(vhds.baothanhhoa.vn) - Là di tích lịch sử cấp Quốc gia, đền thờ Lê Đình Kiên ở khu phố Thiết Đinh, xã Định Tường (nay thuộc thị trấn Quán Lào) đã xuống cấp cả chục năm nay. Sau nhiều lần tu bổ nhỏ lẻ, mới đây Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch đã có quyết định phục dựng trùng tu, tôn tạo di tích này với kinh phí hơn 10 tỷ đồng trong năm 2022.

Về khu phố Thiết Đinh thăm đền thờ Lê Đình Kiên

Là di tích lịch sử cấp Quốc gia, đền thờ Lê Đình Kiên ở khu phố Thiết Đinh, xã Định Tường (nay thuộc thị trấn Quán Lào) đã xuống cấp cả chục năm nay. Sau nhiều lần tu bổ nhỏ lẻ, mới đây Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch đã có quyết định phục dựng trùng tu, tôn tạo di tích này với kinh phí hơn 10 tỷ đồng trong năm 2022.

Về khu phố Thiết Đinh thăm đền thờ Lê Đình KiênÔng Lê Đình Hạnh, hậu duệ đời thứ 19 của cụ Lê Đình Kiên, người trông coi đền từ năm 1976 đến 2015 tiếc nuối khi nhiều hạng mục của di tích xuống cấp nghiêm trọng.

Từ một vị quan

Lê Đình Kiên sinh ngày 20 tháng 9 năm Tân Dậu (3-11-1621, đời vua Lê Thần Tông) thuộc dòng dõi tôn quý. Cha mất sớm, ông sống với mẹ một thời gian, thì được Tả đô đốc Hàn Tiến - Lê Văn Hiểu ở Tĩnh Gia (nay là thị xã Nghi Sơn) và là phò mã của nhà Chúa nhận về nuôi, rồi tiến cử vào cung làm quan.

Lúc bấy giờ chúa Trịnh chuyên quyền, chiến tranh lại liên miên, khiến Nhân dân đói khổ, loạn lạc khắp nơi. Từ trấn Sơn Nam trở ra đến vùng Đông Bắc quân phỉ quấy phá, và trộm cướp nổi lên như rươi. Năm Giáp Thìn (1664), ông vâng lệnh triều đình ra làm trấn thủ trấn Sơn Nam. Thời điểm này nhà Thanh lên thay nhà Minh, tàn quân con cháu nhà Minh chạy trốn Mãn Thanh nên đến đây quấy nhiễu. Lê Đình Kiên đã đánh dẹp và chiêu dụ đám quân người Hoa rồi lập nhiều làng ở Phố Hiến cho họ đến sống. Thời bấy giờ Phố Hiến được gọi là Vạn Lai triều, phát triển chẳng khác nào Kinh đô.

Ở Phố Hiến, Lê Đình Kiên đã giữ được các mối giao hảo với các thương nhân nước ngoài. Cùng với đó, ông căn cứ vào pháp luật và sự bao dung để trấn áp và cảm hóa những kẻ phạm tội. Vì thế mà ở Phố Hiến các hoạt động giao thương, buôn bán phát triển sầm uất, hưng thịnh.

Ông nổi tiếng là người xử kiện giỏi, xử bằng tài trí thông minh và tấm lòng yêu thương con người, quyết tâm bảo vệ cuộc sống an lành. Ngoài ra, ông còn động viên, khuyến khích Nhân dân trồng nhãn. Cái tên nhãn lồng Hưng Yên cũng có một phần công sức của trấn thủ Lê Đình Kiên. 40 năm cai quản trấn Sơn Nam (từ năm 1664-1704), đã khẳng định tài trí và một lòng vì dân của ông. Vì thế, năm 1704, ông mất, cả người Việt và người nước ngoài ngụ ở Phố Hiến đều tiếc thương.

Ngoài bảo tồn, lưu giữ 2 văn bia ghi công ơn ông, một do Trưởng tài Nam Hải là Trần Đế Đào (người Phúc Kiến, Trung Quốc) dựng năm 1723, một do người địa phương dựng vào năm 1727; TP Hưng Yên ngày nay đã có con đường mang tên Lê Đình Kiên.

Dù không sinh ra và lớn lên ở Phố Hiến nhưng Quận công Lê Đình Kiên lại chính là người có công lớn trong việc xây dựng và phát triển Phố Hiến trở thành một thương cảng sầm uất, đô thị phát triển chỉ đứng sau Kinh đô Thăng Long ở thế kỷ XVII.

Đến một di tích lịch sử cấp quốc gia

Sau khi ông mất, di cốt của ông được cải táng đưa về quê nhà ở thôn Thiết Đinh, xã Định Tường (nay là khu phố Thiết Đinh, thị trấn Quán Lào). Ngôi đền nhỏ nhắn, trong đền có hai đôi câu đối ca ngợi công đức của ông: Đại đức tứ dân, danh tại sử/ Sinh vi lương tướng tử vi thần (Đức ở trong dân, danh lưu sử sách/ Sống là ông tướng tốt, chết thành thần); và: Trị sự liêm bình, kim cổ đan thanh tuế tích/ Tại nhân đức trạch, Bắc Nam kim thạch minh danh (Việc cai trị công bằng và liêm chính mãi mãi tiếng ghi sử sách/ Đức lớn cho dân cậy, cả Việt Nam lẫn Trung Hoa danh khắc vào đá vàng).

Theo chia sẻ của ông Lê Đình Hạnh, hậu duệ đời thứ 19 của cụ Lê Đình Kiên: Hết thế hệ này đến thế hệ khác, chúng tôi đều được nhắc nhở về lịch sử của làng. Làng Thiết Đinh (nay là khu phố Thiết Đinh) được lập từ thời tiền Lê với ông tổ là Lê Huệ Nhỡn. Đến Lê Đình Kiên là đời thứ chín. Làng còn được gọi là Bản Đanh thuộc xứ xã bản (bản Vọc, bản Chùa, bản Chợ, bản Đanh). Làng có 10 ngõ đều gắn vào con đường trước làng. Các ngõ chia làng thành những ô vuông vức, các nhà ở trong ô vuông, giới hạn bởi các ngõ và đều ngoảnh mặt về con đường lớn. Giữa làng còn có một con đường phụ song song với con đường lớn, cắt ngang các ngõ, và như vậy làng ở theo hai lớp trước sau. Bao quanh bên phải, bên trái và đằng sau làng là một thành đất. Thành đất sau làng dày dặn cao to gọi là Đòn Võng. Ngoài Đòn Võng còn có năm ụ đất cao to như gò lớn gọi là Ngũ Nhạc. Trên thành đất trồng tre dày và rậm để bảo vệ. Cấu trúc hình xương cá vừa phù hợp với việc cư trú, vừa có khả năng bảo vệ. Sau này, cụ Lê Đình Kiên đã mô phỏng kiểu kiến trúc này đưa ra Hưng Yên và lập ra tứ xã bản, chợ Bản và cũng như diễn trò Chụt (một trò diễn dân gian thuộc loại trò trình nghề trong sinh hoạt hội hè làng bản xưa kia, mục đích làm cho dân làng thái hòa, nhân khang, vật thịnh).

Sơ lược về Trấn thủ Lê Đình Kiên, trong sách Đại Việt sử ký toàn thư, phần Bản kỷ tục biên (1676-1740), có đoạn viết: “... Giáp Thân, (Chính Hòa), năm thứ 25 (1704)... Mùa xuân, tháng hai, Trấn thủ Sơn Nam Thiếu bảo Quận công Lê Đình Kiên mất. Đình Kiên làm Nội thị trong cung cấm, nhiều lần theo chúa Trịnh đi chinh phạt, có công lao, ở trấn (Sơn Nam) trước sau đến 40 năm. Ông làm việc chính sự chuộng nghiêm khắc, cứng rắn, (vì vậy) trộm cướp nằm im không dám hoạt động. Kiên nổi tiếng về cai trị. Đến đây chết, 82 tuổi, truy tặng Thái bảo, truy phong là phúc thần”.

Đền thờ Lê Đình Kiên đã được xếp hạng di tích lịch sử quốc gia năm 1994. Kể từ đó tới nay, qua 4 lần tu bổ tôn tạo, tuy vậy ngôi đền hiện xuống cấp nghiêm trọng. Nhiều hiện vật quý bị đánh cắp như bát hương và một số sắc phong từ thời Vua Lê Cảnh Hưng đến Vua Tự Đức. Là người đang trực tiếp trông coi đền, ông Lê Đình Thìn (SN 1969) cho biết: Cụ tổ nhà chúng tôi là một con người có tài năng hoạt động kinh tế, có đầu óc tổ chức khá chặt chẽ và khoa học ở vào thời điểm bấy giờ. Đất Yên Định đã sinh ra nhiều nhân vật lỗi lạc, có công lao đóng góp to lớn cho lịch sử oai hùng và tinh hoa văn hóa dân tộc. Với 49 di tích (gồm cả di tích lịch sử văn hóa và di tích cách mạng) trên địa bàn huyện Yên Định, thì có 7 di tích được xếp hạng di tích quốc gia, trong đó có đền thờ Lê Đình Kiên. Vì thế khi Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch có quyết định trùng tu, tôn tạo đền thờ cụ, chúng tôi rất vui mừng. Từ đây, cháu con khắp xa gần mỗi khi về thắp nén nhang lễ cụ sẽ thật sự tự hào.

Để ghi nhớ tài đức của ông và là tấm gương danh nhân cho học sinh noi theo, ngày 14-3-1998 Chủ tịch UBND tỉnh Thanh Hóa đã ra quyết định đổi tên Trường cấp 2 Năng khiếu Thiệu Yên thành Trường THCS Lê Đình Kiên. Ngôi trường đã đào tạo bồi dưỡng được hàng nghìn học sinh giỏi, nhiều em sau này có học vị cao như thạc sĩ, tiến sĩ.

Nhà nghiên cứu Hoàng Khôi khẳng định: Lê Đình Kiên xứng đáng là một danh nhân văn hóa của thế kỷ XVII. Ông là tấm gương để thế hệ trẻ hôm nay soi tỏ và cố gắng vươn lên trong cuộc sống.

Bài và ảnh: Huyền Chi



 {name} - {time}

 Trả lời

{body}
 {name}- {time}
{body}

0 bình luận

Ý kiến của bạn sẽ được biên tập trước khi đăng. Vui lòng gõ tiếng Việt có dấu
Chia sẻ thông tin với bạn bè!
Tắt [X]