(vhds.baothanhhoa.vn) - Nằm bên bờ sông Mã, di tích lịch sử văn hóa đền Quốc Mẫu, thuộc làng Nghĩa Hương, xã Hoằng Xuân (Hoằng Hóa) là điểm nhấn trong “bức tranh” văn hóa làng quê truyền thống. Di tích gắn liền với câu chuyện Quốc Mẫu Hà Thị Cai đã giúp đỡ Bình Định Vương Lê Lợi trong những ngày “nếm mật nằm gai” làm nên nghiệp lớn.

Về Nghĩa Hương thăm đền Quốc Mẫu

Nằm bên bờ sông Mã, di tích lịch sử văn hóa đền Quốc Mẫu, thuộc làng Nghĩa Hương, xã Hoằng Xuân (Hoằng Hóa) là điểm nhấn trong “bức tranh” văn hóa làng quê truyền thống. Di tích gắn liền với câu chuyện Quốc Mẫu Hà Thị Cai đã giúp đỡ Bình Định Vương Lê Lợi trong những ngày “nếm mật nằm gai” làm nên nghiệp lớn.

Về Nghĩa Hương thăm đền Quốc MẫuTrên nền móng cũ, di tích đền Quốc Mẫu bên bờ sông Mã được tôn tạo bằng nguồn xã hội hóa.

Tương truyền, làng Nghĩa Hương xa xưa là làng Sở. Về sau, cùng với việc phong cho bà Hà Thị Cai là Quốc Mẫu, vua Lê Thái Tổ đã ban cho làng tên gọi Nghĩa Hương với nhiều ý nghĩa. Bởi vậy, di tích đền Quốc Mẫu còn được biết đến với tên phủ Sở.

Làng Nghĩa Hương được bồi đắp bởi phù sa sông Mã nên đất đai tốt tươi, trù mật. Do nằm ven sông lớn, khi xưa giao thông ở đây rất thuận lợi, có thể dễ dàng di chuyển đi Ngã Ba Bông, bến đò Giàng; sang các huyện: Yên Định, Thiệu Hóa, Vĩnh Lộc... Dễ hiểu vì sao, con người đến vùng đất này quần cư từ khá sớm. Và Quốc Mẫu vốn người làng Quan Nội, nay thuộc phường Long Anh (TP Thanh Hóa), được biết đến là một trong những người có công lớn trong chiêu dân lập ấp, tạo nên sự quần cư ở Nghĩa Hương.

Theo tài liệu “Thánh tổ phổ tích” (bản chữ Hán) lưu giữ tại đền và truyền thuyết dân gian ở Nghĩa Hương, trong thời gian đầu lãnh đạo khởi nghĩa Lam Sơn đánh đuổi giặc Minh xâm lược, Bình Định Vương Lê Lợi nhiều lần gặp hiểm nguy, tính mạng khó bề giữ được. Một lần bị giặc truy sát đã vượt sông Mã sang vùng đất làng Sở. Đến đây, ông gặp một bà lão tóc bạc ngồi bán nước bên bãi bồi ven sông liền cầu cứu giúp đỡ. Người chủ tướng được bà lão chỉ chỗ ẩn nấp ngay trong quán nước tưởng chừng trống trải. Sau đó, giặc Minh kéo đến truy vấn bà lão. Trước sự hung hăng của kẻ xâm lược, bà lão bán nước bình tĩnh chỉ tay về núi Vàng và nói có thấy một người đàn ông lạ mặt chạy về hướng đấy. Khi quân giặc đi xa, Bình Định Vương Lê Lợi cảm tạ bà lão bán nước và hẹn ngày chiến thắng gặp lại.

Khởi nghĩa Lam Sơn thắng lợi, Lê Lợi lên ngôi vua, sáng lập nên vương triều Hậu Lê. Nhớ ơn bà lão bán nước năm xưa, nhà vua đã cho người về bên bờ sông tìm gặp bà lão, rước về kinh đô và tôn làm Quốc Mẫu. Bà lão bán nước ấy chính là Hà Thị Cai.

Ở kinh đô một thời gian, Quốc Mẫu Hà Thị Cai trở về quê nhà ở làng Quan Nội rồi qua đời. Truyền thuyết dân gian kể lại, ngày bà mất, trời mưa như trút nước, nên linh cữu được “quàn” tạm ở bãi đất trống. Sáng ngày hôm sau, trời quang mây tạnh, dân làng ra nơi đặt linh cữu thì thấy mối đã đùn lên thành bãi lớn. Khu vực đó, nhà vua cho lập dựng đền thờ, và đều đặn cử người về làm giỗ cho bà.

Tưởng nhớ vị Quốc Mẫu đã có công chiêu dân lập ấp và trợ giúp vua Lê Thái Tổ khi gặp hiểm nguy, người dân làng Sở và Quan Nội đã cùng nhau kết nghĩa. Nơi bến sông xưa khi người sáng lập vương triều Hậu Lê bị giặc truy sát người dân gọi là bến Tử (bến chết nhưng người Anh hùng Lê Lợi đã được cứu sống).

Về làng Sở xưa nay là Nghĩa Hương, còn đó một không gian văn hóa gắn liền với công lao của Quốc Mẫu Hà Thị Cai. Bác Hà Văn Duyên, người dân trông coi đền Quốc Mẫu tự hào: "Tôi là con cháu của bà. Theo cha ông kể lại, bà Quốc Mẫu năm xưa không lấy chồng. Chính bà đã đưa người thân, con cháu ở Quan Nội về đây khai hoang lập ấp. Người dân Nghĩa Hương tin rằng, cùng với việc phong cho bà là Quốc Mẫu, chính vua Lê đã ban cho làng tên gọi Nghĩa Hương với hàm ý ngôi làng đẹp, có nghĩa có tình”.

Không chỉ được vua Lê Thái Tổ tôn làm Quốc Mẫu, bà Hà Thị Cai còn được người dân suy tôn là Thành hoàng làng, thờ ở đình làng Nghĩa Hương. Đình làng Nghĩa Hương khi xưa nổi tiếng là một trong những công trình kiến trúc gỗ đẹp, bề thế trong khắp tổng Lỗ Hương.

Trải qua thời gian cùng thăng trầm lịch sử, đền Quốc Mẫu Hà Thị Cai ở làng Nghĩa Hương đã được chính quyền, người dân địa phương và du khách xa gần hảo tâm dốc lòng đóng góp tôn tạo lại trên nền móng cũ. Tọa lạc trong không gian văn hóa làng truyền thống, nơi địa thế “sơn thủy hữu tình” và thiên nhiên tươi đẹp, ngôi đền là điểm đến chiêm bái, dâng hương vãn cảnh hấp dẫn du khách khi về với vùng đất bên bờ sông Mã.

Hàng năm, tại đền Quốc Mẫu diễn ra nhiều hoạt động văn hóa, như: lễ Kỳ phúc (15 tháng 2 âm lịch); lễ giỗ Quốc Mẫu Hà Thị Cai (12 tháng 12 âm lịch) và vào ngày giỗ vua Lê Thái Tổ (22 tháng 8 âm lịch) người dân trong vùng cùng trở về đền làm lễ tưởng nhớ. Thủ nhang đền Quốc Mẫu - ông Hoàng Lương cho biết: “Chứa đựng những giá trị lịch sử, văn hóa, đền Quốc Mẫu đã được xếp hạng di tích cấp tỉnh. Đền Quốc Mẫu hay phủ Sở là niềm tự hào - điểm tựa tâm linh để người dân nỗ lực vượt qua mọi khó khăn. Đồng thời, cũng “chốn về” để người đi xa không quên nguồn cội".

Bài và ảnh: Khánh Lộc



 {name} - {time}

 Trả lời

{body}
 {name} - {time}
{body}

0 bình luận

Ý kiến của bạn sẽ được biên tập trước khi đăng. Vui lòng gõ tiếng Việt có dấu
Chia sẻ thông tin với bạn bè!
Tắt [X]