(vhds.baothanhhoa.vn) - Thực tế là “chất liệu” cho hành trình sáng tạo tác phẩm văn học nghệ thuật (VHNT). Từ thực tiễn được ghi nhận, mỗi người cầm bút nói được điều gì với công chúng, ghi dấu ấn trong lòng công chúng và bền bỉ sức sống ở đó lại là tổng hòa của rất nhiều yếu tố. Nhưng dẫu có thế nào đi chăng nữa, cuối cùng, VHNT vẫn phải được cất cánh bay lên từ thực tế, thấm đẫm hơi thở thời đại, hướng đến giá trị chân - thiện - mỹ...

Những chuyến đi khơi nguồn cảm hứng sáng tạo cho văn nghệ sĩ

Thực tế là “chất liệu” cho hành trình sáng tạo tác phẩm văn học nghệ thuật (VHNT). Từ thực tiễn được ghi nhận, mỗi người cầm bút nói được điều gì với công chúng, ghi dấu ấn trong lòng công chúng và bền bỉ sức sống ở đó lại là tổng hòa của rất nhiều yếu tố. Nhưng dẫu có thế nào đi chăng nữa, cuối cùng, VHNT vẫn phải được cất cánh bay lên từ thực tế, thấm đẫm hơi thở thời đại, hướng đến giá trị chân - thiện - mỹ...

Những chuyến đi khơi nguồn cảm hứng sáng tạo cho văn nghệ sĩBan LLPB, Hội VHNT Thanh Hóa đi thực tế sáng tác tại Di tích lịch sử cách mạng nhà mẹ Tơm (Hậu Lộc). Ảnh: Trần Đàm

Đại văn hào Balzac từng nhận định: “Nếu văn học là tấm gương phản chiếu đời sống xã hội thì nhà văn chính là thư ký của thời đại”. Và như vậy, hiểu theo cách đơn giản nhất, để trở thành người “thư ký của thời đại”, điều kiện cơ bản nhất là phải có sự am tường, thông tỏ, sống và nghĩ hết mình với từng sự kiện, từng diễn biến của thời đại ấy, không thể tách rời.

Trở lại văn đàn Việt, nhà văn Nguyễn Minh Châu từng thẳng thắn chia sẻ: Trong nghề văn có hai loại: một loại phải đi nhiều, tiếp xúc với thực tế đời sống rồi viết, và viết được nhiều... Có loại thì đời sống, tiếp xúc chỉ là một chi tiết, một sự gợi ý hay dựng vấn đề. Còn thì tất cả mọi loại nhân vật, mọi tình cảnh, mọi tư tưởng đều đã có sẵn trong cuộc sống tinh thần, tư tưởng của họ. Trí tuệ họ có sẵn một thế giới mà khi viết họ xé lẻ ra trăm ngàn mảnh nhỏ để tác động, đối thoại, đối diện, đấu tranh với nhau. Không cần đi thực tế, không cần phải tiếp xúc với ai, họ vẫn có thể viết, viết suốt đời. Cuộc sống đi vào họ theo một con đường khác... Với Nguyễn Minh Châu, chúng ta được biết về những biên độ rộng hơn của thực tế đối với hoạt động sáng tác. Thực tế ấy không chỉ bó hẹp trong đời sống mà còn là những gì diễn ra xung quanh tinh thần, tư tưởng của họ. Dẫn luận như thế để chúng ta thống nhất với nhau một điều rằng: Vai trò của thực tế sáng tác vẫn là điều không thể phủ nhận trong lĩnh vực VHNT. Với VHNT xứ Thanh, hoạt động thực tế sáng tác luôn được quan tâm, chú trọng, từ cấp hội, các ban chuyên ngành cho đến từng cá nhân văn nghệ sĩ (VNS), từ đó khơi nguồn cảm hứng để sáng tác nên những tác phẩm chất lượng.

Trong những năm qua, Hội VHNT Thanh Hóa thường xuyên tổ chức cho 11 ban chuyên ngành đi thực tế sáng tác. Giai đoạn 2017 - 2022, hội tổ chức gần 70 chuyến đi đến các địa phương trong và ngoài tỉnh. Kết quả có gần 500 tác phẩm thơ, ký, truyện, tranh, ảnh, nhạc được sáng tác và đăng tải, quảng bá trên các phương tiện thông tin truyền thông của Trung ương và địa phương.

Cùng với đó, hội quan tâm, chú trọng đến việc tổ chức trại sáng tác, từ đó các hội viên được bổ sung, cập nhật kiến thức chuyên môn, nghiệp vụ, chia sẻ kinh nghiệm sáng tác và được gần gũi với cơ sở, khơi nguồn cảm hứng sáng tạo. Năm 2022, lần đầu tiên, Tạp chí Văn nghệ Xứ Thanh tổ chức “Trại sáng tác VHNT nâng cao chất lượng tạp chí”. Đây là trại sáng tác đa lĩnh vực, hội tụ gần 30 người được lựa chọn từ các ban chuyên ngành Hội VHNT Thanh Hóa, trong đông đảo đội ngũ cộng tác viên của tạp chí. Các thành viên tham dự trại sáng tác được đến tham quan và thâm nhập thực tế ở 2 huyện Bá Thước và Ngọc Lặc, những vùng đất lắng đọng chiều sâu lịch sử - văn hóa, nhiều tiềm năng, lợi thế cho phát triển du lịch của miền Tây xứ Thanh. Trước bối cảnh còn nhiều khó khăn, thử thách, đây là một trong những nỗ lực, thể hiện sự năng động, sáng tạo, quyết tâm của ban lãnh đạo tạp chí với mong muốn lớn nhất là tạo điều kiện, khơi nguồn cảm hứng sáng tác để tìm kiếm được những tác phẩm hay, góp phần quảng bá vẻ đẹp đất và người, những thành tựu kinh tế - xã hội của địa phương.

Trở về từ chuyến đi thực tế cùng các thành viên Ban Lý luận phê bình (LLPB), Hội VHNT Thanh Hóa tại các huyện: Hoằng Hóa, Hậu Lộc, nhà LLPB Trịnh Vĩnh Đức đã trải lòng trên trang viết: “Những chuyến đi thực tế có ý nghĩa lớn đối với người viết. Vì ở đó, chúng ta có thể khai thác được tư liệu địa phương mới có, khám phá những tấm gương điển hình, những hoàn cảnh số phận của con người trong đời sống xã hội để có cái nhìn biện chứng trong thế giới quan khi nhìn nhận đánh giá sự vật và hiện tượng. Mục đích, ý nghĩa của chuyến đi thực tế còn là khơi nguồn cảm hứng, kích thích sự sáng tạo cho VNS, giúp VNS tiếp cận được thông tin từ nhiều chiều, khách quan hơn, từ đó có cơ sở, cứ liệu chính xác để viết bài”.

Là một người ham học hỏi, đam mê viết, ông Trịnh Vĩnh Đức đã đặt chân đến nhiều nơi trên địa bàn tỉnh Thanh Hóa. Từ miền núi xa xôi đến vùng đồng bằng, ven biển, mỗi điểm đến, mỗi người đã từng gặp đều để lại trong lòng ông những ấn tượng khó quên. “Sau những chuyến đi ấy tôi càng thấm thía rằng đi thực tế là cơ sở quan trọng để tạo nên cảm hứng sáng tạo, là nguồn thu thập tư liệu hiệu quả nhất, giúp cho bài viết sinh động, có cái nhìn sâu hơn về nơi ấy”, nhà LLPB Trịnh Vĩnh Đức cho biết.

Bằng tất cả tình cảm yêu mến, lòng nhiệt thành và tâm huyết, nhà thơ Phong Lan đã định vị “thương hiệu” của mình trong đời sống VHNT xứ Thanh với hơn 1.000 bài thơ viết về biên giới, lực lượng biên phòng. Nhà thơ Phong Lan chia sẻ: “Mình may mắn được đi nhiều và cũng chịu khó đi nhiều nên bản thân được trải nghiệm thực tế muôn sắc màu, sinh động nhất như nó vốn có. Hơn 1 nghìn bài thơ bao gồm đã xuất bản và chưa xuất bản đều là kết quả của những chuyến đi dọc miền biên giới, là đúc kết từ việc cùng ăn, cùng ở, cùng làm với bà con và những người lính biên phòng khắp dải biên cương”.

Khi được hỏi về chuyến đi thực tế để lại ấn tượng sâu sắc, nhà thơ Phong Lan cười nói: “Nhiều lắm và thật khó để chọn lựa”. Bởi lẽ, với chị, mỗi miền đất, mỗi đồn biên phòng, mỗi bản làng đều có những đặc thù, ấn tượng, kỷ niệm riêng, để lại dấu ấn, kỷ niệm khó phai trong lòng. Chuyến đi thực tế đầu tiên của Phong Lan là ở vùng biên giới Đắk Nông kéo dài 1 tháng. Nơi đây bà con đồng bào còn rất nghèo, họ theo chế độ mẫu hệ và có những tập quán sinh hoạt, văn hóa truyền thống rất thú vị. Phong Lan chia sẻ: Bà con đã nhiệt tình giúp đỡ chúng mình, dạy những thói quen sinh hoạt của bà con. Khi đã quen rồi thì coi như người nhà, chia nhau từng ngọn lửa nhà rông đêm rét, để dành cho từng chùm quả rừng chua chua, đọt măng rừng hăng nồng... Trong 1 tháng đó, chúng mình đã kết hợp cùng bộ đội biên phòng làm đường, làm nhà cho bà con, dạy học cho trẻ em, thực hiện công tác đền ơn đáp nghĩa, tuyên truyền pháp luật, khám chữa bệnh phát thuốc, tặng quà nhu yếu phẩm, sửa chữa điện gia đình, phát quang đường tuần tra biên giới, tổ chức các hoạt động biểu diễn văn nghệ phục vụ bà con, đi thăm cột mốc... Sau này, mình có thêm nhiều chuyến đi như thế ở trong và ngoài tỉnh Thanh Hóa nhưng dấu ấn về “cái thuở ban đầu ấy” thật lưu luyến, khó quên.

Nhà văn Nguyễn Minh Châu từng nói: “Trong nghề viết rất cần có một trí tuệ năng động. Một đầu óc ù lì, trơ nhẵn để cho mọi sự trôi qua không in lại được dấu vết gì, không suy nghĩ, làm giàu có hơn vốn sống của mình. Đó là một điều đáng sợ. Tính năng động không chỉ tiếp nhận những sự kiện đời sống một cách sắc sảo mà còn phải biết giữ nó lại, đào sâu những ý nghĩa góc cạnh của nó và còn làm cho nó nở xòe ra thành những cái gì mới mẻ, sâu sắc của riêng mình”. Đó vừa là mục tiêu, ý nghĩa quan trọng nhất của hoạt động thực tế sáng tác. Và chính nó cũng là đích đến, là trách nhiệm lớn lao nhất dành cho mỗi người cầm bút. Phải làm sao để điều còn lại cuối cùng sau những chuyến đi thực tế ấy là tên tuổi, tác phẩm sống mãi với thời gian?

Nguyên Linh



 {name} - {time}

 Trả lời

{body}
 {name}- {time}
{body}

0 bình luận

Ý kiến của bạn sẽ được biên tập trước khi đăng. Vui lòng gõ tiếng Việt có dấu
Chia sẻ thông tin với bạn bè!
Tắt [X]