(vhds.baothanhhoa.vn) - Tháng 5, nắng vàng rực rỡ xiên qua kẽ lá, ve râm ran gọi hè. Trong giấc ban trưa vội vàng, ta mơ màng thấy mình trở về những ngày hè của… “thời xa vắng”.

Nhớ thương những trưa hè…

Tháng 5, nắng vàng rực rỡ xiên qua kẽ lá, ve râm ran gọi hè. Trong giấc ban trưa vội vàng, ta mơ màng thấy mình trở về những ngày hè của… “thời xa vắng”.

Nhớ thương những trưa hè…

Trong cái nắng đầu hạ, ta hoang hoải nhớ thương những trưa hè thuở ấu thơ (Ảnh: Khánh Lộc)

Cũng vào những ngày hè nắng cháy. Ngày ấy, ở quê còn nhiều ao. Nên địa điểm không hẹn mà gặp của bọn trẻ trong xóm vẫn thường là ao làng. Sau bữa cơm trưa, đợi bố mẹ chợp mắt nghỉ ngơi trước giờ ra đồng buổi chiều, ta rón rén nhón chân khép hờ cánh cổng tre ra bờ ao nhà bà Xuyến. Nơi ấy, có cây sung già “ngả” mình trên mặt ao. Bọn trẻ vẫn thường men theo thân cây, ra đến giữa ao chỉ để ngồi thả chân trên mặt nước trong xanh, chơi trò đá nước. Có đứa mải vui không để ý, bỗng “ùm” - rơi tõm xuống ao, người ướt nhẹp. Vội chạy về nhà thay quần áo, nếu để người lớn “bắt gặp” kiểu gì cũng ăn thêm vài roi mây vì tội không nghe lời.

Chơi đá nước chán chê thì vặt sung chấm muối. Thường chỉ có muối trắng thêm quả ớt trộn đều bỏ vào lá chuối, thêm vài “dái” mít ra muộn, rồi mấy quả khế chua còn non. Nếu hôm nào có thêm gói bột canh mì tôm để chấm, cứ gọi là xuýt xoa, ngon thế nhỉ.

Rồi thì đi bắt chuồn chuồn. Trưa hè, chuồn chuồn cũng trú nắng ở rặng tre đầu làng, nên tìm bắt không khó. Có nhiều loại chuồn chuồn lắm, nào “chuồn chuồn kim, chuồn chuồn ngô, chuồn chuồn đá, chuồn chuồn ông voi…”. Không ai chỉ dạy, nhưng bọn trẻ như ta đều tự nhiên biết tên hết thảy các loại chuồn chuồn. Và ta, vô tâm chưa một lần tự hỏi, là ai đã đặt tên cho chuồn chuồn!

Ngoài mấy loại chuồn chuồn bay thấp và chậm chạp, nếu muốn bắt được mấy con chuồn chuộn to bự, màu sắc đẹp như chuồn chuồn “ông voi” thì cũng phải có đồ nghề và kỹ năng. Nói vậy cho sang, chứ thực ra, chỉ cần chiếc que “xương dừa” dính “nhựa” là đủ đi bắt chuồn chuồn. Còn nhựa dính lấy ở đâu? Chỉ cần rạch một đường nhỏ trên thân cây sung, cây mít cho nhựa trắng “ứa” ra, lấy lá hứng nhựa, để một lát dưới trời nắng, tự khắc keo dính, đủ cho cả bọn dùng. Ta cứ vô tư như vậy, mặc kệ những vết sẹo trên thân cây mỗi ngày thêm chằng chịt. Cây đau khi chảy nhựa, nhưng có lẽ cây chẳng trách bọn trẻ ngây dại chúng ta ngày ấy…

Những trưa hè nóng nực, cảm giác trốn mẹ đi câu cá cùng đám bạn trong xóm cũng thật thú vị. Gọi là đi câu, nhưng đơn giản lắm. Chiếc cần câu bằng ngón tay được chặt từ một nhánh của cây tre già, dùng dao đánh sạch sẽ. Mồi câu cũng đơn giản vô cùng. Chỉ cần lật vài phiến đá ẩm trong vườn, tha hồ bắt “trùn” làm mồi cho cá. Nhưng đó là với mấy loại cá “đòng đong, lia thia, hay rô bưởi”, chứ cá to hơn thì lại phải trộn cám gạo với chút mẻ cho dẻo. Nói chung, mồi nào thì cá đấy. Nhưng thú thực, cảm giác vừa thả mồi câu xuống mặt nước, bọn cá ham ăn lao vào tranh mồi khiến cần rung rung, dù giật lên chỉ là chú cá lia thia bé tí tẹo cũng khiến ta thích thú vô cùng.

Nhưng trưa hè tuổi thơ không chỉ có đi chơi. Ta đã biết ra đồng phụ bố đẩy xe thồ lúa nặng đầy về nhà. Rồi thì phơi rơm trên con đường làng giúp mẹ. Công việc phơi rơm cũng nhọc nhằn lắm. Phải tranh thủ khi trời còn nắng, thường xuyên “gảy” thì mới mong khô. Gặp hôm nào cơn mưa giông ngày hè đến bất chợt, ướt rơm, ướt lúa… buồn đến nẫu ruột.

Lại nói đến việc phơi lúa, có một kỷ niệm mà ta mãi không quên. Lần ấy, bố mẹ ra đồng gặt nốt sào ruộng còn dở, 3 chị em ở nhà được giao nhiệm vụ phơi lúa. Trời đang nắng chang chang bỗng đâu cơn giông kéo đến, mới chỉ xúc được dăm mủng lúa lên hè thì mưa như trút nước… Những đứa trẻ bất lực nhìn cả sân lúa ướt hết. Còn chưa hết sững sờ, đứa em út ở trên hè la lên: “Chị ơi, mưa trôi cả lúa ra vườn hết rồi”. Không còn cách nào khác, ta đành phải lấy nắm rơm cuộn chặt, “nút” lỗ nước chảy từ sân xuống vườn…

Thấm thoát thời gian, những kỷ niệm ngày thơ lùi dần vào quá khứ. Ta không biết cây sung già ngày ấy đã bị chặt bỏ từ bao giờ, ao làng cũng dần biết mất; trên con đường làng giờ đây cũng chẳng còn ai phơi rơm, rạ nữa. Trẻ con trong làng ngày nay cũng không còn biết đến mấy trò chơi trẻ thơ con của bố mẹ chúng. Rồi thì, lũ chuồn chuồn cũng không biết đã rủ nhau đi trốn ở đâu nữa…

Dường như, chỉ còn nắng… ở lại. Nắng chói chang, nắng bỏng rát, nắng đến mức khiến những ngày hè đến, người ta chỉ muốn… trốn nắng. Và ta cũng vậy. Trong cái nắng đầu hạ mệt nhoài, ta hoang hoải nhớ về những ngày hè xưa cũ…

Khánh Lộc


Khánh Lộc

 {name} - {time}

 Trả lời

{body}
 {name} - {time}
{body}

0 bình luận

Ý kiến của bạn sẽ được biên tập trước khi đăng. Vui lòng gõ tiếng Việt có dấu
Chia sẻ thông tin với bạn bè!
Tắt [X]