(vhds.baothanhhoa.vn) - 1. Xếp lịch mãi cuối cùng tôi cũng thực hiện được chuyến ra vùng ven đúng nghĩa vào một ngày cuối tuần trong tiết thu đang ra đi vội vã. Những giọt nắng hanh hao trải xuống cánh đồng, rắc qua kẽ lá, khiến vùng ven trong lành, và muốn nhìn ngắm nhiều hơn.

Cảm xúc ở vùng ven

1. Xếp lịch mãi cuối cùng tôi cũng thực hiện được chuyến ra vùng ven đúng nghĩa vào một ngày cuối tuần trong tiết thu đang ra đi vội vã. Những giọt nắng hanh hao trải xuống cánh đồng, rắc qua kẽ lá, khiến vùng ven trong lành, và muốn nhìn ngắm nhiều hơn.

Cảm xúc ở vùng ven

Ảnh minh họa. (Nguồn: Internet)

Thế nhưng sự cởi mở của thời tiết, sự thân thiện của những người dân vùng ven cũng không thể khỏa lấp được sự tiếc nuối trong tôi, về một vùng ven đúng nghĩa mà tôi từng trải nghiệm.

“Đất bán hết rồi, đàn trâu về đâu”... Câu hát của nhạc sỹ Lê Minh Sơn lóc cóc thức dậy trong tôi. Bước chân như trong xa thẳm vọng về, níu kéo và hoài vọng về những cánh đồng xôi mật, những làng hoa, làng lúa mướt mắt ven Đông Hải, Đông Hương và Đông Tác, ở đó có những đàn trâu, những con người thuần phác.

Giờ nhiều nhà cao, kiểu cách. Đó là những ngôi nhà của những ông chủ đất một thời. Đất bán hết rồi, bù lại họ có nhà cao, có xe hơi, nhưng họ sẽ phải làm gì?

Trong nhôm nhoam đất cát dọc con đường Đông Hải còn sót lại những mảnh ruộng nho nhỏ cỏ xanh rì, thỉnh thoảng gặp những vuông rau xanh. Còn vài người dân nhớ nghiệp nông gia bằng cách hì hụi gánh những gánh nước lên luống rau để tưới, hy vọng vào những bó rau sạch, cũng là một cách để giải tỏa sự bức bối về việc làm trong thời điểm hiện tại. Tôi đưa chiếc máy ảnh lên và bấm. Những khuôn ảnh mà tôi sẽ còn phải nhớ về hình ảnh người nông dân nơi đây cố kiếm kế sinh nhai trên những vuông ruộng nhỏ nhoi còn sót lại.

Vùng ven giờ đây gần như là những bức tranh xôi đỗ, hết lúa lại nhà, rồi hoa, cả công xưởng, nhiều thứ hình khối và cơ học nhôm nhoam chồng lấn lên nhau. Công cuộc đô thị hóa đã, đang và dự báo còn sẽ mạnh mẽ hơn. Nhiều thứ lắm, đang vươn mình và thức dậy. Mừng cho thành phố quê mình, và tôi cũng lặng lẽ, có phần ngẩn ngơ, rất khác người. Đô thị hóa như chiếc đũa thần, vừa diệu kỳ vừa tàn nhẫn, đang lấy đi vùng ven ký ức của tôi, của lũ trẻ trâu, của biết bao nông dân.

2. Những đụn khói sau mùa gặt trên cánh đồng làng Sơn Viện, làng quê Đông Lĩnh ngoại ô thành phố Thanh Hóa đang bốc lên trên những thân rạ cho ta một cảm giác yên bình đến lạ. Tôi đứng đó, mê mẩn nhìn những lơ mơ sương khói, những ánh lửa bập bùng và cả lũ mục đồng đang nhảy múa cùng lửa. Những con rô đồng vàng ruộm, thơm lừng sau khi nướng lũ trẻ cầm trên tay sao kích thích dịch vị của mình đến thế. Tôi chỉ muốn sà xuống hít hà, và mơ mình trẻ lại để nhảy múa, để đùa vui với lũ trẻ, và đuổi bắt lũ sẻ đồng đang ríu ran trên những thửa ruộng kia.

Chỉ cách trung tâm thành phố khoảng dăm cây số, nhưng dường như ở đó không còn là phố, mà là một cộng đồng với những nét rất làng.

Lũ trẻ vô tư và hồn nhiên, chúng đá bóng dưới mái đình làng Sơn Viện chẳng bị ai đuổi, cũng không cá cược, người lớn đứng xem vỗ tay đôm đốp. Chẳng giống những đứa trẻ nhà tôi phải giam mình trong trường học, ở nhà thầy, nhà cô, cả ở nhà mình để tránh xa cái thứ mà người lớn gọi là cạm bẫy đô thị...

Những đứa trẻ ở đây, có thể chúng còn thiếu cái này cái kia, nhưng chúng có dư một tuổi thơ đúng nghĩa.

Chỉ một ngày nhặt nhạnh, nhưng với tôi, đó đã là một sự trải nghiệm thú vị và giá trị, thoát ra cái bức bối của bê tông, tiếng xe, và sự bon chen ở phố... Dẫu có phần lặng lẽ, nhưng cũng có niềm tin cuộc sống không thiếu những điều bình dị, giản đơn và thú vị đang hiện hữu trong dòng đời tấp nập cuộn chảy mỗi ngày.

Lam Vũ


Lam Vũ

 {name} - {time}

 Trả lời

{body}
 {name} - {time}
{body}

0 bình luận

Ý kiến của bạn sẽ được biên tập trước khi đăng. Vui lòng gõ tiếng Việt có dấu
Chia sẻ thông tin với bạn bè!
Tắt [X]