(vhds.baothanhhoa.vn) - (VH&ĐS) Lễ hội đền Nưa - Am Tiên (xã Tân Ninh, huyện Triệu Sơn) đã đi qua nhưng dư âm của nó thì dường như vẫn còn đọng lại trong lòng du khách.

Tin liên quan

Đọc nhiều

Xây dựng nếp sống văn minh tại các cơ sở tín ngưỡng, tôn giáo: Nhìn từ lễ hội đền Nưa - Am Tiên

(VH&ĐS) Lễ hội đền Nưa - Am Tiên (xã Tân Ninh, huyện Triệu Sơn) đã đi qua nhưng dư âm của nó thì dường như vẫn còn đọng lại trong lòng du khách.

Dư âm không chỉ bởi, về với lễ hội, du khách được sống trong không gian xưa với những nghi lễ linh thiêng, độc đáo; được khám phá huyệt đạo Am Tiên cùng biết bao câu chuyện ly kỳ, huyền bí gắn liền với cuộc khởi nghĩa Bà Triệu (248), mà còn bởi ở đó, du khách cảm nhận rõ những nét đẹp văn hóa tâm linh từ công tác tổ chức cho đến “khâu” phục vụ đúng như quy định tại Thông tư liên tịch số 04/2014/TTLT-BVHTTDL-BNV do Bộ VH,TT&DL và Bộ Nội vụ phối hợp thực hiện.

Lễ hội đền Nưa - Am Tiên.

Trở lại đền Nưa - Am Tiên vào những ngày lễ hội sắp khép lại, thấy lượng khách vẫn còn khá đông đảo. Tuy nhiên, khác với mọi năm, hành khách không được trực tiếp đi xe lên đỉnh Am Tiên mà phải gửi xe ở các bãi để xe do huyện quy hoạch với diện tích rộng trên 6.000m2. Điểm mới này đã chấn chỉnh được tình trạng xô bồ, mất an ninh trật tự, làm ảnh hưởng đến không gian tâm linh vốn luôn rất cần sự trang nghiêm, tĩnh lặng. Và để công tác quản lý thêm thuận lợi, chính quyền xã Tân Ninh đã thành lập ra BQL để vừa làm công tác trông giữ xe, vừa làm nhiệm vụ trung chuyển khi khách có nhu cầu lên đỉnh Am Tiên tham quan, cầu nguyện. Qua tìm hiểu của chúng tôi, những nỗ lực của các cấp chính quyền huyện Triệu Sơn trong việc thực hiện xây dựng nếp sống văn minh tại mùa lễ hội đền Nưa - Am Tiên vừa qua đã nhận được sự đồng tình, ủng hộ của đông đảo nhân dân và du khách. Chị Mai Thị Vân đến từ huyện Tĩnh Gia cho biết: “Đây là lần thứ 3 tôi và chồng về với lễ hội Am Tiên. Chúng tôi đi xe ô tô cùng với bản hội nên những năm trước đây, mỗi khi lên đỉnh núi là đều phải quốc bộ rất mệt mỏi vì không phải lái xe nào cũng đủ kinh nghiệm và lòng dũng cảm để vượt dốc ở độ cao gần 600m so với mặt nước biển. Nay có dịch vụ trung chuyển khách với giá 50.000đồng/người cho 2 lượt lên xuống thì thật là vừa rẻ, vừa an toàn, tiện lợi. Chắc chắn năm sau tôi sẽ cho các con đi cùng để khám phá huyệt đạo linh thiêng, huyền bí này”.

Cũng trong lúc ngồi nghỉ ở khu vực dưới chân núi sau một đoạn đường dài mệt mỏi, chúng tôi quan sát thấy có những chuyến xe chỉ chở riêng người già và các cháu nhỏ. Hỏi ra mới biết, đó là những chuyến xe miễn phí hoặc có giá ưu tiên để dù là ai nhưng khi về với Am Tiên cũng đều được trân trọng và đều phải tuân thủ các quy định chung của lễ hội. Hiểu rõ điều đó nên để góp phần xây dựng nét đẹp văn hóa tâm linh, chính vợ của đồng chí Chủ tịch UBND huyện Triệu Sơn khi về với lễ hội đã chủ động gửi xe vào bãi để đi bộ vào chùa cho dù bà thuộc diện đặc cách ngoại lệ. Câu chuyện đó đã nhanh chóng được mọi người truyền tai nhau, góp phần nâng cao nhận thức của người dân, giúp ban quản lý xã Tân Ninh dễ dàng hơn trong công tác đảm bảo an ninh trật tự.

Bãi đỗ xe được huyện Triệu Sơn quy hoạch rộng rãi, bằng phẳng, đáp ứng nhu cầu đậu đỗ xe tập trung của du khách.

Chọn một chuyến xe dịch vụ có 16 chỗ ngồi còn mới mẻ, chúng tôi lên xe bắt đầu chuyến tham quan trên dãy Ngàn Nưa trong một tâm trạng đầy háo hức, phấn khởi. Càng lên cao, cảnh vật xung quanh càng thu gọn vào tầm mắt khiến ai nấy cũng đều có cảm giác như đang trên mây. Dưới chân núi, cảnh làng xóm trù mật, ruộng đồng bát ngát của vùng Triệu Sơn, Nông Cống, Đông Sơn hiện ra như một bức thảm xanh khổng lồ giàu sức sống. Qua ánh nắng chiếu dọi còn thấy cả cảnh đông đúc, sầm uất của thành phố Thanh Hóa và những con sóng bạc đầu của biển Sầm Sơn không ngừng vỗ vào bờ cát trắng. Đúng là cảnh đẹp như tranh vẽ mà nếu không được ngồi thảnh thơi trên xe để chiêm ngưỡng, chắc chắn khó mà có thể cảm nhận hết được.

Xe dừng lại trên đỉnh Am Tiên - nơi được xem là huyệt đạo đất trời với một diện tích rộng lớn tương đối bằng phẳng, chúng tôi lại có cảm giác như được lạc vào một thế giới bồng lai tiên cảnh, như quên hết những nỗi muộn phiền của những chuỗi ngày mưu sinh vất vả. Đó chính là điều thôi thúc chúng tôi đi dù đường xa cách trở, dù mọi vẻ đẹp đều đã được tôi lưu lại ở chiếc máy ảnh và ở cả chiếc điện thoại trong nhiều lần về tham quan trước đó. Tôi cũng thích cái cảm giác được ngắm nhìn mạch nước ngầmchảy ra trong vắt và không bao giờ vơi cạn để lại đặt ra câu hỏi vì sao có chuyện lạ ấy ngay trên đỉnh núi? Hồ nước nhân tạo phía bên dưới vài trăm mét có tên Ao Hóp (tương truyền là nơi Bà Triệu tắm ngày xưa) cũng là một điểm nhấn kỳ lạ. Càng kỳ lạ hơn khi ở đó đến nay vẫn còn những dấu tích huyền thoại như: bàn cờ tiên, vườn thuốc tiên, vườn đào tiên... Cũng trên huyệt đạo Am Tiên, du khách được thoải mái chiêm bái, cầu nguyện giữa một hệ thống đền, chùa, miếu, phủ. Chính sự hội tụ đa dạng này đã tạo cho nơi đây một không gian linh thiêng, cổ kính nhưng cũng hết sức thân quen và gần gũi.

Thắp nén tâm nhang tri ân người tiền cổ, chúng tôi lên xe để xuống núi khi bóng chiều đã bảng lảng xen qua từng khóm cây, vách đá. Ấy thế mà phía dưới chân núi vẫn còn hàng chục nhân viên của ban quản lý, người lúi húi quét dọn vệ sinh, người dắt xe để gọn vào vị trí tập trung để tiện cho xe ô tô của khách dễ dàng quay bánh... Tiễn chúng tôi ra xe, Chủ tịch UBND xã Lê Đình Tâm chia sẻ: “Chị thấy đấy, Khu di tích lịch sử - danh lam - thắng cảnh quốc gia đền Nưa - núi Nưa - Am Tiên có bán kính rộng; huyệt đạo Am Tiên - điểm thu hút du khách nhiều nhất thì lại nằm quá cao và không đủ rộng để xe cộ neo đậu. Vì vậy, việc huyện quy hoạch bãi đỗ xe để giao cho địa phương quản lý và trung chuyển khách là một giải pháp đúng đắn vừa đáp ứng được nhu cầu ngày càng cao của người dân, vừa hướng đến xây dựng khu di tích văn minh, lịch sự chứ không đơn giản chỉ là làm dịch vụ. Tuy nhiên, nhiều người vẫn chưa nhận thức rõ về việc này nên vẫn muốn tự mình điều khiển xe vào chùa khiến cho đội ngũ ban quản lý địa phương phải giải thích hết sức vất vả. Đó cũng là lý do chúng tôi thành lập ra BQL làm việc 24/24h để trực tiếp tiếp cận, lắng nghe ý kiến đóng góp của du khách về công tácphục vụ. Đối với giá vé cho khách đi 50.000 đồng cho 2 lượt lên xuống gần 7km đường đèo dốc, du khách đánh giá là rất phù hợp, rẻ hơn so với nhiều điểm đến tâm linh ở những khu vực có giao thông thuận lợi. Còn giá vé trông giữ xe máy 10.000 đồng/xe, chúng tôi cũng đã có sự cân nhắc đối với từng khu vực để sao cho phù hợp chứ không thể so sánh với giá trông giữ xe ở chợ, hoặc bệnh viện được. Và trên thực tế là chưa có du khách nào phàn nàn với BQL về giá vé nên việc có bài báo dùng từ “chặt chém” ở đây là không đúng sự thật, làm buồn lòng các thành viên trong BQL vốn đã có rất nhiều nỗ lực làm hài lòng du khách”.

Hàng cây cổ thụ hàng trăm năm tuổi dẫn vào đền Nưa - Am Tiên.

“Hi vọng trong những năm tới, du khách về với lễ hội Am Tiên sẽ tìm hiểu kỹ về những nội quy, quy định của di tích, còn điều gì chưa hài lòng xin được phản ánh trực tiếp đến đội ngũ ban quản lý để chúng tôi kịp thời có sự điều chỉnh. Đó cũng là cách giúp chúng tôi có thêm động lực để phấn đấu sớm đưa khu di tích đền Nưa - núi Nưa - Am Tiên trở thành một trong những di tích cấp Quốc gia đặc biệt của tỉnh” - ông Lê Đình Tâm nhắn nhủ.

Mai Vui



 {name} - {time}

 Trả lời

{body}
 {name}- {time}
{body}

0 bình luận

Ý kiến của bạn sẽ được biên tập trước khi đăng. Vui lòng gõ tiếng Việt có dấu
Chia sẻ thông tin với bạn bè!
Tắt [X]