(vhds.baothanhhoa.vn) - Ở chiến khu Việt Bắc, trong những năm kháng chiến chống Pháp, nhà thơ Tố Hữu từng viết: “... Rét Thái Nguyên rét về Yên Thế...”. Mọi người ở dưới xuôi cho rằng, trên vùng đất trung du bán sơn địa ấy chắc là rét dữ lắm. Rét vận chuyển như sông chảy. Rét miết như gió mài. Rét từ tỉnh này sang tỉnh kia, đi mất khá nhiều đường đất đèo dốc. Thế mà rét không hề chia sớt thuyên giảm. Rét ở Thái Nguyên thế nào, sang Yên Thế vẫn y nguyên như vậy.

Cười lên cho cỏ mọc

Ở chiến khu Việt Bắc, trong những năm kháng chiến chống Pháp, nhà thơ Tố Hữu từng viết: “... Rét Thái Nguyên rét về Yên Thế...”. Mọi người ở dưới xuôi cho rằng, trên vùng đất trung du bán sơn địa ấy chắc là rét dữ lắm. Rét vận chuyển như sông chảy. Rét miết như gió mài. Rét từ tỉnh này sang tỉnh kia, đi mất khá nhiều đường đất đèo dốc. Thế mà rét không hề chia sớt thuyên giảm. Rét ở Thái Nguyên thế nào, sang Yên Thế vẫn y nguyên như vậy.

Cười lên cho cỏ mọc

Minh họa: Hà Hiếu

Còn tôi nghĩ bụng, ông nhà thơ kiêm nhà cách mạng nổi tiếng một thời mới tả đúng cái rét chút rét chít. Cái rét thiếu nhi bé xíu. Cái rét lông măng lông tơ. Cái rét ấy so với cái rét vùng núi đá biên giới phía Bắc chẳng là đinh gì. Cái “rét Thái Nguyên” chỉ có thể gọi là rét buồn cười. Rét gây ngứa ngáy râm ran trên làn da. Rét kích thích trí tò mò, chỉ tổ làm cho người ta khó chịu.

Có bạn nào đã từng đến thung lũng Mỏ Thiếc, Thin Tốc, từng ngủ ở nhà dân khu vực Pác Miều Bảo Lạc, từng ăn cơm ngô cháo páng ở Lăng Hiếu, ở Cao Thăng, ở Ngọc Khê... Trùng Khánh vài ngày đêm giữa vụ rét? Khi ấy mọi người mới hiểu, mới thấu và thông cảm cho cái sự nghĩ bụng thầm thì này của tôi.

Lâu nay, chúng ta nghe mấy tiếng “rét đậm rét hại” trên kênh phát thanh truyền hình. Song, tôi cũng chưa thật sự hiểu hết ý nghĩa “rét đậm rét hại” đến mức nào. Chắc cũng chỉ đến cỡ cóng chân, cóng tay là cùng. Rét đến mức này mới đủ tiêu chí làm em út rét sương muối quê tôi. Đó là cái rét kèm theo mưa tuyết. Đã mưa tuyết còn cõng thêm sương muối. Mà đã gọi sương muối thì thôi rồi. Đá núi cũng chết cóng chứ đừng kể đến người, đến vật. Rét đóng băng như cục gạch. Rét sinh ra mưa đá bằng hạt ngô gieo nương. Thậm chí có hòn to bằng củ đậu. Rét làm chảy máu cam người lớn. Rét làm nứt toác chân tay mặt mũi trẻ con. Rét làm chết cứng cừng cưng con rái cá dưới sông Hiến, sông Bằng, sông Quây Sơn, sông Bắc Vọng, sông Tả Gọn... Đấy mới là rét cật.

Vì thế, ở quê tôi, từ xa xưa mọi người đều gọi rét “dên thai”. Nghĩa là rét chết. Chết thật sự. Chết trăm phần trăm. Chứ không phải chết đùa, chết giả vờ. Trâu bò dê ngựa không dám thò mông ra đồng gặm cỏ. Con nào đói quá, liều mạng đi khỏi cửa chuồng, liền bị gió rét làm quăng quật lăn đùng.

Rét sương muối quê tôi có mùi cám rang. Cám rang dùng làm thính để mồi cá. Từng đàn cá nghe thấy mùi thính, chúng rào rào bơi bơi tìm đến. Thế là đàn cá này tiếp đàn cá kia lần lượt mắc bẫy. Nếu có bạn nào chưa tin, hãy thè lưỡi nếm thử gió núi quê tôi một lần xem sao. Nó không giống như các vùng miền khác, xứ sở khác. Ở chỗ người ta cũng gió rét. Nhưng rét nhẹ. Rét êm dịu. Rét đầy tình thương mến. Sao cái rét nhà tôi hoi hói tức ngực. Bởi cái rét được ủ kỹ từ ngày con trâu biết ngồi. Rét cứ thế lừng lững từ trong thung sâu đi ra. Rét từ trên non cao tụt xuống. Nên cái rét lên màu thâm sì. Cái rét cuộn mình ào ào bất ngờ dội tới. Từng đợt rét kèm sương muối tràn vào đầy nhà. Gió rét lách qua phên liếp. Gió rét trích vào da thịt người như dao lam, như đóng đinh cùn. Khắp nơi, khắp chốn chỗ nào cũng rét run bần bật. Hai hàm răng đánh mạnh vào nhau như bánh xe lu lăn đường. Mưa rét đã đành. Nắng hanh lại càng rét ngọt rét ngào đậm đặc. Gió u u thổi. Gió hừng hực thốc. Gió tưng bừng reo ca như tháo khoán. Gió làm cho không gian ngàn lau âm u xám xịt, nay thêm phần hung hăng dữ tợn. Nhìn dọc con đường làng mềm cong như lạt. Trông ra ngoài đồng như đồng không bỏ hoang. Khắp nơi, khắp chốn vắng teo. Tiếng người lẫn tiếng trâu bò đi đâu, im ắng. Ồ! Bởi tất cả đều ở tịt trong nhà, trốn rét.

Khắp nơi khắp chốn, sương muối mây mù nống ra dày đặc. Mây mù sương muối cuộn vào nhau làm thành từng đống xốp mốc meo, to đùng như trái núi. Mây mù xứ này ngỡ ngon như bánh đúc. Có thể cầm nắm mà ném nhau thỏa thích. Ấy thế mà ngày trước, bọn trẻ con chúng tôi hầu như đứa nào cũng đầu trần chân đất. Bạn bè rúc rích như khỉ con rẽ mây mù đến trường đi học. Còn, áo xống mặc suốt cả mùa đông. Chả thèm giặt. Nên thằng nào cũng hôi rình như con lửng.

Cha tôi dạy: Rét không chê áo rách/ đói đừng chê cơm nguội. Tấm nào rách, con mặc ở bên trong. Tấm lành, con mặc lồng ra bên ngoài. Làm như thế, để tôn trọng con mắt người ta nhìn vào. Và mình cũng đỡ xấu hổ. Chả ai biết gia cảnh nhà ta đang lâm vào đoạn nút tiền bạc cơm gạo khốn cùng.

Thế đó. Tuy là rét sương muối dã man tàn bạo, nhưng mà vui vẻ nhộn nhịp.

Tôi xin gọi đúng bản chất của sự rét ấy. Đấy là những ngày đêm lễ hội sương muối. Không gọi lễ hội sao được. Rét là thời cơ để các chị các nàng khoe tài nhuộm chàm khâu vá trong các phiên chợ tết. Rét cũng là thời cơ cho các chàng trai thi thố tài năng đốn củi hầm than.

Rét là cơ hội các nàng dâu bày tỏ lòng hiếu thảo. Tôi nhớ mãi hình ảnh mẹ chăm chút cho bà nội. Đêm nào mẹ tôi cũng đun nước gừng bỏ thêm chút muối, đổ vào ang (chậu sành) rồi mời bà nội ngâm chân. Trong khi chờ bà ngâm chân, mẹ tôi chui vào nằm, lấy hơi mình phả sức nóng ra làm ấm chăn cho bà nội ngủ. Ngày ngày, hai người đàn bà như hai chiếc bóng. Ít khi họ phải dùng đến lời nói. Người nọ nhìn người kia là biết việc cần làm. Họ nói với nhau bằng cử chỉ ngón tay, ánh mắt. Ngày ấy, sao tôi thấy trong ngôi nhà của mình tuy đơn sơ nghèo tiền của, nhưng quanh năm nồng nàn ấm áp. Người ăn ở với người ý tứ, mặn mà, đằm thắm, xua tan đi mọi giá băng trong nhà ngoài cửa.

Rét là cơ hội cho các bà thi tài ủ men cất rượu bày bán trong phiên chợ tết. Nếu bà nào không đủ tài xảm, men đồng rừng không thở được trong cơm gạo lức. Nghĩa là men chết rét. Men chết rét, rượu nấu ra dặt dẹo ngái ngủ. Hơi rượu chua như dưa khú. Ai thèm nếm. Ai thèm mua.

Rét là thời cơ bắt bác tài xì phoòng mổ lợn làm lòng thật nhanh. Nếu không nhanh mỡ bám dai như đỉa. Bởi giữa cơn mưa rét ba, năm độ dưới không, mỡ đóng băng như chớp. Mỡ bám chặt từng chùm như nho như sung trên từng khúc lòng, trên dạ dày, trên phổi phèo... Mỡ bắn ra đóng băng tức thì trên mặt, trên tay các bác tài. Dầm mình trong giá rét, buốt như châm tê, nhưng cấm tiệt chân tay không được rề rà lóng ngóng chậm chạp. Đấy cũng là một thách thức không hề nhỏ.

Rét là thời cơ cho trẻ con chơi khăng đánh sảng. Chơi trò này thực sự người đánh vật với con cù. Nhìn bọn trẻ say sưa lấy đà đánh sảng. Mê mải chăn dắt từng con sảng đi về lòng vòng. Những con sảng quay tít mù. Chúng đánh sảng quên cả đói, quên cả khát. Cứ để mặc cho mồ hôi chảy ròng ròng trên trán trên mặt. Mũi dãi chảy tò tò. Nóng ơi là nóng. Nhưng sướng ơi là sướng. Nóng bừng bừng. Nóng đỏ đắn hồng hào da dẻ như bôi son. Chơi đánh sảng trước nhất cho mình vui. Sau nữa lại cho người ấm nóng, tiết kiệm được khối củi đun cho cha mẹ...

Ôi! Tôi nhớ tiếng cười giòn tan của đám trẻ làng Hiếu Lễ thuở ấy. Tiếng cười làm rữa, làm rụng, làm rơi từng tảng băng tuyết tan. Tiếng sương muối rơi như tiếng vỗ tay. Khắp trời trắng xóa tiếng vỗ tay sương muối lẫn băng tuyết. Lá cây ngọn cỏ nhờ tiếng cười con trẻ mà ngóc đầu lên đón ánh sáng. Ôi! Tiếng cười trẻ con vào tết. Nghe như pháo ran.

Y Phương



 {name} - {time}

 Trả lời

{body}
 {name}- {time}
{body}

0 bình luận

Ý kiến của bạn sẽ được biên tập trước khi đăng. Vui lòng gõ tiếng Việt có dấu
Chia sẻ thông tin với bạn bè!
Tắt [X]