân Bình Lâm tôn ông làm Chiếu Bạch sơn thần (còn gọi là Thánh Cả, Thánh Bưng) và lập đền thờ phụng.

Sông Mã về đến ngã Ba Bông, trước khi xuôi về biển lớn đã tách dòng tạo nên sông Lèn. Từ đây, sông Lèn lại theo “lối” riêng để ra cửa Lạch Trào, trong đó sông Lèn có khoảng 3km chảy qua địa phận các làng của xã Hà Lâm (nay là xã Yến Sơn). Ngoài sông Lèn, xã Hà Lâm khi xưa còn có sông Chiếu Bạch - “một trong những con sông đào đầu tiên dưới thời Trần nhằm tiêu úng và giao lưu đường thủy giữa các vùng phía Bắc tỉnh Thanh Hóa (thời bấy giờ đường thủy chiếm vai trò quan trọng). Từ sông Chiếu Bạch ở Hà Lâm, thuyền bè có thể đi ra sông Lèn, sông Mã hoặc đi ngược lên sông Hoạt” (theo sách Lịch sử Đảng bộ xã Hà Lâm).

Trong các làng của xã Hà Lâm trước đây thì Bình Lâm được xem là làng có lịch sử hình thành cổ xưa nhất. Bình Lâm có núi Yến, sông Chiếu Bạch và sông Lèn bao quanh từ Tây sang Đông tạo nên cụm danh lam thắng cảnh hữu tình. Ở vào địa thế có ruộng đồng, sông núi, giao thông thủy bộ đều thuận tiện, dễ hiểu vì sao vùng đất Bình Lâm từ thuở xa xưa đã có sức hút đặc biệt, con người đến đây khai phá, dựng nghiệp từ rất sớm. Trải qua thời gian, đến nay ở Bình Lâm có đến 43 dòng họ cùng nhau quần cư sinh sống. Trong đó, lâu đời nhất có thể kể đến các họ Mai, họ Đoàn, họ Hoàng…

Theo sử liệu, Bình Lâm khi xưa có tên là Hoa Lâm. Đến khoảng giữa thế kỷ XIX thì được đổi tên thành Bình Lâm.

Tương truyền, cách đây khoảng 15 thế kỷ, Vua Lý Nam Đế và dũng tướng Triệu Quang Phục trên đường đem quân đánh đuổi giặc Lương ở Nghệ An khi qua đây đã dừng chân đóng quân một thời gian. Đến thời Lý, danh tướng Lê Phụng Hiểu bởi yêu thích cảnh sắc núi Yến Sơn - sông Chiếu Bạch nên thường qua lại nơi đây nghỉ ngơi, rèn luyện võ thuật, ôn luyện binh pháp. Bởi vậy, khi ông mất, người dân Bình Lâm đã lập dựng đền thờ trên núi Yến, tôn ông là Chiếu Bạch sơn thần - Thành hoàng làng… Cũng vì thế, núi Yến còn được biết đến với tên gọi Chiếu Bạch sơn. Hàng năm, vào ngày 28 tháng 12 (âm lịch) người dân Bình Lâm lại về đền thờ đức Thánh Cả Lê Phụng Hiểu trên núi Chiếu Bạch để tưởng nhớ vị Thành hoàng của làng.

Vì sở hữu cảnh sắc sơn thủy hữu tình, nên sông - núi Chiếu Bạch trên địa bàn làng cổ Bình Lâm trong lịch sử còn là chốn dừng nghỉ chân của các vua, quan nhà Lê trên đường về Lam Kinh bái yết sơn lăng. Sau này, Vua Quang Trung trên đường hành quân thần tốc ra Bắc đánh đuổi quân Thanh xâm lược đã vượt qua vùng sông Chiếu Bạch để lập nên phòng tuyến Tam Điệp. Và đến thời Nguyễn, Bình Lâm đã được lựa chọn để trở thành phủ lỵ - trung tâm chính trị, kinh tế, văn hóa của đất quý hương Tống Sơn. Sách Đại Nam nhất thống chí viết, đại ý: Phủ sở của phủ Hà Trung (gồm 4 huyện: Tống Giang; Thuần Hựu; Hoằng Hóa; Nga Giang) ban đầu đóng ở Duy Tinh, trước năm Minh Mệnh thứ 19 được dời về làng Bình Lâm.

Trải qua thời gian và những thăng trầm lịch sử với nhiều thay đổi, song về làng cổ Bình Lâm, du khách vẫn “bắt gặp” ở đây những nét cổ kính. Trong đó, điểm nhấn là cụm di tích thắng cảnh Bình Lâm với hệ thống núi đá được ngợi ca là một trong những danh sơn nổi tiếng xứ Thanh; đền Chiếu Bạch thờ ngài Lê Phụng Hiểu; đình Bình Lâm còn gọi là đình Phúc.

Vì đắm say cảnh sắc sông núi Chiếu Bạch nên các vua, quan nhà Lê khi về qua đây đã “tức cảnh đề thơ”. Ngày nay ở núi Chiếu Bạch, hiện vẫn còn lưu bút tích của các vua Lê Hiến tông, Lê Tương Dực…

Về Bình Lâm khám phá làng cổ bên dòng sông LènNăm 2020, đình làng Bình Lâm được tôn tạo hoàn toàn từ nguồn xã hội hóa.

Đặc biệt, vì được xem là vùng “đất Phúc” nên ở Bình Lâm trước đây có sự hiện hữu của nhiều công trình kiến trúc - văn hóa - tín ngưỡng, như: chùa, nghè, miếu, đình. Trong đó, Di tích đình Phúc được khởi dựng dưới thời Nguyễn được xem là một trong những ngôi đình tiêu biểu của “đình huyện Tống”. Không chỉ là “điểm tựa” tâm linh của người dân địa phương, đình làng Bình Lâm còn “chứng kiến” và diễn ra những sự kiện cách mạng lớn của địa phương. Cách mạng Tháng Tám năm 1945, dưới mái đình Phúc, Tri phủ Hà Trung lúc bấy giờ đã giao toàn bộ con dấu, giấy tờ của chính quyền phong kiến - chính thức chấm dứt chế độ phong kiến để thành lập chính quyền dân chủ Nhân dân do Đảng Cộng sản lãnh đạo ở Hà Trung. Trong kháng chiến chống thực dân Pháp xâm lược, đình Phúc lại trở thành nơi nuôi dưỡng bộ đội… Với những dấu ấn lưu giữ, đình làng Bình Lâm không chỉ là di tích kiến trúc mà còn là di tích lịch sử cách mạng tiêu biểu của huyện Hà Trung.

Trông coi di tích đình Phúc gần 20 năm qua, bác Đoàn Văn Oanh cho biết: “Năm 2020 Di tích đình Phúc được người dân Bình Lâm và con cháu xa quê trên mọi miền đất nước cùng nhau chung sức đóng góp kinh phí hơn 3 tỷ đồng để tôn tạo. Bình Lâm là làng cổ có truyền thống văn hóa lâu đời. Và vì thế, dù là trong quá khứ hay đến ngày hôm nay, cây đa, bến nước, sân đình làng Bình Lâm luôn là niềm tự hào của người dân địa phương; là chốn “neo đậu” hồn quê để mỗi người đi xa nhớ về nguồn cội của chính mình. Hàng năm, tại đình Phúc diễn ra hai lễ hội chính vào tháng Giêng và tháng 6 (âm lịch)”.

Bài và ảnh: Khánh Lộc



 {name} - {time}

 Trả lời

{body}
 {name} - {time}
{body}

0 bình luận

Ý kiến của bạn sẽ được biên tập trước khi đăng. Vui lòng gõ tiếng Việt có dấu
Chia sẻ thông tin với bạn bè!
Tắt [X]