(vhds.baothanhhoa.vn) - Dù đã thoát ly khỏi làng hơn 30 năm, nhưng cứ sau tết trong đầu tôi lại vẩn vơ nhớ đến một thời nông vụ đã đi vào ca dao.

Một thời tháng ba cày vỡ ruộng ra...

Dù đã thoát ly khỏi làng hơn 30 năm, nhưng cứ sau tết trong đầu tôi lại vẩn vơ nhớ đến một thời nông vụ đã đi vào ca dao.

Một thời tháng ba cày vỡ ruộng ra...Minh họa của Lê Hải Anh

Tháng chạp là tháng trồng khoai,

Tháng giêng trồng đậu, tháng hai trồng cà.

Tháng ba cày vỡ ruộng ra,

Tháng tư làm mạ mưa sa đầy đồng...

Gần như ai sinh ra từ nông thôn, gắn bó với nông nghiệp đều biết đến việc gieo trồng những cây, củ, quả theo tiết khí. Đặc biệt là thấm công đoạn “cày vỡ ruộng ra” vất vả, cực nhọc như thế nào.

Bây giờ chúng ta đã quá quen với những chiếc máy làm đất liên hợp, nên thấy khâu làm đất cho những vụ mới rất đơn giản, tiết giảm nhiều bước, không còn khái niệm cày vỡ, cày ải hay bừa đất nữa. Chiếc máy đi qua là đất sẵn sàng cho vụ mới.

Hơn nữa, mùa vụ bây giờ có sự hỗ trợ của khoa học - kỹ thuật cũng đã thay đổi rất nhiều về cơ cấu. Những định danh tháng nào làm việc gì, trồng cây gì đã được đúc kết thành tục ngữ, ca dao xưa cơ bản không còn phù hợp nữa. Đất đai có thể cày xới bốn mùa, cây con nuôi trồng quanh năm.

Nhưng có hiện đại thế nào đi chăng nữa, thì tri thức dân gian trong hành trình phát triển của nông nghiệp, nông dân vẫn là một vốn quý.

Để cày vỡ ruộng ra là việc không hề dễ dàng, bởi đây là khâu làm đất vất vả nhất. Sau một vụ canh tác, đất đai chắc lại, bạc màu đi, nông dân lại phải cày sâu xuống để làm mới lại đồng ruộng. Có nơi còn phải rắc vôi bột để khử phèn, sau đó phơi đất, đập tơi đất, rồi mới gieo trồng vụ mới.

Do hồi ấy chưa dồn điền, đổi thửa như hiện nay nên đất thường chia nhỏ theo diện đất phần trăm, đất giao khoán, các ô đất rất nhỏ, thường chỉ khoảng một vài sào trung bộ là các gia đình be bờ để làm đường vận chuyển phục vụ cho việc cấy, hái. Sự manh mún ấy rất khó để máy cày vào làm đất.

Mà thực ra hồi ấy cũng không có nhiều máy cày, máy bừa. Cả huyện chỉ có một xí nghiệp nông cụ với dăm chiếc máy cày. Nếu xã nào, hợp tác xã nào quan hệ tốt thì sẽ được cày đất bằng máy, còn lại chủ yếu cày bằng trâu ở đồng nước và bò ở đồng bãi. Do khó khăn nên thường vài ba hộ nuôi chung một con trâu hoặc một con bò, đến vụ cày thì chia lịch để sử dụng. Những nhà không có trâu, bò thì phải dùng sức người để làm thay.

Nhà tôi bán nông nghiệp, bố mẹ vừa dạy học vừa làm thêm nghề nông, xin nhận những phần đất thừa thẹo để làm. Bố làm giáo viên dạy học ở xa cuối tuần mới về, mình mẹ xoay xở với mấy sào ruộng. Sức mẹ có thể đảm bảo gieo trồng, chăm sóc, thu hoạch, nhưng việc cày đất thì mình mẹ không thể đảm hết. Nếu nói khó để mượn được con trâu cày thì cũng phải chờ đến khi những nhà khác cày xong đất của mình đã. Mà như thế thì muộn vụ mất. Mẹ chỉ còn cách là chờ cuối tuần bố về để cùng cày.

Tôi nhớ có lần bố vừa đạp xe về đến đầu làng, mẹ đã chờ sẵn với chiếc cày và ách cày ở bờ ruộng. Bố xắn quần lội xuống đặt ách cày lên vai mình cứ thế kéo cho đến khi mệt quá không thể bước nổi. Bố ngồi bệt xuống ruộng lấy lại sức rồi lại kéo cày tiếp. Đó là một hình ảnh đẹp về tinh thần lao động, nhưng muôn vàn cơ cực, phản ánh một giai đoạn hết sức khó khăn của đất nước trong thời kỳ bao cấp. Có lần thương bố, tôi nì nèo với mẹ xin đặt chiếc ách cày lên vai mình để cày thay bố, thì mẹ bảo con còn nhỏ, chờ khi nào học lên cấp hai rồi mẹ cho làm.

Mẹ thương tôi nói thế chứ trong làng bằng tuổi tôi nhiều đứa đã phải kéo cày rồi. Những đứa trẻ nông thôn đen đúa, học lớp 4, lớp 5 rồi mà bé như chiếc kẹo, đặt ách cày lên vai người mà lọt thỏm, nặng nhọc kéo chiếc cày trên ruộng. Nhưng chẳng còn cách nào khác, chúng vẫn vừa phải học, vừa phải làm. Nhà tôi còn có chế độ tem phiếu, còn gia đình chúng thì tất cả đều phải trông vào những cây trồng trên cánh đồng làng. Cứ qua tết là người nhà đã phải kiểm tra lại hạt giống vừng, giống lạc, giống đậu... xem thế nào có bị mọt không, rồi phơi phóng lại. Nhiều nhà thì ươm thêm cây giống cà. Năm nào thời tiết xấu, sâu bệnh nhiều là lo lắm. Những người già vừa ngồi trong gian bếp nhỏ vừa nhìn ra sân lầm rầm cầu khấn nắng lên để còn trồng cà, trồng khoai, trồng lạc cho kịp.

Một thời mùa màng, nông vụ phụ thuộc hoàn toàn vào thiên nhiên, nên chuyện mất mùa là bình thường. Có lẽ người dân nông thôn sáng tạo ra những câu ca dao, tục ngữ nói về mùa vụ, nhưng cũng chính là nhắc nhở về ý thức lao động của mình, cầu mong sự thuận hòa của thời tiết, đến hẹn lại lên, việc mùa màng của nhà nông không bị dừng lại hay thay đổi gì cả.

Lam Vũ



 {name} - {time}

 Trả lời

{body}
 {name}- {time}
{body}

0 bình luận

Ý kiến của bạn sẽ được biên tập trước khi đăng. Vui lòng gõ tiếng Việt có dấu
Chia sẻ thông tin với bạn bè!
Tắt [X]