(vhds.baothanhhoa.vn) - Là xã có đông đồng bào dân tộc thiểu số như Thái, Mông, Mường cùng sinh sống, những năm qua xã Sơn Thuỷ (Quan Sơn) đã đặc biệt chú trọng công tác bảo tồn và phát huy giá trị văn hoá của đồng bào dân tộc thiểu số trên địa bàn hướng tới phát triển du lịch cộng đồng.

Xã vùng cao Sơn Thủy giữ gìn, phát huy giá trị văn hóa truyền thống để hướng tới phát triển du lịch

Là xã có đông đồng bào dân tộc thiểu số như Thái, Mông, Mường cùng sinh sống, những năm qua xã Sơn Thuỷ (Quan Sơn) đã đặc biệt chú trọng công tác bảo tồn và phát huy giá trị văn hoá của đồng bào dân tộc thiểu số trên địa bàn hướng tới phát triển du lịch cộng đồng.

Xã vùng cao Sơn Thủy giữ gìn, phát huy giá trị văn hóa truyền thống để hướng tới phát triển du lịch

Đồng bào dân tộc thiểu số rực rỡ trong những bộ trang phục truyền thống. (Ảnh tư liệu)

Nếu về Sơn Thuỷ đúng dịp đầu xuân, chắc hẳn không ai trong chúng ta không ấn tượng với lễ hội Mường Xia vẫn được bà con dân tộc thiểu số nơi đây tổ chức, giữ gìn và phát huy qua nhiều thế hệ.

Lễ hội được tổ chức vào mùng 9 và 10 tháng hai âm lịch. Đây là dịp để đồng bào dân tộc thiểu số nơi đây gặp gỡ, tưởng nhớ, tri ân tướng quân Tư Mã Hai Đào - người có công tiến quân lên vùng biên viễn, diệt trừ quân xâm lược, trấn ải biên cương, sau đó cai quản và mang đến cho người dân nơi này một cuộc sống yên lành, phồn thịnh ở thế kỷ XVII. Tham gia lễ hội người dân còn được tham gia vào những nét văn hóa truyền thống lâu đời của đồng bào người Thái như tục thờ “hòn đá vía”, các trò chơi, trò diễn dân gian....

Trong không khí tưng bừng, đồng bào giao lưu với nhau bên những vò rượu cần, rượu men lá và các món ẩm thực đậm hương vị núi rừng.

Xã vùng cao Sơn Thủy giữ gìn, phát huy giá trị văn hóa truyền thống để hướng tới phát triển du lịch

Những trò chơi dân gian vẫn được lưu giữ, tổ chức trong dịp lễ hội. (Ảnh tư liệu)

Trong lễ hội phần hội được tổ chức sôi nổi với nhiều hoạt động thể thao đặc sắc như bóng chuyền, đẩy gậy, kéo co, bẳn nỏ. Cùng với đó là các trò chơi, trò diễn dân gian như ném còn, to lẹ, đi cà kheo…

Theo số liệu thống kê, toàn xã hiện có tới 80% đồng bào dân tộc thiêu số sinh sống dưới mái nhà sàn truyền thống. Nhà sàn nơi đây được coi là một đặc trưng văn hóa tiêu biểu, thể hiện sự thích nghi một cách hài hòa của các cư dân với hệ sinh thái của núi rừng; đồng thời mang giá trị văn hóa truyền thống của dân tộc mà các thế hệ đời trước đã gìn giữ trao truyền lại cho đời sau. Chính những giá trị văn hóa tốt đẹp và linh thiêng đã biến ngôi nhà sàn trở thành một bảo tàng nghệ thuật sống, một không gian văn hóa vô cùng phong phú, đa dạng của đồng bào dân tộc thiểu số nơi đây.

Chưa hết, nơi đây còn có nhiều hàng động đẹp dành cho những người ưa khám phá. Chỉ tính riêng bản Chanh đã có tới 4 hang động và mạch nước nóng đùn lên giữa dòng suối Xia.

Trong số 4 hang động của bản Chanh, có hang Co Láy và hang Hữu Tình thuộc loại danh thắng đẹp nhất nhì xứ Thanh. Hang Hữu Tình nằm ở lưng chừng núi Chanh, soi bóng xuống suối Xia - nơi có mạch nước ngầm nóng tới 40 độ đùn lên giữa dòng. Với chiều dài trên 1.000 m, lòng hang Hữu Tình rộng, bằng phẳng, hai bên vách hang là vô vàn những nhũ đá với hình dáng kỳ thú. Bước vào cửa hang Hữu Tình, vật đầu tiên nhìn thấy là nhũ đá trắng tinh hình tiên ông với cây phất trần mầu vàng óng trên vai đang đứng bên vách hang lộng lẫy dường như đang canh chừng không cho các tiên nữ trốn ra ngoài du ngoạn cảnh trần gian. Càng vào sâu, lòng hang càng bằng phẳng và rộng thênh thang với các cảnh đẹp của chốn thủy cung, của chốn bồng lai tiên cảnh, trên vòm hang là hình ảnh bầu trời và bà Nữ Oa đội đá vá trời. Đây là điều kiện để xã Sơn Thuỷ khai thác, phát triển loại hình du lịch sinh thái.

Trong hành trình đi dọc xã Sơn Thuỷ chắc hẳn sẽ không mấy ai bỏ lỡ hành trình đến với hai bản người Mông. Dù nằm trên những ngọn núi cao, nhưng hai bản người Mông là Xía Nọi và Mùa Xuân lại được thiên nhiên ban tặng cho cảnh sắc vô cùng phong phú với những tán rừng bạt ngàn, trải dài tít tắp.

Đặc biệt, người Mông ở đây vẫn lưu giữ rất nhiều nghi lễ văn hóa truyền thống, những nét đặc sắc trong đời sống sinh hoạt, lao động, như: Tục lệ đám cưới cổ truyền; các làn điệu dân ca; trang phục; lễ đặt tên trưởng thành; bài thuốc dân gian; làm khèn, sáo Mông; hát đối giao duyên; múa khèn, dệt vải, thêu… Cùng với đó là các môn thể thao dân tộc, trò chơi dân gian được tổ chức thi đấu, vui chơi thường xuyên như đẩy gậy, kéo co, ném pao, đánh cù và múa khặp.

Có thể nói được thiên nhiên ban tặng cảnh sắc thiên nhiên tuyệt đẹp cùng những cách làm linh hoạt trong giữ gìn và phát huy bản sắc văn hoá truyền thống của đồng bào dân tộc thiểu số, tương lai xã Sơn Thuỷ sẽ là điểm đến lý tưởng cho du khách trong và ngoài tỉnh.

Nguyễn Đạt


Nguyễn Đạt

 {name} - {time}

 Trả lời

{body}
 {name}- {time}
{body}

0 bình luận

Ý kiến của bạn sẽ được biên tập trước khi đăng. Vui lòng gõ tiếng Việt có dấu
Chia sẻ thông tin với bạn bè!
Tắt [X]