(vhds.baothanhhoa.vn) - Tôi đứng đây, giữa thênh thang gió. Gió đầu mùa, không ràn rạt thổi về từ mạn Đông Bắc, cũng chẳng phải nồm Nam nữa, mà heo heo gió, khiến miên man xúc cảm lẫn lộn trên vùng ven đô hoa và lúa một thời, giờ là đô thị mới.

Gió mới về làng

Tôi đứng đây, giữa thênh thang gió. Gió đầu mùa, không ràn rạt thổi về từ mạn Đông Bắc, cũng chẳng phải nồm Nam nữa, mà heo heo gió, khiến miên man xúc cảm lẫn lộn trên vùng ven đô hoa và lúa một thời, giờ là đô thị mới.

Gió mới về làng

Làng hoa Đông Tác nổi tiếng một thời giờ được biết đến là khu đô thị với nhiều ngôi nhà kiểu cách. Ảnh: Lam Vũ

Những đô thị hiện diện cho sự văn minh trên những thân ruộng ngàn đời con trâu đi trước, người nông dân làng hoa Đông Tác lam lũ, nhọc nhằn chắt nhặt từ bùn đất làng quê để có những bông lúa, nhành hoa đem vào cho người phố, nhưng vẫn không thoát được kiếp nghèo. Họ mơ ước về một sự đổi đời, nhưng chắc chắn họ không thể lường được cuộc sống đủ đầy hơn đang làm phôi phai đi cái hồn cốt của làng, nét đẹp ngàn đời, bấy lâu vui vầy...

Hiện đại hóa vùng ven đô, làng ta giờ thành phố như ý nguyện. Người làng hoa mừng, nhưng rồi lại thảng thốt trong tim. Cuộc sống đô thị đang thổi vào làng quê ven đô một nhịp sống mới. Không còn sự yên bình xưa cũ lóc cóc tiếng trâu, tiếng í ới mỗi đầu hôm. Làng đi ra từ bóng tối, rạ rơm, rong rêu chày cối, để tiếp cận, cũng là sự thỏa mãn với những tiện nghi hiện đại, văn minh hơn.

Nhà có số, phố được đặt tên, người làng Đông Tác được tái định cư tại chỗ với những căn nhà cao so với những gian nhà xưa cũ. Thanh niên trong làng giờ cũng xập xình quán xá, tóc đỏ, áo hoa. Nhiều thanh niên còn chơi hơn người phố gốc, như một sự trả thù quá khứ. Bức tranh xôi đỗ nơi ngoại ô theo cả nghĩa bóng lẫn nghĩa đen đang trùm lên làng quê yên bình một thuở.

Hiện đại hóa vùng ven đô, người thì bảo đó là gió mới thị thành, tha hồ mà tận hưởng, người lại bảo “gió độc” đang tràn về làng. Không gồng mình chống chọi, thiếu tỉnh táo, dễ “ốm” lắm.

Người làng hoa nhiều năm theo nghiệp nông gia, nhìn trời, nhìn đất, ngắm cây cỏ, hoa lá để vui vầy. Được mùa lúa vui cả làng, trúng vụ hoa cả làng chong đèn như đêm hội, râm ran cười nói, sèn sẹt tiếng rít điếu cày. Cái cảm giác điền viên, tình xóm, tình người bao năm trong cộng đồng làng xã, đang được thay thế bằng một lối sống khác. Lối sống của thị thành, cho hợp người, hợp cảnh. Chấp nhận, nhưng không khỏi tiếc nuối.

Tôi đứng đó, trên con đường làng hoa Đông Tác một thời là đất đá, cả con mương mấy chục năm dẫn thủy nhập điền nuôi sống những ruộng hoa, giờ chỉ còn hoài niệm. Đất được san nền, chia lô, ruộng hoa thành nhà cao sát nhà cao, như một sự tất yếu. Tất cả những cảnh vật xưa cũ đã thay đổi, chỉ còn duy nhất cây gạo già ven đường, nghe nói linh thiêng lắm là còn.

Gió mới về làng

Người dân Đông Tác biểu thị sự tiếc nhớ nghề xưa bằng cách vây những khoảnh đất trống chủ nhân chưa làm nhà để trồng hoa. Ảnh: Lam Vũ

Con đường Thành Thái nối ra đất lửa Hàm Rồng băng qua cánh đồng làng một thuở giờ rộng dài hơn, hai bên là những vỉa hè, là nhà, là nơi ở. Tôi khó tưởng tượng ra những luống hoa thật đẹp một thời bên dưới những móng nhà kia. Càng không thể tưởng tượng được cái hồn hoa trong thơ, trong nhạc như thế nào vào lúc này.

Người làng hoa mà tôi biết, nhiều người đã thành thiên cổ. Người chung tình, yêu quý nghề hoa, thì tìm xuống tận Tân phong, Quảng Xương tìm đất, thuê người tiếp tục nghiệp cha. Những người còn lại ngược xuôi trong nhịp sống thị thành để mưu sinh trong gian khó.

Làng hoa Đông Tác giờ cũng có khách sạn, nhà nghỉ, nhà trọ, nhiều quán bia, cà phê và quán nhậu, người tứ xứ ở đâu dồn về ồn ã tụ bạ mỗi chiều, khiến làng càng trở nên ồn ã hơn.

Tôi nhớ cái con bé Nương của mươi năm trước, mỗi lần gặp tôi, nó che chiếc răng sún lại để chú khỏi trêu, rồi chạy thật nhanh, nay cũng xanh đỏ móng tay, kiểu cách đầu tóc. Nó cười, và chào anh, ra dáng người phố lắm. Nó ngồi trên chiếc xe từ tiền đền bù khoảnh ruộng nhà nó. Giờ thì nó không phải theo mẹ ra ruộng hoa, không phải thức dậy từ mờ sáng để gánh hoa vào phố. Nó có hẳn một cửa hàng làm đẹp, chỉ phục vụ khách ở làng cũng đủ mệt rồi.

Thừa nhận người làng hoa giờ đẹp hơn hẳn. Chẳng còn nước da bùn đất lấm lem, áo quần, giầy dép cũng diện hơn. Những cửa hàng như của con bé Nương đã làm thỏa mãn ước mong đổi đời, thay sắc của bao thiếu nữ, cả những bà chị sồn sồn ở làng hoa. Con bé Nương cười, nụ cười có gì đấy tình tứ, chẳng giống nụ cười với chiếc răng sún che vội mươi năm cũ.

Giấc mộng làng hoa mà tôi áp đặt trong những tác phẩm của mình đã không thành hiện thực. Đô thị hóa như chiếc vòi rồng đã ngoạm lấy cả một vùng ven đô xôi mật một thời. Nó như cây đũa thần, vừa có điều gì đó diệu kỳ, cũng pha chút tàn nhẫn với không ít thân phận, kiếp người.

Làng hoa nếu không phải qua cuộc “dâu bể”, chắc hẳn làng hoa mà hôm nay tôi đang đứng vẫn tràn trề đúng nghĩa, trọn tình người làng hoa chân chất; và chắc chắn một điều, con bé Nương vẫn chào chú bằng cái che tay rất người làng.

Gió mới thị thành đang khoác lên làng hoa chiếc áo mới sặc sỡ tông màu. Khen cho hợp thời, nhưng vẫn chút buồn vì tiếc nuối...

Lam Vũ


Lam Vũ

 {name} - {time}

 Trả lời

{body}
 {name} - {time}
{body}

0 bình luận

Ý kiến của bạn sẽ được biên tập trước khi đăng. Vui lòng gõ tiếng Việt có dấu
Chia sẻ thông tin với bạn bè!
Tắt [X]