(vhds.baothanhhoa.vn) - Có lịch sử lâu đời, vùng đất Tư Phố - Dương Xá xưa, nay thuộc phường Thiệu Dương (TP Thanh Hóa) mang trong mình đậm đặc trầm tích văn hóa. Thời gian kéo những náo nhiệt cảnh trên bên dưới thuyền ngày nào lùi sâu vào quá khứ, nhưng câu chuyện và lịch sử về mảnh đất, con người nơi đây dường như đã trở thành huyền thoại thấm sâu vào tiềm thức dân gian.

Về đất cổ Dương Xá

Có lịch sử lâu đời, vùng đất Tư Phố - Dương Xá xưa, nay thuộc phường Thiệu Dương (TP Thanh Hóa) mang trong mình đậm đặc trầm tích văn hóa. Thời gian kéo những náo nhiệt cảnh trên bên dưới thuyền ngày nào lùi sâu vào quá khứ, nhưng câu chuyện và lịch sử về mảnh đất, con người nơi đây dường như đã trở thành huyền thoại thấm sâu vào tiềm thức dân gian.

Về đất cổ Dương XáNăm 2004, Di tích lịch sử văn hóa Quốc gia đền thờ Dương Đình Nghệ được tôn tạo.

Thời Bắc thuộc, Tư Phố là một huyện và cũng là trị sở của quận Cửu Chân. Dân gian cho rằng, sau khi Triệu Đà chiếm được thành Cổ Loa từ An Dương Vương, đã đặt tên cho vùng đất Thanh Hóa ngày nay là quận Cửu Chân và chọn huyện Tư Phố làm nơi đặt trụ sở cai trị quận. Trung tâm của thành Tư Phố thuộc vùng đất Dương Xá (làng Giàng, phường Thiệu Dương).

Nằm ở vị trí Ngã Ba Đầu, vùng đất cổ Dương Xá là nơi hợp lưu để sông Chu hòa mình vào dòng sông Mã. Từ đây, bằng đường thủy có thể ngược sông Mã để lên sông Bưởi và sông Cầu Chày (Thạch Thành, Yên Định); qua Ngã Ba Đầu lên Cẩm Thủy, Mường Lát, sang cả nước bạn Lào; nếu xuôi dòng thông ra biển lớn có thể đến với các tỉnh Bắc - Nam của đất nước. Nhờ giao thông thuận lợi, nơi đây trở thành trung tâm, hoạt động giao lưu, buôn bán sầm uất.

Trải qua đêm trường nghìn năm Bắc thuộc, đến thời kỳ nhà nước phong kiến độc lập, Tư Phố vẫn giữ vai trò quan trọng với tư cách là trung tâm của vùng đất Ái Châu - Thanh Hóa dưới các triều Đinh, Tiền Lê, Hậu Lê (Trấn thành). Thậm chí, ngay cả khi không còn là trung tâm (thời Lý, Trần, Nguyễn) thì vùng đất bên Ngã Ba Đầu vẫn giữ vai trò quan trọng trong đời sống của người dân trong vùng. Hoạt động buôn bán trên bến dưới thuyền nơi đây qua hàng trăm năm đã giúp hình thành nên những nghề truyền thống của cư dân vùng ven đê sông Mã.

Trở về đất Dương Xá hôm nay, thời gian như lớp bụi mờ giăng mắc lên quá khứ, thành quách xưa cũng lùi vào lịch sử. Nhưng còn đó, tên gọi Tư Phố, chợ Giàng; hay những hiện vật cổ được tìm thấy là minh chứng cho sự phát triển của vùng đất cổ, đi vào ca dao: “Bến Giàng trên chợ dưới sông/ Vui người vui cảnh đến không muốn về” hay: “Vui nhất là bến đò Giàng/ Người ngược phố Giáng người sang phố Đầm”.

Hòa mình vào không gian vùng đất cổ xưa, lắng nghe tiếng vọng lịch sử và xúc cảm trước chuyện kể những di chỉ khảo cổ (Đồng Khổ) hay di tích lịch sử cổ xưa: đền Hạ, đền Trung, đền Thượng. Và sao có thể không ghé thăm Di tích lịch sử văn hóa Quốc gia đền thờ Dương Đình Nghệ - danh tướng với những đóng góp đặt nền móng cho sự kiện vĩ đại năm 938 - Ngô Quyền đánh tan quân Nam Hán, chấm dứt nghìn năm Bắc thuộc của dân tộc Việt.

Truyền thuyết dân gian và tài liệu sử phần đa đều thống nhất nhận định: Dương Đình Nghệ (874 - 937) là người con sinh ra tại đất Dương Xá. Với khí chất hơn người, ông đã theo Khúc Hạo làm tướng dưới trướng. Sau khi họ Khúc bị nhà Nam Hán đánh bại, ông không nguôi ý chí báo thù cho chủ tướng. Bởi vậy, ngoài mặt ông thuần phục nhà Nam Hán, mặt khác vẫn âm thầm chiêu mộ lực lượng, binh sĩ chuẩn bị cho mưu đồ lớn.

Một trung tâm “kháng chiến” của cả nước đã được hình thành ngay tại Dương Xá. Dương Đình Nghệ nỗ lực chuẩn bị mọi điều kiện cho việc khởi binh. Từ lương thảo, vũ khí và nuôi giấu hơn 3.000 dũng tướng, ngày đêm rèn binh luyện võ. Tư gia của ông trở thành nơi tụ hội của không ít bậc anh tài thời bấy giờ, như: Ngô Quyền, Đinh Công Trứ, Phạm Cự Lạng... Trước sự chuẩn bị ráo riết của vị tướng họ Dương, chính quyền nhà Nam Hán dù biết, song không đủ sức và lực để đàn áp.

Khi thế và lực đã đủ mạnh, tháng 3 năm 931, Dương Đình Nghệ bắt đầu khởi binh từ đất Ái Châu (Thanh Hóa) ra vây hãm Giao Châu, Thứ sử nhà Nam Hán ở nước ta lúc bấy giờ là Lý Tiến đã phải cấp báo về nước. Dù giặc được viện binh, song trước sức mạnh và khí thế của nghĩa quân Dương Đình Nghệ thì “nước xa không cứu được lửa gần”. Đáng tiếc, 6 năm sau đó ông bị chính kẻ bề tôi là Kiều Công Tiễn âm mưu sát hại tiếm quyền. Sự nghiệp của vị thủ lĩnh họ Dương cũng nửa đường dang dở.

Dẫu vậy, “sứ mệnh” giành độc lập cho non sông nước Việt của Dương Đình Nghệ sau đó đã được chính con rể ông là danh tướng Ngô Quyền viết tiếp đầy vẻ vang, đánh dấu bằng sự kiện đánh thắng quân Nam Hán trên sông Bạch Đằng, mở ra trang sử mới cho dân tộc.

Nhắc đến di sản của danh tướng Dương Đình Nghệ, có thể nào không nhớ đến danh tiếng của lò võ Dương Xá ngày nào. Đây không chỉ là nơi vị tướng họ Dương chiêu mộ binh sĩ, chuẩn bị cho khởi nghĩa, về sau, còn là cái nôi chiêu mộ, đào tạo nên những tướng tài thời bấy giờ. Trong đó, vua Lê Đại Hành trước khi lên ngôi cũng trải qua thời gian theo học, rèn luyện ở lò võ Dương Xá.

Tương truyền, sau khi Dương Đình Nghệ mất, ông đã được an táng ngay tại quê nhà với hình thức “Thượng sàng hạ mộ”, dưới là mộ, trên là giường thờ. Cùng với đó, đền thờ ông cũng được Nhân dân lập dựng để tưởng nhớ công ơn. Năm 1996, đền thờ Dương Đình Nghệ được xếp hạng Di tích lịch sử văn hóa cấp Quốc gia.

Trải qua thời gian cả nghìn năm, việc di tích xuống cấp là điều không tránh khỏi. Năm 2004, di tích được tôn tạo với diện mạo khang trang, bề thế, xứng tầm công lao của tiền nhân. Tại di tích hiện nay vẫn còn lưu giữ một số hiện vật cổ xưa: đôi ngựa đá, đôi voi quỳ và đôi phỗng đá chắp tay trong tư thế cúi chào, một số văn bia... Đây là địa chỉ tâm linh của người dân địa phương, chốn tìm về của con cháu dòng họ Dương trên khắp mọi miền Tổ quốc cũng như du khách xa gần mến mộ cảnh sắc của vùng đất cổ. Lễ hội đền thờ Dương Đình Nghệ diễn ra từ 12 - 14 tháng 3 (âm lịch) hàng năm cũng là lễ hội lớn nhất ở vùng đất cổ Dương Xá ngày nay.

(Bài viết có tham khảo tư liệu trong sách Lịch sử Việt Nam, tập 1 (NXB Khoa học xã hội) và Đại Nam nhất thống chí (NXB Thuận Hóa).

Bài và ảnh: Khánh Lộc



 {name} - {time}

 Trả lời

{body}
 {name}- {time}
{body}

0 bình luận

Ý kiến của bạn sẽ được biên tập trước khi đăng. Vui lòng gõ tiếng Việt có dấu
Chia sẻ thông tin với bạn bè!
Tắt [X]