(vhds.baothanhhoa.vn) - Thời gian gần đây, các loại hình nghệ thuật truyền thống như tuồng, chèo, cải lương, chầu văn, xẩm... ngày càng được các bạn trẻ quan tâm và theo học, với mong muốn bảo tồn và giữ gìn nghệ thuật truyền thống của cha ông.

Góp sức trẻ “giữ” nghệ thuật truyền thống

Thời gian gần đây, các loại hình nghệ thuật truyền thống như tuồng, chèo, cải lương, chầu văn, xẩm... ngày càng được các bạn trẻ quan tâm và theo học, với mong muốn bảo tồn và giữ gìn nghệ thuật truyền thống của cha ông.

Góp sức trẻ “giữ” nghệ thuật truyền thốngNghệ nhân ưu tú Nguyễn Thị Hương (thứ 2, bên trái) cùng em Huyền My (thứ 2, bên phải) luyện hát.

Đã từ lâu tiếng trống chèo, tiếng mõ, tiếng phách đã không còn xa lạ với giáo viên Trường Mầm non Hoằng Kim. Bên cạnh công việc dạy học, các giáo viên nhà trường còn có một đam mê dành cho nghệ thuật truyền thống. Đến nay, hầu hết các giáo viên trong trường đều có thể cất một làn điệu chèo, ngân một khúc chầu văn hoặc ca một câu tuồng cổ. Theo cô Đỗ Thị Lan, Hiệu trưởng nhà trường chia sẻ: “Các môn nghệ thuật truyền thống là tinh hoa của cha ông ta để lại, bản thân tôi cũng rất yêu thích nghệ thuật truyền thống. Với mong muốn thế hệ trẻ tiếp tục giữ gìn, phát huy tinh hoa của cha ông, tôi đã mời nghệ nhân ưu tú Nguyễn Thị Hương của đất chèo Hoằng Phượng về dạy, hướng dẫn giáo viên trong trường, điều này được các giáo viên ủng hộ nhiệt tình”.

Học với nghệ nhân, giáo viên trong trường, nhất là giáo viên trẻ được khơi dậy tình yêu với nghệ thuật truyền thống, hiểu về những giá trị sâu sắc và trách nhiệm của bản thân trong việc giữ gìn, phát huy nghệ thuật. Cô Mai Thị Nghĩa, giáo viên Trường Mầm non Hoằng Kim, cho biết: “Điều chúng tôi học đầu tiên không phải là luyện giọng mà là ý nghĩa và giá trị của từng loại hình nghệ thuật dân gian. Mỗi loại hình đều chứa đựng một giá trị tinh hoa riêng, biểu hiện cho một thời kỳ phát triển của dân tộc. Thế hệ chúng tôi đã được nghe ông bà, cha mẹ hát chèo, tuồng, những lời hát ấy theo tuổi thơ tôi. Vì vậy, khi được nghệ nhân truyền dạy, niềm yêu thích từ thuở nào lại quay trở lại”. Từ đó, cô Nghĩa và các đồng nghiệp của mình trở thành những diễn viên quần chúng tích cực. Đồng thời, đội văn nghệ của trường thường xuyên tham gia và đạt giải cao tại các hội thi của huyện, tỉnh. Nhiều người trong đó đã gia nhập câu lạc bộ chèo Hoằng Phượng, mong muốn được cất cao giọng hát, để bản thân là cầu nối mang nghệ thuật dân gian đến gần hơn nữa với công chúng.

Dù đang là học viên, nhưng với vai trò giáo viên, cô Nghĩa cùng các đồng nghiệp lại truyền dạy nghệ thuật truyền thống cho các em học sinh. Để phù hợp với lứa tuổi mầm non, cách giảng dạy của các cô cũng rất đa dạng và phong phú. Tiếp xúc ban đầu cho các em là những bài hát dân ca vui nhộn, sôi động, với ca từ ngắn, dễ nhớ, dễ thuộc lời. Về sau, để gần gũi hơn, các em được tiếp xúc với dụng cụ âm nhạc, trò chơi dân gian. Cô và trò vừa học vừa chơi khiến các em tiếp thu kiến thức trong vui vẻ, thú vị.

Góp sức trẻ “giữ” nghệ thuật truyền thốngĐội văn nghệ Trường Mầm non Hoằng Kim.

Để khuyến khích giáo viên và học sinh phát huy nghệ thuật truyền thống, nhà trường thường xuyên tổ chức các hội diễn văn nghệ “Bé với làn điệu dân ca”, “Chương trình tiếng hát dân ca”... được phụ huynh ủng hộ nhiệt tình.

Cũng như cô Nghĩa, cô Nguyễn Thị Gái là một giáo viên của huyện Hoằng Hóa và mang trong mình lòng đam mê với chèo. Cô Gái theo học chèo bởi cảm nhận được lòng nhiệt huyết, khát vọng “giữ lửa” của các nghệ nhân dân gian. “Ban đầu tôi học chỉ vì không muốn phụ lòng người truyền dạy, trước đó tôi cảm thấy nghệ thuật truyền thống khó học nhưng qua từng ngày được học, được luyện tôi đã yêu chèo lúc nào không hay. Chỉ sau một thời gian ngắn, tôi đã nắm bắt được quy luật, cách ra vào, nhả chữ và mỗi lần cất lên tiếng hát, tôi cảm thấy thoải mái, vui vẻ”. Ngoài giờ lên lớp, cô Gái cũng thường xuyên tham gia các hoạt động biểu diễn, trở thành “hạt nhân” phát triển phong trào hát chèo tại địa phương.

Bên cạnh đó, thông qua việc truyền dạy trong trường đã phát hiện những tài năng nghệ thuật nhí. Như em Lê Huyền My, được nghệ nhân Nguyễn Thị Hương phát hiện lúc 5 tuổi, cô bé sau đó được nghệ nhân bồi dưỡng, huấn luyện, trở thành ca nương trẻ tuổi có giọng hát đầy nội lực. Huyền My đã đạt giải nhì cuộc thi “Bé khỏe, bé ngoan toàn tỉnh năm 2019” với bài chầu văn “Cô đôi thượng ngàn”.

Dù nghệ nhân Nguyễn Thị Hương được phong tặng nghệ nhân ưu tú ở loại hình nghệ thuật ca trù, nhưng chị vẫn có thể biểu diễn chầu văn, xẩm, chèo. Chị còn là người rất “nặng lòng” với việc truyền nghề, “giữ lửa”. Tính đến nay, số học trò của nghệ nhân đã lên đến hàng trăm người, trong đó có những người gặt hái được thành công và trở thành diễn viên chuyên nghiệp như: Tú Anh giải Nhì Sao nhí tỏa sáng năm 2017 với thể loại ca trù; Nguyễn Thị Hồng Nhung, giải Nhì Liên hoan Xẩm toàn quốc năm 2019; Nguyễn Thị Thu Hằng, giải Nhì Liên hoan Chèo chuyên nghiệp toàn quốc năm 2019; Trần Thị Huệ, giải Vàng Liên hoan Ca trù toàn quốc; Lê Thị Hoa, giải Bạc Liên hoan Ca trù toàn quốc... Nghệ nhân Nguyễn Thị Hương cho biết: “Thế hệ trẻ ngày càng ít được tiếp cận và thiếu hiểu biết về các loại hình nghệ thuật truyền thống, việc truyền dạy cũng không thể theo lối cũ. Tôi thường dựa trên những làn điệu cũ, thay đổi lời ca mới phù hợp với các sự kiện, vấn đề của địa phương, đất nước".

Bài và ảnh: Phan Thị



 {name} - {time}

 Trả lời

{body}
 {name} - {time}
{body}

0 bình luận

Ý kiến của bạn sẽ được biên tập trước khi đăng. Vui lòng gõ tiếng Việt có dấu
Chia sẻ thông tin với bạn bè!
Tắt [X]