(vhds.baothanhhoa.vn) - “Công cha như núi Thái Sơn/ Nghĩa mẹ như nước trong nguồn chảy ra”... Đi suốt buồn vui cuộc đời này, công lao nào to lớn bằng công lao sinh thành, dưỡng dục, nghĩa tình nào bằng tình nghĩa mẹ cha. Chín tháng mười ngày mang nặng đẻ đau, hai cuộc đời gắn kết với nhau qua dây rốn, sự sống từng ngày lớn lên như thế. Chính bởi sự gắn kết thiêng liêng ấy nên người mẹ mãi luôn là hình mẫu lý tưởng, là nguồn cảm hứng bất tận khơi nguồn sáng tạo. Những sáng tác văn học - nghệ thuật viết về mẹ không bao giờ nhàm chán và có sức lay động mãnh liệt trong lòng độc giả mọi thời đại.

Mẹ, cảm hứng bất tận, thiêng liêng cho văn học - nghệ thuật thăng hoa

“Công cha như núi Thái Sơn/ Nghĩa mẹ như nước trong nguồn chảy ra”... Đi suốt buồn vui cuộc đời này, công lao nào to lớn bằng công lao sinh thành, dưỡng dục, nghĩa tình nào bằng tình nghĩa mẹ cha. Chín tháng mười ngày mang nặng đẻ đau, hai cuộc đời gắn kết với nhau qua dây rốn, sự sống từng ngày lớn lên như thế. Chính bởi sự gắn kết thiêng liêng ấy nên người mẹ mãi luôn là hình mẫu lý tưởng, là nguồn cảm hứng bất tận khơi nguồn sáng tạo. Những sáng tác văn học - nghệ thuật viết về mẹ không bao giờ nhàm chán và có sức lay động mãnh liệt trong lòng độc giả mọi thời đại.

“Hãy chăm sóc mẹ” (nhà văn Shin Kyung Sook, văn học Hàn Quốc): Linh thiêng tình mẫu tử

Hẳn rằng, tác phẩm “Hãy chăm sóc mẹ” không chỉ chạm đến trái tim, cảm xúc của độc giả Hàn Quốc mà còn nhiều thế hệ độc giả trên thế giới, trong đó có Việt Nam.

Câu chuyện mở ra với tình huống truyện rất gần gũi, bình dị, đời thường: Người mẹ già sống ở vùng nông thôn Hàn Quốc vì muốn được gặp đứa con gái nhân dịp sinh nhật con mà khăn gói lặn lội lên mảnh đất Seoul. Bà mắc căn bệnh Alzheimer nhưng bà quyết định giấu kín chuyện này, không muốn làm con cái phải bận tâm, phiền lòng vì mình. Tuy nhiên, một người mẹ già mắc căn bệnh Alzheimer làm sao thích ứng được với nhịp sống nhộn nhịp, hối hả cùng vô vàn những thứ hiện đại, tiện ích ở thủ đô Seoul. Bà bị lạc ở khu vực tàu điện ngầm. Đó là lúc câu chuyện bắt đầu.

Mẹ, cảm hứng bất tận, thiêng liêng cho văn học - nghệ thuật thăng hoa

Tác phẩm “Hãy chăm sóc mẹ” của nhà văn Shin Kyung Sook, Hàn Quốc

Sự mất tích của người mẹ là cơ hội, là hồi chuông thức tỉnh những người con trong câu chuyện. Bốn người con lần lượt nhớ lại những kỉ niệm bên mẹ, về mẹ. Mỗi người là một câu chuyện, mỗi câu chuyện là một mảnh ghép chân thực, sống động. Hình ảnh xuyên suốt, gắn kết, trở đi trở lại trong bốn câu chuyện ấy, không ai khác chính là người mẹ. Thông qua từng hoài niệm, kí ức, người mẹ trở thành biểu tượng của tình yêu thương, hy sinh, tảo tần vì con cái, vì gia đình. Để rồi, chính guồng quay cuộc sống mưu sinh và sự vô tâm của những người con khiến hình ảnh người mẹ càng thêm xót xa, thương cảm.

“Hãy chăm sóc mẹ” không đơn thuần là tựa đề, đó là một thông điệp, là hồi chuông thức tỉnh tất cả chúng ta - những người còn may mắn có mẹ trong cuộc đời này.

“Bông hồng cài áo” (Thiền sư Thích Nhất Hạnh): Thông điệp gửi đến tất cả những ai may mắn còn có mẹ trong cuộc đời

“Ý niệm về mẹ thường không thể tách rời ý niệm về tình thương. Mà tình thương là một chất liệu ngọt ngào, êm dịu và cố nhiên là ngon lành. Con trẻ thiếu tình thương thì không lớn lên được. Người lớn thiếu tình thương thì cũng không “lớn” lên được. Cằn cỗi , héo mòn” – Những lời mở đầu đoản văn “Bông hồng cài áo” của Thiền sư Thích Nhất Hạnh như đã nói hết tấm lòng của bậc làm con đối với mẹ. Ân nghĩa ấy là trời bể mênh mông, thiêng liêng không gì so sánh hay đong đếm được.

Mẹ là cội nguồn sự sống; tình thương yêu bao la, vô hạn của mẹ là món quà tuyệt vời, kì diệu nhất mà con có trên cuộc đời này: “Lớn đến mấy mà mất mẹ thì cũng như không lớn, cũng cảm thấy bơ vơ, lạc lõng, cũng không hơn gì trẻ mồ côi”. Mất mẹ là mất cả bầu trời – “một bầu trời thương yêu dịu ngọt”.

Mẹ, cảm hứng bất tận, thiêng liêng cho văn học - nghệ thuật thăng hoa

Niềm vui của những người con được cài bông hồng đỏ trên áo trong ngày lễ Vu Lan (Ảnh tư liệu)

Điều đó lý giải vì sao nghi thức bông hồng cài áo trong ngày lễ Vu Lan dễ khiến người ta xúc động, bật khóc nức nở. Ai ma mắn còn có mẹ trong cuộc đời thì xúc động, hạnh phúc cài lên ngực áo mình bông hoa màu đỏ; ai đã mất mẹ rồi thì ngậm ngùi, xót xa cài lên ngực áo bông hoa hồng màu trắng.

Thiền sư Thích Nhất Hạnh đã có nhận định vô cùng sâu sắc khi viết đoản văn “Bông hồng cài áo”. Ông cho rằng: “Thương mẹ không phải là một vấn đề luân lý đạo đức”. Bởi vậy, khi ông viết “Bông hồng cài áo” không phải để giáo huấn đạo đức. “Thương mẹ là một vấn đề hưởng thụ. Mẹ như suối ngọt, như đường mía lau, như xôi nếp một. Anh không hưởng thụ thì uổng cho anh. Chị không hưởng thụ thì thiệt hại cho chị. Tôi chỉ cảnh cáo cho anh chị biết mà thôi. Để mai này anh chị đừng có than thở rằng: Đời ta không còn gì cả. Một món quà như mẹ mà còn không vừa ý thì họa chăng có làm Ngọc hoàng Thượng đế mới vừa ý, mới bằng lòng, mới sung sướng. Nhưng tôi biết Ngọc hoàng không sung sướng đâu, bởi Ngọc hoàng là đấng tự sinh, không bao giờ có diễm phúc có được một bà mẹ”, Thiền sư Thích Nhất Hạnh viết.

Khép lại đoản văn, vị Thiền sư chỉ khuyên độc giả một điều rất chân thật, giản dị mà thiêng liêng, trân quý vô cùng: Hãy dành thời gian quan tâm đến mẹ, hãy biết nói lời yêu thương với mẹ của mình. “Mẹ có biết là con thương mẹ không?” - Câu hỏi sẽ không cần được trả lời. Cho dù anh lớn ba bốn mươi tuổi, chị lớn ba bốn mươi tuổi, thì anh cũng hỏi một câu ấy. Bởi vì anh, bởi vì chị, bởi vì em là con của mẹ. Mẹ và anh sẽ sung sướng, sẽ sống trong tình thương bất diệt. Và ngày mai mất mẹ, anh sẽ không hối hận, đau lòng , tiếc rằng anh không có mẹ”.

“Ngồi buồn nhớ mẹ ta xưa” (Nguyễn Duy): Khúc ru mẹ tắm mát đời con

Với những người cầm bút, tin chắc rằng ai cũng đã từng hơn một lần đặt bút viết về mẹ. Mạch nguồn cảm xúc ấy đến với chúng ta theo một cách rất tự nhiên, như hơi thở, như dòng máu ấm nóng chảy trong huyết mạch, không khác được.

Kho tàng các tác phẩm văn học - nghệ thuật viết về mẹ chưa bao giờ vơi cạn và cũng chưa bao giờ nhàm chán. Khi loài người còn tồn tại trên thế giới này thì sẽ còn gọi mãi tiếng gọi tha thiết, thiêng liêng: “Mẹ ơi”.

Trong “kho tàng” ấy, tác phẩm “Ngồi buồn nhớ mẹ ta xưa” của Nguyễn Duy thường được nhắc đến như một ví dụ tiêu biểu. Tiêu biểu bởi những đặc sắc nghệ thuật và sâu sắc về mặt nội dung.

Mẹ, cảm hứng bất tận, thiêng liêng cho văn học - nghệ thuật thăng hoa

Chiếc đòn gánh ghi dấu sự tảo tần, hy sinh, vất vả của người phụ nữ Việt xưa.

Những câu thơ “6 và 8” (theo cách gọi của nhà thơ Nguyễn Duy) cứ khắc sâu vào tâm khảm mỗi người chân dung người mẹ thôn quê Việt Nam hết mực yêu thương: “Mẹ ta không có yếm đào/Nón mê thay nón quai thao đội đầu/Rối ren tay bí tay bầu/Váy nhuộm bùn áo nhuộm nâu bốn mùa”.

Hình ảnh người bà, người mẹ hiện diện qua những lời ru ngọt ngào tuổi thơ: “Mẹ ru cái lẽ ở đời/Sữa nuôi phần xác hát nuôi phần hồn/Bà ru mẹ... Mẹ ru con/Liệu mai sau các con còn nhớ chăng”.

Đọc bài thơ của Nguyễn Duy, dường như ai cũng nhận thấy một phần quen thuộc bóng dáng người mẹ của mình nên từng câu thơ như đã chạm vào cảm xúc, nói thay cảm xúc của biết bao người: “Ta đi trọn kiếp con người/Cũng không đi hết mấy lời mẹ ru”.

Hoàng Linh


Hoàng Linh

 {name} - {time}

 Trả lời

{body}
 {name} - {time}
{body}

0 bình luận

Ý kiến của bạn sẽ được biên tập trước khi đăng. Vui lòng gõ tiếng Việt có dấu
Chia sẻ thông tin với bạn bè!
Tắt [X]