(vhds.baothanhhoa.vn) - Xứ Thanh - vùng đất “địa linh nhân kiệt”, “cái nôi” sinh ra và nuôi dưỡng bao anh hùng hào kiệt, văn quan võ tướng... Trong đó, xứ Thanh không chỉ có bậc nam nhân mới tài năng xuất chúng mà phụ nữ cũng nhiều người ghi đậm dấu ấn, lưu danh sử sách... Hình ảnh Bà Triệu - Nhụy Kiều tướng quân oai phong, lẫm liệt cưỡi voi, tay vung gươm sắc xông pha trận mạc, lãnh đạo cuộc khởi nghĩa chống lại ách đô hộ của nhà Ngô đã trở thành biểu tượng đẹp cho tinh thần, khí phách cùng những đóng góp to lớn của phụ nữ Việt nói chung, phụ nữ xứ Thanh nói riêng.

Hình tượng Bà Triệu trong tâm thức sáng tạo của văn nghệ sĩ xứ Thanh

Xứ Thanh - vùng đất “địa linh nhân kiệt”, “cái nôi” sinh ra và nuôi dưỡng bao anh hùng hào kiệt, văn quan võ tướng... Trong đó, xứ Thanh không chỉ có bậc nam nhân mới tài năng xuất chúng mà phụ nữ cũng nhiều người ghi đậm dấu ấn, lưu danh sử sách... Hình ảnh Bà Triệu - Nhụy Kiều tướng quân oai phong, lẫm liệt cưỡi voi, tay vung gươm sắc xông pha trận mạc, lãnh đạo cuộc khởi nghĩa chống lại ách đô hộ của nhà Ngô đã trở thành biểu tượng đẹp cho tinh thần, khí phách cùng những đóng góp to lớn của phụ nữ Việt nói chung, phụ nữ xứ Thanh nói riêng.

Hình tượng Bà Triệu trong tâm thức sáng tạo của văn nghệ sĩ xứ ThanhNhững dòng thơ viết về Bà Triệu trong trường ca “Mạch đất hồn trống đồng” (NXB Thanh Hóa, 2022) của nhà thơ Nguyễn Minh Khiêm.

Bà Triệu - Triệu Thị Trinh sinh ra và lớn lên tại vùng núi Quan Yên, quận Cửu Chân (nay thuộc xã Định Tiến, huyện Yên Định). Tuy là phận nữ giới nhưng Bà Triệu đã sớm bộc lộ chí lớn. Bởi vậy, trước tình thế nước nhà bị quân giặc quấy phá, chứng kiến cuộc sống của người dân rơi vào cảnh cơ cực, năm 248, Bà Triệu cùng người anh tên Triệu Quốc Đạt tập hợp nghĩa quân, phất cờ khởi nghĩa. Kể từ đó, người phụ nữ tên Triệu Thị Trinh ghi tạc vào lịch sử dân tộc dấu son chói lọi. Sách “Việt giám thông khảo tổng luận” cho biết: Triệu Ẩu chỉ là người phụ nữ quận Cửu Chân, mà họp quân trong núi, đánh phá thành ấp, các bộ đều theo như bóng theo hình, dễ hơn trở bàn tay, tuy chưa chiếm giữ được đất Lĩnh Biểu như việc cũ của Trưng Vương, cũng là bậc hùng tài trong nữ giới. Cuốn “Thanh Hóa kỷ thắng” của Tổng đốc Vương Duy Trinh chép: Triệu Thị Trinh có dung nhan đẹp, lại thêm sức khỏe, võ nghệ cao cường, có chí lớn cùng mưu lược, thường đem của cải ra đãi khách, chiêu tập hàng nghìn người đều là trai tráng đương thời để nổi dậy chống giặc.

Bản lĩnh, tinh thần, khí phách của Bà Triệu cùng cuộc khởi nghĩa chống giặc Ngô đã trở thành biểu tượng đẹp, sống mãi với thời gian. Bà là nhân vật tiêu biểu của chính sử; cuộc đời và sự nghiệp của bà được “thiêng hóa” với những truyền thuyết, sự tích, huyền thoại, gần gũi trong ca dao... Và hình tượng ấy đã khơi nguồn cảm hứng cho biết bao sáng tác văn học - nghệ thuật bung nở, “khoe sắc tỏa hương”.

Đại Nam quốc sử diễn ca, một áng văn chương viết theo thể lục bát, chép lịch sử dân Việt từ Kinh Dương Vương và họ Hồng Bàng đến hết nhà Lê, có đoạn khái quát rất chân thực, sinh động sự kiện “Bà Triệu Ẩu đánh Ngô”: “Cửu Chân có ả Triệu kiều/ Vú dài ba thước tài cao hơn người/ Gặp cơn thảo muội cơ trời/ Đem thân bồ liễu theo loài bồng tang/ Đầu voi phất ngọn cờ vàng/ Sơn thôn mấy cõi chiến trường xông pha/ Chông gai một cuộc quan hà/ Dù khi chiến tử còn là hiển linh”.

Dân gian lưu truyền nhiều câu ca dao, câu đối hay ca ngợi công đức của Bà: “Ru con con ngủ cho lành/ Để mẹ gánh nước rửa bành ông voi/ Muốn coi, lên núi mà coi/ Có bà Triệu tướng cưỡi voi, đánh cồng”...

Hình tượng Bà Triệu rạng danh sử sách đất Việt, tự hào người phụ nữ Việt Nam. Với các thế hệ người dân xứ Thanh, đó là niềm vinh dự, tự hào quá đỗi lớn lao. Trong tâm thức sáng tạo của văn nghệ sĩ xứ Thanh, Bà Triệu là hình tượng trác tuyệt, vừa như gần vừa như xa, tưởng như khó có thể chạm tới những hào quang sáng chói ấy.

Ví như cái cách nhà thơ Nguyễn Minh Khiêm nhắc nhớ về hình tượng Bà Triệu trong trường ca “Mạch đất hồn trống đồng”:

“... người xứ Thanh

đi tìm đất nặn khuôn đúc trống đồng

hồn trống vọng bản xa làng thấp

gặp những nghĩa sĩ rước linh khí trống đồng từ núi Tam Thai

nhập đoàn quân khởi nghĩa Bà Trưng

gặp Triệu Thị Trinh thuần phục voi trắng một ngà

ở núi Quan Yên phất cao cờ khởi nghĩa

để lại câu nói muôn đời bất hủ.

“Tôi muốn cưỡi cơn gió mạnh, đạp luồng sóng dữ, chém cá kình ở biển Đông, giành lại giang sơn, cởi ách nô lệ, chứ không chịu khom lưng làm tỳ thiếp cho người”...

Từ lúc “theo dấu những con sào” đến khi “đất nghìn năm phát sáng” (chương 4 và chương 6 trong trường ca Mạch đất hồn trống đồng), hình tượng Bà Triệu tiếp tục trở lại trong thơ Nguyễn Minh Khiêm:

“... Khi Bà Triệu cưỡi voi giết giặc ngoại xâm

lịch sử mạch đất này đã viết bằng niềm tự hào dân tộc

ý chí tự do không bao giờ khuất phục

quả cảm tự tin quật ngã mọi kẻ thù

lòng cỏ cây hoa lá đầy thơ

nhưng trước vận mệnh non sông tất cả đều trở thành vũ khí

không phải chỉ con trai cung tên tráng sĩ

con gái dịu dàng cũng biết phi ngựa cưỡi voi

cũng biết đi quyền

cũng biết múa roi

bọn giặc dữ phải kinh hồn bạt vía

lòng người ngọt như mật ong mật mía

nhưng hóa gươm đao chết chóc với kẻ thù...”.

Với hơn 10 nghìn câu thơ, chia làm 6 phần, trường ca “Mạch đất hồn trống đồng” cho thấy tầm vóc của cả tác giả - tác phẩm. Nếu không có sự am tường về lịch sử - văn hóa quê hương, khả năng bao quát, tổng hợp vấn đề, sâu chuỗi sự kiện, trường liên tưởng lớn, thăng hoa cảm xúc thì không thể viết nên trường ca ấn tượng như vậy. Lẽ dĩ nhiên, cũng chính những vỉa tầng, phù sa lịch sử - văn hóa đặc sắc, tiêu biểu của xứ Thanh đã khơi nguồn cảm hứng, dung dưỡng tài năng, tâm hồn người nghệ sĩ. Ở đó, hình tượng Bà Triệu thẳm sâu, vời vợi, trong dòng chảy lịch sử - văn hóa xứ Thanh với ngồn ngộn những tư liệu, dấu mốc và chân dung anh hùng hào kiệt vang danh... Tất cả cùng làm nên diện mạo, vị thế, khí phách đất và người nơi đây - mảnh đất “địa linh nhân kiệt”, “sân khấu của những bản anh hùng ca của đất An Nam”, “mảnh đất thiêng để duy trì những hoài bão của giống nòi”.

Không tầm vóc như trường ca “Mạch đất hồn trống đồng”, tác giả trẻ Hạnh Lê gửi lời tri ân của mình tới bậc tiền nhân bằng tiếng thơ sâu lắng, mang đậm mỹ cảm giới, thiên tính nữ. “Nữ tướng trên đỉnh Ngàn Nưa” của Hạnh Lê mở đầu từ câu chuyện lịch sử đã quá quen thuộc với mỗi người dân đất Việt:

“Nàng cất xiêm áo dẫn voi lên núi,

Nghĩa quân ta hô son sắt lòng trung

“Sinh vi tướng”, bởi lòng yêu đất Việt

“Tử vi thần”, bất khuất mãi vạn năm”.

Những câu thơ đã khắc họa chân thực hình ảnh người nữ anh hùng của quê Thanh, đất Việt vì một lòng yêu nước thương dân mà quyết xếp lại những yêu kiều, mềm mại xiêm áo, những ấm êm, bình yên cuộc sống thường ngày để khoác lên mình chiến bào xông pha trận mạc, một lòng tận hiến.

Sự kiện, dấu mốc lịch sử tiêu biểu được khái quát hóa qua thơ:

“Tựa đồi núi điệp trùng nàng quyết đấu,

Lấy lòng dân xây thế trận giang sơn.

Dạ quyết chiến sắc hơn ngàn đao kiếm,

Một nét ngài đã xao xác quân binh”.

Đọc những dòng thơ này, độc giả không chỉ thấy vẻ oai phong, lẫm liệt, khí thế dũng mãnh, khả năng hiệu triệu lòng quân dân của Bà Triệu. Chỉ với “một nét ngài”, Hạnh Lê đã khắc họa hình tượng Bà Triệu mang nhiều nét độc đáo, khác biệt, gợi lên bao liên tưởng cảm xúc. “Nét ngài ấy” mang theo mỹ cảm giới, thiên tính nữ để thấy lời thơ bỗng như lời tri âm, đồng cảm sâu sắc. Những biến động lịch sử đã khiến người phụ nữ thay vì bàn tay yêu kiều thưởng hoa đã phải vung gươm đao đoạt mạng quân thù. Mấy ai hiểu gánh nặng đè vai, trăn trở cùng bao tâm tư chôn giấu trong lòng người nữ tướng? Chính bởi những suy tưởng ấy mà cảm xúc thơ cứ mênh mang, lắng đọng...

Bức màn thời gian đã buông phủ, khép lại một trang sử - một đời người. Nhưng anh linh của nữ vương, tinh thần, khí phách của nữ vương vẫn mãi vang vọng, tạo thành mạch nguồn mát trong nuôi dưỡng niềm tin, khát vọng hướng tới tương lai rạng rỡ:

“Nay đỉnh Nưa linh thiêng người phù hộ

Áo giáp như thăm thẳm đỉnh núi Tùng

Voi một ngà vẫn chực hầu nữ tướng

Ráng mây vàng qua rọi nén tâm nhang”.

Tự bao đời, Ngàn Nưa vẫn là nơi hội tụ linh khí đất trời. Ngọn núi Tùng nơi Bà Triệu rút gươm tuẫn tiết vẫn xanh mướt một màu cây lá... Lăng mộ, đền đài và nhiều di tích lịch sử - văn hóa - tâm linh gắn với các lễ hội truyền thống vẫn được các thế hệ cháu con gìn giữ, phát huy. Và những tác phẩm văn học nghệ thuật vẫn tiếp tục được khơi nguồn cảm hứng sáng tạo từ cuộc đời và công lao, đóng góp to lớn của Bà. Hình tượng Bà Triệu mãi là niềm tự hào, trân quý của đất Việt, quê Thanh.

Nguyên Linh



 {name} - {time}

 Trả lời

{body}
 {name} - {time}
{body}

0 bình luận

Ý kiến của bạn sẽ được biên tập trước khi đăng. Vui lòng gõ tiếng Việt có dấu
Chia sẻ thông tin với bạn bè!
Tắt [X]