(vhds.baothanhhoa.vn) - Họa sĩ - nhà thơ Đăng Sương, người con của xứ Thanh, vùng Ngã ba đầu, nơi hợp lưu của sông Chu và sông Mã. Sinh ra và lớn lên trên một vùng quê cẩm tú, giàu truyền thống văn hóa, tâm hồn anh luôn đầy ứ niềm xúc cảm với thơ ca, nhạc họa. Tập thơ “Lục bát tình thơ” (NXB Thanh Hóa, 2020) là sự trở về với bờ tre, mái rạ quê hương, cha mẹ, bạn bè, người thân yêu... tiếng tơ lòng thao thiết.

Đọc “Lục bát tình thơ”

Họa sĩ - nhà thơ Đăng Sương, người con của xứ Thanh, vùng Ngã ba đầu, nơi hợp lưu của sông Chu và sông Mã. Sinh ra và lớn lên trên một vùng quê cẩm tú, giàu truyền thống văn hóa, tâm hồn anh luôn đầy ứ niềm xúc cảm với thơ ca, nhạc họa. Tập thơ “Lục bát tình thơ” (NXB Thanh Hóa, 2020) là sự trở về với bờ tre, mái rạ quê hương, cha mẹ, bạn bè, người thân yêu... tiếng tơ lòng thao thiết.

Đọc “Lục bát tình thơ”

2.Cảm thức về mùa luôn gợi thi tứ cho các nhà thơ. Đọc thơ Đăng Sương cảm xúc thu, thời gian, đời người cứ trở đi trở lại bồi hồi trong tâm trí nhà thơ: “Em ơi, anh chớm thu rồi/ Còn đâu xao xuyến bồi hồi thu sang/ Hòa trong sắc lá cây vàng/ Giật mình lại vẫn ngỡ ngàng: đã thu” (Ngỡ ngàng). Trong cái thảng thốt, giật mình, thi nhân muốn níu giữ bước đi của thời gian, tiếc nuối tuổi trẻ. Đó cũng là khát vọng rất nhân bản, rất chính đáng.

Tâm hồn anh đằm trong dáng sắc nhạt nhòa của thu: “Thu sang hoa cải rực vàng/ Tiếng vi vu gió thổi tràn bờ đê/ Chẳng còn rôm rả tiếng ve/ Và gay gắt nắng đã nghe hạ tàn” (Chớm thu). Nhà thơ lắng nghe khoảnh khắc giao mùa, trong sắc vàng rực của hoa cải, cái gay gắt nắng, thu đã về qua tiếng gió vi vu. Thời gian chảy trôi và cũng rất thấm thía dự báo sự tàn lụi, hao mòn của đời người.

Con mắt thơ của anh nhìn thiên nhiên mùa đông với sự rung ngân của cây đàn muôn điệu: “Lá bàng đỏ ối trên cây/ Nhập nhòa một cánh mai gầy rung rinh/ Mưa lay phay thẫm mái đình/ Chỉ mình ta chỉ một mình ta say” (Cuối đông). Trong cảm xúc giao mùa ấy, nhân vật trữ tình say sưa, đắm đuối và cũng rất đơn côi. Nhà thơ lẩy ra những chi tiết giàu sức gợi về bước thần diệu của mùa đi: sắc màu đỏ cùng dáng mai gầy, vài hạt mưa xuân rắc nhè nhẹ... làm nhớ lại câu thơ của thi sĩ tiền chiến Nguyễn Bính: “Bữa ấy mưa xuân phơi phới bay”.

Thơ hay thường buồn! Đông về làm cho mọi sự đều co lại bởi cái lạnh của gió, của khí trời. Mùa đông như là người bạn đồng hành nỗi lòng hiu hắt, bâng khuâng buồn: “Co ro giá lạnh mình ta/ Vẳng nghe thoi thóp tiếng gà tàn canh” (Đông lạnh). Cái lạnh giá của thời tiết hay cái giá lạnh, cô đơn của lòng người, những từ láy “cô quạnh, đìu hiu, mỏi mòn” gợi cảm giác lạnh lẽo của thiên nhiên và cõi lòng.

2.Quê hương, nguồn cội, chốn đi về của mỗi người con, tình quê trong thơ anh luôn thao thiết: “Nợ quê tôi nợ rất nhiều/ Nợ con đò nhỏ sớm chiều qua sông/ Nợ đồng lúa chín bão giông/ Nợ nghè Bà, nợ nghè Ông, nợ chùa/ Nợ trăng đắm đuối câu hò/ Nợ người chín đợi, mười chờ là em” (Nợ quê). Nợ quê, cách nói ẩn dụ thật hay về tình quê sâu nặng. Với Đăng Sương, nợ quê là nhớ quê, trách nhiệm của một người con với quê hương.

Nợ rồi vay, kiểu vay của anh cũng thật nặng tình: “Vay trăng một thoáng lả lơi/ Trả cho ai chút ngậm ngùi đa đoan/ Vay em một mảnh hồng nhan/ Trả ai day dứt canh tàn khôn nguôi” (Vay trả). Cảm xúc vay trả tưởng mông lung mà thật đa tình. Biết thụ hưởng, trân quý cái đẹp, trái tim thi nhân run rẩy lụy vì tình. Cách nói theo kiểu văn học dân gian của ca dao khi dùng đại từ “ai” làm cho ý thơ thêm da diết, có tầm phổ quát hơn.

Chỉ cần gọi lên cái tên quê là cả một trời thương nhớ gọi về với cảm giác bâng khuâng, xao xuyến. Những tên đất, tên làng, người thân yêu, truyền thống văn hóa làm nên hồn cốt quê hương. Nhưng quê nên hương nên nhụy phải là em. Lời thề hẹn năm nao, ánh mắt, nụ cười, nơi hò hẹn, tất cả như còn vương lại đâu đây. Cảm xúc thơ hân hoan trong từng câu chữ, quê hương ngày càng thay da đổi thịt. Cây cầu nối đôi bờ vui, xóm chài quần tụ no đủ, cánh cò cũng xôn xao không còn sợ hãi (Về quê). Quê hương của dòng sông Chu, sông Mã phù sa bao đời hồi tụ, bồi đắp nên vùng văn hóa xứ sở. Câu hò mượt mà trên sông nước làm xôn xao bãi dâu, ruộng lúa trù mật. Quê và mẹ, hai hình tượng khắc ghi trong lòng thi nhân, ân nghĩa cao dày trả sao cho hết.

Với Đăng Sương, mẹ là quê hương, là nguồn cội, là chỗ dựa tinh thần cho mỗi đứa con xa. Ba bài thơ về mẹ của anh (Nỗi niềm mẹ, Mẹ tôi, Mẹ ơi) lay thức trong mỗi người con tình cảm biết ơn sâu nặng về người mẹ. Như cây lúa trên đồng, bông lúa trĩu nặng cũng là lúc mẹ cây còng xuống, con lớn lên, trưởng thành thì mẹ già nua, héo mòn: “Mười mấy năm bấy nhiêu ngày/ Nuôi con như bón mầm cây lớn dần/ Khổ chưa người mẹ đơn thân/ Không tiền ít gạo tảo tần sớm hôm” (Nỗi niềm mẹ) và “Nón mê dù rách tả tơi/ Vẫn che bóng mát cả đời cho con/ Mong sao con đặng vuông tròn/ Mẹ lo mãi để héo hon thân già” . Thơ viết về mẹ đã nhiều, đọc thơ Đăng Sương, người đọc vẫn thấy thân thương vì tình cảm chân thật, phảng phất triết lý nhân sinh: “Mẹ ơi con đã già rồi/ Còn ngồi ngóng mẹ như hồi trẻ con/ ...Thân gầy rạc tóc rối nhàu/ Lưng còng phủ mảnh áo nâu vẫn còng” (Mẹ ơi). Trong mắt mẹ, những đứa con dù bao nhiêu tuổi vẫn là trẻ nhỏ, nhà thơ mong ước mình trẻ lại để được mẹ ôm ấp, dỗ dành như xưa.

3.Đăng Sương phát huy được thế mạnh của vần điệu trong thơ lục bát trầm bổng ngọt ngào như lời ru của bà, của mẹ. Anh khá thành công khi đã dụng công, khả năng thụ cảm rộng mở, ngôn từ, thi ảnh giàu có, luôn biến ảo để làm cho lục bát không bị đơn điệu, nhàm chán. Đà Lạt, xứ sở mộng mơ, êm đềm lãng đãng sương giăng rất hợp với thể loại lục bát. Những địa danh rất nên thơ nên nhạc thấm đẫm bầu khí quyển yêu đương, hò hẹn. Những rừng thông xanh vi vút, hồ Xuân Hương u huyền lãng mạn, khí trời se lạnh gợi nhớ thương hơi ấm tình thân. Hương tình quện cùng khói sương Đà Lạt và em. Các bài: Giữa lòng Đà Lạt, Với Em và Đà Lạt, Anh về Đà Lạt với em, Đà Lạt mưa... cảm xúc đa chiều, chất thơ lan tỏa như những nốt nhạc tâm hồn: “Trắng trời xứ lạ mưa dăng/ Sợi mưa như được kết bằng giọt thương/ Tiếng mau, tiếng nhạc vô thường/ Nghe tâm tưởng xót nỗi buồn quạnh hiu” (Đà Lạt mưa).

Thơ là hoa và rượu của tình yêu, thứ tình cảm riêng tư mà các nhà thơ thường hướng tới. Tình yêu cá nhân trong thơ Đăng Sương có gì đó xa xót, thiếu sự vuông tròn, thơ anh đẹp và buồn là vậy. Yêu, cái đẹp tâm hồn thánh thiện, màu nhiệm, đặc ân mà thượng đế trao cho con người. Nhà thơ mắc tội... yêu: “Em ơi anh mắc tội yêu/ Tội ngơ ngẩn những buổi chiều nhớ nhung/ ...Tội mang thương nhớ trong tim/ Như mây mải miết đi tìm núi cao” (Tội yêu). Thơ tình của anh đã được nâng lên một bước nhờ tu từ tạo thi ảnh đẹp, quyến rũ. Cách lập tứ cũng thật đáng yêu, tội gì chứ tội yêu ai chẳng thích vướng vào.

Người ta nói, các nhà thơ thường có “nòi tình”, các cung bậc yêu thương, dằng níu giữa hạnh phúc và khổ đau. Chạm vào đâu cũng nhớ thương, cũng đằm sâu kỷ niệm. Tình lỡ, dở dang, lời thề hẹn cho muôn kiếp sau (Cõi ai). Khát yêu, nguyện cầu đôi lứa bên nhau, sống những tháng ngày mộng đẹp (Em mơ). Và các bài: Đợi, Duyên trời, Đâu phải là buồn, Cõi đời, Viết cho em... đong đầy lời yêu, những vọng tưởng rất đời thường cùng hướng về tương lai, bến bờ hạnh phúc. Đó cũng là khát vọng rất nhân văn.

Trên bước đường làm mới con chữ, ý thức sâu sắc làm đẹp thi ảnh thơ, Đăng Sương mong muốn đem đến cho bạn đọc những xúc cảm thẩm mỹ, tìm đến sự đồng điệu tâm hồn. Vì thế, thơ lục bát của anh vừa kế thừa tinh hoa của truyền thống dân tộc từ ca dao dân ca vừa hướng đến sự cách tân, sáng tạo mà lục bát vẫn giàu tình, nặng nghĩa.

Lê Xuân Toàn



 {name} - {time}

 Trả lời

{body}
 {name}- {time}
{body}

0 bình luận

Ý kiến của bạn sẽ được biên tập trước khi đăng. Vui lòng gõ tiếng Việt có dấu
Chia sẻ thông tin với bạn bè!
Tắt [X]