(vhds.baothanhhoa.vn) - Từ năm 2012 đến nay, gần 10 năm rồi, cứ đến tháng 10 hàng năm, người yêu văn chương lại cá cược với nhau liệu năm nay Haruki Murakami có chiến thắng giải Nobel Văn học? Và vẫn như những lần trước, Nobel Văn học 2021 đã xướng danh tiểu thuyết gia Abdulrazak Gurnah.

Haruki Murakami - Biên niên ký chờ đợi giải Nobel Văn học

Từ năm 2012 đến nay, gần 10 năm rồi, cứ đến tháng 10 hàng năm, người yêu văn chương lại cá cược với nhau liệu năm nay Haruki Murakami có chiến thắng giải Nobel Văn học? Và vẫn như những lần trước, Nobel Văn học 2021 đã xướng danh tiểu thuyết gia Abdulrazak Gurnah.

Haruki Murakami - Biên niên ký chờ đợi giải Nobel Văn học

Haruki Murakami - nhà văn nước ngoài được yêu thích nhất tại Việt Nam.

Gần một thập niên mong đợi

Cái tên Haruki Murakami lần đầu tiên được nhắc trong giải Nobel là vào khoảng năm 2012. Đó là thời gian ông vừa viết xong bộ ba tác phẩm đồ sộ 1Q84. Tỷ lệ cá cược Murakami sẽ thắng giải Nobel Văn học năm 2012 là 10/1 (cứ 10 người thì có 1 người tin rằng Murakami sẽ được gọi tên). Nhưng năm đó, giải thưởng lại được trao cho nhà văn Trung Quốc Mạc Ngôn - người có tỷ lệ đặt cược của nhà cái Ladbrokes chỉ là 12/1.

Năm 2013, 2014, Murakami lại tiếp tục được kỳ vọng làm nên chuyện với giải Nobel sau khi ông cho ra mắt Tazaki Tsukuru không màu và những năm tháng hành hương - tác phẩm bán được một triệu bản trong vòng 1 tháng phát hành.

Ông tiếp tục lỡ hẹn ở các năm 2015 và 2016, dù rằng năm 2016, Haruki Murakami đạt mức cá cược 4/1 do nhà cái Ladbrokes đưa ra.

Năm 2017, khoảng 200 Harukist - những người hâm mộ văn chương của Murakami tại Nhật Bản - đã tập trung lại, cùng nhau theo dõi trực tiếp thông báo trao giải tại một ngôi đền ở Tokyo. Nhưng rồi họ đã phải thất vọng với kết quả.

Và những năm tiếp theo, từ 2018 đến 2021, hạnh phúc vẫn chưa mỉm cười với Murakami. Việc Murakami không chiến thắng từ năm này sang năm khác đã trở thành nỗi buồn đối với những người yêu mến trang viết và cuộc đời ông.

Sự "phủ sóng" của văn chương Murakami

Haruki Murakami - Biên niên ký chờ đợi giải Nobel Văn học

Hầu hết các tác phẩm của Murakami đã được xuất bản ở Việt Nam.

Haruki Murakami sinh năm 1949, tại Tokyo, là một trong những nhà văn ăn khách nhất Nhật Bản. Các tác phẩm của ông đã được dịch ra 50 thứ tiếng trên thế giới và bán được hàng triệu bản ngoài Nhật Bản.

Năm 1987, khi cho ra mắt “Rừng Na Uy” - được đặt tên theo một ca khúc của ban nhạc The Beatles. Cuốn sách nhanh chóng trở thành sách gối đầu giường của thanh niên Nhật Bản và bán được hơn 4 triệu bản chỉ riêng ở nước này.

Tiếp đến, năm 2009 cơn dư chấn mang tên “1Q84” đã xảy ra ở Nhật khi các bản in lần đầu được bán hết chỉ trong 1 ngày. Tất cả 1 triệu bản in bán hết sạch trong tháng đầu tiên phát hành. Tại Pháp, các nhà xuất bản in 70.000 bản nhưng chỉ sau một tuần phải cho tái bản. Cuốn sách nằm trong danh sách Top 20 qua mạng Amazon.com. Tại nhiều quốc gia khác, “1Q84” cũng được độc giả “săn lùng”.

Haruki Murakami - Biên niên ký chờ đợi giải Nobel Văn học

Dịch giả Lục Hương (trái) chia sẻ về quá trình dịch “1Q84” tại hội thảo Thế giới trong tấm gương Murakami năm 2013.

Ở Việt Nam, có gần 20 đầu sách của Murakami đã được xuất bản. Hầu hết những người tìm đọc tác phẩm của ông là người trẻ. Họ yêu thích và tìm kiếm trong tác phẩm của Murakami chủ đề về sự cô đơn, buồn chán và mất mát. Ông sử dụng lối viết rất đơn giản để tạo ra một câu chuyện mà bất kỳ người đọc nào cũng cảm thấy gần gũi và dễ đọc, dễ dàng nắm bắt cho dù kiến thức của họ có ở mức nào.

Nhà văn có kỷ luật và lối sống lành mạnh

Haruki Murakami - Biên niên ký chờ đợi giải Nobel Văn học

Trong số các tác phẩm của mình, Murakami có duy nhất một cuốn tự truyện với tiêu đề Tôi nói gì khi nói về chạy bộ. Cuốn sách cho thấy ông là một người sống kỷ luật và lành mạnh. Ông bắt đầu chạy bộ từ năm 33 tuổi như một phương pháp để giảm cân, bỏ thuốc lá và duy trì thể trạng tốt nhất cho việc viết văn. Trên thực tế, ông là một vận động viên điền kinh bán chuyên và từng tham gia hơn 30 cuộc thi marathon. Chia sẻ về sở thích này, Haruki Murakami khẳng định: “Tôi quyết định chạy bộ mỗi ngày để xem chuyện gì sẽ xảy ra. Tôi nghĩ rằng cuộc đời giống như một phòng thí nghiệm nơi bạn có thể thử làm tất cả mọi thứ. Và cuối cùng tôi nghĩ chuyện này tốt cho tôi, bởi tôi đã trở nên cứng cáp hơn. Và khi chạy, tôi không có cảm giác về giới hạn”.

Còn để nói về việc nghiêm khắc với chính mình, Murakami đã từng tâm sự: “Bạn biết đấy, phải vững vàng thì mới viết văn trong một khoảng thời gian dài được. Để viết một quyển sách thôi thì không khó lắm đâu, nhưng để giữ vững việc viết lách suốt chừng ấy năm thì gần như bất khả. Bạn cần phải có sức bền và sức tập trung cao độ. Một số nhà văn có cuộc đời rất bệnh hoạn - ví dụ như Baudelaire. Nhưng theo thiển ý của tôi thì thời đấy đã xa rồi. Đây là một thế giới rất phức tạp, và bạn phải khoẻ mới sống sót được, mới vượt được qua mớ hỗn độn bòng bong”

Và giải thưởng lớn nhất

Ông từng giành được nhiều giải thưởng văn học của Nhật Bản và thế giới, như giải Thế giới kỳ ảo (2006), giải Franz Kafka (2006) và giải Jerusalem(2009)… Ngoài viết văn, ông còn dịch nhiều tác phẩm văn học nước ngoài sang tiếng Nhật.

Giải thưởng lớn trong cuộc đời ông, có lẽ là số lượng độc giả. Không khó để biết được số lượng bản in tác phẩm của Murakami, nhưng quả là khó để biết chính xác bao nhiêu người say mê các sáng tác của ông. Chính ông đã từng tâm sự: “Khi tôi bắt đầu viết văn, các độc giả của tôi đang trong độ tuổi hai mươi đến đầu ba mươi. Và rồi bốn mươi năm sau đó, các độc giả của tôi vẫn chủ yếu trong độ tuổi hai mươi và đầu ba mươi. Điều tốt đẹp chính là một số người thuộc thế hệ người hâm mộ đời đầu vẫn tiếp tục đọc sách của tôi, và con trai con gái của họ cũng cùng đọc. Tôi rất mừng khi nghe kể rằng ba bốn thế hệ trong cùng một gia đình đều đọc sách của tôi. Một người bạn của tôi có con trong độ tuổi teen và hai mươi. Anh kể rằng họ không còn nói chuyện với nhau nhưng chủ đề duy nhất có thể cùng nhau bàn luận chính là các tác phẩm của tôi”.

Với riêng Murakami: “Tôi chẳng mấy quan tâm đến bất kỳ giải thưởng nào. Giải thưởng đích thực của tôi là độc giả, những độc giả đang mong chờ tác phẩm kế tiếp của tôi. Tôi rất trân trọng sự quan tâm và thủy chung của họ. Tôi đã nỗ lực suốt nhiều năm trời để nắm được tư tưởng họ, tâm hồn họ, và dường như tôi đã nắm được tư tưởng, tâm hồn độc giả, nhiều độc giả”.

Dẫu không được vinh danh lần này nhưng Murakami vẫn là tác giả được yêu thích trên văn đàn văn học thế giới nói chung và ở Việt Nam nói riêng.

Kiều Huyền


Kiều Huyền

 {name} - {time}

 Trả lời

{body}
 {name}- {time}
{body}

0 bình luận

Ý kiến của bạn sẽ được biên tập trước khi đăng. Vui lòng gõ tiếng Việt có dấu
Chia sẻ thông tin với bạn bè!
Tắt [X]