(vhds.baothanhhoa.vn) - Khặp (khắp) là tiếng nói tâm tình, giao duyên của đôi trai gái, tiếng hát mừng hàng xóm có nhà mới, hay lời đối đáp gọi nhau lên nương làm rẫy... Không ai biết khặp có từ bao giờ, nhưng có một điều chắc chắn, loại hình trình diễn dân gian đặc sắc này đã trở thành nét đẹp không thể thiếu trong đời sống văn hóa tinh thần của người Thái (Thái đen) trên vùng đất Thường Xuân.

Về Thường Xuân lắng nghe khặp Thái

Khặp (khắp) là tiếng nói tâm tình, giao duyên của đôi trai gái, tiếng hát mừng hàng xóm có nhà mới, hay lời đối đáp gọi nhau lên nương làm rẫy... Không ai biết khặp có từ bao giờ, nhưng có một điều chắc chắn, loại hình trình diễn dân gian đặc sắc này đã trở thành nét đẹp không thể thiếu trong đời sống văn hóa tinh thần của người Thái (Thái đen) trên vùng đất Thường Xuân.

Về Thường Xuân lắng nghe khặp TháiViệc bảo tồn khặp Thái ở Thường Xuân được lồng ghép vào các sinh hoạt văn hóa truyền thống.

Lần đầu tiên ghé thăm bản Mạ - nơi có 100% người dân là đồng bào dân tộc Thái, chúng tôi được người lớn trong một gia đình làm du lịch cộng đồng chào đón bằng một câu khặp thật tự nhiên, có vần điệu, thanh âm. Lời khặp mang nghĩa là mừng anh chị đến với gia đình, có nước mời nước, có cơm ăn cơm, hãy cứ vui vẻ...

Khặp Thái - hiểu đơn giản thì đó là tiếng thơ được biểu hiện bằng âm nhạc - một hình thức trình diễn thơ ca. Khặp dùng thanh nhạc làm hình thức biểu đạt nội dung thơ (câu thơ, bài thơ, truyện thơ), biến thơ trở thành một bài hát. Lời khặp theo lối thơ tự do nên không bị bó buộc bởi âm luật, nhưng chú trọng các thanh trầm, bổng, cân đối nhịp nhàng, lời thơ ngắn gọn, dễ nhớ. Qua làn điệu khặp, đó không chỉ là sự thi vị ý thơ mà còn gửi gắm tâm tư, tình cảm, giãi bày điều khó nói với bạn bè hay người mình yêu; vừa nhẹ nhàng, ý nhị mà cũng thật sâu sắc.

Ngôn ngữ khặp dựa theo câu chào, lời dặn thường dùng hàng ngày trong đời sống cộng đồng. Tùy theo làn điệu mà khặp Thái có nhiều thể loại khác nhau: khặp xư (ngâm thơ); khặp chôm hươn mơ (hát mừng nhà mới); khặp xường khưởi, ton pợ (hát tiễn rể, đón dâu); khặp chôm pỉ mơ (hát mừng năm mới); khặp bào xảo (hát giao duyên); khặp chốm pợ (hát mừng dâu); khặp pan lau pan khau (hát trên mâm cơm); khặp à lơi lực (hát ru con)... Và cùng một làn điệu khặp cũng có thể biểu hiện nhiều nội dung khác nhau.

Một trong những điểm đặc biệt của khặp Thái chính là sự ứng tác - đối đáp giữa các bên. Ngoài nội dung những bài khặp cổ được trao truyền thì các bên khi khặp cùng nhau còn có thể tự sáng tác, ứng tác cho phù hợp với hoàn cảnh, ngữ cảnh và chủ đề bàn luận. Bởi lẽ đó, có những bài khặp, cuộc khặp diễn ra như không có hồi kết.

Với người Thái, trong các thể loại khặp, “khặp xư” là phổ thông nhất. Với khặp xư- hát kể chuyện thơ, khặp xư toi căn - hát thơ đồng thanh; khặp chôm hươn mơ (hát lên nhà mới). Chủ nhà hát xin với tổ tiên, các đấng siêu nhiên để lên nhà, đại ý: nhà lành hay là dữ, nếu là dữ thì hãy lành ngay, nếu nhà lành thì ta sẽ lên ở, lên ở để sinh sôi nảy nở, để khỏe mạnh sống lâu, các cụ ông cụ bà tổ tiên, các ngài thổ công thổ địa, hãy chấp thuận và phù hộ cho gia đình bình yên. Sau đó mới bước lên nhà.

Còn khặp “chốm ai chốm nóng” là điệu hát ứng tác hay hát gọi, được sử dụng trong các dịp vui gặp gỡ, khi giã gạo, trong vòng xòe tập thể, trong tiệc tùng, đôi khi còn dùng trong cả nghi lễ... Nhạc điệu của khặp chốm ai chốm nóng cũng gần giống “khặp xư” - vui, trong sáng và có cấu trúc: mở đầu mỗi khổ hát có đoạn “ai đu” (đoạn mở đầu), tiếp sau là hát ngân nga từ 1 đến 3 câu và kết thúc mỗi khổ hát lại có đoạn “au hang” (đoạn nhạc đóng).

Trong rất nhiều điệu khặp được lưu truyền đến ngày nay thì khặp “bào xảo” được nhiều người trẻ yêu thích. Đó là lời tỏ tình, tâm sự của chàng trai, cô gái với người mình yêu. Khặp được dùng trong các dịp gặp gỡ giao duyên, lễ hội, ngày tết. Điệu khặp cất lên như nói hộ nỗi lòng. Đôi khi đó là lời giãi bày, tâm sự, than vãn với nhau khi gặp khó khăn, oan trái không thể nên duyên... Vì vậy mà khặp “bào xảo” đa dạng, độc đáo và vô cùng đặc sắc, được nhiều bạn trẻ yêu thích. Có thể kể đến một số câu khặp tỏ tình, như: “Làm sao được gieo cải cùng vườn/ Làm sao được trồng dưa cùng luống/ Làm sao được cấy lúa chung nương...”. Và dù mỗi bài khặp có chủ đề, nội dung khác nhau song vẫn thường được mở đầu bằng câu hát đầy yêu thương: “Yêu đu năm ne... lá nọong ới” với ý rằng “Thương yêu lắm em ơi”.

Người Thái khặp khi vui, lúc buồn, khi khặp thường kết hợp với “pì khui” (sáo dọc) hoặc khèn bè với thanh âm ngân nga, trầm bổng, dễ đi vào lòng người. Bên cạnh các bài khặp cổ được trao truyền thì ngày nay ở người Thái huyện Thường Xuân còn xuất hiện làn điệu “khặp bắc”. Đây là làn điệu khặp trong các cuộc hát vui được gieo từ những bài thơ do các nhà thơ sáng tác ca ngợi Đảng, đất nước, con người... và đôi khi, bằng vốn kiến thức, hiểu biết của mình, người khặp tự sáng tác cho phù hợp với hoàn cảnh...

Là một trong những người Thái yêu khặp, nghệ nhân Lang Thị Chai, 71 tuổi ở bản Mạ (thị trấn Thường Xuân), chia sẻ: “Ngày nhỏ đã biết nghe, biết ngóng người lớn trong nhà, người già trong bản khặp nên yêu lúc nào không biết. Đến năm 17, 18 tuổi đã tự tin đi khặp khắp lối. Lời khặp có cái truyền miệng trong dân gian từ thời ông bà, có cái do mình tự nghĩ ra, tự ứng tác. Học khặp không khó, nhưng để khặp hay thì phải say mê, chú tâm. Ngày trẻ thường hát khặp “giao duyên” với trai gái trong bản, giờ thì hay khặp mừng đám cưới, mừng nhà mới, rồi khặp chào khách đến bản du lịch. Khặp vui lắm nhưng thanh niên trong bản bây giờ không nhiều người biết khặp, chủ yếu chỉ có người già trong bản khặp cùng nhau mà thôi”.

Khặp đã ăn sâu vào đời sống văn hóa của người Thái huyện Thường Xuân, trở thành món ăn tinh thần giàu giá trị. Tuy nhiên, những người Thái biết khặp hiện nay tập trung chủ yếu ở một số địa phương và ở thế hệ người đã có tuổi, như các xã Bát Mọt, Xuân Cao, Tân Thành, thị trấn Thường Xuân. Trong đó, ở xã Bát Mọt, hầu hết những người ở độ tuổi 40 trở lên đều biết khặp, yêu khặp.

Ông Vi Văn Sinh, Phó Giám đốc Trung tâm Văn hóa, Thông tin, Thể thao và Du lịch huyện Thường Xuân, cho biết: “Khặp Thái được ví như “quan họ” của người Thái với sự ứng tác linh hoạt. Hiện nay, trong đời sống văn hóa của người Thái ở Thường Xuân còn lưu giữ khoảng 100 bài khặp ở các thể loại. Không chỉ học theo những bài khặp có sẵn, một người yêu khặp là người có khả năng “tức cảnh sinh tình” trong mọi hoàn cảnh để mượn câu khặp thay lời muốn nói. Tuy nhiên, bởi nhiều lý do dẫn đến nhiều người trẻ hiện nay chưa thực sự chú tâm đến việc gìn giữ khặp Thái. Trong đó, sự xâm lấn của nhiều loại hình văn hóa hiện đại đã ảnh hưởng đến sức sống của văn hóa truyền thống nói chung, khặp Thái nói riêng. Nhằm bảo tồn, gìn giữ khặp Thái, thời gian qua bên cạnh tổ chức các lớp truyền dạy cho các bạn trẻ, việc lồng ghép vào các sinh hoạt văn hóa địa phương cũng đã góp phần tích cực vào câu chuyện gìn giữ loại hình văn hóa dân gian đặc sắc khặp Thái với hy vọng mưa dầm thấm lâu. Đặc biệt là cố gắng để không “đứt gãy” việc trao truyền...”.

Bài và ảnh: Thu Trang



 {name} - {time}

 Trả lời

{body}
 {name} - {time}
{body}

0 bình luận

Ý kiến của bạn sẽ được biên tập trước khi đăng. Vui lòng gõ tiếng Việt có dấu
Chia sẻ thông tin với bạn bè!
Tắt [X]