(vhds.baothanhhoa.vn) - Trong thời gian qua, được sự quan tâm của các cấp ủy Đảng, công tác cán bộ nữ đã đạt được nhiều thành công quan trọng. Nhiều phụ nữ đã được tham gia cấp ủy, tham gia công tác quản lý, lãnh đạo đơn vị, địa phương. Tuy nhiên, tỷ lệ này còn thấp ở nhiều địa phương trong tỉnh.

Tin liên quan

Đọc nhiều

Nhìn lại công tác cán bộ nữ ở Thanh Hóa

Trong thời gian qua, được sự quan tâm của các cấp ủy Đảng, công tác cán bộ nữ đã đạt được nhiều thành công quan trọng. Nhiều phụ nữ đã được tham gia cấp ủy, tham gia công tác quản lý, lãnh đạo đơn vị, địa phương. Tuy nhiên, tỷ lệ này còn thấp ở nhiều địa phương trong tỉnh.

Cán bộ nữ chủ chốt ít, tạo nguồn khó...

Tại huyện Hoằng Hóa, tỷ lệ nữ trong BCH Đảng bộ huyện có 7/43 đồng chí (chiếm 16,3%), tham gia BTV có 1 đồng chí là phó chủ tịch UBND huyện. Đảng ủy viên khối xã, thị trấn là nữ đầu nhiệm kỳ 2015 - 2020 đạt 19,81%. Cán bộ nữ làm lãnh đạo chủ chốt ở xã rất ít, chỉ có 5/43 đồng chí (2 bí thư, 3 phó bí thư thường trực). Theo ông Trương Văn Đào - Trưởng ban Tổ chức Huyện ủy Hoằng Hóa: Sở dĩ tỷ lệ nữ tham gia trong các vị trí chủ chốt cấp xã, huyện còn khiêm tốn do năng lực, trình độ của nữ đang còn những hạn chế, không thể đáp ứng được như nam giới. Chính vì vậy để chọn được những con người có năng lực tốt, uy tín cao để cơ cấu dồi dào tham gia cấp ủy cấp huyện là rất khó khăn.

Ông Đào cho biết: “Mỗi một kỳ đại hội, tổ chức rất lo vì nếu không cơ cấu đủ cán bộ nữ thì không thể đại hội. Tạo dựng cán bộ cơ sở phải trên nền tảng uy tín. Cấp ủy rất quan tâm, tổ chức rất cần, cơ cấu phải là Bí thư cấp xã nhưng không cơ cấu được chứ không phải do tổ chức hẹp hòi... Trong tạo nguồn, huyện cũng luôn ưu tiên nữ vào quy hoạch nhưng thực tế cũng đang hẫng hụt về nguồn kế cận trẻ. Và thực tế, chúng tôi đang phải “săn” tìm cán bộ nữ để lo cho cái chung theo quy định của Đảng”.

Ngay tại xã Hoằng Thái của huyện này, trong số 20 cán bộ, công chức xã thì có 7 cán bộ nữ, 11 đảng ủy viên (ĐUV) thì có 1 nữ, chưa đạt 15% theo quy định. Theo kế hoạch, cuối năm 2018, xã Hoằng Thái cũng sẽ bổ sung 1 ĐUV là nữ thay 1 người về hưu sau Đại hội Mặt trận Tổ quốc để đáp ứng tiêu chí nông thôn mới vì năm nay, Hoằng Thái sẽ về đích nông thôn mới. Tuy nhiên, để thực hiện được điều này, xã cũng đang đề nghị Mặt trận Tổ quốc huyện cho đại hội sớm, vào quý 4/2018. Còn trong trường hợp không được đại hội sớm, xã này đành phải đưa ra phương án là động viên để chủ tịch MTTQ xã làm đơn xin rút khỏi BCH. Ông Lê Đình Chiến - Bí thư Đảng ủy xã Hoằng Thái cho biết: “Quy hoạch nguồn nhiệm kỳ 2020 - 2025 cơ bản là hoàn thành. Nhiệm kỳ tới, chúng tôi sẽ dư nguồn nữ, đều đã tốt nghiệp đại học chính quy, được đào tạo về lý luận chính trị, bồi dưỡng về quản lý nhà nước”...

Còn tại TP Sầm Sơn, nhìn chung tỷ lệ cán bộ nữ trong cấp ủy, HĐND thành phố đã đảm bảo theo quy định. Nhiệm kỳ 2015 - 2020, tỷ lệ nữ tham gia cấp ủy thành phố có 5/35 đồng chí; đại biểu HĐND thành phố nhiệm kỳ 2016 - 2021 có 33 đồng chí trong đó có 7 đồng chí nữ. Tuy nhiên, tỷ lệ cán bộ nữ trong cấp ủy, HĐND xã, phường vẫn còn hạn chế, cán bộ nữ chủ chốt đang còn ít và số xã, phường có điểm sáng về công tác cán bộ nữ cũng đang còn khiêm tốn.

Tại phường Quảng Tiến (TP Sầm Sơn), theo chia sẻ của ông Vũ Đình Thịnh - Bí thư Đảng ủy phường thì tỷ lệ nữ trong BCH cũng chưa đạt 15% và phường cũng chưa có lãnh đạo nữ chủ chốt. Khóa tới, nguồn cán bộ chuyên môn của phường sẽ từng bước cơ cấu vào cán bộ đoàn thể cấp trưởng và cán bộ lãnh đạo cấp phó để đảm bảo 15% trong BCH. Còn chủ tịch hội phụ nữ phường đang cơ cấu ở 2 vị trí Bí thư và phó Bí thư thường trực. Tuy nhiên, cũng theo ông Thịnh, khó khăn nằm ở chỗ: Phường rất tạo điều kiện cho các đồng chí nữ đi học đầy đủ để tiếp tục đảm bảo về bằng cấp và nguồn ở tất cả các vị trí đều có cơ cấu nữ nhưng khi bầu lại không đạt nên tỷ lệ cán bộ trẻ, cán bộ nữ đang còn ít so với nhu cầu thực tế. Bên cạnh đó, vẫn còn một số chị em có tư tưởng ngại phấn đấu, muốn an phận thủ thường nên đã khiến công tác cán bộ nữ càng thêm khó khăn.

Khẳng định vai trò, vị trí của phụ nữ

Sau hơn 10 năm thực hiện Nghị quyết số 11-NQ/TƯ, ngày 27/4/2007 của Bộ Chính trị khóa X về công tác phụ nữ thời kỳ đẩy mạnh CNH, HĐH đất nước, Thanh Hóa ngày càng có nhiều phụ nữ tham gia vào các lĩnh vực phát triển kinh tế - xã hội, quản lý nhà nước. Đây là môi trường thuận lợi để phụ nữ rèn luyện, cống hiến và trưởng thành.

Bà Phạm Thị Thanh Thủy - Tỉnh ủy viên, Chủ tịch Hội Liên hiệp Phụ nữ tỉnh Thanh Hóa cho biết: “Có thể khẳng định, sau hơn 10 năm thực hiện Nghị quyết số 11-NQ/TW của Bộ Chính trị, công tác phụ nữ tỉnh Thanh Hóa đã có chuyển biến đáng kể cả về nhận thức và hành động thực tiễn. Công tác tuyển dụng, quy hoạch dự nguồn, đào tạo, bồi dưỡng, đề bạt, bổ nhiệm cán bộ lãnh đạo nữ trong các cơ quan Đảng, Nhà nước, hội, đoàn thể từng bước được quan tâm. Các chị đã có những đóng góp quan trọng trong công tác lãnh đạo, quản lý, đồng thời là những cán bộ đại diện và chăm lo cho công tác vì sự tiến bộ và phát triển của phụ nữ, góp phần vào sự nghiệp phát triển của tỉnh”.

Từ năm 2007 đến 2017, các cấp hội phụ nữ trong tỉnh đã giới thiệu 18.755 phụ nữ ưu tú cho Đảng bồi dưỡng, kết nạp, nâng tổng số đảng viên nữ lên 62.375/215.960 đảng viên toàn tỉnh (chiếm 28,88%). Trong quá trình chuẩn bị cho bầu cử cấp ủy (nhiệm kỳ 2015 - 2020), Quốc Hội khóa XIV và HĐND các cấp, nhiệm kỳ 2016 - 2021, Hội LHPN các cấp đã thực hiện tốt trách nhiệm tham mưu, giới thiệu tạo nguồn, bồi dưỡng nhằm đảm bảo số lượng và chất lượng nữ ứng cử viên đại biểu Quốc hội và HĐND theo Luật Bầu cử; bồi dưỡng kiến thức và kỹ năng cho 3.278 nữ ứng cử viên lần đầu tham gia ứng cử ĐBQH, HĐND các cấp. Việc đào tạo, bồi dưỡng cán bộ hội được quan tâm, đến nay, 100% cán bộ chuyên trách cấp tỉnh, Chủ tịch Hội LHPN cấp huyện; 98,4% cán bộ chuyên trách cấp huyện; 95,8% Chủ tịch Hội LHPN cơ sở đạt chuẩn chức danh theo quy định. Từ năm 2007 đến 2017, toàn tỉnh đã có 3 cán bộ hội cấp tỉnh, 60 cán bộ hội cấp huyện được điều động, luân chuyển sang cơ quan Đảng, chính quyền, đoàn thể khác.

Tuy nhiên, công tác cán bộ nữ trên địa bàn tỉnh vẫn còn một số hạn chế đó là tỷ lệ cán bộ nữ cơ cấu trong các cấp ủy đảng, HĐND, UBND, tham gia lãnh đạo, quản lý tại các sở, ban, ngành, cán bộ khoa học nữ tuy có tăng qua từng năm nhưng vẫn chưa đạt chỉ tiêu đề ra; công tác tuyển dụng, quy hoạch, đào tạo, bồi dưỡng, đề bạt, bố trí, sử dụng cán bộ nữ còn nhiều bất cập, nguồn cán bộ nữ còn thiếu... Bên cạnh đó, cái vướng lớn nhất ở cán bộ nữ mà theo đánh giá của một số cán bộ nam làm lãnh đạo, quản lý đó chính là sự vướng bận về gia đình. Chính điều này đã không làm cho cán bộ nữ phát huy hết khả năng, sự cống hiến của mình.

Bà Vũ Thị Suất - Trưởng ban Tổ chức Thành ủy Sầm Sơn cho rằng: “Đối với Sầm Sơn, trong cân nhắc, bổ nhiệm, tôi không thấy có sự kỳ thị phân biệt với cán bộ nữ. Nữ cán bộ ở Sầm Sơn rất được tạo điều kiện để phấn đấu và cống hiến. Cán bộ nữ là những người có năng lực, trình độ và rất ít cán bộ nữ bị vi phạm”. Cũng theo bà Suất, nguồn cán bộ nữ ở thành phố Sầm Sơn không thiếu nhưng quy hoạch cán bộ nữ vào các chức danh chủ chốt thì nguồn rất hiếm.

Bà Nguyễn Thị Ngọc - Chủ tịch UBND xã Yên Bái (Yên Định) tại Lễ công bố xã đạt chuẩn NTM.

Xã Yên Bái là một trong số rất ít xã ở huyện Yên Định có nữ cán bộ làm lãnh đạo chủ chốt, có tỷ lệ nữ trong BCH đạt 23%. Chủ tịch UBND xã này là bà Nguyễn Thị Ngọc, nguyên Chủ tịch Hội phụ nữ xã. Trong 4 năm làm Chủ tịch UBND xã, bà Ngọc cũng đã tham mưu cho Ban Thường vụ, BCH Đảng bộ quan tâm ưu tiên, bổ nhiệm cán bộ nữ. Chính trong khoảng thời gian làm Chủ tịch Hội phụ nữ xã đã giúp cho bà Ngọc nắm rõ tiềm năng ở các thôn, chị em nào có năng lực, trình độ... Khi đưa ra xem xét là phải rà soát lại, sau đó chính bà Ngọc gặp gỡ riêng cá nhân để nắm bắt tâm tư, nguyện vọng.

Bà Ngọc cho biết: “Khi nắm được chị em đạt được 4 tiêu chí: năng lực, trách nhiệm, uy tín và điều kiện gia đình, nếu chị em có nguyện vọng tham gia thì tôi sẽ bảo vệ được. Tuy nhiên, tập thể ưu ái mà bản thân không có ý chí vươn lên thì cũng khó. Tôi luôn hướng đến nữ và trong tạo nguồn không thể thiếu cán bộ nữ. Tôi nói như vậy vì trong suốt thời gian làm Chủ tịch Hội Phụ nữ xã đến khi làm Chủ tịch UBND xã, điều thấy rõ nhất đó là cán bộ nữ ở Yên Bái luôn hoàn thành tốt nhiệm vụ và được đánh giá cao”...

Còn nhớ, tại một cuộc hội thảo được mang tên: “Thúc đẩy thực hiện mục tiêu về tăng cường sự tham gia của phụ nữ vào các vị trí lãnh đạo, quản lý”, ông Phạm Đăng Quyền - Phó Chủ tịch UBND tỉnh Thanh Hóa đã nói: “Nâng cao vị thế của phụ nữ trong lĩnh vực chính trị có vai trò quan trọng trong việc thực hiện mục tiêu bình đẳng giới vì sự tiến bộ của phụ nữ, là nền tảng cơ bản góp phần thúc đẩy phát triển kinh tế, xã hội trên toàn quốc cũng như trên địa bàn tỉnh Thanh Hóa”.

Và thực tế để đào tạo được một phụ nữ có đủ điều kiện, tiêu chuẩn tham gia quản lý, lãnh đạo đòi hỏi cần quan tâm, xây dựng quy hoạch, tạo nguồn cán bộ nữ, thực hiện quy hoạch gắn với đào tạo, bồi dưỡng và bố trí sử dụng cán bộ nữ đảm bảo yêu cầu phát triển liên tục, bền vững của đội ngũ cán bộ nữ, tránh tình trạng khi đại hội, bầu cử, bổ nhiệm mới tìm kiếm nhân sự. Đồng thời, chính sách bình đẳng giới cần phải cụ thể hóa trong từng ngành, từng địa phương, từng cơ quan, đơn vị; thể hiện rõ quyết tâm tăng cường sự tham gia của phụ nữ trong các vị trí lãnh đạo và quản lý, thu hẹp dần khoảng cách về giới trong hệ thống chính trị nhằm đạt được các mục tiêu Chiến lược quốc gia về bình đẳng giới trong giai đoạn hiện nay.

Theo số liệu thống kê, hiện nay, từ cấp tỉnh đến cấp xã ở Thanh Hóa có 598 cán bộ nữ giữ các chức vụ lãnh đạo, quản lý chủ chốt (trong đó cấp tỉnh có 1 Phó Chủ tịch UBND tỉnh; 27 người là Giám đốc, Phó Giám đốc các Sở và Trưởng, Phó các ban, ngành, đoàn thể cấp tỉnh; 87 người là Trưởng, phó phòng cấp Sở và tương đương. Cấp huyện, có 7 người là Bí thư, Phó Bí thư, Chủ tịch UBND huyện, 163 người là Trưởng, phó các phòng ban và tương đương cấp huyện; cấp xã, có 320 người là Bí thư, Phó Bí thư xã, phường, thị trấn).

Tỷ lệ nữ tham gia Quốc hội, HĐND các cấp nhiệm kỳ 2016 - 2021 tăng hơn so với nhiệm kỳ trước, có 4 người là đại biểu Quốc hội (tăng 9,83%), 17 người tham gia HĐND cấp tỉnh (tăng 4,07%); 257 người tham gia HĐND cấp huyện (tăng 4,22%); cấp xã có 3.085 người tham gia HĐND cấp xã (tăng 3,41%).

Hoàng Việt Anh


Hoàng Việt Anh

 {name} - {time}

 Trả lời

{body}
 {name} - {time}
{body}

0 bình luận

Ý kiến của bạn sẽ được biên tập trước khi đăng. Vui lòng gõ tiếng Việt có dấu
Chia sẻ thông tin với bạn bè!
Tắt [X]