(vhds.baothanhhoa.vn) - Nhiều lần tôi tìm về làng hoa nơi một thời mình đã sống bằng cảm xúc lẫn lộn. Tôi tự hỏi về những luống hoa và bước chân thôn nữ đâu rồi. Nó ở đâu trong hỗn độn bê tông, nhôm kính và những tầng cao đô thị kia?

Dư vị của làng hoa

Nhiều lần tôi tìm về làng hoa nơi một thời mình đã sống bằng cảm xúc lẫn lộn. Tôi tự hỏi về những luống hoa và bước chân thôn nữ đâu rồi. Nó ở đâu trong hỗn độn bê tông, nhôm kính và những tầng cao đô thị kia?

Dư vị của làng hoa

(Ảnh minh họa)

Ngoại ô với tôi là những cánh đồng hoa, trong những đêm lãng du, tôi tự mộng rằng được dắt tay con bé Nương - một thôn nữ làng hoa chính hiệu cùng đi trên cánh đồng, người làng kết một chiếc cổng hoa, chúng tôi bước vào đó.

Chỉ dám nghĩ thế, nhưng không thể thổ lộ, bởi tôi biết mình và con bé khác nhau về tuổi tác và nghề nghiệp. Nó trong veo mười sáu, còn tôi thì bụi bặm của người từng trải, thậm chí còn có phần đa tình... Lần đầu gặp nó, là cái bím tóc quẩy liên hồi theo theo đôi gánh trên vai. Một thôn nữ hồn nhiên, tinh khôi, nhiệt huyết thanh xuân được dồn hết cho những đóa hoa lớn lên từ làng và hành trình vào phố mỗi ngày, góp phần làm đẹp cho người ở phố. Có lần tôi lặng lẽ đi theo nó, trên tay là chiếc máy ảnh ghi lại những khuôn hình thật đẹp. Chỉ thế thôi, rồi tôi lại lặng lẽ ra về, sợ nó nhìn thấy lại bảo cái chú này làm người ta xấu hổ.

Những tấm ảnh con bé Nương cùng những khuôn hình làng hoa đẹp đẽ, là những kỷ niệm thật đáng nhớ. Nhưng cơn lốc đô thị hóa đã khiến làng hoa, cả một vùng ngoại ô không chịu nổi sức ép, phải nhường lại cho những dự án đô thị và sự ra đời của những căn nhà cao, rất nhiều người dân ở nơi khác đến sinh cư. Con bé Nương không còn đất để trồng hoa, đồng nghĩa nó phải bỏ làng đi làm công nhân ở nơi nào đó xa lắm, tôi không còn được gặp nụ cười tinh khôi của nó nữa mỗi sáng mai. Công việc và điều kiện cũng đưa tôi vào phố, ở trong trong một khu đô thị hiện đại hơn. Nhiều đêm trên ban công tôi lại xa xăm nhìn về phía ngoại ô, nơi từng là làng hoa để nhớ về những lão nông, những thôn nữ nửa phố, nửa làng. Nhớ tiếng rít điếu cày sòng sọc, người làng đông vui bên ấm chè xanh với những câu chuyện về cây hoa, những điều thường nhật trên cánh đồng làng, nhưng cảm như bất tận.

Cũng đã nhiều lần tôi tìm về làng hoa bằng những cảm xúc lẫn lộn. Tôi tự hỏi về những luống hoa và bước chân thôn nữ đâu rồi. Nó ở đâu trong hỗn độn bê tông, nhôm kính và những tầng cao đô thị kia? Rồi tôi lại mộng mị, hình dung ra những điều đẹp đẽ ngày nào, và sự may mắn đã đưa bước chân mình đến một nơi còn sót lại, ngay sát con đường vành đai phía đông thành phố, với những luống hoa cúc mặt trời.

Ai đó ở làng hoa Đông Tác đang biểu thị sự thương nhớ nghề xưa bằng việc cố tạo ra những luống hoa nho nhỏ từ những vuông đất mà chủ nhân của nó chưa sử dụng đến. Một cách mưu sinh dù chật hẹp, nhưng hơn cả, tôi cho đó cũng là một thứ tình yêu, sự thủy chung với nghề xưa. Tôi thầm cảm ơn những luống hoa, dù ít ỏi, nhưng đã cho tôi sống lại dư vị ngọt ngào.

Trên con đường làng xưa tôi gặp những lão nông của làng hoa bây giờ khác xa với sự mộc mạc một thời. Họ diện những bộ áo đẹp và đi xe đẹp. Đô thị ra đời và đất đai lên giá, nhiều hộ dân ở làng hoa được tái định cư tại chỗ, họ cắt đất chia lô bán dần, mà ít nghĩ đến điều xa xôi hơn.

Dư vị của làng hoa

(Ảnh minh họa)

Cuộc sống rất nhiều năm găm chặt vào cây hoa khiến họ lúng túng trong việc chuyển đổi sinh kế. Số ít người thì bán bia hơi, thịt chó, số đông người làng còn lại làm khách ăn uống ầm ĩ vào mỗi buổi chiều. Một câu hỏi xuyên qua đầu tôi, là sự phồn hoa của một đô thị mới không biết rồi sẽ tồn tại như thế nào khi những lão nông kia đến ngày nào đó không còn đất để bán?

Ngoại ô trong tôi, ngay lúc này, không còn rực một màu hoa, điều gì đó da diết, thân quen nữa. Người đi qua người, người làng đi qua tôi, có cảm giác chỉ là tiếng động cơ và nụ cười khách khí. Tôi hỏi chuyện con bé Nương, nhưng không đành gặp nó, bởi bây giờ trong quán bia kia nó là người chạy bàn. Một bà mẹ trẻ của mấy đứa con, là sản phẩm điển hình có phần nhói lòng trong công cuộc chuyển đổi sinh kế bắt buộc ở làng hoa. Tôi đứng đó, ở ngoại ô một thời thương nhớ, có cảm giác mùi của làng khen khét, nấc nghẹn phía yết hầu.

Lam Vũ


Lam Vũ

 {name} - {time}

 Trả lời

{body}
 {name} - {time}
{body}

0 bình luận

Ý kiến của bạn sẽ được biên tập trước khi đăng. Vui lòng gõ tiếng Việt có dấu
Chia sẻ thông tin với bạn bè!
Tắt [X]