(vhds.baothanhhoa.vn) - (VH&ĐS) Về đất học Hoằng Lộc (Hoằng Hóa) người ta biết tới Bảng Môn Đình, nhà thờ Nguyễn Quỳnh (Trạng Quỳnh) nhưng sẽ là thiếu sót nếu không ghé thăm điểm đến tâm linh nổi tiếng khắp vùng đã được xếp hạng di tích lịch sử cấp quốc gia: Đền thờ, lăng mộ Thượng thư Quận công Bùi Khắc Nhất, bậc công thần thời Lê Trung hưng.

Tin liên quan

Đọc nhiều

Về thăm di tích danh nhân làm quan ba triều vua

(VH&ĐS) Về đất học Hoằng Lộc (Hoằng Hóa) người ta biết tới Bảng Môn Đình, nhà thờ Nguyễn Quỳnh (Trạng Quỳnh) nhưng sẽ là thiếu sót nếu không ghé thăm điểm đến tâm linh nổi tiếng khắp vùng đã được xếp hạng di tích lịch sử cấp quốc gia: Đền thờ, lăng mộ Thượng thư Quận công Bùi Khắc Nhất, bậc công thần thời Lê Trung hưng.

Nằm lặng lẽ trong không gian làng truyền thống vẫn còn giữ nguyên nét đẹp cổ kính, con đường nhỏ với hai bên phủ bóng dừa xanh dẫn chúng tôi đến với khu di tích. Không gian và cảnh vật tĩnh tại nhanh chóng xua tan đi những bộn bề cuộc sống vốn tấp nập ngoài kia. Khu đền thờ, lăng mộ Thượng thư Quận công Bùi Khắc Nhất, di tích lịch sử cấp quốc gia được người dân giữ gìn, bảo vệ suốt mấy trăm năm qua.

Bên trong đền thờ hiện vẫn lưu giữ đôi câu đối biểu dương công lao và sự nghiệp của vị công thần:

“Tứ thập tứ tải tuyên lao, sự kinh lục bộ

Thất thập thất niên hưởng thọ, sỹ lịch tam triều”

(dịch: việc qua sáu bộ bốn mươi tư năm sức hiến; quan trải ba triều, bảy mươi bảy tuổi trời cho).

Đôi câu đối tuy ngắn gọn nhưng gần như đã chuyển tải toàn bộ thông tin về cuộc đời và sự nghiệp làm quan của ông đối với sự nghiệp trung hưng của nhà Lê.

Từ nửa đầu thế kỷ thứ XVI cuộc nội chiến Nam - Bắc triều bắt đầu diễn ra quyết liệt, nhà Mạc bước vào giai đoạn suy thoái, đây cũng là thời điểm đánh dấu khởi nghiệp trung hưng của nhà Lê. Nhằm tìm ra người tài giúp vua xây dựng đất nước, các khoa thi bắt đầu được mở lại. Nho sinh Bùi Khắc Nhất trong kỳ thi Đình đã xuất sắc đỗ Bảng Nhãn (đứng thứ 2), lúc đó ông 33 tuổi.

Cuộc đời làm quan 44 năm của ông trải qua nhiều thăng trầm, biến cốnhưng có lẽ, ý nghĩa và tài đức của ông được người đời nhắc đến nhiều nhất là khi ở Bộ Hình. Đây vốn được coi là nơi phức tạp với nhiều góc khuất khó lường và đồng thời cũng là nơi mà người ta vẫn hằng tâm niệm là “kêu trời không thấu”. Ấy vậy mà khi ông làm quan tại đây, với tâm niệm “ta chẳng muốn có những kiện tụng để mọi người phải mang tiền của cho ta, làm cho ta mất lòng trung với vua. Tin vào lòng dân và thương xót những người nghèo khổ là điều ta phải theo”. Với tấm lòng đó, ông còn nói: “ngục vô oan gia, thiên hạ xưng bình” (trong ngục không có người oan thì thiên hạ bình yên”. Triết lý làm quan đó của ông có lẽ vẫn còn nguyên giá trị ở mọi thời đại.

Cuộc đời làm quan của ông tuy kéo dài song cuộc sống lại vô cùng thanh bạch. Người đương thời và hậu thế nhắc nhớ đến ông bởi những quan niệm sống và làm việc hết sức mực thước: “Ta làm quan nhiều năm, chưa đem lại của cải gì cho dân, nay lại lấy của dân mang về cho con cháu mình thì không đang tâm… Làm người giữ phép nước mà xa hoa, làm điều phi nghĩa để con cháu mình an nhàn, phóng dật thì đâu còn chữ Phúc để lại…”. Đó là những mẩu chuyện ông răn dạy con cháu được ghi chép trong tộc phả họ Bùi xã Hoằng Lộc.

Trong suốt cuộc đời làm quan của mình, chức vụ cao nhất mà ông nắm giữ là chức Thượng thư (tương đương Bộ trưởng) và được phong tước Quận công.

Đền thờ và lăng mộ Thượng thư Quận công Bùi Khắc Nhất tại xã Hoằng Lộc.

Ông mất khi đang làm quan tại triều. Tuy nhiên, công lao của ông với triều Lê Trung Hưng vẫn được các triều vua Lê đời sau ghi nhận, đặc biệt năm 1802, dưới triều Gia Long, hậu duệ của ông là Bùi Thế Khoa còn được nhà vua ban thưởng: “miễn trừ sai nha, tạp dịch, đời đời giữ việc tế tự ông Bùi Khắc Nhất để làm sáng tỏ phép nước”.

Với công lao của mình, ông được con cháu đời sau suy tôn là thủy tổ của dòng họ Bùi tại xã Hoằng Lộc và được người dân trong làng tôn là thành hoàng. Hàng năm, vào ngày giỗ ông (8/11 âm lịch) cũng đồng thời là ngày hội làng, thu hút đông đảo người dân cùng con cháu về dâng hương, tưởng nhớ. Đây là một trong những di tích tâm linh nổi tiếng trong vùng.

Cùng với đền thờ thì khu lăng mộ vị quan Thượng thư cũng là công trình kiến trúc tâm linh có niên đại hàng trăm năm. Lăng mộ được chăm sóc, giữ gìn cẩn thận, trở thành điểm đến tâm linh, thu hút đông đảo người dân và du khách thường xuyên ghé thăm.

Năm 2000, đền thờ, lăng mộ Thượng thư Quận công Bùi Khắc Nhất được công nhận là di tích lịch sử cấp quốc gia. Đền thờ được xây dựng từ đầu thế kỷ XVII sau khi ông mất. Trải qua thăng trầm lịch sử, đến nay di tích đã nhiều hạng mục xuống cấp nghiêm trọng. Việc trùng tu di tích là điều vô cùng cần thiết. Vừa qua, Nhà nước đã hỗ trợ một phần kinh phí cho việc trùng tu, tôn tạo di tích. Tuy nhiên, việc trùng tu đòi hỏi nguồn kinh phí không hề nhỏ, nếu chỉ trông đợi vào sự hỗ trợ kinh phí của nhà nước thì rất khó để đạt được kết quả tốt nhất.

Một người làm quan tới 44 năm, kinh qua 6 Bộ, trải qua 3 triều vua được hậu thế lưu danh với tài đức và lòng trung như quan Thượng thư Quận công Bùi Khắc Nhất có lẽ trong lịch sử phong kiến cũng là số ít. Hơn thế, từ một di tích danh nhân, với cảnh đẹp tĩnh tại nơi đây còn là điểm đến tâm linh có tiếng. Vậy nên, khi đến với đất học Hoằng Lộc, du khách đừng vội bỏ qua!

Thu Trang



 {name} - {time}

 Trả lời

{body}
 {name}- {time}
{body}

0 bình luận

Ý kiến của bạn sẽ được biên tập trước khi đăng. Vui lòng gõ tiếng Việt có dấu
Chia sẻ thông tin với bạn bè!
Tắt [X]