(vhds.baothanhhoa.vn) - Ai đã từng qua bản Mường sẽ khó quên những nếp nhà sàn nhỏ bé nép mình dưới những cánh rừng mướt xanh. Chiều chiều, từ những nếp nhà gỗ nhỏ xinh, vách nứa đã phai màu thời gian những sợi khói trắng cứ vấn vít bay lên, vẽ vào thinh không những nét họa mảnh mai, dịu dàng. Những sợi khói vấn vương ấy bay lên từ những gian bếp bốn mùa lửa bập bùng cháy.

Ấm nồng bếp lửa nhà sàn

Ai đã từng qua bản Mường sẽ khó quên những nếp nhà sàn nhỏ bé nép mình dưới những cánh rừng mướt xanh. Chiều chiều, từ những nếp nhà gỗ nhỏ xinh, vách nứa đã phai màu thời gian những sợi khói trắng cứ vấn vít bay lên, vẽ vào thinh không những nét họa mảnh mai, dịu dàng. Những sợi khói vấn vương ấy bay lên từ những gian bếp bốn mùa lửa bập bùng cháy.

Ấm nồng bếp lửa nhà sàn

Bếp lửa trong căn nhà sàn của một gia đình người Mường ở Kim Bôi, Hòa Bình. Ảnh: Hồng Vân

Với người Mường, linh hồn của ngôi nhà sàn chính là căn bếp. Bếp có đượm lửa bốn mùa căn nhà mới ấm, con người mới mạnh khỏe, bình an. Bếp thường được bưng xung quanh bằng gỗ đắp nổi giữa nhà. Trên bếp còn có một gác khá lớn làm bằng thân những cây tre già quanh năm ám mùi bồ hóng, cũ kỹ cùng năm tháng, đựng đầy những loại củ quả của cha, của mẹ mang từ rừng gần nương xa về. Thỉnh thoảng còn có vài con thú nhỏ như chuột, sóc hoặc những miếng da trâu chưa dùng đến được sấy khô để dành cho những ngày khan hiếm thức ăn.

Bếp lửa nhà sàn từ bao đời nay là nơi gặp gỡ của các chàng trai, cô gái xứ Mường. Đêm đêm, bên bếp lửa hồng, họ ngồi bên nhau rì rầm chuyện xa, chuyện gần. Những câu chuyện bình dị về cuộc sống thường nhật nối dài từ chập tối đến canh khuya, từ mùa xuân qua mùa đông như những sợi tơ vô hình gắn kết giúp cho bao đôi lứa nên duyên. Sau bao năm tháng, tình yêu của họ cứ lớn dần lên, bền chặt thêm và tình yêu của bao đôi lứa đã đơm hoa kết trái nhờ bếp lửa hồng. Với những đứa trẻ lớn lên bên những nếp nhà sàn, bếp lửa luôn là một khoảng trời bình yên, ấm áp nhất. Là nơi ấm nồng những yêu thương, lo lắng của ông bà với cháu con.

Ngày tôi đón đứa con đầu lòng vào một đêm đông giá buốt, mẹ chồng lặng lẽ chất thêm củi, thả thêm những vỏ bưởi khô mà bà cần mẫn gom nhặt suốt mùa quả chín vào bếp lửa đang rực hồng. Con gái tôi lớn dần lên nhờ hơi lửa ấm nồng, nhờ mùi hương dìu dịu tỏa ra từ những miếng vỏ bưởi khô của bà nội. Những ngày đông buốt giá, bà thường lùi vào than nóng vài bắp ngô hay vài củ khoai vừa bới dưới vườn nhà để dành cho các cháu. Những bắp ngô, củ khoai vùi trong tro nóng lấm lem mà thơm lừng ngọt lịm, thẫm đẫm tình yêu thương của người bà tảo tần cả đời hy sinh cho con cháu. Sau này lớn lên đi học xa, mỗi lần trở về, việc đầu tiên là con sà vào bếp ngồi cạnh bà. Con gái tôi vừa nép mình vào bộ váy bằng vải bông thơm nồng mùi trầu thuốc và mùi khói bếp của bà vừa nắn vuốt bàn tay nhăn nheo ram ráp chai sần của bà nội, vừa ríu rít kể chuyện trường, chuyện lớp. Bao năm đi xa con vẫn không quên bếp lửa ấm nồng nơi đã chứng kiến từng bước đi chập chững đầu đời của mình.

Đời người phụ nữ Mường, niềm vui, nỗi buồn luôn gắn với gian bếp. Sau mỗi mùa thu hoạch các bà, các mẹ thường tỉ mẩn chọn những bông lúa mẩy nhất, những bắp ngô to nhất cất lên gác bếp để dành gieo cấy mùa sau. Mùa nối mùa, bếp lửa hồng như người bạn tri kỷ ôm vào lòng những thăng trầm, đói no của bản Mường. Đêm đêm, tôi thường lùa bàn tay của mình vào bàn tay thô ráp nhưng ấm áp vô cùng của mẹ chồng. Lặng lẽ ngồi nghe bà kể chuyện, đọc những đoạn mo đẻ đất đẻ nước. Cũng có những ngày tôi vừa hơ bàn tay giá buốt trên ngọn lửa hồng vừa ngồi ngắm bà cần mẫn se bông dệt nên những tấm chăn phà giản dị mà ấm áp, những chiếc cạp váy cầu kỳ, rực rỡ làm tôn lên vẻ thùy mỵ nhưng cũng rất duyên dáng của những thiếu nữ Mường. Những thứ đó bà chắt chiu, dành dụm bao năm rồi cất vào chiếc bồ tre nơi góc nhà. Bà bảo: “Để dành làm của hồi môn cho các con tôi khi về nhà chồng”. Bây giờ các con đã lớn, sống giữa đô thị phồn hoa nhưng chúng vẫn không quên mang theo tấm chăn phà của bà nội. Tấm chăn có hơi ấm của bà, có hơi lửa nồng đượm của góc bếp quê hương.

Ấm nồng bếp lửa nhà sàn

Ngôi nhà sàn gia đình tác giả đang ở tại xóm Rộc, Hùng Sơn, huyện Kim Bôi, tỉnh Hòa Bình. (Ảnh tác giả cung cấp)

Ngày nay, những căn nhà sàn gỗ, vách nứa bạc phếch tháng năm không còn nhiều. Nó dần được thay thế bằng những ngôi nhà xây khang trang kiên cố. Mẹ chồng tôi cũng đã khuất núi từ lâu, nhưng gia đình vẫn giữ lại ngôi nhà sàn mà ông bà đã gây dựng từ hơn ba mươi năm về trước. Mỗi lần về thăm nhà, con gái lại ngồi lặng lẽ bên bếp, ngắm những tia lửa chờn vờn nhảy nhót mà thương nhớ mùi khói, mùi trầu thơm của bà nội, nhớ những yêu thương mà bà đã dành cho mình. Nơi chái bếp, lửa vẫn bập bùng cháy, bập bùng ấm áp như ánh mắt lấp lánh của bà năm nào.

Những người con đất Mường dù đi khắp bốn phương trời, vẫn luôn mang trong tim mình hình bóng nếp nhà sàn thân thương, ăm ắp bao kỷ niệm. Nơi có bếp lửa bập bùng cháy suốt bốn mùa. Có dáng mẹ cha hao gầy chờ mong những đứa con đi xa trở về. Một mùa xuân nữa sắp trôi qua. Tết thanh minh đang rộn ràng trong từng ngõ nhỏ. Những đứa con đất mường xa quê lại đau đáu nỗi mong ước được trở về bên ngôi nhà sàn thân thương, nơi có mùi khói vấn vít tỏa hương từ căn bếp ấm nồng.

Tản văn của Bùi Thị Hồng Vân



 {name} - {time}

 Trả lời

{body}
 {name} - {time}
{body}

0 bình luận

Ý kiến của bạn sẽ được biên tập trước khi đăng. Vui lòng gõ tiếng Việt có dấu
Chia sẻ thông tin với bạn bè!
Tắt [X]