(vhds.baothanhhoa.vn) - Vài ngày nay, thông tin một đoàn làm phim đến thôn Mông Phụ, xã Đường Lâm, thị xã Sơn Tây (Hà Nội) tự ý tô vẽ một trong hai giếng làng thuộc Di tích lịch sử văn hóa cấp Quốc gia đình Mông Phụ để làm cảnh quay, vẫn chưa khiến người dân khỏi bức xúc vì tình trạng di tích bị xâm hại.

Xâm hại di tích, chuyện chưa bao giờ cũ!

Vài ngày nay, thông tin một đoàn làm phim đến thôn Mông Phụ, xã Đường Lâm, thị xã Sơn Tây (Hà Nội) tự ý tô vẽ một trong hai giếng làng thuộc Di tích lịch sử văn hóa cấp Quốc gia đình Mông Phụ để làm cảnh quay, vẫn chưa khiến người dân khỏi bức xúc vì tình trạng di tích bị xâm hại.

Xâm hại di tích, chuyện chưa bao giờ cũ!

Sau bức xúc của người dân Đường Lâm và yêu cầu của chính quyền địa phương, đoàn làm phim cũng đã nhận ra sai phạm và thực hiện các biện pháp khắc phục.

Tuy vậy, vấn đề đặt ra là việc trả lại hiện trạng cho di tích là điều không hề dễ. Giếng ở đình Mông Phụ vốn là giếng gạch có trát vữa, lớp vữa theo năm tháng bong tróc làm loang những màu gạch đỏ lấp ló giữa những mảng xanh của rêu, dương xỉ bám kín thành. Đó không phải là lớp sơn bóng màu mè quét lên biến thành giếng gạch cổ kính, rêu phong trở nên giả đá tổ ong mới tinh.

Sự việc này làm chúng ta nhớ đến Di tích Quốc gia thành nhà Mạc có lịch sử hơn 400 năm sau khi trùng tu tôn tạo tốn nhiều tỷ đồng đã biến thành lò gạch cách đây hơn chục năm. Đưa di tích vài trăm năm về một tuổi, đó là sự việc quá đau lòng.

Tất nhiên, ở nhiều nơi trên mảnh đất hình chữ S này, còn rất nhiều di tích đang bị xâm hại. Tính đến ngày 11-10-2021, Thanh Hóa có 855 di tích lịch sử - văn hóa và danh lam thắng cảnh đã được xếp hạng. Trong đó, 1 di sản văn hóa thế giới; 5 di tích quốc gia đặc biệt; 139 di tích quốc gia; 710 di tích cấp tỉnh. Con số ấy khẳng định bề dày truyền thống văn hóa lịch sử của xứ Thanh nhưng cũng cho thấy những khó khăn trong việc quản lý, bảo tồn, phát huy giá trị di tích.

Chỉ riêng năm 2021, tỉnh có 2 di tích bị hủy bỏ quyết định xếp hạng do bị hủy hoại hoàn toàn yếu tố gốc, không có khả năng phục hồi. Đó là di tích Nhà thờ họ Lê Hữu có niên đại 400 năm (phường Quảng Thắng, TP Thanh Hóa) và chùa Bạch Tượng, xã Nga Giáp (Nga Sơn) đã không đảm bảo tính truyền thống, nội dung, tính chất, niên đại của di tích. Ngoài ra rất nhiều di tích đang ở tình trạng sơn phết lòe loẹt, bóng lộn, hoặc trùng tu, tôn tạo vô tội vạ làm mất yếu tố gốc.

Di tích là dấu vết của quá khứ còn lưu lại trong lòng đất hoặc trên mặt đất có ý nghĩa về mặt văn hóa và lịch sử. Vì thế bảo vệ di tích là phải bảo vệ các yếu tố gốc cấu thành. Làm thay đổi diện mạo di tích là vĩnh viễn mất đi giá trị lịch sử, truyền thống, yếu tố tâm linh, nét văn hóa trên di tích ấy.

Một trong những di tích được đánh giá phục chế tốt nhất tại Thanh Hóa tính đến thời điểm này là ngôi nhà cổ của ông Phạm Ngọc Tùng ở Vĩnh Lộc do Trường Đại học nữ Chiêu Hòa (Nhật Bản) thi công năm 2002. Điều này cho thấy, để bảo vệ di tích cần phải có trình độ, sự hiểu biết và tôn trọng lịch sử.

Thay vì nghĩ đến sửa sai, sám hối, tốt nhất chúng ta hãy luôn có thái độ trân trọng di sản, giữ gìn quá khứ để di tích mãi là nơi tuyên truyền, giáo dục cho thế hệ mai sau về truyền thống dựng nước, giữ nước của ông cha ta.

CHI ANH



 {name} - {time}

 Trả lời

{body}
 {name}- {time}
{body}

0 bình luận

Ý kiến của bạn sẽ được biên tập trước khi đăng. Vui lòng gõ tiếng Việt có dấu
Chia sẻ thông tin với bạn bè!
Tắt [X]