(vhds.baothanhhoa.vn) - Trong trời đất không gì quý bằng Nhân dân. Sức mạnh từ Nhân dân, được dân tin, dân quý chính là cội rễ làm nên thành công của cách mạng. “Học Bác làm gì để dân quý, dân tin?” là cuốn sách hay tập hợp các bài viết, bài nghiên cứu của nhiều tác giả về các vấn đề liên quan đến đội ngũ cán bộ, đảng viên, tổ chức đảng các cấp xoay quanh một chủ đề, một mục đích: “Bất kỳ ở địa vị nào, làm công tác gì, chúng ta đều là đày tớ của Nhân dân”... “muốn làm như vậy, chúng ta phải cố gắng thực hiện cần, kiệm, liêm, chính” như lời nhắn nhủ của Chủ tịch Hồ Chí Minh kính yêu.

Học Bác: Làm gì để dân quý, dân tin

Trong trời đất không gì quý bằng Nhân dân. Sức mạnh từ Nhân dân, được dân tin, dân quý chính là cội rễ làm nên thành công của cách mạng. “Học Bác làm gì để dân quý, dân tin?” là cuốn sách hay tập hợp các bài viết, bài nghiên cứu của nhiều tác giả về các vấn đề liên quan đến đội ngũ cán bộ, đảng viên, tổ chức đảng các cấp xoay quanh một chủ đề, một mục đích: “Bất kỳ ở địa vị nào, làm công tác gì, chúng ta đều là đày tớ của Nhân dân”... “muốn làm như vậy, chúng ta phải cố gắng thực hiện cần, kiệm, liêm, chính” như lời nhắn nhủ của Chủ tịch Hồ Chí Minh kính yêu.

Học Bác: Làm gì để dân quý, dân tin

Vì sao mỗi cán bộ, đảng viên phải được dân quý, dân tin. Bác Hồ đã lý giải: “dân chúng đồng lòng, việc gì cũng làm được. Dân chúng không ủng hộ, việc gì làm cũng không nên”. Hơn nữa, cũng theo Người “muốn được dân yêu, muốn được lòng dân, trước hết phải yêu dân, phải đặt quyền lợi của dân trên hết thảy, phải có một tinh thần chí công vô tư”.

Trong cuốn sách “Học Bác: làm gì để dân quý, dân tin?”, ngay phần đầu đăng tải bài của tác giả Đỗ Hoàng Linh, Phó Giám đốc Khu Di tích Chủ tịch Hồ Chí Minh năm 2020 chỉ rất rõ Nhân dân là người quyết định việc xây dựng chính quyền và đoàn thể từ xã làng đến Trung ương. Dẫn quan điểm của Chủ tịch Hồ Chí Minh về hai phương pháp lãnh đạo, quan hệ, làm việc của đảng viên với quần chúng, tác giả Đỗ Hoàng Linh nêu: Một cách là làm việc theo lối quan liêu, xa Nhân dân, khinh Nhân dân, sợ Nhân dân và không tin cậy Nhân dân, không thương yêu Nhân dân. Đối lập là làm theo cách quần chúng với các nguyên tắc được Hồ Chí Minh chỉ rõ: Đặt lợi ích Nhân dân lên trên; liên hệ chặt chẽ với Nhân dân, bàn với Nhân dân, sẵn sàng học hỏi Nhân dân, tự mình gương mẫu cần, kiệm, liêm, chính. Muốn dân tin thì phải quyết tâm làm; muốn dân phục thì càng phải thực hành cần kiệm liêm chính, chí công vô tư. Bởi “cách xa dân chúng, không liên hệ chặt chẽ với dân chúng cũng như đứng lơ lửng giữa trời, nhất định sẽ thất bại”. Bác Hồ đã cảnh báo vậy.

Bài viết của PGS.TS Phạm Xuân Hảo với nhan đề: “Phát huy vai trò gương mẫu của đảng viên” phân tích: "tầng sâu của hành động gương mẫu là sự đấu tranh, giằng xé về lợi ích, giữa lợi ích chung và lợi ích riêng, giữa lợi ích cộng đồng và lợi ích nhóm”. Sự đấu tranh này diễn ra “hằng ngày, hằng giờ, trong mọi lúc mọi nơi, mọi công việc, không loại trừ ai”. Đây thực sự là cách nhìn biện chứng, luận giải một cách khoa học bản chất giữa cuộc đấu tranh không ngơi nghỉ giữa một bên là “chủ nghĩa cá nhân” và một bên là tinh thần “dĩ công vi thượng” của người cán bộ vì Đảng, vì Nhân dân. Cuộc đấu tranh này, chính nghĩa và cao đẹp sẽ tất thắng nếu mỗi người đảng viên thường xuyên tự soi, tự sửa, nêu cao danh dự, lòng tự trọng và thực hành gương mẫu trọn đời vì nước, vì dân.

Trong bài viết của GS.TS Mạch Quang Thắng “Thắt chặt mối quan hệ mật thiết giữa Đảng với Nhân dân, dựa vào dân để xây dựng Đảng”, tác giả khẳng định: Đảng ra đời và phát triển không vì mục đích tự thân mà vì mục đích đấu tranh giành độc lập cho dân tộc, tự do, hạnh phúc cho Nhân dân. Cũng theo tác giả dựa vào dân để xây dựng Đảng là vấn đề hết sức quan trọng, có ý nghĩa to lớn đối với sự sống còn của Đảng”; dựa vào dân để giới thiệu những người ưu tú cho Đảng, xem xét kết nạp Đảng. Đây chính là vấn đề có tính nguyên tắc, thể hiện bản chất và sức sống, sức mạnh của Đảng Cộng sản Việt Nam. Do vậy, cần tiếp tục nghiên cứu, tư duy xây dựng, hoàn thiện cơ chế để Nhân dân tham gia xây dựng Đảng là một vấn đề vừa mang tính lý luận, đồng thời mang tính thực tiễn rất cao.

“Xây dựng, chỉnh đốn Đảng kiên quyết và toàn diện” là bài viết đáng chú ý của tác giả Nhị Lê, nguyên Phó Tổng Biên tập Tạp chí Cộng sản. Dẫn lời cổ nhân, tác giả khẳng định: Đạo đức là nền tảng mọi thứ và chân lý là bản chất của mọi đức hạnh. Suy đến cùng: Vị thế chính trị của Đảng với tư cách là người lãnh đạo, tất cả đều phụ thuộc vào nhận thức đạo đức, tình cảm đạo đức và hành động đạo đức của mỗi cán bộ, đảng viên, nhất là người đứng đầu. “Sự phát triển cao nhất của đạo đức lúc này chính là chính trị”. Xây dựng, chỉnh đốn đạo đức trong Đảng trước hết phải xây dựng đạo đức từ mỗi cán bộ, đảng viên và mỗi tổ chức đảng. Với dự cảm ấy, năm 1927, Nguyễn Ái Quốc khi viết Đường Kách mệnh đã nêu rõ, Đảng cách mạng, người cách mạng “phải giữ chủ nghĩa cho vững” lại phải “ít lòng ham muốn về vật chất”.

Giữ chủ nghĩa cho vững nghĩa là hết lòng, hết sức phụng sự Tổ quốc, phục vụ Nhân dân, hết lòng vì sự nghiệp cách mạng của quê hương, đất nước. Ít lòng ham muốn vật chất thì cần phải cần, kiệm, liêm, chính, chí công vô tư.

Nhân dân luôn là vị quan tòa chính trực, công tâm nhất. Yêu dân, tin dân, gần dân, trọng dân thì luôn được dân quý, dân tin. Được lòng dân là được tất thảy. Đánh mất lòng dân là mất tất cả. Ấy cũng là đạo đức chính trị cao nhất của người cán bộ, đảng viên khi trọn đời mình gắn bó máu thịt với Nhân dân. Ấy cũng là điều kiện căn cốt để Đảng thực sự vững vàng, trong sáng về đạo đức càng thêm khẳng định và phát triển bản chất Đảng hoàn thành nhiệm vụ vẻ vang là Đảng cầm quyền trong điều kiện phát triển nền kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa, hội nhập quốc tế.

Nguyễn Hường



 {name} - {time}

 Trả lời

{body}
 {name} - {time}
{body}

0 bình luận

Ý kiến của bạn sẽ được biên tập trước khi đăng. Vui lòng gõ tiếng Việt có dấu
Chia sẻ thông tin với bạn bè!
Tắt [X]