(vhds.baothanhhoa.vn) - Quê tôi cách biển chỉ vài cây số nên bão biển là thứ đáng sợ nhất. Những ngày trước bão trời vần vũ, mây như muốn sập xuống mái nhà, từng bóng người liêu xiêu trên đê chở lúa về làng.

Ngày bão...

Quê tôi cách biển chỉ vài cây số nên bão biển là thứ đáng sợ nhất. Những ngày trước bão trời vần vũ, mây như muốn sập xuống mái nhà, từng bóng người liêu xiêu trên đê chở lúa về làng.

Ngày bão...

Minh họa: Ngọc Hiếu

Hồi ấy, cả làng chỉ có vài chiếc radio nhưng chủ yếu chạy bằng pin muối. Đó là những cục pin đã qua sử dụng, bóc vỏ, dùng dây đồng và những miếng kẽm đấu vào với nhau đặt trong những bát nước muối để tạo điện tích cho chiếc radio hoạt động. Dùng pin muối âm thanh thường ọ ẹ do việc tiếp xúc những cực pin với nhau không tốt, có khi vừa nghe đài người nghe vừa phải cúi xuống gầm tủ để giữ những cột pin sao cho đảm bảo tiếp xúc, dẫn điện tốt nhất. Có lần cả xóm đang tập trung để chờ tin báo bão, chủ nhà vừa nghe vừa giữ hai đầu dây để nguồn điện không bị ngắt quãng, nhưng đúng lúc phát thanh viên thông báo tin bão, thì chủ nhà reo lên: “Có rồi” và nhổm người lên để nghe cho rõ hơn khiến tay buông ra khỏi đầu dây, thế là âm thanh cũng tắt phụt. Đợi đấu pin xong thì bản tin cũng gần hết, câu được câu không.

Thời bao cấp khó khăn đủ bề, ngay đến tin báo bão người dân cũng không nắm rõ. Vậy nên, người dân nông thôn thường phải dựa vào kinh nghiệm để dự báo thời tiết theo kiểu trông trời, trông đất, trông mây, nhìn cây, nhìn cỏ xem tính khí trời đất thế nào. Theo kinh nghiệm của bà nội, qua Tết Đoan Ngọ là phải chủ động củi lửa, che chắn lại cửa nhà, vì thời gian ấy có năm đã bắt đầu bão sớm. Qua tháng 6 âm lịch, vào tiết ngâu, mỗi khi thấy ráng chiều đỏ rực là bà lại lẩm bẩm: Không khéo bão sắp đến nơi rồi. Còn một kinh nghiệm khác, đó là nhìn vào gió. Gió to nhưng lá cây không bị lật ngược phơi bụng trong gió thì cũng không đáng lo. Chỉ khi gió có hơi bão thì mới thổi quẩn làm lá cây ngửa bụng.

Khâu dự báo thời tiết đem đến nhiều rủi ro. Nếu dự đoán sai dẫn đến nhiều nhà không dám làm việc gì cả, có việc cũng không dám đi xa, lúc nào cũng tư thế chực chờ để chống bão. Lúc ấy chưa có sự hỗ trợ của máy móc như bây giờ, con người chỉ biết lấy chính bàn tay nhỏ bé của mình để chống chọi lại bàn tay khổng lồ và nhẫn tâm của gió bão. Những cơn bão chỉ độ cấp 10 là tranh tre đã bay lả tả. Hồi ấy chủ yếu là nhà đất, mỗi nhà phải chuẩn bị đôi thừng lớn để chằng mái nhà trước bão. Chiếc thừng được vắt qua hai đầu nóc rồi buộc vào những tảng đá lớn hoặc cọc gỗ đóng chặt xuống đất. Có nhà lấy những cây luồng đặt chéo trên nóc gông mái nhà lại. Mái ngói xi măng thì đặt những bì cát lên mái để giữ cho khỏi bị tốc. Cửa nhà thì dùng những chiếc bì xác rắn, bì gai che lại, cửa sổ được buộc thêm sợi dây nối với cây gỗ ngáng ở bên trong...

Người dân vì lo mà sinh ra phòng vệ, chứ thực ra trước sức tàn phá của bão, con người thật mỏng manh, những nóc nhà tranh tre thật nhỏ nhoi trước bão. Nhưng nếu như không chằng chống thì cũng thấy sốt ruột. Cứ nghe tin bão nhiều nhà lại rối lên, có người đi vòng quanh sân, người thì đi từ nhà xuống bếp rồi lại từ bếp lên nhà...

Còn mẹ, mỗi lần nghe tin bão thường bảo: chắc chưa vào ngay đâu. Có sớm thì cũng phải đêm, để mẹ đi kiếm thêm rổ rau, gánh cỏ. Mẹ quảy đôi gánh ra đồng vừa cắt thêm cỏ dự trữ cho trâu, đồng thời cũng hái thêm ít rau khoai, rau đậu cho cả nhà ăn trong những ngày bão. Nhớ nhất vẫn là khi mẹ lúi húi trèo lên cây bưởi ở vườn sau để buộc lại từng chùm quả. Mẹ làm thế trước tiên là tránh quả bưởi bị gió quật rụng bay xuống mái nhà làm vỡ ngói, sau là còn giữ để đến Tết Trung Thu.

Mẹ nghĩ xa bằng nỗi lòng của người mẹ phải gánh vác, lo toan chuyện trụ cột gia đình khi bố công tác ở xa lâu lâu mới về. Thế nhưng ông trời đâu có hiểu lòng người. Những trận bão vẫn cứ sầm sập đổ vào, bao trùm lên những ngôi làng, từng nóc nhà. Tiếng gió rít chói tai, lũ trẻ con khóc thét, người lớn ngồi thu mình vào một góc giường, tay ôm lũ trẻ, mắt dán vào cửa xem có bị gió giật đi mất hay không. Mỗi cơn gió là mỗi lần người mẹ gồng lên, căng cứng. Rồi tiếng cành cây gãy kêu răng rắc, bay vèo vèo, quất vào tường, vào mái nhà. Sức chống chịu của ngói, của mái tranh rồi cũng quá lằn ranh, nước cứ thế ào vào nhà, nền nhà ướt sũng, người lớn tay ôm trẻ nhỏ, chân chạy vào bồ thóc xem còn an toàn hay không.

Gió dịu xuống là khi trời sáng. Một cảnh xác xơ khắp sân vườn và trên những con đường làng. Người lớn thất thanh, tán loạn đi tìm súc vật, rồi sau đó quay về sửa lại mái nhà. Những nhà neo người thì phải chờ, cho đến cuối chiều hoặc sang hôm sau mới có người đến giúp. Những đứa trẻ như chúng tôi chưa nhìn ra đôi mắt đỏ của người lớn những lúc như thế. Đó là đôi mắt mất ngủ, tiếc của và mệt mỏi. Chúng tôi chỉ nhìn thấy những quả bưởi trên cây không còn nữa và khóc vì đến Trung Thu sẽ không còn thứ để phá cỗ, cũng không còn bưởi để mẹ bán lấy tiền mua quần áo mới cho chúng tôi đi khai giảng. Chỉ đến khi lớn hơn tôi mới hiểu bão gió khủng khiếp thế nào, mới không còn vỗ tay reo lên: “A, bão về, bão về” mỗi khi nghe ai đó nói với nhau sắp có bão.

Bây giờ đã có rất nhiều phương tiện để ứng phó với bão, giảm nhẹ thiệt hại do thiên tai, nhưng mỗi mùa bão đến vẫn đem đến vô vàn nỗi lo. Với tôi còn là nỗi sợ thông qua ký ức từ những mùa bão cũ nơi quê nhà.

Lam Vũ


Lam Vũ

 {name} - {time}

 Trả lời

{body}
 {name}- {time}
{body}

0 bình luận

Ý kiến của bạn sẽ được biên tập trước khi đăng. Vui lòng gõ tiếng Việt có dấu
Chia sẻ thông tin với bạn bè!
Tắt [X]